Nguyễn Nam
(VNTB) – “Quan nhất thời, dân vạn đại”. Đảng chính trị nếu cứ mãi ru ngủ nhau thì cũng là “nhất thời” vậy thôi.
Liệu một số rất ít người lợi dụng quyền tự do, dân chủ để tuyên truyền kích động , chống phá thành tựu của Đảng, thành quả của trăm triệu công dân Việt có là đại diện cho ‘lương tâm dân chủ’ hay không?
Thắc mắc dạng câu hỏi tu từ như trên được đặt ra trong bài viết “Vô lương tâm” ở chuyên mục “Thời luận” trên báo Thanh Niên số phát hành ngày 2-6-2022. Ở đây xin lưu ý về việc đánh đồng cách hiểu “thành tựu của Đảng” # “thành quả của trăm triệu công dân Việt Nam”. (https://thanhnien.vn/vo-luong-tam-post1464345.html)
Thử tìm hiểu qua các vấn đề thời sự sau đây để hiểu thêm đó có phải là “chống phá thành tựu của Đảng” hay không?
“Vì sao giá xăng Malaysia rẻ, chưa tới 11.000 đồng/lít?” là tựa bài viết đăng trên báo Tuổi Trẻ số phát hành ngày 3-6-2022 (https://tuoitre.vn/vi-sao-gia-xang-malaysia-re-chua-toi-11-000-dong-lit-20220603155856492.htm). Theo tác giả bài báo thì Malaysia hiện có giá xăng thấp nhất Đông Nam Á, và là một trong những nước có giá xăng thấp nhất thế giới. Chính phủ Malaysia có thể duy trì mức giá rẻ là nhờ chính sách trợ giá riêng cho loại hàng hóa này.
Ngân sách trợ giá cho nhiên liệu, LPG và dầu của Chính phủ Malaysia trong năm 2021 ước tính vào khoảng 1,95 tỉ USD. Khối trợ giá này giúp duy trì giá xăng RON 35 ở mức khoảng 10.800 VND/lít, dầu diesel khoảng 11.400 VND/lít và LPG khoảng 10.000 VND/kg.
Tổng ngân sách của Chính phủ Malaysia năm 2021 là khoảng 70 tỉ USD. Như vậy, ngân sách trợ giá chiếm khoảng 2,6% trong tổng chi tiêu chính phủ.
Theo báo The Star, Chính phủ Malaysia có thể sẽ phải chi gần 6,4 tỉ USD tiền trợ cấp nhiên liệu trong năm nay nếu giá dầu thô duy trì trên 100 USD/thùng.
Theo báo cáo của hãng nghiên cứu KAF Research, dù chính phủ có thể nhận được khoản thu lớn hơn từ dầu mỏ, hóa đơn trợ cấp nhiên liệu năm nay có thể cao gấp 5 lần so với mức 1,25 tỉ USD được phân bổ trong ngân sách năm 2022.
Ngoài ra, một nguyên nhân khác giúp giá nhiên liệu Malaysia thấp hơn so với nhiều nước là chính sách định giá APM (Automatic Pricing Mechanism). Tại Malaysia, giá bán lẻ xăng, dầu diesel và LPG được quy định thông qua cơ chế định giá APM ra đời từ năm 1983.
Chính sách APM giúp ổn định giá thông qua việc áp dụng các mức thuế và trợ giá khác nhau. Vì thế, giá bán lẻ nhiên liệu ở Malaysia chỉ thay đổi khi mức chênh lệch vượt ngưỡng của thuế và trợ giá theo quy định.
Câu hỏi đặt ra: Việt Nam cũng là nước xuất khẩu dầu mỏ, nền chính trị ở Việt Nam được cho là ổn định và như tuyên bố trong rất nhiều bài phát biểu – kể cả ở văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 13 của người đứng đầu Bộ Chính trị: “Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, vậy thì vì sao trong chuyện giá xăng dầu Việt Nam lại không thể điều hành như Malaysia?
Phía cơ quan quản lý chuyên trách xăng dầu cấp bộ của Việt Nam đưa ra giải thích rằng tại Việt Nam, trong cơ cấu giá xăng hiện nay thì các loại thuế, phí chiếm khoảng 30-32%, tức tương đương 10.000 – 11.000 đồng/lít. Như vậy, nếu không có thuế phí thì giá xăng Việt Nam sẽ khoảng 20.000 đồng/lít, tương đương 0,86 USD/lít.
Như vậy, Vụ Thị trường trong nước cho rằng nếu Chính phủ Malaysia không trợ giá và nếu Việt Nam không đánh các loại thuế, phí, giá xăng RON95 của hai quốc gia là tương đương nhau, tại Malaysia hiện sẽ là 0,87 USD/lít, trong khi giá tại Việt Nam nếu bỏ các loại thuế phí là khoảng 0,86 USD/lít.
Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) lập luận tại Singapore, nước xuất khẩu xăng dầu lớn tại khu vực châu Á, giá xăng dầu cũng đang ở mức khá cao, giá xăng RON95 của Singapore hiện ở mức 2,315 USD/lít, tương đương khoảng 54.000 đồng/lít.
Phải chăng theo cách hiểu của Vụ Thị trường trong nước, việc giá xăng dầu bán lẻ ở Việt Nam rẻ hơn nhiều so với Singapore chính là “thành tựu của Đảng”?
Ở đây dường như Vụ Thị trường trong nước đã cố tình ‘ém nhẹm’ tin tức Singapore là quốc gia có nền kinh tế tự do với mức độ phát triển cao, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 58.000 USD, xếp thứ 7 thế giới.
Trong khi đó thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam còn ở mức thấp, ước đạt khoảng 3.521 USD năm 2020, đứng thứ 120 trên thế giới. Xét về thu nhập bình quân, người Singapore đang “giàu” hơn người Việt Nam gần 20 lần.
(Tham khảo: https://tradingeconomics.com/singapore/gdp)
Một lưu ý khác về lập luận “lương tâm dân chủ” mà tác giả bài viết trên tờ Thanh Niên dùng để chỉ trích “về hô hào tôn trọng nhân quyền, cởi mở xã hội dân sự, phóng thích các “tù nhân lương tâm” tại nước ta…” (nguồn đã dẫn).
Xin thưa ở đây việc “hô hào tôn trọng nhân quyền – cởi mở xã hội dân sự” là một quyền hiến định ghi tại Điều 28: “1. Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước. 2. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân”.
Hiến pháp 2013, Điều 30.1 ghi rõ về quyền hiến định: “Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân”.
Tạm kết ở đây cũng bằng một điều hiến định cho các cáo buộc việc đánh đồng cách hiểu “thành tựu của Đảng” # “thành quả của trăm triệu công dân Việt Nam”, đó là “Mọi hành vi chống lại độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều bị nghiêm trị” – Điều 11.2, Hiến pháp 2013.
Đơn cử việc phê phán, chỉ trích chuyện điều hành giá cả xăng dầu ở Việt Nam, rõ ràng là nhằm đến bảo vệ “sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; trường hợp ngược lại mới là “chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, vì khi xăng dầu tiếp tục cao ngất ngưỡng khiến ngư dân không còn dám dong tàu bè ra biển đánh bắt cá, coi như phên dậu trên biển của Việt Nam sẽ là khoảng trống dành cho tàu bè của Trung Quốc tha hồ hoành hành ngay trong vùng biển, vùng lãnh hải thuộc quyền và chủ quyền của Việt Nam.
“Quan nhất thời, dân vạn đại”. Đảng chính trị nếu cứ mãi ru ngủ nhau thì cũng là “nhất thời” vậy thôi.
1 comment
“Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”
Ngô Huy Cương, Nguyễn Ngọc Chu … vẫn đang ca tụng dân các bác là văn minh thuộc loại bậc nhất thế giới, nếu không cũng thuộc loại tóp ten trong thế giới Cộng Sản .