Việt Nam Thời Báo

VNTB – Thiên hạ luận: Vui buồn mua hàng trực tuyến

Diệp Chi

(VNTB) – Cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, xã hội càng lúc càng phát triển, thương mại điện tử ra đời và phát triển nhằm phục vụ cho nhu cầu tiện nghi của con người, nhất là với những người khó khăn trong vấn đề đi lại.

Thương mại điện tử, hay còn gọi là e-commerce, e-comm hay EC, là sự mua bán sản phẩm hay dịch vụ trên các hệ thống điện tử như Internet và các mạng máy tính.

Thương mại điện tử dựa trên một số công nghệ như chuyển tiền điện tử, quản lý chuỗi dây chuyền cung ứng, tiếp thị Internet, quá trình giao dịch trực tuyến, trao đổi dữ liệu điện tử (EDI), các hệ thống quản lý hàng tồn kho, và các hệ thống tự động thu thập dữ liệu.

Thương mại điện tử hiện đại thường sử dụng mạng World Wide Web (www) là một điểm ít nhất phải có trong chu trình giao dịch, mặc dù nó có thể bao gồm một phạm vi lớn hơn về mặt công nghệ như email, các thiết bị di động như là điện thoại.

Nói đến thương mại điện tử ở Việt Nam, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến những trang web bán hàng có tiếng như Tiki, Lazada, Shopee…

“Với suy nghĩ của riêng cá nhân mình, thương mại điện tử ở Việt Nam không chỉ đơn thuần là ba công ty nói trên, mà đó còn là những livestream trên nền mạng xã hội, mà biết đến nhiều nhất là facebook. Mình không phải là dân kinh tế, mình chỉ thấy có điểm tương đồng.

Lấy ví dụ Tiki nha, bạn lên máy tính hoặc điện thoại chọn mua một món gì đó, thông qua thiết bị điện tử, đặt rồi người ta giao, trả tiền. Mua hàng livestream cũng y như vậy thôi. Hoặc mua hàng thông qua các trang fanpage trên nền tảng facebook cũng chẳng khác gì Tiki. Nói vậy chứ, theo mình vẫn có điểm khác, với Lazada hay Shopee thì mình không rõ nhưng Tiki bạn còn có thể mắng vốn được nếu hàng được giao không đúng với cái bạn đặt”, cựu sinh viên Tùng, từng có thời gian là “đối tác bán hàng” trên nền tảng thương mại điện tử chia sẻ suy nghĩ.

Có thể nói, mua hàng trực tuyến (mà nhiều người thường hay gọi là mua hàng online) đem đến nhiều sự tiện dụng, bất kỳ bạn ở đâu, chỉ cần có thời gian rảnh, trên tay là một chiếc điện thoại thông minh với sóng 3G hoặc 4G là có thể “lướt lướt quẹt quẹt” rồi “chốt đơn” và chờ đợi.

Tuy nhiên, cái nào cũng có hai mặt của nó…

“Có một lần mình mua hàng ở một cái shop ngoài Hà Nội. Hoá đơn khoảng 300.000 VND. Không như những shop khác, shop này ghi rõ không cho khách xem hàng, nếu tự ý xé túi cho khách xem, buộc phải bồi thường 100%. Mình đã thấy lạ rồi. Nhưng thôi, mình vẫn nhận vì nghĩ Hà Nội mà, phải uy tín chứ.

Đến khi mở hàng ra, nói theo kiểu trên mạng, hàng nhận khác hàng trưng bày, xem ra cũng chưa đúng với túi hàng này. Mình đặt mua rõ ràng là quần, áo, váy để chuẩn bị đi du lịch. Họ giao cho mình một đống nùi giẻ, có cái còn dính vết cà phê hoặc những vết màu đỏ, chẳng biết là gì. Nhắn tin mắng vốn thì họ im lặng. Gọi facebook thì họ nói do sơ suất từ nhân viên, sẽ đền bù lại. Đến tận bây giờ, vẫn chưa thấy đâu. Nản hết sức nản”, chị Ngọc, một người thường xuyên mua quần áo từ những livestream và fanpage trên nền tảng facebook chia sẻ.

Gặp trường hợp tương tự, nhưng may mắn hơn chị Ngọc, là trường hợp của ông Hai: “Mình đặt mua một con thú nhồi bông trên nền tảng Tiki. Đến khi giao đến nhà, nhân viên giao hàng nghi ngờ vì con thú nhồi bông không thể nhỏ như vậy được. Họ đề nghị khui ra để kiểm tra trước mặt khách hàng, thì y rằng, bên trong không có con thú nào hết, thay vào đó là một khoản tiền bằng giá con thú”.

“Thằng bán hàng này làm vậy là còn nhân đạo. Nó chỉ lấy chỉ tiêu bán hàng thôi. Ít ra còn trả lại tiền cho khách. Chứ có nhiều thằng, nó gửi cái hộp không hoặc hàng không đúng như khách order. Tụi em bị mắng vốn hoài vụ đó”, nhân viên giao hàng Tiki chia sẻ.

Có thể thấy, xã hội hiện tại, hình thức mua bán trực tuyến đang được nhân rộng. Nói theo cách dân gian, đã lỡ dại thì nên ráng mà chịu. Tuy nhiên, thiết nghĩ, nếu không có biện pháp nào xử lý những trường hợp “buôn gian bán lận” trên sàn thương mại điện tử, trên nền tảng mạng xã hội, liệu sắp tới đây sẽ có thêm bao nhiêu trường hợp nữa rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”?


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Nếu Thảo Cầm Viên Sài Gòn đóng cửa vì lỗ?

Phan Thanh Hung

VNTB – Chợ tự phát

Phan Thanh Hung

VNTB – Tôi không nợ nhưng tôi bị uy hiếp, làm phiền!

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo