VNTB – Thể chế giáo dục đại học đang ‘thủng’ ở đâu?

VNTB – Thể chế giáo dục đại học đang ‘thủng’ ở đâu?

Mai Lan

(VNTB) – Nguyên nhân căn cốt dẫn tới hạn chế chất lượng giáo dục đại học do cơ chế đánh giá, giám sát chất lượng chưa hiệu quả, thực chất.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng cần tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ để thực hiện được tự chủ đại học.

“Để tháo gỡ cho các doanh nghiệp đầu tư kinh tế, chúng ta đã thực hiện việc một luật sửa nhiều luật. Đây là việc bất đắc dĩ trong lập pháp nhưng cần thiết cũng cần tính đến làm một luật để sửa nhiều luật nhằm tránh chồng chéo này.

Nếu có thể đề xuất lấy tâm điểm là tự chủ đại học để xem những gì là chồng chéo, cản trở, mâu thuẫn để một luật sửa các luật khác, quy định khác có thể mở đường cho tự chủ đại học”, ông Sơn đề xuất, và nói khi có được điều này mọi thứ khác sẽ được tháo gỡ.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cũng nhận định đang rất cần những thay đổi cần thiết về thể chế, chính sách cho giáo dục đại học. Ông Sơn nhận định nguyên nhân căn cốt dẫn tới hạn chế chất lượng giáo dục đại học do cơ chế đánh giá, giám sát chất lượng chưa hiệu quả, thực chất.

Hành lang pháp lý về tự chủ đại học chưa đồng bộ, năng lực quản trị của một số cơ sở giáo dục đại học còn yếu, hệ thống cơ sở giáo dục đại học còn phân mảnh, chưa tối ưu hóa. Đặc biệt, nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học còn rất thấp. Phân bổ ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học chưa hiệu quả.

Theo ông Sơn, để đưa tự chủ đại học đi vào chiều sâu và thực chất cần tháo gỡ các điểm nghẽn về cơ chế chính sách như: tự chủ về tổ chức bộ máy, phát triển đội ngũ, về thu, chi tài chính. Ngoài ra, cơ sở giáo dục còn phải được gỡ điểm nghẽn về tự chủ quản lý, sử dụng tài sản, tự chủ đầu tư mua sắm, các hoạt động chuyên môn, quyền bình đẳng giữa các cơ sở giáo dục đại học.

Ông Dương Xuân Phượng, Phó giám đốc Học viện Viettel, đã chia sẻ một số nhận xét về chất lượng nguồn nhân lực mà Tập đoàn Viettel tuyển dụng từ các trường đại học trong nước, qua đó phản ánh chất lượng đào tạo của các trường.

Ông Phượng đưa ra số liệu: “Chúng tôi đã khảo sát nhanh hơn 100 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc đang tham gia chương trình thực tập sinh tài năng Viettel Digital Talent, đây là những người được lựa chọn từ gần 2.000 hồ sơ và kết quả cho thấy, 3/4 các em tự nhận xét những gì mình được học chỉ đáp ứng được dưới 75% yêu cầu công việc, chỉ 2% cho rằng với những gì mình được trang bị có thể đáp ứng trên 90% yêu cầu.

Tỷ lệ này là khá tương đồng với nhận định của các cán bộ Viettel được giao hướng dẫn, kèm cặp. Kết quả này phản ánh thực trạng thiếu và yếu kiến thức chuyên môn và kỹ năng mềm, đây là những kỹ năng mà trường đại học ít đào tạo, doanh nghiệp mất trung bình 4 – 6 tháng để đào tạo bổ sung”.

Vẫn theo ông Phượng, có một thực tế khó giải thích là những năm gần đây, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp các loại khá, giỏi, xuất sắc rất cao, có khi lên đến 99%, trong khi năng lực thực tế không cách biệt quá nhiều so với các thế hệ sinh viên tốt nghiệp trước đây – trước đây ngay cả những sinh viên tốt nghiệp loại trung bình nhưng khi được tuyển dụng vẫn đáp ứng được yêu cầu công việc.

“Hiện tượng một sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc nhưng không thể đáp ứng được 70% yêu cầu công việc không phải là trường hợp cá biệt”, ông Phượng nêu ý kiến.

Ghi nhận tại hội thảo “Thể chế, chính sách nâng cao chất lượng giáo dục đại học” được tổ chức tại Hà Nội vào chiều 5-11-2023, thì giai đoạn năm 2013 – 2021, số lượng cơ sở giáo dục đại học tăng từ 207 trường lên 237 trường, quy mô đào tạo trình độ giáo dục đại học tăng từ 1.546. 748 người lên 2. 021.901 người. Tỷ lệ giảng viên có học vị tiến sĩ tăng từ 14,38% (năm 2013) lên 31,28% (năm 2021); số lượng giảng viên trình độ sau đại học tăng từ 37.856 người (năm 2013) lên 70.018 người (năm 2021)…


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)