Hoài Nguyễn
(VNTB) – Những ngày tháng 4 của 49 năm về trước, những ai đang hành nghề luật sư tại Sài Gòn không phải đi ‘tập trung cải tạo’ do đây là nghề tự do.
Thầy của tôi kể, những luật sư có tham gia hoặc có liên quan đến bộ máy công quyền, đều phải qua các khóa cải tạo dài, ngắn khác nhau của chính quyền mới đến từ Hà Nội.
Tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975 có hai Luật sư Đoàn: Luật sư Đoàn Tòa Thượng thẩm Huế, quản hạt kéo dài từ Quảng Trị đến Nha Trang. Luật sư Đoàn Tòa Thượng thẩm Sài Gòn, có quản hạt kéo dài từ Phan Thiết đến Cà Mau.
Theo Luật số 1/62 ngày 8-1-1962 được ban hành bởi Tổng thống Ngô Đình Diệm đã ấn định quy chế luật sư và tổ chức Luật sư Đoàn. Theo đó, muốn được ghi danh vào Danh biểu Luật sư tập sự, các đương sự cần hội đủ các điều kiện: Có quốc tịch Việt Nam; Đủ 21 tuổi kể từ ngày nộp đơn; Có Cử nhân Luật do đại học Việt Nam cấp, hay văn bằng cử nhân Luật tương đương của ngoại quốc được Bộ Quốc gia Giáo Dục công nhận; Không bị kết án tội đại hình hay tiểu hình liên quan đến danh dự và phẩm giá; Không hành xử một nghề nào bất khả kiêm nhiệm với nghề luật sư; Được văn phòng của một luật sư thiệt thọ nhận làm tập sự .Mỗi luật sư thiệt thọ chỉ nhận được 2 luật sư tập sự, trừ khi được Hội đồng Luật sư cho phép có thể nhận được 4 luật sư tập sự.
Trước khi hành nghề, luật sư tập sự phải tuyên thệ tại Tòa Thượng thẩm trước sự chứng kiến của vị Chánh Nhất Tòa Thượng thẩm. Lời thề như sau:
“Tôi thề với tư cách luật sư không nói hay công bố điều gì trái luật pháp, thuần phong mỹ tục, an toàn quốc gia và an ninh công cộng. Không bao giờ xử sự thiếu tôn kính đối với tòa án và nhà cầm quyền”.
Luật sư tập sự có nhiệm vụ: Phải chuyên cần tham dự các hoạt động nghề nghiệp dưới sự điều khiển của vị Thủ lãnh Luật sư Đoàn; Thực tập các quy tắc và tập quán truyền thống của nghề nghiệp; Chuyên cần đến dự các phiên tòa; Chuyên cần làm việc tại văn phòng luật sư thiệt thọ.
Sau thời hạn tập sự 3 năm, luật sư tập sự phải qua một kỳ thi để trở thành luật sư thiệt thọ. Luật sư tập sự chỉ có quyền dự thi tối đa 3 lần, mỗi năm 1 lần. Nếu rớt cả 3 lần thì bị loại ra khỏi nghề luật sư.
Muốn được ghi danh vào Danh biểu Luật sư thiệt thọ, thí sinh cần hội đủ những điều kiện sau đây: Có quốc tịch Việt Nam; Đủ 24 tuổi; Có Văn bằng cử nhân Luật do đại học Việt Nam cấp, hay văn bằng cử nhân Luật tương đương do ngoại quốc cấp được Bộ Quốc gia Giáo dục công nhận; Có hạnh kiểm tốt và không bị kết án tội đại hình hay tiểu hình liên quan đến danh dự và phẩm giá; Trúng tuyển kỳ thi mãn hạn luật sư tập sự[
Được miễn thời gian 3 năm tập sự dành cho những vị giáo sư Luật có thời gian dạy học liên tục 3 năm. Các thẩm phán ngạch tư pháp và hành chánh đã giữ chức vụ tại các tòa án tư pháp và hành chánh, hay tại Bộ Tư pháp trong thời hạn 3 năm. Nếu các thẩm phán, giáo sư, giảng sư, giảng viên không có đủ thâm niên 3 năm thì phải tập sự thêm một thời hạn để có đủ 3 năm thâm niên;
Phải cư ngụ trong quản hạt của Tòa Thượng thẩm; Không được kiêm nhiệm với mọi chức vụ tư pháp hay hành chánh. Tuy nhiên, luật sư có thể kiêm nhiệm chức vụ giáo sư, giảng sư hay giảng viên tại các đại học; Mỗi luật sư thiệt thọ chỉ được mở một văn phòng trong quản hạt Tòa Thượng thẩm.
Với quy định trên nên sau tháng 4-1975, các luật sư ở Sài Gòn xuất thân từ thẩm phán ngạch tư pháp, có chức vụ trong Bộ Tư pháp Việt Nam Cộng hòa đều bị buộc đi học tập cải tạo.
Sau tháng 4-1975 phải đến cuối năm 1989, Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh mới được thành lập. Các luật sư đợt đầu tiên được kết nạp từ những bào chữa viên nhân dân là những cán bộ công chức nhà nước, trải qua lớp bồi dưỡng pháp lý xã hội chủ nghĩa năm 1983.
Số luật sư trước năm 1975 muốn gia nhập Đoàn Luật sư TP.HCM cũng đều phải buộc học qua lớp bồi dưỡng pháp lý xã hội chủ nghĩa.
1 comment
“Số luật sư trước năm 1975 muốn gia nhập Đoàn Luật sư TP.HCM cũng đều phải buộc học qua lớp bồi dưỡng pháp lý xã hội chủ nghĩa”
Rất tốt . Học bồi dưỡng pháp lý XHCN là họ từ bỏ con đường của Ngụy mà tác giả luôn cảnh báo . “Ơn Đảng, ơn Chính phủ!”