Việt Nam Thời Báo

VNTB – Thư số 132a gởi Người Lính Quân Đội Nhân Dân Việt Nam

Phạm Bá Hoa

 

Tôi là người Việt Nam. Chào đời năm 1930, phục vụ quân lực Việt Nam Cộng Hòa từ ngày 12/5/1954 đến Giờ Thứ 25 ngày 30/4/1975. Sau ngày tang thương này, lãnh đạo Việt Cộng đẩy tôi vào trại tập trung trên đất Nam ngày 14/6/1975, chuyển đến trại tập trung trên đất Bắc từ ngày 16/6/1976, ra khỏi trại tập trung ngày 9/9/1987 về đến nhà ở Sài Gòn chiều ngày 12/9/1987, rời khỏi Việt Nam tháng 4/1991 tị nạn cộng sản trong đợt H05, và đang sống tại Hoa Kỳ. 

Ước mơ của tôi là được trở về Việt Nam sống trên quê hương cội nguồn của mình dưới chế độ dân chủ tự do. Vì vậy mà ước mơ đó luôn thúc đẩy tôi tổng hợp các tin tức và chọn lọc vào nội dung, giúp Các Anh và những thành phần yêu chuộng dân chủ tự do có nét nhìn rộng hơn và rõ hơn, về những sự kiện trên thế giới liên quan trực tiếp lẫn gián tiếp đến mục tiêu ngăn chận tham vọng thống trị thế giới của Trung Cộng, mà Hoa Kỳ và một số quốc gia phát triển đang thực hiện. Và khi lãnh đạo Việt Cộng tự suy yếu, hoặc Trung Cộng bị suy yếu thì lãnh đạo Việt Cộng không còn chỗ dựa, đó là cơ hội cho Các Anh và toàn dân đứng lên giành lại Quyền Làm Người của mình, nối tiếp dòng lịch sử oai hùng của dân tộc từ ngàn năm trước.

Là Người Lính trong Quân Đội gắn liền với hai chữ “Nhân Dân”, phải hiểu là Các Anh có trách nhiệm bảo vệ Nhân Dân, cũng là bảo vệ Tổ Quốc, vì Tổ Quốc với Nhân Dân là trường tồn, trong khi đảng cộng sản hay bất cứ đảng nào cầm quyền cũng chỉ một giai đoạn của lịch sử. Ngay cả Cộng Sản Quốc Tế là Liên Xô như đang chờ nắm quyền thống trị thế giới vô sản, đã phải sụp đổ từ đầu năm 1991 vì cộng sản là chế độ độc tài và độc ác. Liên Xô sụp đổ, kéo theo nhóm quốc gia cộng sản vùng Đông Châu Âu cùng sụp đổ.

Chưa hết, Các Anh hãy nhớ lại vào nửa thế kỷ trước đó, phát xít Đức bắt đầu chiến tranh xâm lăng Ba Lan từ tháng 10/1939 và chiếm gần hết Châu Âu, trong khi phát xít Nhật bắt đầu chiến tranh với Hoa Kỳ từ tháng 12/1941 và chiếm gần hết các quốc gia vùng Đông Nam Châu Á, nhưng đến nữa cuối năm 1945 thì cả Đức lẫn Nhật phải gục ngã -vì họ là chế độ độc tài và độc ác không thể tồn tại dài lâu- trước thế giới tự do do Hoa Kỳ dẫn đầu. Và nội dung tôi gởi đến Các Anh được đặt trên căn bản đó. 

Với lá Thư này, tôi sưu tầm và chọn lọc những tin tức liên quan đến hồ sơ Ấn Độ – Thái Bình Dương: (1) Hoa Kỳ với Trung Cộng trên hồ sơ một số đảo quốc vùng Thái Bình Dương. (2) Trung Cộng dưới nét nhìn của những nhà trí thức Ấn Độ. (3) Việt Nam xã hội chủ nghĩa dưới nét nhìn của nhà đạo diễn Việt Cộng Trần Văn Thủy. 

 

(1) Hoa Kỳ với Trung Cộng trên hồ sơ Thái Bình Dương.

Xin nhắc lại. Ngày 27/9/2022, các đảo quốc Thái Bình Dương dự hội nghị cấp Ngoại Trưởng tại thủ đô Hoa Kỳ, gồm: “Fiji. Marshall. Micronesia. Palau. Papua New Guinea. Samoa. Solomon. Tonga. Tuvalu. Cook. French Polynesia. New Caledonia. Vanuatu. Và Nauru. Mục đích của hội nghị là Hoa Kỳ tăng cường bang giao với các đảo quốc vùng Thái Bình Dương, trước sự can dự ngày càng tăng của Trung Cộng trong vùng này.

  Dự thảo thỏa thuận giữa Hoa Kỳ với các đảo quốc, dự trù sẽ thông qua và tuyên bố trong vài ngày sắp tới. Nhưng, theo báo Guardian dẫn tin rò rỉ thì phái đoàn đảo quốc Solomon nói rằng, họ cần thời gian để suy nghĩ chớ chưa thể thông qua trong vài ngày tới.

Và tiếp tục. Ngày 29/9/2022, trước khi họp Thượng Đỉnh, các nhà ngoại giao cho biết là Quần Đảo Solomon sẽ không ký vào Tuyên Bố Chung, và điều này sẽ trở ngại trong bang giao giữa Hoa Kỳ với các đảo quốc Thái Bình Dương. Quần Đảo Solomon chỉ đồng ý ký bản Tuyên Bố Chung sau khi xóa bỏ phần đề cập gián tiếp đến Trung Cộng.

 Ngày 4/10/2022, Ngoại Trưởng Solomon Jeremiah Manele nói với hãng tin AP tại Wellington, New Zealand, rằng: “Trong dự thảo ban đầu, có một số tài liệu tham khảo mà chúng tôi thấy không phù hợp, vì đặt chúng tôi vào vị trí phải chọn bên hợp tác”.

Cuối cùng, Hoa Kỳ và 14 đảo quốc Thái Bình Dương đã tìm thấy điểm chung, và quần đảo Solomon cùng các đảo quốc đã ký vào bản Tuyên Bố Chung, với cam kết từ phía Hoa Kỳ, sẽ tăng cường sự hiện diện và hợp tác hơn chặt chẻ hơn, và đó là cách đối phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Cộng trong khu vực. Đồng thời, Tổng Thống Hoa Kỳ Joe Biden đã công bố khoản tài trợ mới trị giá 810 triệu mỹ kim cho các đảo ở Thái Bình Dương.

Từ sau thế chiến lần 2 kết thúc, Hoa Kỳ là nhân tố quan trọng đối với các đảo quốc vùng Thái Bình Dương. Nhưng trong những năm gần đây, Trung Cộng đã khẳng định vị thế của mình một cách mạnh mẽ thông qua đầu tư, đào tạo Cảnh Sát, và gây tranh cãi nhất là Hiệp Ước An Ninh với quần đảo Solomon.

Ngoại Trưởng quần đảo Solomon Jeremiah Manele nhắc lại quan điểm của Solomon, rằng: “Hiệp Ước An Ninh của Solomon với Trung Cộng ký kết hồi tháng 3/2022, sẽ không dẫn đến việc Trung Cộng thiết lập căn cứ ở đảo quốc này. Ấn Độ – Thái Bình Dương không phải là một khu vực đối đầu, xung đột, chiến tranh. Không có điều khoản nào về căn cứ quân sự trong thỏa thuận đó. Chúng tôi hoan nghênh việc Hoa Kỳ tái can dự vào Thái Bình Dương, và chúng tôi mong muốn được hợp tác với mọi quốc gia”.

Đôi nét về quần đảo Solomon.

 Quần đảo Solomon là một quốc gia có chủ quyền gồm 5 đảo lớn với khoảng 900 đảo nhỏ. Vị trí Solomon về phía Đông của quần đảo Papua New Guinea, và Đông Đông Bắc đối với điểm cực bắc Australia. Diện tích là 28.400 cây số vuông, với dân số  652.858 người (năm 2018). Thủ đô có tên là Honiara trên hòn đảo lớn nhất là Guadalcanal. 

“Solomon” do một người Tây Ban Nha tên Álvaro de Mendana tìm thấy năm 1568 và đặt tên. 

Tháng 6/1893, Thuyền Trưởng của Vương Quốc Anh là Gibson đến quần đảo Solomon, và tuyên bố “quần đảo Solomon là lãnh thổ bảo hộ của Anh quốc”. 

Trong thế chiến thứ 2 diễn ra vùng Thái Bình Dương trong những năm 1942-1945, nơi đây có những trận chiến dữ dội giữa Hoa Kỳ với phát xít Nhật ngay trên đảo Guadalcanal.

Năm 1976, quần đảo Solomon được hưởng chế độ tự quản. Ngày 7/7/1978, Vương quốc Anh trao trả  độc lập cho Solomon, nhưng dưới chế độ “quân chủ lập hiến”. Nữ Hoàng Elizabeth đệ II của Anh quốc, cũng là Nữ Hoàng của quần đảo Solomon, và đại diện của Nữ Hoàng tại đây là  viên Toàn Quyền David Vunagi.  

Tháng 4/2006, Ông Snyder Rini đắc cử Thủ Tướng Solomon, nhưng ông bị cáo buộc nhận hối lộ từ các doanh nhân Trung Cộng để mua phiếu bầu của các thành viên Quốc Hội, từ đó dẫn đến bạo loạn tàn phá khu phố Tàu tại thủ đô, do sự phẫn nộ của người dân đối với cộng đồng doanh nghiệp người Trung  Cộng thiểu số, vì người dân tin là một lượng tiền lớn đã và đang chuyển từ Solomon vào tay Trung Cộng. 

Vì vậy mà Trung Cộng đưa phi cơ từ lục địa đến đây di chuyển hằng trăm người dân của họ về nước tạm thời tránh bạo loạn. Australia + Anh quốc + New Zealand  + Fiji, cũng di chuyển một số nhỏ người dân của mình ra khỏi Solomon bằng phí cơ để tránh nguy hiểm. Vì bạo loạn ngày càng gia tăng, tân Thủ Tướng Snyder Rini từ chức trước khi Quốc Hội chuẩn bị phiên họp bất tín nhiệm ông. 

Năm 2019, Quốc Hội bầu ông Manasseh Sogavare vào chức Thủ Tướng. Sau khi nhậm chức Thủ Tướng, ông Manasseh Sogavare tuyên bố “chấm dứt bang giao với Đài Loan, và quay sang bang giao với Trung Cộng”. Lúc ấy, tổng sản phẩm quốc gia (GDP) là 1 tỷ 511 triệu mỹ kim, bình quân đầu người là 2.357 mỹ kim. 

Tháng 11/2021, bạo loạn tái diễn tại thủ đô Honiara. Chánh phủ quần đảo Solomon yêu cầu chánh phủ Australia hỗ trợ theo Hiệp Ước An Ninh Song Phương 2017, và Australia điều động Lực Lượng Phòng Vệ và Cảnh Sát Liên Bang đến Solomon bảo vệ trật tự. (trích trong Wikipedia.org)                                                                      

Ngày 15/3/2022, Thủ Tướng Trung Cộng Lý Khắc Cường và Thủ Tướng đảo quốc Solomon Manasseh Sogavare, vừa thỏa thuận hợp tác an ninh giữa Trung Cộng với quần đảo Solomon. Theo nguồn tin rò rỉ mà đài Sputnik ghi nhận, thì các tàu của Trung Cộng khi qua lại vùng biển này được phép cập vào hải cảng Solomon để tiếp liệu hay bảo trì nhỏ

Theo nét nhìn từ bên ngoài, thì thỏa thuận này có thể là sự bắt đầu cho Trung Cộng xây dựng căn cứ quân sự trên quần đảo Solomon. Vì không có lý gì mà Trung Cộng từ trong lục địa bỗng dưng ra giữa Thái Bình Dương giúp một đảo quốc giữ an ninh, trong khi chẳng có quốc gia nào đe dọa an ninh đảo quốc này.                                                            

Nhà thầu Trung Cộng đang xây dựng sân vận động chính ở thủ đô Honiara, giúp Solomon chuẩn bị tổ chức Đại Hội Thể Thao Thái Bình Dương năm 2023. (trích bản tin của đài BBC)    

 

(2) Ấn Độ – Trung Cộng.

 Ngày 21/9/2022, Đô Đốc Hari Kumar -Tham Mưu Trưởng Hải Quân Ấn Độ- phát biểu rằng: “Với ba mặt là biển, và dãy Himalaya ở phía bắc, Ấn Độ nằm trong lòng Ấn Độ Dương. Vì các lối vào và lối ra, được phân chia qua những vị trí án ngữ ở cả phía đông lẫn phía tây, nên khu vực Ấn Độ Dương mang lại cho Ấn Độ một lợi thế về mặt địa lý. Tuy nhiên, nó cũng mang đến một nhiệm vụ khó khăn khi phải xoay trở với những thách thức cũng như những đe dọa an ninh khác nhau. Điều mà chúng tôi luôn trong tình trạng cảnh báo, là những thách thức đó đều đến từ Trung Cộng”. 

Vẫn là phát biểu của Đô Đốc Hari Kumar: “Bắc Kinh đã bán, đã trao tặng, hoặc đang đàm phán để chuyển giao tàu ngầm cho các quốc gia Pakistan, Bangladesh, Myanmar, và Thái Lan, mà những quốc gia này đều bao quanh Ấn Độ chúng tôi. Trong khi bất cứ vào thời gian nào cũng có khoảng 5 đến 8 chiến hạm của Hải Quân Trung Cộng có mặt  ở Ấn Độ Dương này”..

Bà Darshana Baruah -lãnh đạo Sáng Kiến ​​Ấn Độ Dương tại Quỹ Carnegie vì Hòa Bình Quốc Tế, nói rằng: “Trong  số 10 quốc gia cung cấp 3/4 dầu thô cho Trung Cộng, thì 9 quốc gia dựa vào hải trình an toàn là Ấn Độ Dương để vận chuyển hàng hóa của họ. Trong khi tham vọng của Trung Cộng là thúc đẩy các ngành hàng hải, nhằm hoạt động kiểm soát Ấn Độ Dương trở thành ưu tiên của họ. Điều đó cũng có thể giải thích cho sự can dự ngày càng tăng của Trung Cộng trong khu vực”.

 Về phần mình, Ấn Độ bày tỏ thái độ không hài lòng về những hoạt động của các chiến hạm Trung Cộng trong khu vực, nhất là khi chiến hạm Yuan Wang 5 của Trung Cộng cặp hải cảng Hambantota của Sri Lanka từ ngày 16 đến ngày 22/8/2022, vào cuộc khẩu chiến gay gắt  giữa phái đoàn Ấn Độ với phái đoàn Trung Cộng tại Colombo. Vì theo truyền thông của Ấn Độ, thì chiến hạm này được trang bị để nghiên cứu, khảo sát, và do thám. 

Trước ngày chiến hạm Yuan Wang 5 cặp hải cảng Hambantota, Ấn Độ đã phản đối mạnh mẽ, nên Sri Lanka yêu cầu Trung Cộng hoãn chuyến thăm, nhưng cuối cùng thì chiến hạm này vẫn cặp vào hải cảng. 

Trung Cộng luôn nỗ lực thực hiện những hành động để được quyền sử dụng nhiều hải cảng ở các quốc gia chung quanh Ấn Độ trong nhiều năm qua. Với hải cảng Hambantota, Trung Cộng được quyền sử dụng trong 99 năm, dưới dạng thuê mướn để trừ món nợ mà Sri Lanka không trả nổi. Những hải cảng mà Trung Cộng được sử dụng gọi là “chuỗi ngọc” bị nghi ngờ là có tính cách lưỡng dụng, tức là nó có thể trở thành những tiền đồn trong chiến tranh.

Sự kiện Trung Cộng bán tiềm thủy đỉnh cho các quốc gia chung quanh Ấn Độ, dẫn đến sự có mặt của Trung Cộng tại các quốc gia đó dưới danh nghĩa “cung cấp dịch vụ bảo dưỡng tiềm thủy đỉnh”, rất đáng nghi ngờ về hoạt động tình báo, hoặc cơ sở quân sự trá hình.

Giáo Sư Pankaj Jha -trường Đại học O. P. Jindal Global, Ấn Độ, cho biết: “Trong vài năm gần đây, Trung Cộng đã lập bản đồ đáy Ấn Độ Dương, và họ đang tìm cách tạo ra một hệ sinh thái quân sự trên biển. Họ luôn theo dõi và muốn biết những gì đang xảy ra tại các hải cảng khác nhau trên khắp khu vực Nam Á”.

Nhà nghiên cứu David Brewster -Trường Cao Đẳng An Ninh Quốc Gia- thuộc Đại Học Quốc Gia Australia, cho biết: “Tôi không tin Thái Lan, Bangladesh, hay Myanmar, sẽ cho phép tiềm thủy đỉnh của Trung Cộng cặp vào hải cảng của họ, ngay cả trong thời bình. Bởi, hành động đó có thể làm xáo trộn mối bang giao với Hoa Kỳ, Ấn Độ, và những quốc gia khác. Nhưng Pakistan là một trường hợp rất khác, vì quốc gia này thường xuyên cho phép tiềm thủy đỉnh Trung Cộng đến thăm, và Trung Cộng đang phát triển các cơ sở bảo dưỡng tiềm thủy đỉnh tại Karachi”.

V.K. Chaturvedi -Trung Tướng về hưu của Ấn Độ- phát biểu rằng: “Từ lâu, Trung Cộng đã cố gắng nắm chặt Pakistan. Bất kỳ hành động nào liên qua đến cung cấp tiềm thủy đỉnh hoặc thiết lập bước đệm thông qua các thương vụ mua bán đó, đều là hành động phải quan tâm. Ấn Độ với Trung Cộng, không chỉ có tranh chấp trên biển, mà còn tranh chấp ở khu vực đồi núi vùng biên giới, nhất là trên dãy Himalaya. Cũng vì vậy mà bang giao giữa Ấn Độ với Trung Cộng luôn căng thẳng, nhất là từ cuộc đụng độ giữa binh sĩ hai bên trên dãy Himalaya hồi tháng 6/2020, khiến cho 20 chiến sĩ Ấn Độ chúng tôi và 4 binh sĩ của họ (Trung Cộng) đã chết”.

Giáo Sư Harsh V. Pant -tại King’s College London- nhận định rằng: “Cho đến nay, Trung Cộng không có những lợi thế địa lý như Ấn Độ ở Ấn Độ Dương. Nhưng, nếu xu hướng hiện đại hóa và mở rộng sức mạnh Hải Quân của Trung Cộng vẫn tiếp tục, và 10 năm sau có nguy cơ đẩy Ấn Độ vào tình cảnh mất lợi thế đó. Theo một báo cáo của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, thì Hải quân Quân Trung Cộng đang có 6 tiềm thủy đỉnh hạt nhân có trang bị hỏa tiễn đạn đạo (SSBN) + 6 tiềm thủy đỉnh tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSN) + 46 tiềm thủy đỉnh tấn công chạy bằng động cơ diesel”. (tóm lược bài viết trong e-mail tranle 52@….. ngày 2/10/2022

 

(3) Việt Nam dưới nét nhìn của đạo diễn Việt Cộng.   

Trần Văn Thủy chào đời năm 1940 tại Nam Định, trong một gia đình có cha làm việc trong cơ quan của chánh phủ bảo hộ thời Pháp, nhưng cha của ông mạnh mẽ ủng hộ Việt Minh chống Pháp. Từ sau Hiệp Định Genève ngày 20/7/1954, ông và các em của ông không một ai được vào đại học, vì cha của ông bị ghép vào thành phần thân Pháp.  

Sau khi tốt nghiệp trung học, Thủy ghi tên nhập học khóa “Bảo Tàng Nhân Chủng Học” do Bộ Văn Hóa tổ chức. 

Năm 1960, lên vùng núi Tây Bắc Việt Nam sát biên giới để nghiên cứu dân tộc học về các nhóm dân tộc thiểu số nhỏ là Tổng Lượng và Khu Sung. Năm 1965, ông quay trở về Hà Nội và theo học tại Học Viện Điện Ảnh, trực thuộc Cục Điện Ảnh của chánh phủ với chương trình 2 năm. Nhưng mới xong năm thứ nhất, thì Trần Văn Thủy cùng một số sinh viên được lệnh theo đoàn quân vượt Trường Sơn vào Nam với tư cách là nhà báo chiến đấu, cũng là nhà nhiếp ảnh.  

Từ năm 1966 đến năm 1969, Trần Văn Thủy làm phóng viên chiến trường ở Quân Khu 5 Việt Cộng, chung quanh Đà Nẵng và Quảng Nam. Vừa chụp hình vừa thu hình những cảnh chiến đấu trong tình trạng cực kỳ nguy hiểm. Cuối năm 1969, Trần Văn Thủy đau nặng đến mức kiệt sức, được rời chiến trường và trở về Hà Nội, mang theo trên lưng những cuộn phim mà ông đã thu được từ chiến trường Việt Nam Cộng Hòa. Về sau, những cuộn phim đó trở thành tác phẩm hoàn chỉnh đầu tiên của Thủy dưới tên gọi “My Land and My People” -Đất Nước Tôi Và Dân Tộc Tôi-  

Năm 1972, Trần Văn Thủy sang Liên Xô học đạo diễn tại Trường Cao Đẳng Điện Ảnh dưới sự lãnh đạo của Roman Karmen (1906-1978), một nhà làm phim tài liệu nổi tiếng của Liên Xô lúc ấy. Ông Roman Karmen rất hâm mộ bộ phim đầu tiên “Đất Nước Tôi Và Dân Tộc Tôi”. 

Năm 1977 trở về Việt Nam, ông làm việc trong cơ quan điện ảnh tài liệu trung ương Việt Nam thuộc Bộ Văn Hoá. Trong những chuyến công tác ngoại quốc, ông Thủy có dịp cộng tác với băng tần 4 của Vương Quốc Anh và băng tần NHK của Nhật Bản.

Tác phẩm của đạo diễn Trần Văn Thủy thường là tâm điểm tranh cãi ở Việt Nam, là bộ phim “Hà Nội Trong Mắt Ai” sản xuất năm 1982, và bộ phim Chuyện Tử Tế sản xuất năm 1985 của ông đều bị đảng và nhà nước Việt Cộng cấm chiếu trong nhiều năm, vì mỗi bộ phim đều có nội dung ngầm chỉ trích chế độ độc tài. Nhưng nhờ sự thành công của tác phẩm tại các liên hoan phim quốc tế, Trần Văn Thủy vẫn được làm việc cho Cục Điện Ảnh của nhà nước Việt Cộng -dĩ nhiên là bị theo dõi chặt chẽ- vì ông sản xuất được hai bộ phim mà đảng với nhà nước chấp nhận, là “A Story From the Corner of the Park” năm 1996, và “The Sound of a Violin at Mỹ Lai” -“Tiếng Đàn Vĩ Cầm Ở Mỹ Lai”- năm 1999.

Kể từ năm 1992, nỗ lực của Trần Văn Thủy xoay qua công việc từ thiện ở Hải Hậu, một vùng nông thôn thuộc tỉnh Nam Định, nơi mà phần lớn người dân địa phương là nông dân trồng lúa ở mức tự cung tự cấp. Gây quỹ thông qua tổ chức “Những người bạn của Trần Văn Thủy”, đã mang lại nguồn tiền giúp dân làng xây dựng đường sá, cầu cống, và trường học.  

Phim của Trần Văn Thủy đã nhận được sự hoan nghênh rộng rãi. Các danh hiệu mà anh đã nhận được bao gồm giải thưởng Chim Bồ Câu Vàng, giải thưởng Chim Bồ Câu Bạc tại liên hoan phim Dok Leipzig, giải thưởng Bông Sen Bạc, và giải đạo diễn xuất sắc nhất tại liên hoan phim Việt Nam. Năm 2000, đạo diễn Trần Văn Thủy được trao giải phim tài liệu hay nhất tại Liên Hoan Phim Châu Á Thái Bình Dương là phim “Tiếng Đàn Vĩ Cầm Ở Mỹ Lai”. (tóm lược bài trong Wikipedia.org)

Đạo diễn Trần Văn Thủy vừa thực hiện cuộc hành trình Tây Âu và hoàn thành bộ phim “Thầy Bói Xem Voi” gồm hai tập là “Chuyện Đồng Bào” và “Chuyện Vặt Xứ Người”. Theo lời Ông, thì hai tập phim này không hy vọng được chiếu tại Việt Nam. 

Dưới đây là vài đoạn mà đạo diễn Trần Văn Thủy trả lời phỏng vấn của phóng viên tạp chí Đức – Việt, đăng trong  báo Đại Đoàn Kết số 10-90 của Công Đồng Tị Nạn Cộng Sản tại Paris, Pháp quốc.

 Phóng viên: Lúc thực hiện phim, anh đã gặp nhiều nhân tài Việt Nam. Giả sử nhân tài Việt Nam được trọng dụng thì đất nước có khá lên không?

Trần Văn Thủy: Tất nhiên là khá chứ. Nhưng làm sao để đất nước khá lên, phải có một thể chế xã hội, kinh tế, chính trị hỗ trợ cho nhân tài phát huy tài trí. Nếu bây giờ chúng ta có một chính phủ tiến bộ thật sự, tôi nghĩ rằng điều đầu tiên cần làm là phải gấp rút xây dựng một bộ luật, dựa vào luật của những nước văn minh trên thế giới, dựa trên nghiên cứu truyền thống và phong tục đạo đức của dân tộc.

“Tập trung mọi sức lực làm chuyện đó xong, thì tập trung ngay vào việc giáo dục luật pháp cho dân chúng, từ già đến trẻ nhỏ. Làm cật lực trong 5 năm, tôi nghĩ đó là con đường ngắn nhất để xã hội Việt Nam trở thành một xã hội tiến bộ, tích cực, phát huy được mọi tài năng. Nếu làm được điều ấy, thì sau này không còn phe phái nào hay lực lượng nào có thể dắt mũi dân tộc này đi vào con đường sai lầm nữa”.

“Nhưng tôi nghĩ đó là điều ước xa vời. Bởi, những người có quyền lực, chuyện đầu tiên họ nghĩ là củng cố quyền lực của họ, quy luật của trò chơi mà anh. Nếu một bộ máy nhà nước chỉ nghĩ đến mục đích duy nhất là làm sao cho người dân sống sướng, sống khá lên, con người thương yêu nhau hơn, hiền hòa, hướng thiện, thì tình hình bây giờ đã khác. Tôi nói điều này với nỗi đau của riêng tôi. Trong những năm chiến tranh 1966-1968, trên đường vào chiến trường miền Nam, đi qua vùng Vĩnh Linh, tôi thấy sự hy sinh của con người to lớn khủng khiếp”.

“Anh biết không, ban đêm bất chấp mưa bom, xe bị lầy, dân ở đây đã gỡ cửa nhà, khiêng bàn ghế đem ra lót đường cho xe vượt lầy. Ngồi trên xe mà thấy nhói trong tim. Lẽ ra sau khi chiến tranh kết thúc, dân vùng này chắc chắn phải được miễn thuế trong nhiều năm, hoặc một chính sách đãi ngộ hợp lý nào đó, hay là một sự chia sẽ tối thiểu. Thế nhưng tôi vô cùng thất vọng, vì những năm sau đó tôi trở lại vùng này, thấy người dân ở đây sống lầm than hơn xưa, đau khổ hơn xưa, và vẫn tiếp tục là nạn nhân của chế độ quan liêu cửa quyền mà họ nghèo xác xơ hơn trước”.

PV: Trong tất cả những khái niệm, từ ngữ thường được dùng đến bây giờ, như “tự do”, “độc lập”, “hạnh phuc”, “dân chủ”, “tình thương”, “cách mạng”, “vĩ đại”, “vinh quang”, “nỗi đau”, “căm thù”, “hòa giải”, “đoàn kết”…, theo Anh thì từ ngữ nào có ý nghĩa nhất?

TVT: “Tôi có thể nói ngay với Anh rằng, một chữ mà chúng ta phải phụng sự -dù là cũ rích- là chữ “con người”. Chúng ta hãy trở về với những chữ thật đơn giản, nguyên thủy hơn, như chữ “con người”. Trong muôn loài thì có loài người. Trong rất nhiều loại con thì có “con người”. 

“Nếu Lưu Quang Vũ còn sống, chắc anh ấy còn viết được nhiều hơn về những điều này. Từ những tác phẩm cách đây 10 năm, 15 năm, Vũ đã từng viết: “Đừng có đánh mất mình, tức là đừng có đánh mất con người”. Nhìn kỹ lại cách mạng của Pháp 1789, đến nay đã hơn 200 năm, lịch sử cũng không làm điều gì khác hơn là vật lộn với con người”.

PV: Thế còn anh nghĩ gì về đổi mới?

TVT: Câu hỏi này làm tôi nhớ lại câu hỏi của nhà báo Australia hỏi tôi cách đây hơn 2 năm, sau liên hoan phim ở Đà Nẵng. Anh biết không, lúc đó tôi trả lời là không riêng gì tôi mà phần lớn bạn bè của tôi đều nghĩ rằng: “Đổi mới, tức là trở lại một số những cái cũ đã bị vùi dập hoặc bỏ quên”.

Đơn giản thôi, anh thấy Việt Nam chúng tôi đã đổi mới cái gì?

Tư nhân thì được kinh doanh, bác sĩ thì được mở phòng mạch, thầy giáo được mở trường tư, in lại sách cũ, trình bày lại một số nhạc phẩm thời xưa, mở rộng một số chính sách về đối ngoại, cho một số được đi du học hoặc du lịch tự túc… thì tôi thưa với anh rằng, Hà Nội trước năm 1954, hay Sài Gòn trước năm 1975, tất cả những cái đó đều là chuyện bình thường. Như thế thì đổi mới, tức là trở lại những cái cũ đã bị vùi dập chớ còn gì nữa. Nghe xong là anh ta mỉm cười”.

PV: Tôi nhận thấy trong tất cả những phim của anh mà tôi được xem từ trước đến giờ, anh rất thích dùng một chữ mà bản thân tôi cũng rất thích, đó là chữ “Tâm”. Trong “Hà Nội Trong Mắt Ai”, thì có ngòi bút tả Thiên Thanh, viết lên trời xanh một chữ tâm, trong “Thầy Bói Xem Voi” thì có “nếu tâm còn sáng”… Anh có thể giải thích rõ hơn được không?

TVT: “Chuyện này coi vậy mà nó lai rai lắm anh à. Sau nhiều năm chiến tranh, xã hội Việt Nam chúng ta có nhiều đổ vỡ về vật chất lẫn tinh thần”. 

“Đổ vỡ vật chất -nói cho cùng- nếu chúng ta có chính sách đúng đắn tận dụng nhân tài, tranh thủ được đầu tư của trong nước lẫn ngoại quốc thì cũng có thể dần dần khôi phục được. Còn nói đến chữ “tâm”, tức là nói đến đạo đức xã hội, nói đến lòng người. Nhưng sau bao năm chiến tranh, tinh thần đã sụp đổ bởi những sai lầm (từ lãnh đạo. PB Hoa), tôi e rằng không bao giờ xây dựng lại được”.

“Đối với người Việt Nam, cái mất mát lớn nhất bây giờ là lòng tin. Giả sử bây giờ nếu có ngoại xâm lần nữa, tôi ngờ chẳng có mấy ai sẵn sàng hy sinh, sẵn sàng đem hết tất cả những gì mình có ra làm chướng ngại vật chống chiến xa như hồi kháng chiến chống Pháp năm 1946. Bởi, người dân đã trải qua nhiều hy vọng, để rồi thất vọng đến tận cùng. Cái khó nhất hiện nay trong xã hội Việt Nam là làm sao khắc phục được lòng người, đó là chữ “tâm”.

PV: Vẫn chung quanh chữ “Tâm”. Anh còn nhớ người nhạc sĩ mù trong phim “Hà Nội Trong Mắt Ai”? Mắt có thể mù, nhưng lòng còn trong sạch, tức là tâm còn sáng, thì vẫn còn có thể thấy được những điều mà người khác chưa chắc đã thấy.

TVT: “Kỳ rồi, trong một cuộc phỏng vấn ở Anh quốc, người ta đã hỏi tôi “điều gì làm tình hình Việt Nam khó đến như vậy”? 

“Vì tôi không phải là người nghiên cứu kinh tế, chính trị, nên tôi chỉ có thể trả lời họ bằng những cảm nhận của một người làm điện ảnh có cơ hội cọ xát với nhiều giới. Tôi nhận ra rằng, nguyên nhân lớn nhất hiện nay làm cho xã hội Việt Nam trì trệ là bệnh “sợ” vẫn đang bao trùm. 

Người ta đánh mất chính mình, người ta sống giả dối. Nếu những người lãnh đạo mà có những cố vấn trung thực thì đất nước mới khá lên được. Anh còn nhớ trong “Hà Nội Trong Mắt Ai”, trong đoạn nói về Quang Trung, tôi có nói rằng: “Quốc gia chỉ có thể trường tồn và hưng thịnh, khi người dân dám nói với bề trên điều ngay thẳng, và người có quyền uy phải biết nghe kẻ dưới mình về những điều phải trái.”

“Thật ra tôi chưa dám bàn tới chữ “Tâm” vì chữ “Tâm”, vì đạo đức trung bình trong xã hội, như lòng trung thực còn chưa có, thì làm sao dám bàn đến chữ “Tâm”. (trích bài trong e-mail cnguyen39@…. Ngày  11/10/2022)

Kết luận.

Các Anh suy nghĩ gì sau khi đọc hết các trang trên? Thôi thì hãy tạm để sang một bên, và mời Các Anh đọc kỹ bài thơ “Vỡ Mộng” mà tôi trích trong e-mail HyVanNguyen… 

Tác giả sinh ra trên đất Bắc, theo dòng thời gian lớn dần lên và vào sống trên đất Nam sau ngày 30/4/1975, là cơ hội giúp tác giả nhìn lại hai xã hội Nam – Bắc qua những góc nhìn khác nhau giữa Tự Do với Độc Tài, rồi tác giả cố gắng diễn đạt nỗi đau của mình nhưng không dám cho biết tên, vì tác giả là công dân của chế độ cộng sản độc tài và độc ác, toàn dân đều bị bịt mắt + bịt tai + bịt miệng bằng những cái gọi là luật pháp rất mơ hồ để họ tùy theo trường hợp mà giải thích theo cách của họ, khi cần. 

Và đây, nỗi đau của tác giả: 

Hồi nhỏ tưởng học lịch sử để biết tổ tiên nòi giống. Lớn lên mới biết bị cộng sản nhồi sọ.

Hồi nhỏ tưởng Công An bắt cướp. Lớn lên mới biết Công An là ăn cướp.

Hồi nhỏ tưởng cờ đỏ sao vàng là cờ tổ quốc. Lớn lên mới biết đó là cờ tỉnh Phúc Kiến bên Tàu.

Hồi nhỏ tưởng Mỹ Nguỵ là ác. Lớn lên mới biết Cộng Sản là độc tài độc ác.

Hồi nhỏ tưởng bán vàng giàu nhất. Lớn lên mới biết lãnh đạo bán nước giàu hơn.

Hồi nhỏ tưởng đánh trận được lên tướng. Lớn lên mới biết hèn hạ với Tàu được lên tướng.

Hồi nhỏ tưởng miền Nam đói rách. Lớn lên mới biết miền Bắc là đói rách.

Hồi nhỏ tưởng bác hồ là người Việt Nam. Lớn lên mới biết là người Trung Cộng.

Hồi nhỏ tưởng “đầy tớ cán bộ” lo cho dân. Lớn lên mới biết “dân làm chủ” phải lo cho cán bộ đầy tớ.

Hồi nhỏ tưởng yêu nước là yêu tổ quốc. Lớn lên mới biết yêu nước là yêu bác yêu đảng.

Hồi nhỏ tưởng những người lưu vong là Việt gian. Lớn lên mới biết đó là những người giúp dân.

Hồi nhỏ tưởng đánh Mỹ là đánh cho dân tộc. Lớn lên mới biết đánh Mỹ là đánh cho Nga cho Tàu. 

Hồi nhỏ tưởng Lê Văn Tám là anh hùng. Lớn lên mới biết đó là dựng chuyện tuyên truyền.

Hồi nhỏ tưởng Biển Đông là của Việt Nam. Lớn lên mới biết Việt Cộng đã giao cho Tàu Cộng. 

Hồi nhỏ tưởng tiền cứu trợ thiên tai dành cho dân. Lớn lên mới biết tiền đó dành cho cán bộ.

Hồi nhỏ tưởng cờ vàng của Nguỵ. Lớn lên mới biết cờ vàng là cờ truyền thống Việt Nam. 

Đau lắm phải không Các Anh? Các Anh hãy suy nghĩ với tất cả các góc cạnh của bài thơ, rồi nhìn vào những sự thật trong cuộc sống, Các Anh dễ dàng nhận ra sự thật, hoàn toàn thật. Khi nhận ra sự thật đắng cay chua chát với dân tộc nói chung, và đối với tuổi trẻ Việt Nam nói riêng, bị lãnh đạo Việt Cộng gian manh dối trá lừa gạt từ thế hệ này sang thế hệ khác, tự khắc Các Anh sẽ nhận ra trách nhiệm của người cầm súng bảo vệ đồng bào, bảo vệ tổ quốc. 

Với tôi, trong hoàn cảnh hiện nay, khi lãnh đạo Việt Cộng không thể dựa vào Trung Cộng được nữa, thì đó là cơ hội mà Các Anh cùng đồng bào đứng lên giành lại Quyền Làm Người cho Các Anh + cho thân nhân thân quyến Các Anh + và cho toàn thể đồng bào. Bởi, không quốc gia nào hành động thay cho Việt Nam mình đâu Các Anh à, mà họ chỉ sẵn sàng trợ giúp Việt Nam mình thực hiện trách nhiệm cao cả đó. 

Vậy, Các Anh hãy luôn luôn sẵn sàng, khi cơ hội chợt đến là lập tức đứng lên, toàn dân sẽ đứng cạnh Các Anh,  cùng Các Anh làm nên lịch sử bằng cách triệt hạ chế độ cộng sản độc đảng, độc quyền, độc tài, độc đoán, và độc ác nhất suốt dòng lịch sử Việt Nam oai hùng từ khi lập quốc hơn 4.000 năm trước.    

Từ đó, người Việt Nam trong nước và người Việt Nam tị nạn cộng sản tại hải ngoại, cùng nhau vá lại mảnh giang sơn đã “rách loang lỗ” bởi những Hiệp Ước của Việt Cộng giao đất giao biển cho Trung Cộng, xóa tan những “vệt da beo trên da thịt quê hương” mà hiện nay là những làng mạc có công nhân hay quân lính Trung Cộng mà người Việt bị cấm vào. Cùng nhau khôi phục lại nền văn hoá nhân bản và khoa học dù phải trải qua hai ba thế hệ mới thành công, và cùng nhau phát triển một xã hội dân chủ pháp trị mà mọi người được hưởng một cách tự nhiên những quyền căn bản của mình.

Hãy nhớ, “Tự do, không phải là điều đáng sợ, mà là nền tảng cho sự thịnh vượng của đất nước. Không có dân chủ, không thể có sự trỗi dậy và phát triển bền vững. Muốn được sống trong Tự Do, chính chúng ta phải tranh đấu, vì Tự Do Dân Chủ không phải là quà tặng./. 

      Texas, ngày 17 tháng 10 năm 2022


 

 

 

Tin bài liên quan:

VNTB – Châu Âu quay lưng với Trung Quốc?!

Phan Thanh Hung

VNTB – Bàn về đa đảng khi cùng chung một chủ thuyết cộng sản

Phan Thanh Hung

VNTB – Tập Cận Bình giữ vững danh hiệu ‘nhà lãnh đạo của nhân dân’

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo