Việt Nam Thời Báo

VNTB – Tham vấn theo yêu cầu bạn đọc: Kêu oan 40 năm nhưng bị từ chối đền bù vì “hết thời hiệu”

Hoài Nguyễn

 

(VNTB) – Không được cơ quan chức năng xin lỗi, bồi thường do hết thời hiệu

 

Một công dân ở TP.HCM phản ánh về việc bị bắt giam oan, nhiều lần gửi đơn đến các cơ quan chức năng, nhưng đã gần 40 năm vẫn chưa được xin lỗi, bồi thường oan.

Lý do được phía công tố đưa ra cho yêu cầu xin lỗi, bồi thường: Hết thời hiệu.

Chỉ ước được nhận lời xin lỗi trước khi lìa đời

Vụ việc tóm lược như sau: Theo trình bày của ông Trịnh Dân Cường, ngụ tại 103/32B đường Văn Thân, phường 8, quận 6, thì khoảng 22 giờ ngày 27-2-1985, tại một căn nhà trên đường Bãi Sậy, phường 7, quận 6, xảy ra vụ mất trộm vàng. Công an quận 6 nghi vấn ông Cường, Hà Văn Được, Trần Đức Ẩn thực hiện hành vi phạm tội nên bắt giữ vào ngày 28-2-1985.

Đến ngày 3-12-1986, Công an TP.HCM ra quyết định trả tự do cho ông Cường với lý do: “Qua điều tra, xét thấy Trịnh Dân Cường tuy có quá trình xấu nhưng hành vi tiến hành không liên quan đến vụ trộm tiệm vàng”.

Liên quan đến vụ việc này, một số cán bộ của Công an quận 6, Viện kiểm sát nhân dân quận 6 đã bị khởi tố, truy tố và kết án tù vì phạm tội “Bắt người trái pháp luật”, “Giữ người trái pháp luật”, “Giam người trái pháp luật”. Ông Cường được trả tự do theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Khi được trả tự do, ông Cường yêu cầu cơ quan có thẩm quyền bồi thường theo quy định tại khoản 2, điều 18 Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước. Tuy nhiên từ đó đến nay đơn yêu cầu của ông vẫn chưa được giải quyết với lý do “hết thời hiệu”.

Giờ đây khi đã ở tuổi gần đất xa trời, lại mang nhiều bệnh tật, ông Cường phải sống nhờ vào những suất cơm từ thiện và sự chăm sóc của người cháu ruột. Điều duy nhất ông mong mỏi là sớm nhận được lời xin lỗi công khai và được bồi thường.

Trao đổi vấn đề trên với một viên chức đang làm việc tại Cục Bồi thường nhà nước, thì nhận được tham vấn như sau của kiểu như “án lệ” để thân nhân của ông Trịnh Dân Cường có thể “vận dụng” để yêu cầu công lý cho ông Trịnh Dân Cường.

Ông B cũng từng bị từ chối như ông Cường

Vụ án liên quan tóm tắt như sau: Ngày 19-10-1981, cơ quan điều tra Công an tỉnh K đã ra quyết định khởi tố vụ án – khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với ông B do bị tình nghi phạm tội giết người.

Ngày 25-9-1984, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh K có quyết định đình chỉ điều tra bị can số 336/KSĐT đối với ông B đồng thời trả tự do cho ông vì không đủ bằng chứng buộc tội.

Năm 2000, ông B có đơn khiếu nại yêu cầu bồi thường về vật chất, về danh dự gửi đến Công an tỉnh K. Ngày 14-4-2000, cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh K có Công văn số 09/HC gửi ông B có nội dung không thể tiến hành xem xét các yêu cầu bồi thường thiệt hại của ông do: Sự việc xảy ra tại thời điểm năm 1981 khi đó chưa có Bộ luật Hình sự năm 1985, nên chưa có quy định “truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội”, đồng thời, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với loại tội này đã hết.

Ngày 09-11-2009, ông B có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại, thì cán bộ Viện kiểm sát nhân dân tỉnh K trả lời đã hết thời hiệu nên không thực hiện được việc bồi thường thiệt hại.

Năm 2016, ông B tiếp tục có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại gửi Viện kiểm sát nhân dân tỉnh K. Ngày 14-6-2016, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh K có công văn trả lời yêu cầu bồi thường của ông B, theo đó, tiếp tục cho rằng vụ việc của ông B đã hết thời hiệu yêu cầu bồi thường.

Ông B đã tiến hành khởi kiện yêu cầu bồi thường đối với Viện kiểm sát nhân dân tỉnh K tại Tòa án nhân dân huyện N. Tuy nhiên, ngày 18-10-2016, Tòa án nhân dân huyện N có Thông báo số 460/TB-TA trả lại đơn khởi kiện của ông do chưa đủ điều kiện khởi kiện theo quy định tại Điều 22 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009. Đến nay, vụ việc của ông B chưa được thụ lý để giải quyết.

Thời hiệu và những mốc thời gian cho tố tụng

Phân tích một số vấn đề pháp lý liên quan tới vụ việc: Ngày 25-9-1984, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh K có quyết định đình chỉ điều tra đối với ông B vì không đủ bằng chứng buộc tội ông về tội giết người. Theo đó, ông B thuộc trường hợp được bồi thường thiệt hại theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 388.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 18 Nghị quyết số 388 thì “các trường hợp quy định tại Điều 1 của Nghị quyết này mà có bản án, quyết định có hiệu lực trước ngày 01-7-1996 của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó bị oan mà đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại của người bị oan hoặc thân nhân của người bị oan đã được cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự tiếp nhận trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực nhưng chưa giải quyết hoặc đang giải quyết, thì áp dụng Nghị quyết này để giải quyết”.

Đối với vụ việc của ông B, đã có quyết định đình chỉ điều tra ngày 25-9-1984 xác định ông không thực hiện hành vi phạm tội. Năm 2000, ông đã có đơn khiếu nại yêu cầu bồi thường gửi Công an tỉnh K.

Ngày 14-4-2000, cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh K đã có Công văn số 09/HC gửi ông B có nội dung không thể tiến hành xem xét các yêu cầu bồi thường thiệt hại của ông.

Như vậy, đối chiếu với quy định nêu trên tại Nghị quyết số 388 thì đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại của ông B đã được cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự tiếp nhận trước ngày Nghị quyết số 388 có hiệu lực nhưng chưa được giải quyết. Và theo quy định tại Điều 19 Nghị quyết số 388 không quy định thời hiệu yêu cầu bồi thường đối với trường hợp này. Do đó, không có cơ sở để xác định vụ việc đã hết thời hiệu yêu cầu bồi thường.

Thay lời kết

Đối với yêu cầu phục hồi danh dự thì Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 không quy định thời hiệu. Vì vậy, trường hợp đã hết thời hiệu yêu cầu bồi thường thiệt hại mà người bị thiệt hại vẫn có yêu cầu phục hồi danh dự, thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải tiến hành phục hồi danh dự cho người đó theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Đối với những vụ việc người mà yêu cầu bồi thường đã nộp hồ sơ yêu cầu bồi thường đến Sở Tư pháp trong thời hiệu yêu cầu bồi thường để xác định cơ quan giải quyết bồi thường theo quy định tại khoản 4 Điều 41 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017, nhưng tại thời điểm nhận hồ sơ do Sở Tư pháp chuyển đến mà thời hiệu yêu cầu bồi thường đã hết thì vụ việc này vẫn được coi là trong thời thời hiệu yêu cầu bồi thường và cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại phải xem xét thụ lý hồ sơ do Sở Tư pháp chuyển đến.


Tin bài liên quan:

VNTB – Trốn thuế: tội danh sẽ thay thế cho các ‘bản án chính trị’?

Phan Thanh Hung

VNTB – Thực thi pháp luật thay cho cho kêu gọi đạo đức đảng viên

Do Van Tien

VNTB – Hồ sơ: Ổ tham nhũng ở Bộ Y tế Việt Nam?

Phan Thanh Hung

1 comment

Công Tâm 28.09.2022 11:20 at 11:20

Đông Lào xài luật Trường Sơn mà bạn

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo