VNTB- Tháng Tám bắt đầu ‘mổ’ ngân hàng?

Minh Quân
(VNTB) – Một khi Ngân hàng nhà nước và Chính phủ không còn có khả năng “ôm” nợ xấu, tình trạng phổ quát dành cho khối ngân hàng thương mại cổ phần sẽ là “sống chết mặc bay”. 


Rốt cuộc, một bản nghị quyết về “xử lý nợ xấu” đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực đối với khoản nợ trước thời điểm 15/8/2017.
Lại có một sự trùng hợp với mốc thời gian: tháng Tám năm nay cũng là thời điểm mà Quyết định 21/2017/QĐ-TTg về hạn mức trả tiền bảo hiểm tiền gửi do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký có hiệu lực. Theo quyết định này, số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật bảo hiểm tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi tối đa là 75 triệu đồng. 
Vậy bảo hiểm tiền gửi là gì? 
Theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi, bảo hiểm tiền gửi là sự bảo đảm hoàn trả tiền gửi cho người được bảo hiểm tiền gửi trong hạn mức trả tiền bảo hiểm khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản.
Vậy khi nào ngân hàng “mất khả năng chi trả”?
Trong thực tế, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã được coi như bước chân vào vòng phá sản từ năm 2014. Ngân hàng Xây Dựng có số lỗ lũy kế trước khi bị mua lại với giá 0 đồng là hơn 18.000 tỷ đồng. Vào tháng Bảy năm 2014, ba quan chức cao cấp của ngân hàng này đã bị khởi tố và bị bắt giam. Ở Ngân hàng GP, số lỗ lũy kế cũng lên đến hơn 12.000 tỷ đồng. Đến năm 2015, theo những tin tức đã từng “tuyệt mật” nhưng rút cục được công khai trên báo chí, nợ xấu hiện có của ba ngân hàng trên là hơn 20.000 tỷ đồng – một con số không cách gì trả nổi so với vốn điều lệ của ba ngân hàng là chỉ khoảng 10.000 tỷ đồng.
Nhưng sau khi Ngân hàng nhà nước – thời Thống đốc Nguyễn Văn Bình – đã mua lại 3 ngân hàng trên với giá 0 đồng – một động tác bị nghi ngờ rất nhiều về động cơ che giấu nợ xấu và “bảo kê” cho giới lãnh đạo ngân hàng, tình hình vẫn không hề sáng sủa chút nào. Một số thông tin cho biết hiện có đến hàng chục ngân hàng thương mại có tỷ lệ nợ xấu cao và đang phải đối mặt với nguy cơ phá sản nếu mất khả năng thanh toán.
Rõ ràng hơn bao giờ hết, trong tổng số hơn 30 ngân hàng thương mại đang tồn tại hiện thời, chắc chắn có ít nhất 30% có thể phải “đội nón ra đi”, trước khi kế hoạch “tái cơ cấu ngân hàng” đạt mục tiêu giảm phân nửa số tổ chức tín dụng hiện có.
Động thái “thí điểm phá sản ngân hàng” t Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và cuối năm 2016 và Quyết định về hạn mức trả tiền bảo hiểm của Thủ tướng Phúc mới ký vào tháng 6/2017 cho thấy có thể Chính phủ đã chính thức thông qua chủ trương về “thí điểm phá sản ngân hàng” với một lộ trình cụ thể. Những động thái này lại lồng trong bối cảnh nợ xấu trong hệ thống ngân hàng đã lên đến 600 ngàn tỷ đồng. Nguyên một kỳ họp quốc hội tháng 5 – 6 năm 2017 đã chỉ có thể “ra nghị quyết”, nhưng về thực chất không xử lý được một đồng nợ xấu nào.
Câu hỏi rất lớn phải giải quyết là nếu một số ngân hàng thương mại nào đó rơi vào tình cảnh phải phá sản, tiền gửi của người dân và doanh nghiệp sẽ chịu số phận ra sao?
Hiện thời, Sacombank đang là quán quân về nợ xấu với 60 ngàn tỷ đồng dạng nợ này. Sau một trận “quyết chiến”, nhân vật Trầm Bê đã phải lui vào bóng tối, nhường chỗ cho ông Đặng văn Thành “trở lại”. Tuy nhiên, nhóm ông Thành, cùng vài nhóm lợi ích khác, có xử lý được khối nợ xấu gần 3 tỷ USD đó hay không thì vẫn còn là một ẩn số rất lớn.

Với một nội dung đáng chú ý nghị quyết của Quốc hội “sau thời điểm 15/8/2017, Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng”, cùng  thời điểm bắt đầu hiệu lực về hạn mức trả tiền bảo hiểm tiền gửi từ tháng 8/2017, có thể cho rằng kế hoạch “mổ ngân hàng” cũng khởi động từ thời điểm đó. Một khi Ngân hàng nhà nước và Chính phủ không còn có khả năng “ôm” nợ xấu, tình trạng phổ quát dành cho khối ngân hàng thương mại cổ phần sẽ là “sống chết mặc bay”.  
CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)