VNTB – Thí điểm thuê giám đốc điều hành DNNN không là đảng viên

VNTB – Thí điểm thuê giám đốc điều hành DNNN không là đảng viên

Phương Nguyên

 

(VNTB) – Thủ tướng Phạm Minh Chính gợi ý xem xét thí điểm thuê các giám đốc điều hành của nước ngoài, nhân sự lãnh đạo không phải là đảng viên

 

Chiều 15-6-2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị làm việc với doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) chủ đề về DNNN tham gia đóng góp, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tại hội nghị này Thủ tướng đã gợi ý xem xét thí điểm thuê các giám đốc điều hành của nước ngoài, nhân sự lãnh đạo không phải là đảng viên; xây dựng cơ chế, chính sách đãi ngộ, tiền lương phù hợp.

Nếu gợi ý trên được thực thi – cho dù là mang tính thí điểm, thì về nguyên tắc Thủ tướng cần phải điều chỉnh Nghị định 70/2023/NĐ-CP “về quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam”.

Trên thực tế thì về mặt ngôn ngữ pháp lý thể hiện ở Luật Doanh nghiệp 2020 ở Điều 64 “Tiêu chuẩn và điều kiện làm Giám đốc, Tổng giám đốc” không nêu về yêu cầu “đảng viên”, nhưng trên thực tế thì ở Việt Nam không có DNNN nào mà giám đốc điều hành (CEO – Chief Executive Officer) không là đảng viên Đảng Cộng sản.

Ngoài ra nếu triển khai thí điểm như đề xuất của Thủ tướng Phạm Minh Chính thì để đảm bảo hạn chế rủi ro về mặt tư tưởng chính trị cần thiết phải tu chỉnh để tương đồng với văn bản pháp luật về luật doanh nghiệp.

Tại khoản 11 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 giải thích thuật ngữ: DNNN bao gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định tại Điều 88 Luật Doanh nghiệp 2020.

Cụ thể, Điều 88 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về DNNN như sau: DNNN được tổ chức quản lý dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, bao gồm: (1) Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; (2) Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, trừ doanh nghiệp quy định khoản (1).

Trong đó: Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo quy định tại khoản (1) bao gồm: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ – công ty con; Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định tại khoản (2) bao gồm: Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ – công ty con; Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Như vậy, theo Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp nhà nước bao gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định. Và theo Nghị định 98/2014/NĐ-CP thì DNNN bắt buộc phải thành lập tổ chức Đảng tại doanh nghiệp.

Mặt khác, nếu thí điểm việc chọn thuê CEO ngoại cho DNNN thì cũng cần làm rõ về yếu tố đáp ứng yêu cầu “định hướng xã hội chủ nghĩa” sẽ như thế nào, ra sao khi với các CEO ngoại này hoàn toàn không có khái niệm “định hướng xã hội chủ nghĩa” trong việc quản trị nền kinh tế thị trường.

 


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar
    Nguyễn Tuấn Anh 1 week

    Yay, Cộng Sản không bóc lột nên mướn tư bửn bóc lột dùm . Nam Tông kỳ này hổng cần mổ heo cũng có heo quay ăn bá cháy bọ chét lun