Hàn Lam
(VNTB) – Căng thẳng Ukraine cộng với những lo ngại về việc FED tăng lãi suất tiềm năng tạo ra một tuần hỗn loạn trên thị trường.
Thị trường chứng khoán quốc tế đang phải đối mặt với một tuần lễ hỗn loạn khác, khi các nhà đầu tư tập trung theo dõi tình hình Ukraine cũng như tiếp tục điều chỉnh danh mục đầu tư trước việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chuẩn bị tăng lãi suất.
Còn với những nhà đầu tư trên sàn chứng khoán Việt Nam, thì chuyện giá xăng dầu và các vụ án liên qua đất đai, tham nhũng y tế tiếp tục khiến niềm tin sụt giảm.
Đáng chú ý là giá xăng dầu trong nước ở phiên điều chỉnh giá ngày 21-2 dự báo sẽ tăng theo đà tăng mạnh của thế giới, trong đó giá xăng có thể tăng trên 1.000 đồng/lít, thậm chí theo lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu cho hay trong kỳ điều hành mới này, nếu không sử dụng quỹ bình ổn, nhiều khả năng giá xăng dầu trong nước tăng với mức 1.200 đồng/lít xăng, và khoảng 900-1.000 đồng/lít dầu.
Tại kỳ điều hành gần nhất vào ngày 11-2, mỗi lít xăng E5 RON 92 đã tăng 980 đồng, giá cao nhất là 24.570 đồng/lít, RON 95-III tăng 960 đồng, giá bán cao nhất 25.820 đồng/lít. Hiện giá bán lẻ xăng trong nước đã đạt mức cao nhất kể từ 2014. Nếu tăng vào 21-2 như dự báo, xăng trong nước sẽ có lần thứ 5 liên tiếp tăng giá.
Diễn biến trên sàn chứng khoán Việt Nam ở tuần cuối tháng 2 này còn chịu ảnh hưởng của giá vàng.
Tâm lý lạc quan rằng giá vàng sẽ tăng trở nên phổ biến khi giá đã phá vỡ các điểm kháng cự kỹ thuật quan trọng. Nhiều người tin rằng giá sẽ tiếp tục được đẩy lên trên 1.900 USD/ounce trong thời gian tới.
Dự báo giá vàng có thể tăng lên 1.916 USD trong thời gian tới được cho là có các căn cứ từ nhu cầu trú ẩn an toàn do yếu tố địa chính trị, và việc các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới tìm cách thắt chặt chính sách tiền tệ, đưa đến chuyện đang tạo ra một số bất ổn trên thị trường chứng khoán.
Các quốc gia cuối cùng cũng dần thoát khỏi đại dịch, nhưng lại phải đối mặt với lạm phát khủng khiếp, khiến triển vọng tăng trưởng kinh tế trở nên rủi ro khó đoán. Và vấn đề địa chính trị đã ‘đổ thêm dầu vào lửa’, giữa bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu kéo dài do những vấn đề về chuỗi cung ứng.
Từ những góc nhìn đa chiều ở trên cho thấy hoàn toàn có lý với cảnh báo là dòng tiền vẫn đang chủ yếu ăn xổi và luân chuyển rất nhanh, có thể thứ 2 nhóm bất động sản tăng, nhưng hôm sau dòng tiền lại chuyển sang dòng ngân hàng rồi.
Thời gian gần đây nếu nhà đầu tư để ý sẽ thấy rõ cứ bất động sản tăng thì ngân hàng đỏ, còn ngân hàng tăng mạnh thì bất động sản giảm mạnh. Độ lớn của dòng tiền đang yếu đi, thanh khoản sụt giảm so với năm 2021. Tiền không mạnh nên không thể đánh toàn thị trường mà xoay vòng từng nhóm cổ phiếu.
Các giao dịch trên sàn chứng khoán trong tuần lễ cuối tháng hai này khả năng vẫn trong trạng thái cầm cự trước những đe dọa của hỗn loạn tin tức về đe dọa chiến sự, và tình trạng đang tạm coi là mất an ninh năng lượng ở Việt Nam.
Về cơ bản, nhiều nhà đầu tư vẫn chờ đợi tin tức ở ngày 4-3 tới đây, khi FTSE Vietnam Index – chỉ số cơ sở của FTSE Vietnam ETF sẽ công bố danh mục cơ cấu quý 1-2022. Sau đó một tuần, ngày 12-3, đến lượt MVIS Vietnam Index – chỉ số cơ sở của VNM ETF cũng công bố danh mục.
Hai quỹ FTSE Vietnam ETF và VNM ETF với tổng quy mô hơn 900 triệu USD sẽ hoàn tất cơ cấu vào ngày 18-3.
Với FTSE Vietnam Index, BVSC (Công ty Chứng khoán Bảo Việt) dự báo sẽ không có cổ phiếu nào bị loại khỏi danh mục trong kỳ cơ cấu này. Trong khi đó, nhiều khả năng VND, NLG và VCG sẽ được thêm mới trong kỳ cơ cấu với tỷ trọng ước tính lần lượt 3,17%; 1,28% và 1,34%.
Tiêu chí để được thêm mới vào rổ FTSE Vietnam Index là (i) không thuộc diện cảnh báo, kiểm soát hay kiểm soát đặc biệt; (ii) vốn hóa thị trường thuộc top bao phủ 88% thị trường;
(iii) tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng dành cho nhà đầu tư nước ngoài phải lớn hơn 15%; nếu tỷ lệ này nhỏ hơn thì phải lớn hơn 5% và có vốn hóa lớn hơn 45 nghìn tỷ đồng; (iv) giá trị giao dịch bình quân hàng ngày trong 3 tháng gần nhất phải đạt tối thiểu 40% giá trị giao dịch bình quân hàng ngày trong 3 tháng của cả danh mục và (v) tỷ lệ đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài tối thiểu 2%.