Phùng Hoài Ngọc
(VNTB) – Nhìn người lại ngẫm đến ta
Lời dẫn
Tham nhũng*[1] và lạm quyền là căn bệnh cố hữu của chế độ phong kiến phương Đông cũng như phương Tây. Tham nhũng là gốc của lạm quyền. Để đạt được tham vọng, bọn họ phải duy trì độc tài chính trị để có thể lạm quyền thoải mái. Giới trí thức tinh hoa phương Tây sau nhiều thế kỷ đã tìm ra giải pháp hưũ hiệu nhất: chế độ cộng hòa dân chủ và cấu trúc tam quyền phân lập. Cuộc cách mạng Pháp 1789 là cột mốc đánh dấu thắng lợi cơ bản nhất của quá trình cách mạng vĩ đại của phương Tây và nhân loại sau cả nghìn năm trung cổ.
Trong suốt nghìn năm ấy, chế độ phong kiến Phương Tây cũng mắc bệnh tham nhũng song song với sự vi phạm nhân quyền, dân quyền. Tuy nhiên giới trí thức phương Tây đã tìm cách điều trị hai bệnh tật đó sau gần 4 trăm năm với giải pháp cơ bản của cuộc Đại cách mạng Pháp 1789.
Lịch sử thế giới đã chứng minh và thể nghiệm giải pháp ấy rõ ràng. Thế mà còn có những người bảo thủ ngoan cố, ưa ngụy biện cố đấm ăn xôi tìm cách chứng minh bằng cách “đảng lãnh đạo, phê và tự phê, học tập tấm gương của vị này vị kia”. Nếu buộc phải áp dụng kỷ luật thì vòng vo lươn lẹo, tự che chở cho phe phái đặng giữ nó khỏi tan vỡ. Cuối cùng lãnh tụ than phiền vu vơ “chống tham nhũng là TA ĐÁNH TA, khó lắm!” và không có giải pháp gì hơn. Tuy nhiên lời than thở đó vô hình trung có ý nghiã tự thú: bản chất của chế độ “TA” không thể tách rời tham nhũng lạm quyền.
Giai cấp thống trị phong kiến Trung Hoa và Việt Nam ngày xưa cũng nghĩ ra trăm phương nghìn kế để chống tham nhũng nhưng đều bó tay. Cố gắng lắm cũng chỉ hạn chế phần nào, từng nơi từng lúc. Bên cạnh hình luật xử nặng tội tham nhũng, họ cũng dùng biện pháp tổ chức là “luân chuyển quan chức”. Họ cũng dùng biện pháp học tập thánh hiền. Nêu cao gương vua sáng tôi hiền trong cổ sử như vua Thuấn vua Vũ vua Thang. Học tập tư tưởng đạo đức qua sách thánh hiền như Khổng tử… Thực tế là số quan chức liêm khiết chỉ là số ít ỏi nhờ dựa vào trình độ giác ngộ đạo đức thánh hiền.
Có thể khẳng định, chế độ phong kiến đã bó tay bất lực trước nạn tham nhũng như là một căn tính. Tuy nhiên trong quá khứ họ chưa bao giờ chịu thừa nhận bất lực chỉ vì sợ mất thể diện chứ không phải ý chí quyết tâm diệt trừ tham nhũng. Họ chỉ dùng những biện pháp câu giờ, được tới đâu hay tới đó.
Ông TBT Nguyễn Phú Trọng từng đúc kết “tham nhũng đe dọa sự tồn vong của chế độ” (chế độ cộng sản)”. Điều này vô hình trung ông đã tự thú: chế độ cộng sản mang bản chất chế độ phong kiến.
Suy luận theo logic hình thức: bởi vì các chế độ CS mang mẫu số chung là chế độ phong kiến, một dạng chế độ phong kiến biến tướng, hiện đại hóa. Cựu chủ tịch quốc hội Nguyễn Văn An đã lập ngôn để đời với câu “Bộ chính trị là 14 ông vua tập thể”.
TRUNG QUỐC là nước tiêu biểu về chế độ phong kiến tham nhũng, kéo dài từ truyền thống đến hiện đại.
Coi lại sử Trung Quốc “Đại thảm án chống tham nhũng chấn động thời nhà Minh”
Vào thời kỳ đầu của nhà Minh, có đến 45.000 người bao gồm các công thần, quan lại lớn nhỏ chết dưới tay hoàng đế Chu Nguyên Chương trong đại thảm án xóa sổ “nạn tham nhũng”.
Thời kỳ đầu triều đại nhà Minh là quãng thời gian hoạt động chống tham nhũng diễn ra tương đối hiệu quả nhưng song song cũng là những cuộc thanh trừng gây rúng động lịch sử Trung Hoa. Do việc này mà Minh thái tổ Chu Nguyên Chương (1328-1398) còn lưu danh thiên hạ là một người tàn bạo khét tiếng.
Theo Kỳ Liên Hải nhà nghiên cứu sử học nổi tiếng Trung Quốc, Minh triều là một vương triều khá đặc thù. Chu Nguyên Chương không biết chữ mà giành được thiên hạ trong tay, ông ta cần phải dựa vào hai nhóm- văn thần và võ tướng. Văn thần là những người sau này mới được Minh Thái tổ dùng đến, còn các võ tướng hầu hết đều là bạn đồng niên, đồng hương, lớn lên cùng Chu Nguyên Chương từ nhỏ (tỉnh Giang Tô) và những người bạn ở tỉnh An Huy (nơi ông đi khất thực và tu hành ba năm). Khi dấy binh thu phục thiên hạ, những người này cùng chung lòng hợp sức, phối hợp rất ăn ý. Tuy nhiên, khi đã trị vì thiên hạ, văn thần võ tướng đều bị “hảo huynh đệ họ Chu” giết hại không nương tay.
Trong 14 năm, Chu Nguyên Chương đã hạ lệnh giết hơn 45.000 người dưới danh nghĩa diệt trừ quan tham và những kẻ có âm mưu tạo phản. Tuy nhiên động cơ thực chất là thanh trừng nội bộ đẫm máu để bảo vệ ngai vàng cho bản thân và dòng họ.
Đây chính là nguồn cơn sâu xa dẫn đến sự xuất hiện của Hồ Lam chi ngục(hai vụ án chính trị kinh thiên động địa dưới triều đại nhà Minh xoay quanh hai công thần là Hồ Duy Dung và Lam Ngọc). Trong lịch sử Trung Quốc kéo dài hàng ngàn năm, đây được đánh giá là vụ án tham nhũnglớn nhất nhưng cũng là cuộc thanh trừng tàn khốc nhất với số người bị giết nhiều nhất.
“Dân tố cáo, được quyền bắt và áp giải quan lại”
Dân được quyền tố cáo quan lại thoải mái mà không bị truy tội, kể cả tố cáo sai là hiện tượng từng tồn tại trong lịch sử Trung Quốc. Hiện tượng cực đoan đó phải kể đến thời kỳ Chu Nguyên Chương trị vì thiên hạ.
Vua Minh ra quy định mang tính “dân chủ” cao: bất cứ người dân nào, chỉ cần cảm thấy quan lại có hành vi tham ô, dù không có chứng cứ cụ thể, cũng có thể tập trung một nhóm người, áp giải viên quan ấy lên kinh thành giao triều đình xử lý. Và trên thực tế, đã có nhiều quan lại từng bị dân áp tải vào kinh thành luận tội. Phương pháp cực đoan “dân chủ” này thực ra là vô thiên vô pháp, gây rối loạn, và nhiều khi bất khả thi, chỉ đem lại được cái tiếng tốt cho vua chúa.
Quan chức Minh triều là những người nghèo nhất trong lịch sử thế giới ?
Quan chức Minh triều có lẽ là những người nghèo nhất trong lịch sử thế giới từ trước đến nay, với đồng lương ít ỏi. Vì sao lương quan chức lại thấp ? Vì. nhà Minh mị dân, tuyên bố rằng quan chức làm việc vì danh dự, không cần quyền lợi. Làm quanlà một dạng tín ngưỡng “cao cả”…Tuy nhiên, những vấn đề cực đoan ngày càng nảy sinh nhiều, đẩy cái gọi là “tín ngưỡng làm quan”ban đầu vào quá khứ. Những người làm quan ham muốn lợi ích của mình mà không ngần ngại hãm hại người khác, bỏ qua “tín ngưỡng”. Rút cục nghịch lý là quan lại lương bổng thấp nhưng đều giàu có !
Điển hình nhất là vào những năm cuối của Minh triều, đã xảy ra cuộc tranh giành quyền lợi giữa “ngũ đảng” trong triều đình. Mỗi đảng đều muốn bảo vệ lợi ích của riêng mình, nên sau nhiều lần phân chia, tổ hợp, cuối cùng dồn lại 2 đảng phái lớn là Yêm đảng và Đông Lâm đảng. Vì quyền lợi sát sườn, Đông Lâm đảng không cho Hoàng đế thu thuế của các doanh nghiệp công thương. Mọi sưu cao thuế nặng từ đó dồn lên đầu người nông dân.
Chính vì lẽ đó mà các sử gia nhận định đơn giản: sự diệt vong của Minh triều chính là do những phần tử trí thức tạo nên đa đảng. Nếu không, triều đại này có thể tồn tại được lâu hơn nữa chứ không dễ dàng để đất nước rơi vào tay thủ lĩnh Lý Tự Thành.
THỜI TRUNG CỘNG, GIAI ĐOẠN TBT GIANG TRẠCH DÂN LÀ “THAM NHŨNG NHẤT”
Chế độ Giang Trạch Dân
Ông Nguyễn Minh, người soạn diễn văn cho cựu Tổng bí thư ĐCSTQ Hồ Diệu Bang, viết: “Tôi cho là thời kỳ Giang Trạch Dân nắm quyền là thời kỳ tham nhũng nhiều nhất trong lịch sử Trung Cộng”,- nhà sử học Nguyễn Minh đã bất ngờ phát biểu trong một cuộc phỏng vấn mới đây với truyền thông Trung Quốc. Ông là một chuyên gia về cộng sản Trung Quốc và là tác giả của 2 cuốn sách, Hồ Diệu Bang tại những bước ngoặt lịch sử(1991) và Đặng Tiểu Bình: Biên niên sử của một triều đại (1992), giải thích: “Tôi nghĩ rằng mục tiêu ban đầu của Đặng Tiểu Bình là ‘Để cho một số người làm giàu trước’. Tuy nhiên, tôi tin rằng mục đích chính yếu của Đặng về lý thuyết là phân bố của cải cho mọi người dân Trung Quốc một cách bình đẳng.” Ông nói với Lịch sử Minh Kính, một nhà xuất bản bổ sung của Mirror Books, có trụ sở tại Hong Kong, hồi tháng 6.
Nguyễn Minh là một nhà khoa học và bình luận gia về chính trị, đã từng là cố vấn cao cấp và là người soạn diễn văn cho cựu tổng bí thư Hồ Diệu Bang, và đã làm việc với Hồ Cẩm Đào. Ông đã trở thành công dân Đài Loan và trong năm 2004 là cố vấn chính sách quốc gia cho nguyên tổng thống Trần Thuỷ Biển.
30 năm chống tham nhũng thời Trung Quốc cộng sản
Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy từng là lãnh sự ở Trung Quốc đã dày công nghiên cứu về các cuộc chống tham nhũng ở Trung Quốc hiện đại. Ông viết:
Đến tháng 12 năm nay (2008) công cuộc cải cách mở cửa của Trung Quốc vừa tròn 30 năm. Mặt trận chống tham nhũng tuy cất bước chậm hơn một chút so với những lĩnh vực khác nhưng không hề bị xem nhẹ, ngược lại càng ngày càng được các cấp đảng, chính quyền, các thế hệ lãnh đạo và toàn thể dân chúng Trung Quốc quan tâm chú ý. Nhận thức về tầm quan trọng của công cuộc chống hủ bại ngày được nâng cao, nhiều chủ trương, chính sách và đạo luật chống hủ bại của đảng và của chính quyền đã được ban hành (và chắc chắn sẽ còn tiếp tục được ban hành), nhiều biện pháp giáo dục phòng chống hủ bại đã được thực thi, nhiều vụ án xử lý những người vi phạm từ cấp cao nhất tới những nhân viên bình thường với những khung hình phạt nặng nhất như xử tử hình, tù chung thân… đã được thi hành…
Thế nhưng, xem ra hiệu quả chống tham nhũng vẫn chưa đạt được mong muốn.
Qua những cuộc suy vong của hàng chục triều đại phong kiến, những người lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc từ Mao Trạch Đông đến Đặng Tiểu Bình cũng như các thế hệ lãnh đạo sau này, đều thấy hủ bại chính là nguyên nhân dẫn tới sụp đổ chính quyền thống trị, nhất là sau khi Liên Xô tan rã, họ càng thấy nguy cơ của tham nhũng không trừ một ai dù là “chủ nghĩa xã hội ưu việt” với sự lãnh đạo của Đảng cộng sản ! Vì vậy càng về sau, tầm quan trọng của việc chống tham nhũng càng được nâng cao, càng được coi trọng.
Tuy nhiên, tình hình dường như không có tiến triển tốt.
Để kết luận, xin trích mấy lời của Ngô Quan Chính nguyên Uỷ viên thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Uỷ ban Kỷ luật Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc khóa 16 khi kết thúc nhiệm kỳ về một việc mà ai cũng tưởng là dễ làm:
“Việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ bị các thế lực chống cự, phản đối chống lại khá ngoan cố. Các năm 2003, 2005 định làm trong ban lãnh đạo cấp tỉnh tại Thượng Hải, Thiên Tân, Quảng Đông, Giang Tây nhưng cuối cùng phải ngừng lại với lý do khó có thể thi hành được (thực chất là cán bộ đảng chính quyền chống cự dữ dội, dùng cách lãn công tiêu cực, làm cho cục diện chính trị bê bết để đối phó v.v.) Trong kê khai nội bộ ở Thượng Hải, cán bộ trung cao cấp thành phố và cấp Sở có tới 90% người có tài sản từ 10 triệu NDT trở lên….
KẾT
Trung cộng và Việt Nam đều có chủ trương chống tham nhũng, nhưng hãy xem động cơ là gì, phương pháp có đủ mạnh không.
Cả hai đều lo sợ tham nhũng làm hủy hoại uy tín của Đảng cộng sản. Vì thế làm sao che chắn là chính, bên cạnh đó chỉ xử lý tham nhũng theo hướng loại trừ kẻ không cùng phe cánh.
Cả hai đảng đều chỉ lo giữ thể chế, GIỮ BÌNH QUÍ.
Cả hai đều thiếu động cơ VÌ NHÂN DÂN.
VÌ thế họ loay hoay các phương pháp cũ mà chế độ phong kiến đã từng thất bại.
Một là biện pháp tổ chức “luân chuyển cán bộ”. Họ hi vọng với không gian tách biệt, khu biệt sẽ khiến quan địa phương khó keó bè kết cánh (như thời phong kiến). Họ đã lầm vì phương tiện liên lạc ngày nay hiện đại tối tân, không gian cách trở không thể ngăn cản các nhóm lợi ích. Bên cạnh quan hệ thân tộc, ngày nay nảy ra quan hệ NHÓM LỢI ÍCH, bất kể không gian và quan hệ gia đình dòng họ.
Hai là biện pháp tổ chức giáo dục cán bộ bằng tấm gương tư tưởng đạo đức của lãnh tụ tinh thần (chỉ là bình phong). “Tấm gương” nghĩa là phải trông thấy tận mắt. Như con cháu theo tấm gương ông bà cha mẹ, thầy cô bạn hữu. Không thể hữu dụng một tấm gương trừu tượng được gia công tô vẽ và dối trá.
Ba là dùng hình phạt. Điểm này còn thua kém cả chế độ phong kiến: hình phạt theo hướng giảm nhẹ tối đa cho cán bộ lãnh đạo và công an phạm tội.
Chế độ cộng sản còn có một nhược điểm chung tương tự nhà Minh: chế độ lương bổng không cao dành cho cán bộ lãnh đạo. Tại sao? Vì họ muốn nêu cao tính “lý tưởng cộng sản”: Cán bộ suốt đời vì nhân dân, đồng cam cộng khổ với nhân dân (!). Tiếc thay, “lý tưởng” đó thất bại thảm hại trong thực tế các nước cộng sản cầm quyền. Vì thế, tham nhũng là tất yếu và bất khả đẩy lùi.
Cả hai đảng đều kiêng sợ không dám vượt lằn ranh: chấp nhận đa đảng và thiết chế tam quyền phân lập.
[1] . Tham nhũng: 貪宂. Tham 貪: gồm 2 thành phần, trên là 令 lệnh (quyền lực) dưới là 貝(của cải, tiền bạc). Lòng tham nảy sinh khi có quyền lực và dùng nó để đoạt được mục tiêu (Khác với lòng tham căn tính của con người theo quan điểm nhà Phật, trong đó lòng tham vô hại nhất là tham lam chẳng hại ai cả, chỉ thiệt thân mình). Nhũng 宂: cái thừa không ích gì cả, không cần thiết. Tham nhũng khiến người ta phải uổng phí công sức tiền bạc và tinh thần để đạt được mục tiêu chính đáng. Nhũng là biện pháp thỏa mãn lòng tham.