Trần Thành
(VNTB) – Luật sư tố cáo thân chủ không khác cha đạo đi tố con chiên xưng tội!
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, bà Lê Thị Nga “nghiêng” về quan điểm luật sư cũng phải chịu trách nhiệm như những công dân khác (Khoản 3, Điều 19 của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự), nếu luật sư đang bào chữa về tội này nhưng phát hiện ra các tội liên quan đến xâm phạm an ninh quốc gia, hay các tội đặc biệt nghiêm trọng mà không tố giác. Theo bà Lê Thị Nga, quy định như vậy là phù hợp, bảo đảm mọi công dân đều có nghĩa vụ phải tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm.
Nếu vậy thì phải sửa Luật Luật sư
Điều 9 của Luật Luật sư quy định nghiêm cấm luật sư thực hiện hành vi tiết lộ thông tin vụ việc về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác.
Nếu buộc luật sư phải tố giác thân chủ thì có thể vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội. Theo nguyên tắc này, một người coi là có tội chỉ khi bản án có hiệu lực của Tòa án, còn việc chứng minh tội phạm là việc của cơ quan điều tra và công tố. Chính người đó cũng không phải chứng minh mình là vô tội, mà luật sư lại đi tố giác. Khi luật sư tố giác thân chủ, thì hành vi đó có thể vi phạm quyền con người của bị can, bị cáo. Vì theo Hiến pháp, Bộ luật tố tụng hình sự, bị can bị cáo không buộc phải khai báo những điều bất lợi và không buộc phải nhận tội, trong khi luật sư thì lại tố giác họ.
Luật sư phải học Đại học luật 4 năm, học nghề 12 tháng, tập sự 12 tháng, tốt nghiệp kỳ thi hết tập sự, chịu sự điều chỉnh của Luật luật sư, Điều lệ Liên đoàn luật sư Việt Nam, quy tắc đạo đức ứng xử nghề nghiệp và nhiều quy định nội bộ khác, nên giờ đây nếu buộc luật sư đi tố giác thân chủ là trái với tất cả những điều đã học, trái lương tâm và đạo đức nghề nghiệp vì phản bội lại niềm tin của bị can, bị cáo, trái với thiên chức của luật sư là gỡ tội.
Dám tố cáo không?
Luật sư Trần Vũ Hải nêu một trường hợp giả định: Tôi có một thân chủ, một cựu á hậu nay là nữ doanh nhân thành đạt. Cô vướng vào một vụ án hình sự, nhưng được tại ngoại. Sau khi nghiên cứu hồ sơ, tôi nhận thấy vụ này khá nghiêm trọng và ngạc nhiên cô lại được tại ngoại.
Tôi nói “vụ lớn thế này, em được tại ngoại là phước đó”. Cô tâm sự “không đơn giản đâu, luật sư ơi, em phải đi quan hệ đấy”. Tôi hỏi “em quan hệ thế nào”. Cô trả lời “em quan hệ với ông A, ông ấy cho em tại ngoại, rồi em quan hệ với ông B, ông ấy bớt truy cứu mấy hành vi cho em”. Tôi tò mò “em vẫn hay quan hệ hả?”. Cô ta hồn nhiên kể “Vâng, nhiều lắm, luật sư ạ. Em quan hệ với ông C, ông cho em dự án. Em quan hệ với ông D, ông cấp đất cho em. Em quan hệ ông Đ, ông cho em vay vốn. Rồi ông E, ông cho em giấy phép xây dựng…”.
Tôi hỏi tiếp “thế em quan hệ, có tốn kém không?”. Nữ thân chủ cười: “anh không hiểu hả. Mấy ông kể trên, em quan hệ, đều không tốn, nhưng các ông ấy đều thoả mãn. Riêng với ông X, ông còn cho em tiền”. Tôi ngạc nhiên hỏi “em quan hệ với ông X thế nào, ông cho em bao nhiêu?”. Cựu á hậu bẽn lẽn, “có 1 lần thôi, ông cho 200 triệu”. Tôi hỏi đùa “vậy em đã quan hệ bao nhiêu ông rồi”. Nữ doanh nhân nhẩm đọc bảng chữ cái “a, b, c, d… x, y, z, khoảng 30 ông, luật sư ạ”.
Tôi nhẩm tính 30 x 200 triệu = 6 tỷ đồng. Thôi chết rồi, thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng rồi. Tôi run run, không biết có nên tố giác nữ thân chủ của tôi, đã 30 lần “quan hệ”, toàn với các quan chức cỡ bự?
Luật sư sẽ dễ trở thành nghi phạm
Trong giả định kể trên của luật sư Trần Vũ Hải cho thấy một trong những hệ lụy khi Điều 19 Bộ luật Hình sự được thông qua, là có thể đẩy luật sư từ chỗ đang thực thi nhiệm vụ bào chữa cho thân chủ theo đúng quy định của pháp luật, bỗng dưng lại trở thành người bị tình nghi phạm tội.
Thế nhưng làm sao biết câu chuyện của cô cựu á hậu là có bao nhiêu phần trăm sự thật? Không lẽ khi cô á hậu này đến tham vấn với câu chuyện “quan hệ” như nói trên, luật sư làm đơn tố giác ngay đến công an hoặc gọi điện thông báo đến cơ quan tố tụng có thẩm quyền để tố giác tội phạm?
Về mặt đạo đức nghề, theo quy định tại Điều 9 Luật sửa đổi, bổ sung của Luật Luật sư, làm như vậy là vi phạm. Mặt khác, tại thời điểm khách hàng tham vấn, chưa có gì khẳng định sự việc là có thật và do chính khách hàng làm. Bởi thực tế, để xác định một người có tội hay không, các cơ quan tiến hành tố tụng phải qua các bước khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử ở hai cấp Tòa án. Như vậy, khi buộc trách nhiệm luật sư tố giác khách hàng của mình là tội phạm ngay khi họ đến trình bày hoặc tham vấn là không tưởng. Nếu họ không phạm tội và cho rằng luật sư vu khống, thì ai sẽ chịu trách nhiệm về tội vu khống này? Làm như vậy, liệu khách hàng có đồng tình và tin vào luật sư nữa hay không?
Luật Luật sư là luật chuyên ngành. Nguyên tắc hành nghề luật sư là làm những gì có lợi nhất cho khách hàng của mình mà pháp luật không cấm. Việc bị can, bị cáo, người bị tạm giữ có quyền im lặng để bảo vệ mình, thì luật sư cũng có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ thông tin gây bất lợi cho khách hàng. Việc làm này là đúng quy định của pháp luật nên không thể truy cứu trách nhiệm hình sự của luật sư.
Quyền giữ bí mật của luật sư một số nước
Hoa Kỳ: Luật sư phải bảo mật tất cả thông tin về khách hàng, bất kể nguồn thông tin đó có từ đâu.
Canada: Luật sư phải bảo mật tất cả thông tin liên quan đến việc kinh doanh và vụ việc của khách hàng mà luật sư biết được trong quan hệ nghề nghiệp, và không được tiết lộ bất kỳ thông tin nào ngoại trừ được khách hàng cho phép…
New Zealand: Luật sư phải bảo vệ và giữ bí mật tất cả thông tin liên quan đến khách hàng, thỏa thuận giữa luật sư và khách hàng và việc kinh doanh và vụ việc của khách hàng mà luật sư biết được trong quá trình quan hệ nghề nghiệp với khách hàng.
Nhật Bản: Luật sư không được phép tiết lộ thông tin của khách hàng. Tuy nhiên, nếu biết khách hàng đang chuẩn bị phạm một tội rất nghiêm trọng, luật sư được phép thông báo cho cơ quan chức năng sau khi đã làm hết các biện pháp khác mà không thể ngăn cản khách hàng…
Chỉ luật sư hai mang thời đại thổ tả mới làm trò mèo, vừa ăn tiền thân chủ vừa tố cáo thân chủ để tiến thân.