Hoàng Mai
(VNTB) – Nếu quy mọi trách nhiệm quản trị quốc gia vào đảng cầm quyền như Hiến định tại điều 4, thì có lẽ cần thay đổi căn cơ ở… Bộ Chính trị cho mọi vấn đề, chứ không riêng y tế.
Bà Đào Hồng Lan, Bộ trưởng đương nhiệm của Bộ Y tế, đồng thời cũng là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế. Từ năm 1945 đến nay, bà là nữ Bộ trưởng Bộ Y tế thứ 3 của Việt Nam sau Trần Thị Trung Chiến và Nguyễn Thị Kim Tiến; người đầu tiên đứng đầu Bộ Y tế mà không xuất thân từ ngành y.
Sau khi tốt nghiệp đại học, bà Lan có thời gian làm công tác đoàn ở Thành Đoàn Hà Nội, sau đó sang làm chuyên viên Vụ Bảo hiểm xã hội thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Ở đây, bà từng là thư ký riêng của bà Nguyễn Thị Kim Ngân, lúc bà Ngân còn là bộ trưởng, chưa lên ghế Chủ tịch Quốc hội.
Trước khi được Đảng phân công về làm Bộ trưởng Y tế, bà Đào Hồng Lan là Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh. Trong dàn chính khách nữ, bà Lan được ghi nhận có vẻ ngoài… nhan sắc; và tiếc thay dù lý lịch chính trị chốn quan trường như tóm tắt trên, vẫn không giúp bà Đào Hồng Lan ra được “toa thuốc cơ chế” nào cho nền y tế Việt Nam.
Nhận diện về “lâm sàng”, ghi nhận sau đây từ bà Phạm Khánh Phong Lan – dược sĩ đại học, nguyên là phó giám đốc phụ trách ngành dược của Sở Y tế TP.HCM, cho thấy “bệnh cảnh” mà bà Bộ trưởng Đào Hồng Lan đang đối mặt song vẫn chưa tập họp được lực lượng “hội chẩn” đủ khả năng, như sau:
“Ở các bệnh viện, anh em y tế, từ lãnh đạo cho tới nhân viên đều nói chúng tôi lực bất tòng tâm, thiếu tất cả, thiếu từ nhân lực, thiếu thuốc có chất lượng, thiếu cả trang thiết bị điều trị hiện đại” – bà Phạm Khánh Phong Lan nói.
“Nhà nước đã cắt các khoản chi lương cho hầu hết các bệnh viện tự chủ và tự chủ một phần. Vì vậy, các bệnh viện không tự chủ được cả về nhân lực và tài chính. Quỹ bảo hiểm y tế, thì chúng ta ép giá dịch vụ y tế cho đến giá thuốc, vật tư y tế không đúng theo giá trị thực, ép càng rẻ càng tốt, do đó rất khó để bảo đảm chất lượng” – bà Phạm Khánh Phong Lan nói và nhìn nhận dù ép giá như vậy nhưng không dễ thanh toán chỉ vì tổng mức thanh toán vượt quá quy định. Trong khi đó thì lý do vượt quá là vì số người bệnh tăng lên…
Mà đâu chỉ vậy, kể từ khi có chuyện “đốt lò tham nhũng” từ Bộ Chính trị theo những cách thức mà những nhân vật chóp bu ở đó đưa ra, thì, “Tôi không biết đến bao giờ một ước mơ bình thường của bất kỳ cán bộ y tế nào là làm sao chỉ tập trung vào chuyên môn, làm sao để khám chữa bệnh cho bệnh nhân một cách tốt nhất thành hiện thực. Chứ không phải hàng ngày đối phó với các quy trình mua sắm, thanh toán và nguy cơ bị xử lý cả về hành chính lẫn hình sự”, bà Phạm Khánh Phong Lan chua chát nhận xét.
“Hiện nay, có thể thấy các khó khăn không phải chỉ là từ yếu tố khách quan, không phải chỉ từ chuyện thiếu tiền hay thiếu nhân lực, mà đôi khi còn là do các quy định, các thủ tục của chúng ta quá phức tạp, nó đá nhau và chậm sửa đổi. Những nỗ lực này không chỉ xuất phát từ ngành y tế mà đủ đâu, rất cần có sự quan tâm của Chính phủ, sự chỉ đạo đồng bộ để tất cả các ngành cùng vào cuộc để giải quyết những tình trạng này tận gốc rễ” – bà Phạm Khánh Phong Lan nêu hàng loạt “lâm sàng” đang chờ ê-kíp của Bộ trưởng Đào Hồng Lan “hội chẩn”.
1 comment
“Thể chế y tế Việt Nam cần ‘toa thuốc’ gì?”
Thuốc Tây chữa là bị xốc phản vệ liền . Nên chữa bằng thuốc Bắc, nhưng bồi bổ bằng thức ăn của Tây