VNTB –  “Thép đã tôi thế đấy” bẽ bàng rỉ sét

VNTB –  “Thép đã tôi thế đấy” bẽ bàng rỉ sét

Dương Tử

 

(VNTB) – Tái bản“vài chục cuốn” để giữ tiếng, ghi điểm với cấp trên, rồi chất trong kho lưu trữ, chứ bán cho ai bây giờ?! 

 

“Thép đã tôi thế đấy”: tiểu thuyết UCRAINA đặc sắc nhất văn học Liên Xô và số phận tác giả

 

1. Vài dòng tản mạn về Ucraina nóng bỏng 2022

Hơn một tháng qua cái tên UCRAINA/Ucraine nhao nhác sôi sục trên đài báo trong và ngoài nước… 

Những người Việt kiều ở Ucraina kể online cho phóng viên ta nghe chuyện súng nổ, pháo bắn đùng đoàng ở miền Tây và miền Đông Ucraina, ngoại ô Kiev. Ngòi nổ là phe phiến loạn ly khai (ước 45% người gốc Nga di dân thời Staline) chống lại chính phủ hiện tại của Zelensky. Sự thể ra sao mà 3 nước này (Nga họp với Ucraina và Belorus) năm 1991 rủ nhau họp, hăm hở ký tên giải tán Liên Xô rồi mà nay Nga muốn đánh Ucraina đổ máu nhân dân lần nữa ?

Liên bang Nga đổ quân đội và vũ khí nặng vào Ucraina nhằm đe dọa lật  đổ chính phủ Ucraina, yểm trợ phe nổi dậy (hai nước “cộng hoà tự xưng” Donnesk và cộng hòa Lugansk) âm mưu tách khỏi Ucraina nập vào Nga…

Nhớ hồi người viết còn là trẻ con (lũ chúng tôi được gọi là “Thiếu Niên Tiền Phong” nghe rất vinh quang ngạo nghễ, Về sau lớn mới biết cái tên đó nghĩa là “Trẻ con đi trước, tiến lên“, vậy suy ra là “Người lớn đi theo sau”! Ô hay, kỳ lạ quá khẩu hiệu này !). Cậu bé là tôi đã đọc nghiến ngấu cuốn “Thép Đã Tôi Thế Đấy” bản dịch của tay nhà báo Thép Mới qua bản tiếng Trung (lúc ấy Hà Nội chưa có dịch giả tiếng Nga). Sách in khổ nhỏ (có lẽ nhằm đút gọn trong túi ba lô). Mãi về sau mới có bản dịch từ tiếng Nga, in khổ lớn hơn.

Sau đó coi phim Liên Xô chiếu bộ phim “Thép” 2 hào một vé, xem ở bãi cỏ, sân trường hoặc sân đình.

Nhật ký của 2 liệt sỹ sinh viên Nguyễn Văn Thạc và bác sĩ Đặng Thùy Trâm đều nhắc tới cuốn sách “Thép” trong ba lô đi theo họ vào chiến trường miền Nam.

Năm 1999, 8 năm sau khi Liên Xô tan rã, Ban tuyên huấn Trung Cộng đã đổ tiền làm một bộ phim truyền hình cùng tên, ký hợp đồng mời các diễn viên Ukraina ngồi tàu hỏa sang Trung Quốc đóng phim với đạo diễn Tàu cộng. Tên bộ phim tiếng Hán là: 钢鉄是怎樣炼成的 (Cương thiết thị chẩm dạng luyện thành đích”, dịch nôm là “Gang thép đã được luyện thành như thế này”). Sau đó phim Tàu “lai ghép Ucraina” cũng được biếu tặng chiếu miễn phí trên TV Việt Nam.

Bộ phim “Thép” Ucraina là thể hiện  ý chí Tàu cộng ngoan cố “kiên định” hơn cả người anh Cả Liên Xô, mặc dù Liên Xô tan rã tả tơi, cà cuống chết đến đít còn cay. 

Nhớ mãi “danh ngôn” của nhân vật anh hùng Pavel Korsaghin chàng trai xứ Ucraina xuất thân tiểu học, đi chiến đấu một thời gian rồi tiến thẳng vào Trường đại học cộng sản Sverdlov, đã nói “tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp Đấu Tranh Giải Phóng Loài Người.

Than ôi, bây giờ người dân Ucraina còn lo mạng sống của chính mình, hơi sức đâu mà đi “giải phóng loài người” nữa !

Văn chương lợi hại thật ! Lý luận văn học cần bổ sung gì đó về chức năng sứ mệnh chân chính của văn chương, rút cục lợi hay hại ?

Chẳng biết nói thế nào nữa !(tham khảo FB NgocPhungHoai)

 

Chú thích ảnh bìa: 

1. Bản tiếng Nga 

2. Bản tiếng Việt 

3. Poster quảng cáo phim tiếng Trung.

2/ Ba mối tình của nhân vật Pavel “anh hùng ucraina”.

Bên cạnh những trang văn tái hiện cuộc sống xứ sở Ucraina đau khổ trong “Cách mạng tháng Mười Nga” và Nội chiến 1918-1921 là ba mối tình “vô sản” có vẻ lãng mạn của cậu bé Pavel.

Dễ hiểu rằng, đọc một cuốn sách ngồn ngộn hiện thực đấu tranh cách mạng Liên Xô, 3 cuộc tình làm nền cho sự hấp dẫn lôi cuốn bạn đọc.

TONYA – Mối  tình đầu: thằng bé Pavel thất học đi làm thợ  từ khi chưa hết tiểu học (khi học ở nhà ông cố đạo, cậu bỏ sợi thuốc lá vào bột làm bánh của ông thầy, bị đuổi cổ) . Tình cờ quen biết cô gái Tonya xinh đẹp con gái một viên chức kiểm lâm cấp tỉnh. Lứa tuổi mới lớn nhen nhóm tình yêu con nít. Pvel ham đọc sách, ghé ngôi nhà đẹp mùa hè trong khu rừng gặp cô thiếu nữ ở thành phố về nghỉ hè nơi cha làm việc. Mượn cô cuốn sách Ruồi trâu (chuyện nước ý) về đọc… Gặp bạn bè của Tonya đi học trên đường về, Pavel bị thằng công tử nhà giàu Victor trêu chọc, cậu nổi giận đánh nó ngã xuống sông, Tonya cười sảng khoái (!)… Rồi Pavel đi liên lạc cho du kích, bị đuổi bắt, cậu trốn vào nhà Tonya, được cô che giấu. Mối tình “xuyên giai cấp, phi giai cấp” chớm nở đã tan vỡ, Tonya từ bỏ Pavel, quay lại yêu thằng công tử nhà giàu Victor kia. Tình yêu chuyển thành “tình hận”. Thực ra chuyện tình đó là lẽ thường trên đời, nhưng nhà  văn đã xây dựng để hun đúc thành mối thù giai cấp.

Rita Mối Tình Thứ 2

Đi bộ đội, Pavel quen biết một nữ chính ủy hổng quân tên Rita, mối tình cùng giai cấp nhen nhóm. Cùng làm công tác Đoàn nên họ gặp nhau. Những  tưởng tình yêu kết trái. Tan vỡ chỉ vì hiểu lầm. Lần hẹn gặp nhau ở nhà khách tỉnh đoàn, Pavel nhìn thấy Rita ôm đầu một người đàn ông sĩ quan hồng quân ngả trên đùi nàng. Pavel quay đầu bỏ đi không lời từ biệt. Vài năm sau gặp lại, nàng đã cưới một sĩ quan và có một con. Nàng giải thích hôm hẹn gặp nhau ấy, tình cờ anh trai nàng ở mặt trận về thăm  em gái, nàng nhổ tóc sâu cho anh… Nàng chê trách anh là giữ thói “tiểu tư sản “ (!) và chúc anh tương lai hạnh phúc.

Thực ra mối tình tan vỡ là vì Pavel khờ khạo dốt nát nông nổi kiểu vô sản mà thôi.

Mối tình cuối – Taya

Trại an dưỡng thương binh ở gần một làng quê nghèo. Một gia đình nông dân nghèo muốn gả bán con gái Taya lấy tiền mưu sinh. Thương binh Pavel ra tay nghĩa hiệp, xin cho Taya vào trại làm nhân viên điều dưỡng có lương giúp đỡ gia đình. Tình cảm giai cấp có vẻ là cơ sở vững chắc cho tinh yêu và hôn nhân.

Chàng thương binh Pavel có vợ, bắt tay viết truyện với lòng đam mê hiếm có. Tiếc thay sức khỏe ngày càng bại liệt, dẫn đến mù lòa. Tự truyện “Thép đã tôi thế đấy” gửi về 1 tờ báo thủ đô, đăng hai phần đầu… Giới truyền thông tuyên truyền vớ được món mồi ngon, Pavel trở thành anh hùng giới báo đài phong tặng… Cuốn sách lập tức được xuất bản phát hành rộng cả nước Liên Xô mênh mông (quảng cáo mạnh đến mức nhiều năm về sau cuốn sách Thép được dịch ra 70 ngôn ngữ xuất bản 80 nước, Việt Nam có ba bản dịch lần lượt qua tiếng Trung, tiếng Pháp và tiếng Nga. Làm say mê hàng triệu thiếu niên mới lớn…).

 Nhiều người còn nhớ đoạn kết của mối tình vô sản, chồng đọc, vợ cắm cúi viết tay  bản thảo Thép… Những dòng cuối cùng triết lý về đạo làm người cách mạng rất bay bổng “Đời ta không phải xấu hổ ân hận vì đã cống hiến tất cả cho công cuộc giải phóng loài người(!).

Một cái KẾT của tiểu thuyết cách mạng thật khó mà đẹp đẽ và hào hùng hơn nữa.

3/ Nhà văn cha đẻ của “Thép đã tôi thế đấy” chết trên giường bệnh sau khi cô vợ vô sản bỏ đi.

Nhân vật chính Pavel Korchaghin – hạt nhân của tiểu thuyết tự thuật được miêu tả bám sát cuộc đời của nhà văn Nikolai A.Ostrovsky

Nikolai Alekseyevich Ostrovsky (1904-1936) sinh tại tỉnh Volhynia, thuộc Ukraina trong một gia đình thợ thuyền. Ông học tại một trường ở thành phố cho đến năm lên 9 vì bị đuổi học. Năm 1914, gia đình ông chuyển đến thị trấn đường sắt Shepetivka nơi cậu bắt đầu làm việc trong các bếp ăn tại các nhà ga đường sắt. Sau đó làm thợ mộc, người thợ đốt lò và sau đó là thợ điện ở nhà máy điện địa phương. Năm 1917, ở tuổi mười bốn, cậu bé trở thành một thành viên đảng Bolshevik. Khi quân Đức chiếm đóng thành phố vào mùa xuân năm 1918, Ostrovsky là liên lạc cho các thành viên ngầm của đảng cộng sản ở địa phương. Tháng 8 năm 1918  mới hơn 4 tuổi gia nhập Hồng quân. Phục vụ trong đội kỵ binh Kotovsky. Năm 1920, ông được báo cáo bị thương gần Lvov và bị bệnh sốt phát ban. Ông trở lại quân đội một lần nữa rồi bị thương trước khi được đưa về cơ sở y tế. Năm 1921, ông bắt đầu làm việc tại xưởng sắt của Kiev là một thợ điện và kiêm chỉ huy lực lượng dân quân địa phương.

Bị bệnh thấp khớp và sốt phát ban, tháng 8 năm 1922, ông đã được gửi đến Berdyansk, một khu điều dưỡng trên biển Azov, để chữa trị. Tháng 10 năm 1922, ông đã được cho nghỉ, tuy nhiên ông vẫn tiếp tục làm việc. Năm 1923 ông được bổ nhiệm làm Chính ủy Tiểu đoàn 2 của Hồng quân và đứng đầu lực lượng dân quân vùng Berezdov ở miền tây Ukraine. Trong tháng 1 năm 1924, ông đến Izyaslav và trở thành người chủ tịch huyện Komsomol. Năm 1925, sức khỏe ông suy giảm nhanh chóng, phải đến Kharkov để điều trị y tế và tháng 5 năm 1926 được chuyển sang một khu điều dưỡng khác ở bán đảo Crimea. Tháng 12 năm 1926, ông không thể đi lại và hầu như nằm liệt giường. Tháng 12 năm 1927, Ostrovsky theo học tại Đại học Cộng sản mang tên Sverdlov ở Moscow hoàn thành vào tháng 6 năm 1929. Tháng 8, ông không thể nhìn thấy gì được nữa. 

Không nản lòng trước chứng bại liệt và mù của mình, năm 1930, ông bắt đầu viết cuốn tiểu thuyết đầu tiên “Thép đã tôi thế đấy”, cuốn sách sau này trở nên nổi tiếng và có ảnh hưởng to lớn đến lý tưởng của các thanh niên thời bấy giờ. Ông cũng viết bài cho các tờ báo, tạp chí cộng sản; và nói thường xuyên trên đài phát thanh. Vào tháng 4 năm 1932 ông trở thành hội viên của Hội nhà văn Liên bang Xô viết. Vào ngày 01 tháng 10 năm 1935, ông được trao “Huân chương Lenin”.

Ostrovsky qua đời trong bệnh tật vào ngày 22 tháng 12, năm 1936, ở tuổi 32, khi chưa kịp hoàn thành cuốn tiểu thuyết thứ hai của mình mang tên “Sinh ra trong bão táp”.

Ông được xem là “biểu tượng sống” của niềm tin và nghị lực vươn lên trong cuộc sống cách mạng của nhiều thế hệ thanh niên phe xã hội chủ nghĩa  trong đó có cả thanh niên Việt Nam thập niên 1960, 1970 và 1980.

Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn UCRAINA viết về con người Ucraina đã ngồi chễm chệ trên đỉnh cao chót vót của nền văn học Liên Xô 15 thành viên với nội dung cách mạng và nghệ thuật trung bình như vậy.

(ảnh dưới: tượng đài nhà văn N.Ostrovsky)

4/ Cái hậu cay đắng

Phần đầu Thép đã tôi thế đấyđược đăng trên tạp chí vào năm 1932. Phần thứ hai cũng trong tạp chí này từ tháng Giêng đến tháng 5, năm 1934. Cuốn tiểu thuyết được xuất bản thành sách vào năm 1936 tiêu biểu cho các quy tắc của “chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa”. 

Tuy nhiên khi được đề nghị rà soát lại bản thảo để tái bản lần 1, tác giả Ostrovsky đã mô tả không khí căng thẳng của nhà Pavel, sự đau khổ khi ông trở thành một người tàn tật, sự rạn nứt trong mối quan hệ vợ chồng của ông với người vợ Taya (Thai-a). Ông đã viết lại cái kết cay đắng, phá vỡ “phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa” – hai con người cùng giai cấp chẳng còn tình thương yêu nữa- cô vợ ý tá đòi li dị và anh chồng thương binh nặng không thể cản ngăn. Bản thảo 2 đã không được tái bản năm 1936 và cha đẻ của nó ngậm ngùi tắt thở cuối năm ấy.

5/ Đọc lại “Thép đã tôi như thế nào”. 

(Cảm xúc 2022 của nhà giáo đại học Trương Quang Đễ)

Đang lúc Ukraina bị đám Putin tấn công tàn phá dữ dội, tôi chạnh lòng nghĩ tới nhân vật Pavel Korchagin trong cuốn “Thép đã tôi như thế nào” và ngậm ngùi thấy số phận bất kỳ ai trên thế gian này đều diễn biến khôn lường, nhất là những kẻ đi theo cách mạng.

Nhớ hồi cuối năm 1953 khi đang học ở Trường Phan Đình Phùng, Hà Tĩnh, tôi bắt gặp cuốn sách có tên “Thép đã tôi” được ai đó ở Chiến khu Việt Bắc dịch từ bản tiếng Pháp và lưu hành dưới dạng những trang đánh máy. Cuốn sách hình như được chuyền tay nhau qua nhiều người nên dơ nát. Đám học sinh chúng tôi qui ước với nhau là mỗi đứa chỉ được đọc không quá một ngày một đêm rồi chuyển cho đứa khác, không ai được chậm trễ. Chưa có cuốn sách nào được đám học sinh chúng tôi đọc say mê như thế, hơn cả “Dế mèn phiêu lưu ký” của Tô Hoài. Đúng là cuốn sách gối đầu giường của lớp trẻ trong các phong trào cách mạng trên khắp thế giới. Đến cuối năm 1954 khi ra Hà Nội học đại học, tôi được tiếp xúc với cuốn sách in ty-pô hẳn hoi và có tên “Thép đã tôi thế đấy”(dịch qua bản tiếng Trung). Lúc này vào tuổi 19, 20 nên những chuyện về chiến tích cách mạng hào hùng không còn gây cảm xúc như trước nữa mà những chi tiết về tình yêu ám ảnh người đọc nhiều hơn. Cũng giống nhiều bạn khác, tôi băn khoăn tiếc nuối mối tình tan vỡ giữa Pavel và cô tiểu thư khuê các Tonia. Trang sách mà chúng tôi đọc đi đọc lại không chán là trang tả cảnh chia tay của Pavel và Tonia trong một nỗi buồn mênh mông dưới ánh chiều tà. Càng đọc tôi càng không biết cách ứng xử của ai là đúng, ai là sai. Sau đó vài ba năm, bản dịch thẳng từ tiếng Nga có tên “Thép đã tôi như thế nào” xuất hiện, được in ấn đẹp mắt, mua đâu cũng có. Lần này vì kinh nghiệm sống đã dồi dào nên cảm xúc khi đọc cũng phần nào thay đổi. Vấn đề đặt ra bây giờ không phải ai đúng ai sai giữa Pavel và Tonia mà giữa Pavel và chồng Tonia qua cuộc đàm thoại ngắn ngủi ngoài sân ga. Pavel trong bộ quàn áo lem luốc mệt mỏi ngồi trên đường ray xe lửa căm giận nhìn Tonia đẹp rạng rỡ bên người chồng dáng dấp quí phái kiêu kỳ. Trong lòng Pavel vang lên lời nguyền: “Rồi bọn chúng mày sẽ bị cách mạng loại trừ”. Chồng Tonia có vẻ không sợ hãi gì, nói khích: “Anh Pavel à, suốt đời anh mãi mãi là anh, tôi sẽ là tôi”. 

Bây giờ ngẫm lại thấy lời nói của “tên tư sản xấu xa” kia lại là chân lý! Bởi lẽ Pavel là kẻ thất bại với phong cách hùng hục lao động không cần trí tuệ. Phong cách đó làm khổ bao nhiêu dân tộc hăng hái “làm cách mạng”. Liên Xô bao nhiêu năm bằng lòng với nền kinh tế lạc hậu, Trung Quốc của Mao điêu tàn với Công xã nhân dân và Đại nhảy vọt, Việt Nam ta cũng với những năm làm Hợp tác xã cao cấp theo khẩu hiệu của xứ Nghệ: “mo cơm, quả cà và trái tim cách mạng”… Bản thân tôi thấm thía tác động khốn khổ của Pavel khi suốt ngày tháng đi lao động trồng khoai sắn mà không có thu hoạch, đi tham gia mở các trường vừa học vừa làm coi như tính chất xã hội chủ nghĩa của nền giáo dục nước nhà. Một câu hỏi đặt ra là anh Pavel hy sinh tất cả để đạt mục đích gì, cho ai, cho quốc gia nào. Trong suốt cuốn sách, Pavel phấn đấu cho lí tưởng bôn sê vích, tức là làm cách mạng giải phóng loài người, toàn thể loài người không kể thuộc quốc gia nào. Anh là dân Ukraina thuộc về Đế quốc Nga thời ấy nên anh không cần phân biệt gì mối quan hệ phức tạp giữa hai quốc gia này. Anh không biết rằng Đế quốc Nga Sa Hoàng đã luôn ra sức đồng hóa Ukraina bằng cách loại bỏ văn hóa của nước này. Anh không lường trước việc Liên Xô cũng sẽ làm như vậy và nước Nga của Putin thì đối xử với Ukraina một cách man rợ”. 

Lịch sử cho thấy nước Nga dù dưới hình thức nào, Sa Hoàng, Xô Viết hay Putin, vẫn luôn tìm cách đồng hóa Ukraina mà không thành công. Cố gắng cuối cùng của thời đại Nga-Putin gây chiến tranh hủy diệt Ukraina sẽ đánh dấu sự suy tàn vĩnh viễn của Đế quốc Nga. Tiếc thay Pavel không hiểu được điều này- thực ra có mấy ai hiểu ?! Họ đã hùng hục cống hiến hết sức mình cho một đất nước chuyên làm hại quê hương xinh đẹp thơ mộng của mình” (Fb nhà giáo đại học Trương Quang Đễ).

Kết

Những chàng “Pavel trẻ con” ngày nay, con cháu hậu duệ của nhà văn Nikolai Ostrovski tiểu thuyết, bây giờ còn ai giữ kiên định lí tưởng nữa, hay là đang lăn xả quyết tâm chống Nga xâm lược, quyết giữ vững con đường dân chủ hóa kiểu phương Tây ?

Năm 2020 nhà xuất bản Thanh Niên vẫn tái bản “Thép đã tôi thế đấy” với giá bìa 135 000 (!?). Có lẽ tái bản“vài chục cuốn” để giữ tiếng, ghi điểm với cấp trên, rồi chất trong kho lưu trữ, chứ bán cho ai bây giờ?! 

Chú  thích ảnh: Bức tượng Thiếu nữ đói (gày trơ xương tay nắm chắc ngọn lúa mì). Bức tượng dựng sau năm 1991 ghi nhớ tội ác thủ lĩnh Staline cố tình gây ra cho dân tộc Ucraina tài hoa bị vùi dập dưới chế độ Sô Viết. Quân lính Nga có lẽ muốn chiếm Kiev, để gỡ bỏ bức tượng đồng “Thiếu nữ đói” trong công viên quảng trường thủ đô. Hẳn là bới vì bức tượng làm cho bè lũ Putin ngứa mắt.

 


 

 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)