Nguyễn Nam
(VNTB) – “Một nhà nước pháp quyền sao lại đặt vấn đề chủ nghĩa cá nhân trong công việc quản trị quốc gia?”
Chính phủ đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết về khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm…
“Một nhà nước pháp quyền sao lại đặt vấn đề chủ nghĩa cá nhân trong công việc quản trị quốc gia” – đây là câu hỏi dễ bật ra khi người dân hiểu rằng với đề nghị này của chính phủ, có nghĩa lâu nay động từ ‘dám’ trong chuyện quản lý hành chính mới là điều quyết định, chứ không phải tuân thủ theo pháp luật để điều chỉnh các mối quan hệ mới là nguyên tắc chung.
Hệ quả của Đảng trị
Trong một hội luận cuối tuần của nhóm thân hữu đang cộng tác với trang Việt Nam Thời Báo, bàn luận chủ đề trên, nhiều ý kiến nhìn nhận sở dĩ phải lệ thuộc vào động từ “dám” vì rất nhiều trường hợp phía lãnh đạo Đảng đã đưa ra những “định hướng” mang tính chủ quan của “thượng tầng chính trị bảo thủ”, nên phía thực hiện ở cấp dưới để làm tốt trách nhiệm công vụ, họ phải cần đến hành động gọi là “dám” của “dám chơi, dám chịu” cho việc mà Chính phủ đang muốn được “luật hóa” từ đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết về khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm.
Đơn cử tại phiên họp đầu tiên của chính phủ nhiệm kỳ 2021 – 2026 vào sáng ngày 11-8-2021, trong diễn văn huấn thị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc lại về cung cách quản trị quốc gia của Đảng:
“Chúng ta biết rằng, hệ thống chính trị ở nước ta gồm có 3 bộ phận: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ. Đảng lãnh đạo có nghĩa là Đảng đề ra đường lối, chủ trương, phương hướng xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước, mở rộng các quan hệ đối ngoại.
Nhà nước bao gồm Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan tư pháp quản lý có nghĩa là Nhà nước tổ chức, triển khai thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, biến nó thành hiện thực. Nhân dân thông qua Mặt trận, các tổ chức quần chúng thành viên của Mặt trận làm chủ là chủ thể thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, các chính sách, pháp luật của Nhà nước và được thụ hưởng các thành quả do mình làm ra.
Riêng về các cơ quan nhà nước thì Quốc hội là cơ quan lập hiến, lập pháp, thể chế hoá đường lối, chủ trương của Đảng; Chính phủ là cơ quan hành pháp, có trách nhiệm cụ thể hóa và tổ chức thực hiện, biến luật pháp của Nhà nước, tức cũng là đường lối của Đảng thành hiện thực, tạo ra của cải vật chất, quản lý xã hội, mang lại lợi ích thiết thực cho toàn thể nhân dân, cho đất nước; các cơ quan tư pháp gồm Tòa án, Viện Kiểm sát… là cơ quan bảo vệ pháp luật, giữ gìn trật tự, an toàn cho xã hội, cho nhân dân”.
Thượng tầng chính trị bảo thủ đã khiến hạ tầng rối ren
Vẫn theo Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, thì mối quan hệ hữu cơ trên được ông nhìn nhận đầy phấn khích rằng:
“Hội nghị của chúng ta hôm nay diễn ra vào thời điểm có nhiều sự kiện lớn của đất nước, thể hiện sự phối hợp rất nhịp nhàng, ăn khớp của cả hệ thống chính trị ở nước ta; sự đoàn kết nhất trí cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; một phương thức, cách làm rất bài bản, hợp lý, khoa học, theo tinh thần “Trên dưới đồng lòng”, “tiền hô hậu ủng”, “nhất hô bá ứng” và “dọc ngang thông suốt”.
Vì sao tôi dám nói như vậy? Tôi xin chứng minh: Trong bối cảnh tình hình trong nước và thế giới bên cạnh thuận lợi cũng có rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là phải đối phó với dịch bệnh Covid-19, chúng ta đã tiến hành rất thành công đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (tháng 01/2021); tiếp theo đó là 3 Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng; tổ chức thắng lợi cuộc bầu cử Quốc hội khoá XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 với quy mô lớn nhất từ trước đến nay (tháng 5/2021); tiến hành Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XV (tháng 7/2021) để kiện toàn bộ máy tổ chức, nhân sự và triển khai thực hiện các nghị quyết, quyết định của Đại hội XIII và các nghị quyết hội nghị của Trung ương Đảng.
Các cấp, các ngành đã khẩn trương triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết, quyết định của Trung ương theo đúng tiến độ, kịp thời, với sự đồng thuận, nhất trí cao, dư luận quốc tế rất quan tâm. Chính phủ họp hôm nay cũng chỉ sau Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV có mấy ngày.
Tôi được biết, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đang tích cực, khẩn trương chuẩn bị để sẽ họp Hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng sau Hội nghị này của Chính phủ. Rõ ràng, đây là sự phối hợp rất cần thiết, rất nhịp nhàng, bài bản, và thực tế cho thấy đây là cách làm hợp lý, cho kết quả tốt đẹp”…
Như vậy, với cách hiểu thông thường của tam đoạn luận, rõ ràng là một khi định hướng của đường lối – chủ trương từ Đảng thiếu rõ ràng, nặng tính duy ý chí, thì buộc cấp thừa hành nếu muốn quản trị tốt quốc gia, họ cần phải biết “dám” lên tiếng và “dám” hành động dứt khoát với những gì mà Đảng đã quá bảo thủ.