Hàn Lam
(VNTB) – Lãi suất tiền gửi bắt đầu tăng thêm…
Động thái tăng lãi suất tiền gửi diễn ra ngay sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất 0,75 điểm % lần thứ 3 liên tiếp trong năm nay tại cuộc họp trong hai ngày 20 và 21-9 và cho biết sắp tới sẽ tiếp tục tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát tại Mỹ đã tăng vọt lên mức cao kỷ lục 40 năm.
Ngày 22-9, Ngân hàng Nhà nước ban hành đã các quyết định điều chỉnh loạt lãi suất điều hành có hiệu lực từ ngày 23-9. Cụ thể, trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng đã được cơ quan quản lý tăng thêm 1 điểm phần trăm, từ 4%/năm lên 5%/năm. Riêng quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô được áp dụng mức lãi suất tối đa cho tiền gửi kỳ hạn tương đương 5,5%/năm.
Với khoản tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng, trần lãi suất được nâng từ 0,2%/năm lên 0,5%/năm.
Bên cạnh đó, hai loại lãi suất điều hành. khác gồm lãi suất tái cấp vốn và tái chiết khấu cũng được điều chỉnh tăng thêm 1 điểm phần trăm, lần lượt lên mức 5%/năm và 3,5%/năm.
Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước với các tổ chức tín dụng tăng từ 5%/năm lên 6%/năm.
Tin tức cho hay các nước cũng điều chỉnh tăng lãi suất, và điều này sẽ làm ảnh hưởng tới nhiều nước khác về nợ công, xuất khẩu, thất nghiệp… Nhiều đồng tiền trên thế giới trong phiên giao dịch ngày 22-9 đồng loạt phá đáy.
Bảng Anh (GBP) xuống mức thấp nhất 4 thập kỷ và lần đầu tiên kể từ năm 1985 xuống dưới mốc 1,13 USD/bảng. Euro mức thấp nhất so với USD trong 20 năm, 1 euro chỉ còn đổi được 0,98 USD. Đồng won của Hàn Quốc (KRW) xuống mức thấp nhất trong hơn 1 thập kỷ và lần đầu tiên xuống dưới ngưỡng 1 USD đổi 1,4 won. Đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc cũng xuống dưới ngưỡng quan trọng: 1 USD đổi 7 NDT.
Còn đồng yen Nhật cũng sụt giảm lịch sử, xuống mức thấp nhất trong 24 năm qua. Tính từ đầu năm tới nay, đồng yên Nhật đã giảm hơn 25%, từ mức 1 USD đổi 115,3 yen xuống mức mức 1 USD đổi 144,5 như hiện tại. Mức mất giá của yên Nhật đã vượt qua mức giảm lịch sử năm 1979 (khi đó yên mất giá 19,1%).
Với Việt Nam, ý kiến từ một số nhà quan sát chính trị thì với nền kinh tế có quy mô khiêm tốn, độ mở cao, sức chống chịu và cạnh tranh có hạn, nên một biến động nhỏ trên thế giới cũng có tác động lớn tới tình hình trong nước. Các thị trường lớn của Việt Nam như Mỹ, EU… có xu hướng bị thu hẹp. Phản ứng chính sách của các nước cũng tác động tới tỉ giá, lãi suất, tín dụng, giá trị đồng tiền… của Việt Nam.
Tỷ giá “căng” gần đây cũng khiến Ngân hàng Nhà nước phải bán ra ngoại tệ, đồng nghĩa hút tiền về, càng làm thanh khoản tiền đồng của hệ thống bớt dồi dào. Các yếu tố khiến cho lãi suất tiền gửi tiếp tục tăng còn đến từ việc Ngân hàng Nhà nước đã chính thức cấp thêm giới hạn tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng kể từ đầu tháng 9, dẫn đến sự gia tăng nhu cầu vốn của các ngân hàng thương mại.
Ngoài ra, thanh khoản cuối năm 2022 dự báo sẽ gặp căng thẳng khi các ngân hàng cần chuẩn bị khoảng 250.000 tỷ đồng để thanh toán cho các giao dịch mua USD kỳ hạn từ Ngân hàng Nhà nước.
Trong 8 tháng qua, con số thống kê cho hay có hơn 104 ngàn doanh nghiệp buộc phải rút lui khỏi thị trường, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2021. Điều đó cho thấy trụ cột của nền kinh tế đang khó khăn như thế nào trong ngắn hạn.
Trong khi đó, cả chính sách tiền tệ và tài khóa dường như không theo kịp nhu cầu, đòi hỏi của nền kinh tế đã mở lại sau đại dịch.
Về tài khóa, sau 8 tháng, tỷ lệ giải ngân gói kích thích 350 ngàn tỷ mới đạt 16%, giải ngân đầu tư công mới chỉ đạt 40%. Nhiều công trình, dự án công, đặc biệt là các dự án trọng điểm rất khó khăn để triển khai do giải phóng mặt bằng chậm, do đơn giá tăng cao và thủ tục hành chính phức tạp.
Thanh khoản đang là vấn đề lớn nhất của các doanh nghiệp, nhiều dự án tốt, có khả năng sinh lời của nhiều doanh nghiệp đang phải dừng lại dang dở do thiếu vốn.