Việt Nam Thời Báo

VNTB – Tây nguyên

Nguyễn Thị Hậu

 

(VNTB) – Ký ức về một Tây Nguyên hồn nhiên, thanh sạch và thấm đẫm tình người, tình rừng… lẽ nào chỉ còn trong những tập khảo cứu người Pháp để lại từ gần trăm năm trước?

 

Nay, người ta phá rừng không chỉ vì tiền, mà còn vì rừng không phải là ký ức của họ.

Tây Nguyên có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, quân sự, an ninh, là vùng giàu tiềm năng về văn hóa truyền thống Đông Nám Á… được coi là “xương sống” và “nóc nhà” của bán đảo Đông Dương.

Là một trong những khu vực phong phú và giàu có nhất của hệ sinh thái phổ tạp nhiệt đới, ở Tây nguyên có thảm thực vật nguyên sinh nhiều kiểu rừng được bảo tồn hàng triệu năm nhờ các khối núi cao và địa hình chia cắt mạnh.

Thống kê vào năm 1974 cho biết tại đây có khoảng 3.600 loài thực vật bậc cao trong đó có nhiều loại rất quý bao gồm cả thân gỗ và nhiều loại dược liệu. Với vị trí trung tâm của Đông Dương, Tây nguyên là nơi gặp gỡ của nhiều nhóm động vật có nguồn gốc khác nhau, phong phú và đa dạng về giống loài: hàng ngàn loài động vật nước ngọt, bò sát, chim và trên 100 loài thú trong đó có nhiều thú quý hiếm.

Điều kiện tự nhiên, khí hậu, môi trường cảnh quan Tây nguyên là “cái nôi” cho cuộc sống và văn hóa của các tộc người nơi đây phát triển và bảo tồn qua hàng ngàn năm lịch sử.

Trước năm 1975 Tây nguyên như là một vùng đất ngủ yên trong sự quên lãng về lịch sử, có chăng chỉ được nhắc nhớ trong vài tập khảo cứu về Nhân học của một số tác giả người Pháp, còn về khảo cổ học thì đây là “vùng đất trắng”.

Lịch sử một vùng đất được đánh dấu bởi sự xuất hiện của con người, theo đó Tây nguyên có lịch sử từ thời đá cũ cách đây chừng 300 ngàn năm. Đến nay ở Tây nguyên phát hiện được trên 100 di chỉ khảo cổ học thời tiền sử và sơ sử, đã khai quật hơn 20 di tích lớn như Lung Leng (Sa Thầy, Kon Tum), Biển Hồ (Play-cu, Gia Lai…).

Đã tìm thấy hàng chục ngàn công cụ đá, hàng triệu mảnh gốm chum, vò, hàng trăm công cụ kim loại và nhiều dấu tích cư trú, mộ táng, lò luyện kim… Ngoài ra gần đây còn tìm thấy hàng chục trống đồng lớn nhỏ “kiểu Đông Sơn”, những bộ đàn đá, đá kêu rất độc đáo… Đây là nguồn sử liệu cho phép chúng ta phác dựng bức tranh văn hóa và cảnh quan môi trường tiền sử Tây Nguyên.

Những sưu tập di vật khảo cổ học bằng các chất liệu ở Tây nguyên cho biết mối quan hệ sâu sắc và bền chặt giữa “người và rừng” Tây nguyên: từ bao đời rừng là sở hữu của cộng đồng, con người thuộc về cộng đồng buôn làng và thuộc về rừng, làng ở đâu cũng gần rừng, làng chuyển đi đất lại trở thành rừng, đốt rẫy làm nương rồi đi tìm rẫy mới đất bỏ hoang lại trở thành rừng…

Người Tây nguyên “ăn rừng” vừa đủ, không ăn phí phạm, ăn biết dành lại cho người sau không vừa ăn vừa phá. Sống với rừng, chết làm “ma” trong nhà mồ giữa rừng, sau lễ “bỏ ma” con người  trở lại với rừng, thiên nhiên.

Rừng là ký ức di truyền và luôn hiện hữu trong mỗi người Tây Nguyên. Có thể nói nếu người ở đồng bằng sống chết với đất, vì đất, thì người Tây nguyên sống chết với rừng, vì rừng.

Mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên càng bền chặt bao nhiêu thì lối sống, tâm thức con người càng hài hòa, hướng thiện bấy nhiêu.

Bảo tồn sự đa dạng của môi trường cảnh quan, bảo tồn những loài động thực vật quý hiếm không chỉ là bảo vệ thiên nhiên, mà đó chính là bảo tồn sự đa dạng của văn hóa, sự giàu có của tài nguyên, và qua đó là bảo vệ sự đa dạng và giàu có của con người và văn hóa Tây nguyên, văn hóa Việt Nam.

Mỗi lần trở lại Tây Nguyên thấy rừng ngày càng ít, văn hóa bản địa càng ẩn sâu hơn trong tâm thức người Tây Nguyên. Ký ức về một Tây Nguyên hồn nhiên, thanh sạch và thấm đẫm tình người, tình rừng… lẽ nào chỉ còn trong những tập khảo cứu người Pháp để lại từ gần trăm năm trước?

Buôn Mê Thuột 19-4-2021


Tin bài liên quan:

VNTB – Tỉnh Bình Thuận không “phá rừng” để làm dự án hồ Ka Pét

Do Van Tien

VNTB – Tây Nguyên: Nước mắt và Máu (bài 2)

Do Van Tien

VNTB – Khi doanh nghiệp và nhà nước địa phương cùng ‘lách’ luật

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo