Mai Lan
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ không thể vô can trong vụ việc “Đại đức Thích Phước Nguyên”, giảng viên Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM.
Vừa qua, trên mạng xã hội và một số trang tin về Phật giáo đăng tải vụ việc một người được cho là “Đại đức Thích Phước Nguyên”, giảng viên Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM (gọi tắt là Học viện), có những hành vi không trung thực, lặp lại nhiều việc, giả mạo thư giới thiệu của một vị giáo phẩm ở cố đô Huế để qua mắt chư vị tôn túc… gây xôn xao dư luận.
“Nâng đỡ không trong sáng” của một Thượng tọa?
Quy chế hoạt động của Học viện, điều 3 “Quản lý Nhà nước và Giáo hội”, ghi: “Học viện chịu sự quản lý Nhà nước về giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan quản lý giáo dục theo sự phân công, phân cấp của Chính phủ đồng thời chịu sự quản lý hành chính theo địa phận của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh” (http://vbu.edu.vn/application/uploads/subjects/quyche/Quy%20che%20hoat%20dong.pdf)
Như vậy trong cụ thể trường hợp người được gọi là ‘Đại đức Thích Phước Nguyên’, giảng viên của Học viện, cho thấy về nguyên tắc là vi phạm ngay từ đầu về các quy định liên quan trong giáo dục bậc đại học, trong quy định hành chính về thu nhận và phân công vị ‘Đại đức Thích Phước Nguyên’ đứng lớp giảng dạy.
Bài viết trên báo Giác Ngộ, cho biết: “Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó Viện trưởng Thường trực Học viện cho biết Phước Nguyên chỉ là phụ giảng cho Thượng tọa môn “Thành duy thức luận”, khoa Triết, khóa 12, về nguyên tắc chỉ được phụ giảng 15/45 tiết theo quy định của Học viện. Tuy nhiên, do Thượng tọa bận công việc trong Ban Tổ chức Đại lễ Vesak LHQ 2019 nên Phước Nguyên đã “hưởng phước dạy thay thế” Thượng tọa hết môn này. Phước Nguyên cũng chưa hề có quyết định chính thức trong đội ngũ giảng viên của Học viện” (https://giacngo.vn/sukien/diendanxaydung/2020/03/07/16D2DA/).
(Các bài giảng về “Thành duy thức luận” của Thượng tọa Thích Nhật Từ có tạihttp://www.vbu.edu.vn/subjects/SP-62/Thanh-duy-thuc-luan.html)
Theo quy định hiện hành, giảng viên đang tập sự, các trợ giảng, các nghiên cứu sinh, học viên cao học đang học tập, nghiên cứu ở bộ môn và các sinh viên giỏi năm cuối khóa, những người có kinh nghiệm thực tiễn ở trong và ngoài trường và các giảng viên có thể tham gia các hoạt động trợ giảng trong các lĩnh vực chuyên môn liên quan.
Ban tôn giáo chính phủ không thể vô can (!?)
Tuy nhiên trong trường hợp “Đại đức Thích Phước Nguyên”, sinh năm 1996 chưa từng được học hành ở Học viện Phật giáo Việt Nam, không phải là “người có kinh nghiệm thực tiễn”, song vẫn được giao đứng lớp tại Học viện này ở TP.HCM niên khóa 2019 mà không gặp bất kỳ trở ngại nào là điều rất khó hiểu. Bởi vốn kiến thức trải nghiệm ở môn “Thành duy thức luận”, khoa Triết của “Đại đức Thích Phước Nguyên” là khó đạt đến mức có thể ‘dạy thay’ cho Thượng tọa Thích Nhật Từ, một người khoa bảng.
“Thành duy thức luận”, Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang. “Thành duy thức luận” được Hòa thượng Thích Thiện Siêu (1921 – 2001) chuyển ngữ và chia thành từng phần cụ thể như sau: 01. Lược nêu tướng duy thức; 02. Phá chấp ngã; 03. Hai thứ ngã chấp; 04. Giải thích vấn nạn; 05. Phá chấp pháp; 06. Phá các thừa giáo chấp pháp; 07. Thức biến hiện thứ nhất; 08. Giải rõ tướng nhất thiết chủng; 09. Chứng minh có thức thứ tám; 10. Thức biến hiện thứ hai; 11. Thức biến hiện thứ ba; 12. Dựa 15 xứ lập 10 nhân; 13. 4 Duyên nhiếp 10 và 2 nhân; 14. Năm quả; 15. Chánh luận về duyên sanh phân biệt; 16. Giải thích vấn nạn; 17. Ba tự tánh; 18. Ba vô tánh; 19. Năm hạnh vị tu chứng; 20. Tư lương vị; 21. Gia hạnh vị; 22. Thông đạt vị; 23. Tu tập vị; 24. Cứu cánh vị; Chú thích và ba mươi bài tụng duy thức.
“Thành duy thức luận” cũng được Hòa thượng Tuệ Sỹ dịch và chú (https://nigioikhatsi.net/kinhsach-pdf/ThanhDuyThucLuan_HuyenTrang_ThichTueSy.pdf). Tài liệu này của Hòa thượng Tuệ Sỹ đã được ‘Đại đức Thích Phước Nguyên’ sử dụng như một ‘giáo án’ của cá nhân.
Liên quan tới việc “Đại đức Thích Phước Nguyên” là giảng viên, giáo thọ sư được mời lên bục giảng dạy cho Tăng Ni sinh cấp cử nhân Phật học thuộc Học viện, cả hệ chính quy và đào tạo từ xa; thuyết giảng ở báo Giác Ngộ; sách của Thích Phước Nguyên được chính thức đưa vào xuất bản chính thống của Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, theo lời của Thượng tọa Thích Viên Trí, Phó Viện trưởng Học viện cho biết “Thầy Thích Phước Nguyên” được Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó Viện trưởng, Trưởng khoa Triết (nay với chức danh Phó Viện trưởng Thường trực) giới thiệu là nhân tài, “Tuệ Sỹ 2”, vào làm phụ giảng môn mà Thượng tọa đảm trách của khoa này năm 2019, không phải là giảng viên chính thức của Học viện do Hội đồng Điều hành mời.
Tuy nhiên đó là câu chuyện thuộc về nội bộ của Giáo Hội Phật giáo Việt Nam, và Ban Tôn giáo của chính phủ. Xin không lạm bàn ở đây.
Bộ Giáo dục đã lơ là chức trách?
Vấn đề chính là với vai trò cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục, bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có những chấn chỉnh gì ở đây trong vụ việc của ‘Đại đức Thích Phước Nguyên’?
Công luận có quyền ngờ vực về một thuyết âm mưu cho sự lũng đoạn hình ảnh Phật giáo ở Sài Gòn. Bởi các học viện Phật giáo là nơi trồng người, lại là trồng nhà sư – những trưởng tử Như Lai, thì chất lượng đào tạo, đặc biệt là chất lượng giảng viên phải được đặt ưu tiên và quan tâm hàng đầu. Chất lượng giảng viên sẽ quyết định chất lượng và hiệu quả đào tạo, sẽ ảnh hưởng đến nhận thức, năng lực (bao gồm kiến thức thế học và Phật học, kỹ năng tu tập, hoằng pháp và quản lý tự viện) và đạo đức của cả một thế hệ tăng ni sinh. Thịnh hay suy của Phật giáo phụ thuộc phần nhiều vào việc giáo dục Phật giáo này.
Tiêu chuẩn chung của hệ thống giáo dục đại học là thạc sĩ mới được giảng dạy hệ cử nhân, tiến sĩ mới được giảng dạy hệ sau đại học (bao gồm cao học và nghiên cứu sinh). Tại Việt Nam, không thiếu chư Tôn đức có bằng thạc sĩ, tiến sĩ, chưa kể các giảng viên bên ngoài. Vì vậy, không thể hiểu nổi một người chưa từng qua trường lớp Phật học lại được giao dạy môn học Thành duy thức luận, một môn học khó hàng đầu; thậm chí lại được giao dạy thay một vị giảng viên là tiến sĩ như đã xảy ra như đã nói ở trên.
Liệu có mối quan hệ phe nhóm nào đó để cố tình phá hoại môi trường giáo dục ở Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM – nơi mà trước 30-4-1975, mang tên Viện Đại học Vạn Hạnh Sài Gòn.
Sở dĩ phải ‘nặng lời’ như trên, vì dạy học, nhất là dạy trong trường Phật học không đơn thuần là truyền đạt kiến thức, mà còn là định hướng tư tưởng, đường lối tu tập, chia sẻ kinh nghiệm tu học và thực chứng. Một người chưa thọ giới tỷ kheo, thậm chí giới sadi, lại đứng lớp các môn nội điển trong một “thánh đường” tri thức Phật học, thì quả thật cười ra nước mắt cho một trường Phật học từng là niềm tự hào của người Sài Gòn hồi nào với tên gọi “Viện Đại học Vạn Hạnh”.