Vũ Hữu Sự
(VNTB) – Không ít điều tra viên rất có tài đổ tội, gán tội, và họ đổ tội, gán tội một cách vô cùng điêu luyện.
Quan sát 3 vụ án oan gây chấn động xã hội gần đây là vụ Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, vụ Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận và vụ ông Trần Văn Thêm ở Bắc Ninh (cả 3 người đều bị kết tội “giết người” và đều bị tuyên án rất nặng, người tù chung thân, người tử hình), người ta thấy chúng có một điểm chung, đó là : Kẻ giết người đích thực là một kẻ khác. Nhưng hồ sơ khởi tố và điều tra đối với Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén và Trần Văn Thêm đều được cơ quan điều tra làm hết sức chặt chẽ, cũng có lời nhận tội do tự tay họ viết, có nhân chứng, có tang vật, có thực nghiệm hiện trường… Nghĩa là cực kỳ hoàn hảo, hoàn hảo đến mức không chê vào đâu được. Tiếp theo, là quá trình truy tố, xét xử cũng cực kỳ hoàn hảo. Từ cáo trạng cho đến bản án, đều viện dẫn những bút lục và chứng cứ có trong hồ sơ, hết sức đầy đủ, chặt chẽ.
Chỉ đến khi kẻ giết người đích thực lộ diện, thì các cơ quan tố tụng mới ngã ngửa, mới biết là làm oan cho người vô tội, và mới vội vàng nào là thanh minh thanh nga, nào đổ lỗi cho nhau. Và khi không thể đừng, thì sau vài câu xin lỗi, là những lời lẽ hết sức tốt đẹp, những là kịp thời, những là vì dân, những là vì một nền tư pháp trong sạch, vân vân và…Vân vân. Nhưng lúc đó, thì người oan đã nếm đủ mùi cay đắng, đã dở sống dở chết rồi. Hiện tượng trên nói lên điều gì ?
Xin thưa, hiện tượng đó nói lên hai điều. Thứ nhất, là không ít điều tra viên rất có tài đổ tội, gán tội (phải dùng hai từ đó chứ không thể dùng từ nào khác), và họ đổ tội, gán tội một cách vô cùng điêu luyện. Và thứ hai, là quá trình truy tố, xét xử của Viện, của Tòa vô cùng quan liêu. Cáo trạng của Viện kiểm sát bao giờ cũng “sao y bản chính” kết luận điều tra, còn Tòa thì cứ “án tại hồ sơ” mà tuyên. Luật sư có cũng chỉ để làm cảnh, những điều tranh tụng của luật sư chẳng mấy khi lọt tai quý Tòa.
Trong chương trình “quốc hội với cử tri” do VTV1 Đài truyền hình Việt Nam phát lúc 20 giờ 10 phút ngày 15/8/2016, về những vụ án oan và vai trò giám sát của quốc hội, phóng viên của đài có phỏng vấn một số đại biểu. Vị nào cũng trả lời là “án oan không nhiều”, khiến người xem rất bức xúc. Bởi thứ nhất, đã gọi là oan thì 1 vụ cũng là quá nhiều rồi. Và thứ hai, là các vị đã “phát” không chuẩn. Không phải án oan không nhiều, mà phải nói là “án oan được phát hiện không nhiều” thì mới chính xác. Bởi với cái “tài” dựng tội, gán tội của không ít điều tra viên như trên, thì ai biết chính xác được còn bao nhiêu án oan nữa chưa được phát hiện ? Ai biết còn bao nhiêu đơn kêu oan nữa vẫn chất đống ở các cơ quan có thẩm quyền, hết năm này đến năm khác?
Và nếu cứ còn kiểu điều tra, truy tố và xét xử như hiện nay, thì án oan sẽ vẫn còn, và lời thét của đại thi hào Nguyễn Du cách đây 250 năm “Kìa những kẻ mắc oan tù rạc/ Gửi mình vào chiếu rách một manh/ Nắm xương chôn rấp góc thành/ Kiếp nào cởi được oan tình ấy đi ?”, vẫn sẽ còn là vấn đề thời sự trong xã hội ngày nay ./.