Việt Nam Thời Báo

VNTB – Thiếu định hướng, mơ hồ mục tiêu: Việt Nam khó thành nước công nghiệp vào 2020

Lê Kiên (VNTB) – Đại hội IX (năm 2001), Đảng Cộng sản đã đặt ra mục tiêu “đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Tuy nhiên, đến nay, về mặt lý luận và thực tiễn, không có bất kỳ một tiêu chí cụ thể nào để có thể xác định được mục tiêu nêu trên.

Loay hoay tìm đường, mơ hồ mục tiêu là phác thảo thực chất nhất về tình trạng không thể định hình tiêu chí, lộ trình tiến tới “công nghiệp hiện đại”.

“Chúng ta đi theo CN cao, CN chế biến, CN chế tạo máy… Chúng ta chưa có đường lối rõ ràng mà chỉ chung chung, không hề có sự xác định về ngành mũi nhọn. Đến xác định thế nào là nước công nghiệp hóa, cũng không hề rõ ràng, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách nhận định.

Kể cả, những tiêu chí cho một nước công nghiệp hóa được xác định bởi tác giả Đỗ Đức Định (2004) và Ngô Đăng Thành (2009) bao gồm bộ tiêu chí thu nhập, bộ tiêu chí cơ cấu, bộ tiêu chí về phát triển bền vững nếu áp dụng vào thì Việt Nam cũng không thể đáp ứng được. Cụ thể, nếu muốn đạt thu nhập bình quân 10.000 USD/ người vào năm 2020, thì phải đảm bảo tốc độ tăng trưởng hằng năm là 10%; chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp là 18,3% năm 2013, quá nhiều so với 10% để đạt mức công nghiệp; cơ cấu lao động với tỉ trọng lao động công nghiệp 30-35% vẫn lớn hơn so với mức chuẩn là 25%…

Đối với ngành chế tạo máy, được xem như giai đoạn đầu của việc tiến tới nước công nghiệp (UNIDO – 2013) và bản thân chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam cũng đang hướng mạnh đến các ngành công nghiệp chế tạo, thì tỉ trọng công nghiệp chế tạo vào năm 2012 chỉ ở mức 0,22%, trong khi Thái Lan là 0,93%, còn chuẩn thế giới thì bằng hoặc thấp hơn 0,5%. Các chính sách về hỗ trợ ngành chế tạo máy cũng không thực sự tạo điều kiện cho ngành này. Cụ thể, nếu doanh nghiệp FDI nhập khẩu máy móc, dây chuyền sản xuất thì sẽ được hưởng ưu đãi thuế 0%. Trong khi doanh nghiệp sản xuất trong nước phải đóng thuế. Luật Đấu thầu không đảm bảo cho cơ khí nội địa được tham gia các dự án trong nước.

Còn đối với bộ tiêu chí phát triển bền vững thì Việt Nam đang trên đà chênh lệch giàu nghèo ngày một lớn. Gia tăng tăng mạnh nhóm 20% người giàu nhất, chênh lệch giàu nghèo tăng từ 7 – 8,5 lần trong giai đoạn 2004 – 2010 và 9,2 – 9,4 lần trong giai đoạn 2010 – 2012.

Năm 2014, nhiều hội thảo diễn ra và khẳng định: Việt Nam không thể trở thành nước công nghiệp vào năm 2020.

Và giờ đây, một lần nữa, theo trang Economy Watch, mục tiêu đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa để trở thành một nước công nghiệp, hiện đại vào năm 2020 của Việt Nam khó có thể đạt được.


Bài đọc thêm: Thiếu định hướng, Việt Nam khó trở thành nước công nghiệp vào năm 2020

Tụt hậu so với khu vực

Việt Nam đang tụt lại xa đằng sau so với các nước đang công nghiệp hóa khác tại Châu Á như Malaysia và Thái Lan về tiêu chuẩn sống, công nghệ và cơ sở hạ tầng. Trong khi tiến triển chậm trong việc đạt mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại trong nhiều năm qua, Việt Nam lại chịu thêm ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2010.

Kể từ sau cuộc khủng hoảng, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam đã mất vài điểm phần trăm mỗi năm.

GDP bình quân đầu người của Việt Nam chỉ đạt 1.908 USD vào năm 2013 (so với mức 53.042 USD của Mỹ). Thu nhập trung bình tại Việt Nam thuộc mức thấp nhất trong số các nước tại châu Á, chỉ cao hơn Campuchia, Lào và Myanmar.

Với tốc độ hiện tại, Economy Watch cho rằng Việt Nam sẽ cần phải mất hàng thập kỷ nữa mới đạt được mức ngang bằng với các quốc gia công nghiệp khác tại châu Á, lâu hơn nhiều so với các nước đang công nghiệp hóa khác trên thế giới.

Thiếu định hướng

Việt Nam gặp phải những vấn đề không điển hình trong công cuộc công nghiệp hóa đất nước. Một trong những vấn đề lớn nhất là Việt Nam thiếu một ngành công nghiệp xác định. Các quốc gia khác ở châu Á thường công nghiệp hóa với sự hỗ trợ từ các ngành công nghiệp mục tiêu.

Chẳng hạn, Hàn Quốc có ngành kỹ thuật cơ khí mạnh, Nhật Bản có thiết bị điện tử tiêu dùng. Nhưng Việt Nam không có ngành công nghiệp nào quan trọng như vậy, và điều này đã gây khó khăn cho Chính phủ trong việc xác định ngành thích hợp để thu hút nguồn lực để hỗ trợ tốt nhất cho việc công nghiệp hóa.

Mặc dù đã phấn đấu theo hướng công nghiệp hóa từ những năm 1990, nhưng ngành khoa học và công nghệ của Việt Nam có rất ít cải thiện. Các công ty trong nước không làm được gì đáng kể để cải tiến công nghệ và ngành sản xuất công nghiệp có vẻ vẫn giống như cách đây hơn 20 năm. Công nghệ lạc hậu đó phần lớn là không hiệu quả, khiến các nhà sản xuất Việt Nam kém cạnh tranh so với các nước khác.

Theo Báo cáo Cạnh tranh Toàn cầu 2014-2015 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Việt Nam đứng thứ 99 trong số 144 nền kinh tế về mức độ sẵn sàng về công nghệ, và đứng thứ 118 trong việc áp dụng các công nghệ mới nhất.

Việt Nam có vẻ vẫn chưa sẵn sàng đưa ra những hành động cần thiết để tạo điều kiện đạt được các mục tiêu riêng của mình cho công cuộc công nghiệp hóa.

Economy Watch cho rằng nếu không có các sáng kiến ​​nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ và các chương trình mới để cải thiện cơ sở hạ tầng của đất nước, tăng trưởng của Việt Nam có thể sẽ tiếp tục bấp bênh trong những năm tới.|

Theo Trung Nghĩa/ NDH

Tin bài liên quan:

Một đội ngũ «think tank» cho Việt Nam?

Phan Thanh Hung

Biển Đông : Việt Nam gởi công hàm đến LHQ phản đối Trung Quốc bồi đắp đảo

Phan Thanh Hung

VNTB – Du khách Trung Quốc tại Việt Nam: xuyên tạc lịch sử?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo