Nguyễn Tường Thuỵ
(VNTB) – Vụ xử lý thầy giáo bán khẩu trang cho học sinh ở Cà Mau đang vấp phải sự phản đối trong công luận. Nó không chỉ là việc thu “lợi” chưa đến 10 nghìn đồng mà động cơ mục đích của “thương vụ” cũng không rõ ràng.
Tôi không tin thầy Nguyễn Văn Thanh mua khẩu trang để bán kiếm lời, “bóc lột” học sinh. Vì “vốn” thầy bỏ ra có 260 nghìn đồng và nếu bán hết thì thu “lời” cũng chỉ được 40 nghìn bạc. Tuy nhiên, thầy mới bán được 20 cái “lời” chưa đến 10 nghìn đ thì đã bị cả hệ thống chính trị ngành giáo dục huyện Đầm Dơi vào cuộc.
Yếu tố đấu tố và nâng quan điểm
Theo dõi vụ này thấy có mùi của tố của đấu tố và nâng quan điểm.
Ai cũng biết đến đợt đấu tố địa chủ kinh hoàng thời cải cách ruộng đất. Sau đó, việc đấu tố vẫn tiếp tục diễn ra trong các cơ quan đơn vị tổ dân phố mỗi khi có ai đó được cho là mắc khuyết điểm. Những vụ đấu tố này dưới danh nghĩa tập thể góp ý cho cá nhân để tiến bộ. Trong mỗi buổi góp ý, “đối tượng” đều bị qui chụp, nâng quan điểm. Tôi cũng từng tham gia nhiều cuộc họp như vậy và cũng từng là nạn nhân của nó.
Một chiến sĩ đến bạn chơi ngày chủ nhật, ăn cơm ở đơn vị bạn bị nâng quan điểm là ăn vào xương máu của đồng đội. Một chiến sĩ đánh vỡ cái bát mượn của dân bị nâng quan điểm “ảnh hưởng đến hòa bình thế giới”. Một học viên cưới vợ trong thời gian đi học nhưng vợ lại mang thai trước khi cưới cũng làm ảnh hưởng đến sức mạnh quân đội, “chưa cống hiến đã đòi hưởng thụ”.
V.v…
Thầy Nguyễn Văn Thanh có lẽ không gặp may khi bán khẩu trang vào giữa mùa dịch. Cuộc họp kiểm điểm thầy kết luận “Ông T. có vi phạm như trên là do nhận thức chưa đầy đủ việc bán khẩu trang giá cao cho học sinh là sai quy định của các cơ quan chức năng trong thời gian phòng chống dịch corona”.
Trường THCS Nguyễn Huân điều tra có lẽ không kém ngành an ninh. Họ biết tường tận thầy Thanh mua về 2 hộp khẩu trang mỗi hộp 50 cái giá 260 nghìn đồng/hộp và đã kịp bán 20 cái. Họ còn phát hiện trong đó có 1 cái bán giá 4 nghìn đồng (do không có tiền lẻ trả lại). Vậy tính ra số thầy Thanh thu “lợi” không chỉ là 20 x 400 = 8000đ mà phải lên tới 9000 đồng. Bắt thầy Thanh khai ra được tỉ mỉ như thế, kể cũng giỏi.
Cuộc họp cũng kết luận: “Ông T. đã thành thật nhận vi phạm của mình và cam kết không tái phạm”. Không nhận sao được khi đứng trước cả một hệ thống chính trị của nhà trường với đầy đủ thành phần: Ban Giám hiệu, Chủ tịch Công đoàn, Trưởng ban Thanh tra nhân dân, Giáo viên kiêm nhiệm Văn thư?
Chuyện xem ra rất khôi hài.
Được biết lãnh đạo huyện Đầm Dơi cũng đã chỉ đạo phòng GD-ĐT huyện kiểm điểm, xử lý vụ việc trên.
Thầy Thanh có trục lợi không?
Nếu có hỏi, chưa chắc thầy Thanh đã dám nói thật mục đích mua khẩu trang của mình vì trong cuộc họp, thầy Thanh đã thành khẩn nhận khuyết điểm và cam kết không tái phạm. Tuy nhiên rất khó có thể kết luận thầy mua khẩu trang về với mục đích bán kiếm lời bởi mấy lý do sau:
Thứ nhất là 40 nghìn tiền lãi không đủ hấp dẫn để thầy phải mua hàng tận Cà Mau, cách nơi ở 50 km. Cho dù là kết hợp chở con đi nữa, thì thầy mua về chỉ là để phục vụ các em học sinh mà thôi.
Thứ hai là về giá bán: Mỗi chiếc khẩu trang mua giá 2600 đ. Nếu thầy bán giá 2600 đ thì có ai có tiền lẻ để trả đúng 2600 đ không? Rõ ràng điều này là không thể vì trong lưu thông người ta không dùng đến tiền mệnh giá dưới 1000 đ nữa.
Nếu thầy có bán giá 2600 đ thì chắc rằng người ta sẽ đưa cho thầy cả 3000 đồng vì cả thầy lẫn người mua lấy đâu ra tiền lẻ mà trả lại. Vì vậy, thầy có lấy 3000 đồng theo nguyên tắc làm tròn số “4 bỏ, 5 thêm” cũng là phải.
Trên thị trường hiện nay khó có thể mua khẩu trang với giá 3000 đ/chiếc, cho dù là loại rẻ nhất. Đầu mùa dịch, nhà tôi đã phải mua với giá 5000 đ/1 khẩu trang y tế. Sau đó còn phải mua đắt hơn hoặc không có mà mua.
Còn câu hỏi này tôi xin gửi đến ngành giáo dục huyện Đầm Dơi: Vậy khẩu trang thầy Thanh mua phải bán giá bao nhiêu thì đúng qui định? Tôi dám chắc, không một nhà quản lý nào trả lời được vì khẩu trang không phải là mặt hàng nhà nước quản lý giá như xăng, điện mà giá do người bán qui định. Không có một biểu giá nào qui định cho mỗi loại khẩu trang trong mùa dịch này.
Còn nếu mua giá nào, bán giá đó thì đất nước này đã không có ngành thương nghiệp.
*
Một vụ việc con con, lại không có cơ sở để xử lý mà ầm ỹ ra cả nước, tôi thấy thật là cay đắng cho tình người, tình đồng nghiệp của ngành giáo dục huyện Đầm Dơi. Họ quá tàn nhẫn với đồng nghiệp. Có lẽ cũng do bệnh thành tích mà ra. Phải chăng họ muốn chứng tỏ rằng, mùa dịch này chúng tôi đã chỉ đạo rất quyết liệt; rằng chúng tôi đã kịp thời chặn đứng một vụ gian thương lợi dụng dịch covid-19 để bóc lột học sinh, còn “đối tượng” đã thành khẩn nhận khuyết điểm và cam kết không tái phạm.
Cay đắng và chua chát làm sao.