VNTB- Thẩm phán có được trao quyền xét xử độc lập ở Việt Nam?

Trần Thành

(VNTB) – Thẩm phán có được trao quyền xét xử độc lập ở Việt Nam? Câu trả lời là “Không”. 

Câu chuyện náo loạn tại buổi xin lỗi ông Hàn Đức Long hôm chiều 25-4-2017 của Tòa án Cấp cao tại Hà Nội, báo chí và các trang facebook phủ kín thông tin về người dân đã “ném dép” phản đối. Ít ai quan tâm rằng từ 10 năm trước, phiên tòa phúc thẩm lần 1 đối với Hàn Đức Long do tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội mở tháng 6-2007, Chủ tọa phiên tòa khi ấy là thẩm phán Hà Tiến Triển đã có ý kiến không đồng ý tuyên tử hình Hàn Đức Long vì vụ án có nhiều điểm còn mâu thuẫn, kết tội ông Long là chưa đủ căn cứ vững chắc.

   Vụ án Hàn Đức Long.

Còn trong vụ làm oan ông Nguyễn Thanh Chấn, nhiều người tiến hành tố tụng đã bị khởi tố, trong đó có cựu thẩm phán TAND tối cao, người được dư luận và đồng nghiệp đánh giá là hiền lành trong sạch, người cựu chiến binh Phạm Tuấn Chiêm. Vị cựu thẩm phán này đã thốt lên đầy chua xót “không chết vì bom đạn mà chết vì thủ đoạn của công an” khi biết mình bị khởi tố.

Mối quan hệ giữa Tòa án và sự lãnh đạo của Đảng
Cuối năm 2016, ông Hàn Đức Long (Bắc Giang) được đình chỉ vụ án, trả tự do sau hơn 11 năm thụ án tù oan. Trước đó ông Long đã bốn lần bị các cấp tòa sơ thẩm, phúc thẩm kết án tử hình.
Phiên tòa phúc thẩm lần 1 đối với Hàn Đức Long do tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội mở tháng 6-2007. Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Hà Tiến Triển đã thay mặt HĐXX ký tên vào bản án y án tử hình đối với Hàn Đức Long. Tuy nhiên, ít ai biết rằng trước đó khi nghị án, ông Triển là người đã có ý kiến không đồng ý tuyên tử hình Hàn Đức Long vì vụ án có nhiều điểm còn mâu thuẫn, kết tội ông Long là chưa đủ căn cứ vững chắc. Với hai thẩm phán còn lại đề nghị y án, phán quyết của HĐXX được lấy theo đa số. Ý kiến của ông Triển được bảo lưu trong biên bản nghị án.
“Họ làm án, làm sai lệch vụ án đến bây giờ mới phát hiện được. Một mình tôi không phải là thánh. Tôi xử theo luật, làm theo bổn phận”, ông Phạm Tuấn Chiêm, cựu thẩm phán chủ tọa phiên phúc thẩm xử oan ông Nguyễn Thanh Chấn, chia sẻ.
“Làm theo bổn phận” như thẩm phán Phạm Tuấn Chiêm, hay thẩm phán Hà Tiến Triển, trớ trêu thay lại dẫn đến oan sai, và hệ lụy này lại trút mọi trách nhiệm lên thẩm phán, mặc dù ai cũng rõ nguyên nhân ở đây là từ… “cấp ủy”.
Điều 4 Hiến pháp quy định: “Đảng cộng sản là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. Trong hoạt động tố tụng, lâu nay những người nhân danh Đảng đã chỉ đạo hoặc cho ý kiến về những vụ án liên quan đến cán bộ, đảng viên, các vụ án nghiêm trọng, phức tạp về chính trị, kinh tế, xã hội, các vụ án tham nhũng có liên quan đến cán bộ thuộc diện quản lý của các cấp ủy đảng, các vụ án có liên quan đến quan hệ đối ngoại…; và Đảng trực tiếp quản lý công tác cán bộ, trong đó có việc xem xét, quyết định nhân sự cán bộ lãnh đạo và Thẩm phán Tòa án các cấp.
Tuy nhiên đến nay chưa có tiêu chí xác định rõ, cụ thể, thế nào là vụ án nghiêm trọng, phức tạp về chính trị, kinh tế, xã hội, các vụ án tham nhũng, các vụ án có liên quan đến quan hệ đối ngoại… từ đó, có thể dẫn đến sự lạm dụng vai trò lãnh đạo Đảng trong hoạt động xét xử. Thực tiễn cho thấy do chưa có cơ chế và hướng dẫn cụ thể trong việc xin ý kiến tổ chức Đảng về xử lý một số vụ án cụ thể, nên dẫn đến lạm dụng việc xin ý kiến, hoặc ngược lại lạm dụng yêu cầu báo cáo và chỉ đạo. Ngoài ra đến nay cũng chưa có quy định rõ ràng về phạm vi và nội dung việc kiểm tra của các cấp ủy Đảng đối với hoạt động xét xử, do vậy nhiều vụ án được xét xử theo bút phê của những cá nhân khoác áo Đảng.
Nói một cách khác, chuyện khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, vẫn dừng lại là mỹ từ son phấn cho nền tư pháp của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Nhìn từ một bản án gây chấn động dư luận
Luật sư Nguyễn Tấn Thi nói rằng ông rất bất ngờ ở phiên tòa diễn ra vào chiều ngày 24/8/2015, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước đã tuyên ông Nguyễn Văn Đồng không phạm tội, trả tự do ngay tại tòa, mặc dù Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước đã luận tội và đề nghị án chung thân. Người giữ vị trí chủ tọa phiên tòa là một thẩm phán còn rất trẻ, thẩm phán Nguyễn Văn Nhân. “Phán quyết này đang gây chấn động dư luận và là phán quyết, có thể nói là đầu tiên của nền tố tụng hình sự Việt Nam”, luật sư Nguyễn Tấn Thi nhận xét.
Theo Hiến pháp, Bộ luật tố tụng hình sự thì Hội đồng xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Tuy nhiên, các thẩm phán được phân công làm chủ tọa phiên tòa là một công chức dưới quyền của lãnh đạo tòa án, gồm có các phó chánh án và chánh án. Ngoài ra các thẩm phán cũng là một đảng viên, thuộc cấp ủy, được lãnh đạo bởi Bí thư đảng ủy, thường là Chánh án. Mà Bí thư đảng ủy tham gia đảng bộ địa phương thường không nằm trong thường vụ, lãnh đạo công an lại là người trong thường vụ của đảng bộ địa phương. Xét về vai trò, vị trí thì các vị chánh án không có tiếng nói bằng lãnh đạo ngành công an.
Khi xét xử một vụ án, thường các thẩm phán phải thực hiện chế độ báo cáo án cho lãnh đạo tòa án để “thỉnh thị” đường lối xét xử. Đối với những vụ án hình sự và đặc biệt là những vụ án hình sự lớn, trước khi truy tố và xét xử các cơ quan tiến hành tố tụng gồm Công an, Viện kiểm sát, Tòa án thường họp với nhau để thống nhất đường lối xét xử, gọi là cơ chế phối hợp liên ngành. Đặc biệt là các vụ án bị khởi tố và truy tố với khung hình phạt cao.
Trong quá trình xét xử, nếu thấy chưa đủ căn cứ buộc tội, tòa án thường trao đổi với Viện kiểm sát để đề nghị làm rỏ các vấn đề liên quan và thường trả hồ sơ điều tra bổ sung trước khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử. Nhiều trường hợp đã điều tra bổ sung nhưng không có gì mới, Viện kiểm sát vẫn truy tố thì tòa án phải đưa vụ án ra xét xử.
Bộ luật tố tụng hình sự không có quy định Tòa án từ chối đưa vụ án ra xét xử theo truy tố của Viện kiểm sát, nhưng tòa án có quyền tuyên bị cáo không phạm tội nếu việc truy tố là không đủ cơ sở. Đây là quyền tối cao của tòa án hay nói cụ thể là của Hội đồng xét xử. Tuy vậy, theo luật sư Nguyễn Tấn Thi cùng nhiều đồng nghiệp, đáng tiếc rằng từ trước tới nay rất ít, có thể nói là rất hiếm có Hội đồng xét xử nào tuyên bị cáo không phạm tội khi bị Viện kiểm sát truy tố.
Thông thường tòa án sẽ tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung chứ ít khi có đủ “can đảm” tuyên không phạm tội. Và khi tuyên trả hồ sơ điều tra lại thì việc tiếp tục hay đình chỉ việc giải quyết vụ án thuộc trách nhiệm của của Viện kiểm sát và cơ quan điều tra, khi đó tòa án không còn trách nhiệm gì nữa. Những phán quyết này bị giới luật sư cho là những phán quyết thiếu can đảm, và thiếu sự nhận thức về quyền lực của Hội đồng xét xử mà Hiến pháp và pháp luật đã trao cho.
“Nay có một thẩm phán trẻ, cùng Hội đồng xét xử của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước đã phá vỡ “lời nguyền” mà bấy lâu các thẩm phán và Hội đồng xét xử đã bị “trù yếm”, luật sư Nguyễn Tấn Thi nói. Tuy nhiên cho đến nay không thấy có thêm thẩm phán đủ dũng khí như ông Nguyễn Văn Nhân.

Còn báo cáo án, án bỏ túi, họp 3 ngành… thì còn án oan sai
Cựu thẩm phán Phạm Công Út nói rằng hội đồng xét xử có thể bất chấp những chứng lý và luận cứ gỡ tội của luật sư trong phần tranh luận tại phiên tòa, cho dù các lập luận ấy có chỉ ra hàng chục, hoặc vài chục điểm mơ hồ trong các chứng cứ buộc tội bị cáo để chứng minh rằng bị cáo bị truy tố oan, sai.
“Hội đồng xét xử không phải chỉ vì chủ quan, mà có thể do những tác động “ngoại lực” mang tính chỉ đạo, không chỉ riêng về nghiệp vụ, kinh nghiệm xét xử trong vai trò quản lý của cấp trên, hoặc của đồng nghiệp trong cùng cơ quan tòa án hoặc cơ quan tòa án trên một cấp, ở đó còn có những chỉ đạo về đường lối xét xử, nghĩa là đã được ấn định trước là có tội hay không có tội, thậm chí xử án treo hay án giam, xử tù với thời gian bao lâu, thậm chí xử tù có thời hạn hay không thời hạn, tử hình hay không tử hình…”. Ông Phạm Công Út biện giải.
Điều đó giống như phương pháp “cầm tay chỉ việc” cho thẩm phán chủ tọa phiên tòa, nhưng các thành viên khác trong hội đồng xét xử dù không phụ thuộc trực tiếp vào sự chỉ đạo mang tính “bí mật công tác” này cũng thường tin tưởng vào chủ tọa phiên tòa mà không sử dụng quyền độc lập xét xử của mình, từ đó dẫn đến oan sai. Nhưng thường thì oan, sai là gánh nặng hậu quả đối với thẩm phán chủ tọa phiên tòa, chứ ít khi có biện pháp chế tài hoặc trừng phạt đối với các thành viên trong hội đồng xét xử còn lại.

“Chính điều đó cho thấy, quy định “Khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” phản ánh sự không độc lập và nhằm ngăn chặn sự không độc lập trong xét xử. Bởi vì, họ không hoàn toàn độc lập, không hoàn toàn tuân theo pháp luật, mà phải tuyệt đối phục tùng sự chỉ đạo của lãnh đạo hoặc tòa chuyên trách trên một cấp nếu không muốn gặp rắc rối trong quá trình tái bổ nhiệm thẩm phán theo định kỳ”. Cựu thẩm phán Phạm Công Út nhận xét.
CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)