Ngọc Vân
(VNTB) – Ứớc gì ngày càng có nhiều người tỏ lòng thương yêu đồng bào, đặc biệt là trong việc góp phần đem lại những thay đổi tích cực cho việc phát triển kinh tế nước nhà và việc đem lại tự do cho mỗi người dân.
“Sai tôi đến với người nghèo khó, sai tôi đến với người lao tù, đem Tin Mừng giải thoát Thiên Chúa đã cứu tôi.” Đó là lời của một bài thánh ca mà tôi được nghe trong khi dự lễ Giao Thừa năm Nhâm Dần. Bài hát tự nhiên làm tôi nhớ đến một số sự kiện xảy ra trong những ngày giáp Tết và tôi xin chia sẻ với bạn đọc.
Cách đây vài hôm, một người quen, anh là bác sĩ, gửi tin nhắn cho tôi về việc mua bánh tét để ủng hộ cho các tù nhân lương tâm. Anh là một người đã xa quê hương hàng chục năm. Là một người thành đạt ở trong xã hội Hoa Kỳ, nhưng luôn có những việc làm đầy ý nghĩa để ủng hộ phong trào đòi nhân quyền, dân chủ cho Việt Nam.
Những năm trước, anh thường tổ chức tiệc gây quỹ tại nhà. Bạn bè, người quen được mời đến dự tiệc. Những người nào có thời gian thì đến sớm để giúp làm cơm. Người nào có tài nấu nướng thì làm bếp. Người nào có tài ca hát thì hát phục vụ thực khách. Những người không có tài gì có thể dùng được như tôi thì sắp xếp bàn ghế và dọn dẹp.
Hai năm nay, vì dịch covid nên nhiều người ngại gặp gỡ đông người, nên anh chuyển qua làm bánh tét bán.
Có nhiều người mua bánh chưng và bánh tét vào những ngày Tết. Có người mua cả chục cái, để biếu bà con và bạn bè. Việc tổ chức bán cũng rất thuận tiện, bánh sẽ được giao tận nhà. Khi giao hàng mới lấy tiền.
Nhìn chung, năm nào anh cũng tổ chức nhiều hoạt động đóng góp cho phong trào đấu tranh ở Việt Nam dù anh rất bận. Việc anh gửi email cho tôi vào sau nửa đêm là chuyện thường xuyên xảy ra.
Một người quen khác là giám đốc của một công ty đa quốc gia có trụ sở tại Mỹ. Có lẽ là anh rất bận rộn cho công việc của công ty. Tuy vậy, mỗi lần chúng tôi gặp mặt để bàn chuyện Việt Nam, anh đều là người đi chợ, nấu ăn cho mọi người. Tôi tin rằng sau đó anh còn phải rửa chén.
Một người quen nữa dù đã ở tuổi thất thập cổ lai hi, vẫn ngày ngày viết bài để giúp cho các báo lề phải (lề dân). Bác không chịu giới hạn công việc của mình ở việc chăm sóc nhà cửa và trông cháu. Bác cũng thường xuyên tham gia các cuộc họp về vấn đề nhân quyền, dân chủ cho Việt Nam và nhận làm những việc khác mà bác có thể gánh vác.
Có lần, khi chúng tôi vận động cho dự luật Nhân Quyền Việt Nam. Bác đã tổ chức xin chữ ký của giáo dân sau các thánh lễ. Bác tự thiết kế, in các tờ quảng cáo và đứng cuối nhà thờ, phát cho những người đi lễ để họ đọc. Sau đó, bác đứng cuối nhà thờ và hỏi xin chữ ký từng người. Bác đã vận động được hàng trăm chữ ký ủng hộ cho dự luật. Nhờ những chữ ký này mà nhiều dân biểu trong tiểu bang bác ở đã ủng hộ dự luật này.
Một người bạn khác, dù phải ở nhà để chăm người cha già bị bệnh mất trí nhớ (Parkinson), anh vẫn dùng những đồng tiền ít ỏi mình kiếm được để giúp cho những tù nhân lương tâm ở Việt Nam. Mỗi lần tôi gọi nhờ việc gì, anh không bao giờ từ chối.
Có lần, tôi nhờ anh vận động cho dự luật nhân quyền Việt Nam ở California. Anh sẵn sàng ra những quán café của người Việt, hỏi xin từng chữ ký. Anh không nề hà gì dù có khi gặp một số người khó chịu, không cho chữ ký mà còn có những lời lẽ khó nghe. Dù không phải là giáo dân Công giáo hay Tin Lành, anh vẫn đến các nhà thờ có người Việt đi lễ. Chờ họ đi lễ ra thì xin chữ ký. Anh đã giúp chúng tôi thu thập được rất nhiều chữ ký để ủng hộ cho dự luật này.
Một lần có dịp ghé thăm anh, tôi thấy anh có một cuộc sống rất đơn giản. Có lẽ vì vậy nên dù nghèo, anh vẫn có thể giúp đỡ bằng tiền bạc cho phong trào nhân quyền dân chủ ở Việt Nam.
Nhân dịp năm mới, ước gì ngày càng có nhiều người tỏ lòng thương yêu đồng bào, đặc biệt là trong việc góp phần đem lại những thay đổi tích cực cho việc phát triển kinh tế nước nhà và việc đem lại tự do cho mỗi người dân.
1 comment
Người Việt hải ngoại nên học tư duy “Cứu Đảng là cứu nước” của trí thức nhà mềnh . Hãy cùng nhau ký vô các kiến nghị với mong muốn tột cùng là để Đảng trường tồn cùng đất nước & dân tộc .