Việt Nam Thời Báo

VNTB- Thu hay không 4,700 tỷ: Đã đến lúc thân ai người đó lo

Tranh cãi về việc thu hay không thu khoản lợi tức 4,700 tỷ đồng năm 2015 của hai ngân hàng BIDV và VietinBank – từ yêu cầu khẩn thiết bất thường của Bộ Tài chính – đang biến thành một cuộc xung đột lợi ích theo đúng nghĩa giữa nhóm ngân hàng thương mại với nỗi bức bối “tiền đâu” của “đảng ta”.
Hình Cafef
Lần đầu tiên, Bộ Tài chính không chấp nhận tiếp tục cho các ngân hàng giữ lại cổ tức của nhà nước để tăng vốn, mà đòi nộp vào ngân sách. Không những thế, đòi nộp bằng tiền mặt chứ không phải bằng cổ phiếu. Tuy nhiên, đòi hỏi này đã vấp phải hàng loạt quy định trong nội bô cổ đông của ngân hàng. Thậm chí BIDV và VietinBank đã phải làm văn bản khẩn thiết đề nghị Chính phủ cho hai ngân hàng này được để lại cổ tức để tăng vốn.   
Trung tâm Nghiên cứu BIDV thuộc Ngân hàng BIDV mới đây đã đưa ra một số luận cứ cảnh báo về những rủi ro đối với hệ thống ngân hàng và nền kinh tế khi tình trạng suy giảm năng lực tài chính các ngân hàng thương mại nhà nước không được giải quyết:
Trong trường hợp vốn tự có của khối ngân hàng thương mại nhà nước không được tăng trong năm 2016 (tương ứng với việc Nhà nước thu về toàn bộ cổ tức năm 2015), tăng trưởng tín dụng của khối ngân hàng thương mại nhà nước chỉ ở mức 7-8% trong năm nay. Khi đó, số vốn tín dụng thiếu hụt sẽ làm tăng trưởng GDP trong giai đoạn 2016-2020 bị giảm trung bình 0.55%-0,6%/năm, dẫn đến tăng trưởng GDP giai đoạn 2016-2020 dự kiến chỉ ở mức 6.05-6.4%/năm.
Trong trường hợp vốn tự có của khối ngân hàng thương mại nhà nước tăng lên từ nguồn lợi nhuận giữ lại với ước tính ở mức 8.34%/năm mà không có nguồn tăng vốn bổ sung từ bên ngoài, dự kiến tăng trưởng GDP giai đoạn 2016-2020 sẽ chỉ ở mức 6.3-6.7%/năm.
Bên cạnh đó, việc tăng trưởng tín dụng giảm so với yêu cầu ở mức 5-10% trong vòng 5 năm (2016-2020) sẽ làm giảm khoản thu của ngân sách nhà nước khoảng 1,800-5,000 tỷ đồng tiền thuế…
Hoàn toàn có thể hiểu, nguồn cơn của cuộc xung đột về lợi ích giữa nhóm ngân hàng và Bộ tài chính là tình trạng gần như rỗng ruột của ngân sách quốc gia.
Vào cuối năm 2015, Bộ trưởng kế hoạch và đầu tư khi đó là ông Bùi Quang Vinh đã lần đầu tiên phát pháo về thực chất ngân sách trung ương chỉ còn 45,000 tỷ đồng mà “không biết chi cho cái gì”. Ngay sau đó, người sắp mất chức thủ tướng là Nguyễn Tấn Dũng đã phải chỉ đạo Bộ Tài chính vay gấp Ngân hàng nhà nước 1 tỷ USD, cùng lúc chỉ đạo bộ này thoái vốn tại nhiều tập đoàn lớn của nhà nước, kể cả “con bò sữa” Vinamilk.Còn trong nửa đầu năm 2016, tình hình thu ngân sách đã xấu hẳn. Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước thực hiện 5 tháng đầu năm 2016 có mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ 2 năm gần đây.
Trong khi nguồn thu trong nước ngày càng tệ, “ngoại vận” cũng tồi đột ngột. Vào cuối năm 2015, bắt đầu xuất hiện những quyết định chấm dứt cho vay vốn ODA ưu đãi từ phía Ngân hàng thế giới (WB). Đến đầu năm 2016, đến lượt Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Phát triển Á châu (ADB) chấm dứt cho Việt Nam vay vốn với lãi suất ưu đãi.
Điều đáng nói là trong khi nguồn thu bị thắt chặt, bội chi vẫn đều đặn phát triển. Kế hoạch năm 2016 vẫn chấp nhận mức bội chi lên đến xấp xỉ 5% GDP, tức lên đến khoảng 250,000 tỷ đồng. Vào năm 2016, mức bội chi đã lên đến mức kỷ lục là 6.3% GDP. 70% trong nguồn chi được dùng cho chi thường xuyên, trong đó có chi cho lực lượng an ninh để đàn áp biểu tình môi trường của người dân.
Đó là lý do sâu xa mà đã khiến khối ngân hàng thương mại, mặc dù thoát thai từ nhà nước, đã tìm cách ngoảnh mặt quay lưng với ngân khố quốc gia. 
Lê Dung / SBTN

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.