Phạm Bá Hoa
Với lá Thư này, tôi tóm lược nhiều bài liên quan đến vụ án bộ thử Covid 19 của Công Ty Việt Á, theo người phát ngôn của Bộ Công An thì đến ngày 3/1/2023, các cơ quan điều tra từ trung ương đến địa phương đã khởi tố 29 vụ với 102 bị can. Số tiền bị phong tỏa và các bị can nộp để “khắc phục hậu quả”, lên đến 1.670 tỷ đồng.
Vụ Án Công Ty Cổ Phần Công Nghệ Việt Á.
Ngày 28/2/2007, Phan Quốc Việt và vợ là Hồ Thị Thanh Thủy, cùng với Đồng Sỹ Huy thành lập Công Ty Cổ Phần Công Nghệ Việt Á -gọi ngắn gọn là Công Ty Việt Á- trụ sở tại số 134/3D đường Đào Duy Anh, Phường 9, Quận Phú Nhuận, thành phố hồ chí minh. Vốn điều lệ là 200 tỷ đồng.
Công Ty ghi tên hoạt động trong các lãnh vực “sinh học phân tử + xét nghiệm y sinh + và trang thiết bị y tế”. Phan Quốc Việt là Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị, kiêm Tổng Giám Đốc, người đại diện pháp luật.
Cuối năm 2017, vốn điều lệ từ 200 tỷ tăng lên thành 1.000 tỷ đồng.
Đến năm 2020, Công Ty Việt Á lần lượt thành lập 30 “công ty con”, Chủ Tịch Phan Quốc Việt lãnh đạo và quản trị “công ty mẹ lẫn công ty con” để mua bán lòng vòng. Từ năm này -2020- Công Ty Việt Á đã trực tiếp lẫn gián tiếp trúng các gói thầu cung cấp vật liệu y tế, cung ứng bộ thử xét nghiệm Covid 19 cho Trung Tâm Kiểm Soát Bệnh Tật (gọi tắt tiếng Anh là CDC) và các cơ sở y tế của 62 tỉnh và thành phố trên toàn quốc, với doanh thu trên 4.000 tỷ đồng.
Hầu hết các gói thầu cung cấp trang thiết bị y tế phòng và chống dịch Covid 19, đều được tổ chức theo hình thức “chỉ định thầu rút gọn”. Thời gian tham gia đấu thầu, Chủ Tịch Phan Quốc Việt đã sử dụng pháp nhân các công ty trong hệ thống, đề nghị giá cung cấp cho các cơ sở y tế để Công Ty Việt Á được chỉ định thầu với giá do chính Công Ty Việt Á định trước.
Để làm rõ vấn đề này, cơ quan trinh sát (C03) được lệnh thu thập tin tức, phân tách, và xác định:
– Giá giá bộ thử (kit test) dao động từ 90.000 đến 150.000 đồng một bộ, trong khi giá thị trường từ 250.000 đến 500.000 đồng một bộ.
– Giá bộ thử PCR từ 250.000 đến 350.000 đồng một bộ, trong khi giá thị trường từ 750.000 đến 870.000 đồng một bộ.
Tiếp tục nhiệm vụ, cơ quan trinh sát đã thu thập được tin tức của Công Ty Việt Á nhập cảng rất nhiều nguyên vật liệu, và trúng thầu, ký kết các hợp đồng mua bán, cung cấp vật tư y tế và bộ thử với Sở Y Tế + Bệnh viện, CDC các tỉnh thành + và một số công ty khác với giá thành cao hơn thực tế nhiều lần. Với bộ thử Covid 19, do Công Ty Việt Á và các công ty con cung cấp đang chiếm trên 70% thị trường trong nước.
Ngày 4/3/2020, kết quả điều tra xác định Thứ Trưởng Bộ Y Tế Nguyễn Trường Sơn ký văn kiện cấp số đăng bộ đối với bộ thử xét nghiệm Covid 19 của Công Ty Việt Á là trái thẩm quyền, vì đây là quyền của Bộ Khoa Học Công Nghệ. (Thứ Trưởng Nguyễn Trường Sơn)
Ngày 27/3/2020, Bộ Tài Chánh thông báo giá bộ thử Covid 19 trên là 470.000 đồng một bộ, theo hồ sơ của Công Ty Việt Á gởi Bộ Y Tế. Trong đó, nêu chi phí nguyên vật liệu để sản xuất 1 bộ thử Covid 19 là 356.815,17 đồng.
Tuy nhiên, căn cứ tài liệu điện tử thu được trên máy tính của Phan Tôn Noel Thảo -trợ lý Tài Chánh Công Ty Việt Á- thì chi phí nguyên vật liệu sản xuất 1 bộ thử Covid 19 chỉ là 211.829 đồng. Như vậy, chỉ tính riêng chi phí nguyên vật liệu sản xuất 1 bộ thử Covid 19, Công ty Việt Á tự nâng giá sản xuất để hưởng lợi trái phép 144.986 đồng.
Mua bán lòng vòng để nâng giá.
Để nâng giá chi phí nguyên vật liệu khi mua vào, Tổng Giám Đốc Phan Quốc Việt đã sử dụng các “công ty con” trong hệ thống xuất hóa đơn cho Công Ty Việt Á nhằm tạo dòng tiền ảo, trong đó điểm đầu của các vòng quay nâng giá là cửa hàng Âu Lạc do Hồ Thị Thanh Thảo -em vợ của Phan Quốc Việt- làm chủ. Sau đó, trong nội bộ xuất hóa đơn mua bán nguyên vật liệu lòng vòng qua các công ty con…
Tài liệu thu được cho thấy, doanh thu của cửa hàng Âu Lạc năm 2020 là gần 120 tỷ 400 triệu đồng, trong đó phần lớn là các loại chứng từ nội bộ, không báo cáo thuế có ký hiệu “BGĐ”.
Để che giấu khi mua hàng của cửa hàng Âu Lạc, các nhân viên lập chứng từ nhập kho nội bộ, trực tiếp Hồ Thị Thanh Thảo nộp tiền mặt, hoặc sử dụng Chứng Minh Nhân Dân của Nguyễn Văn Nhân và Cao Viết Tình, nộp tiền mặt vào tài khoản của cửa hàng Âu Lạc. Sau đó, Hồ Thị Thanh Thảo dùng tài khoản này để chuyển cho những người trong Công Ty Việt Á dưới danh nghĩa “thanh toán tiền mua hàng”, hoặc “nhờ thanh toán tiền mua hàng”.
Căn cứ vào các tài liệu có được, lãnh đạo C03 đã ra lệnh cho toán trinh sát lập hồ sơ đưa các nghi can liên quan đến các hoạt động của Công Ty Việt Á vào thành phần sưu tra, trong đó có các nghi can chánh sau đây: Hồ Thị Thanh Thủy -vợ Phan Quốc Việt- Phó Tổng Giám Đốc. Đồng Sỹ Huy, Phó Tổng Giám Đốc. Vũ Đình Hiệp, Phó Tổng Giám Đốc. Phan Tôn Noel Thảo, trợ lý tài chánh Công Ty Việt Á, điều hành bộ phận kế toán. Hồ Thị Thanh Thảo, Thủ Quỹ, vừa là chủ cửa hàng Âu Lạc. Trần Thị Hồng, nhân viên kinh doanh Việt Á.
Lợi dụng tính cấp bách về bộ thử Covid 19 mà chánh phủ lệnh cho các địa phương thực hiện, Công Ty Việt Á nâng giá sản phẩm trong danh mục được áp dụng hình thức chỉ định “thầu rút gọn”, và Phan Quốc Việt đã cung ứng thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế trước cho các bệnh viện và CDC các tỉnh/thành sử dụng.
Sau đó, Phan Quốc Việt thông đồng với lãnh đạo các cơ quan này để hợp thức hồ sơ chỉ định thầu, bằng cách sử dụng các công ty con trong hệ thống, hoặc các công ty ngoài hệ thống nhưng có liên hệ với Phan Quốc Việt, và Công ty Việt Á lập hồ sơ chào hàng sản phẩm, xác nhận giá do Công Ty Việt Á đưa ra và ký hợp đồng theo giá cao hơn nhiều so với giá sản xuất.
Vụ án Công Ty Việt Á , nhiều cán bộ thuộc Bộ Y Tế và Bộ Khoa Học & Công Nghệ dính vào.
Ngày 31/12/2021, Bộ Công An ra quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét và áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với các bị can, trong đó có nhiều cán bộ Bộ Y Tế + Bộ Khoa Học & Công Nghệ + CDC Nghệ An + CDC Bình Dương.
Bốn bị can của Công Ty Việt Á về tội đưa hối lộ:
– Phan Quốc Việt, Tổng Giám Đốc Công Ty Việt Á
– Vũ Đình Hiệp, Phó Tổng Giám Đốc Công Ty Việt Á.
– Hồ Thị Thanh Thủy -vợ Phan Quốc Việt- Phó Tổng Giám Đốc.
– Đồng Sỹ Huy, Phó Tổng Giám Đốc.
Một bị can thuộc tỉnh Hải Dương về tội nhận hối lộ:
– Phạm Duy Tuyến, Giám Đốc CDC Hải Dương, được xác định đã nhận của Công Ty Việt Á số tiền lên tới 27 tỷ đồng. Đổi lại, CDC Hải Dương cho Công Ty Việt Á được ký 5 hợp đồng với tổng trị giá hơn 151 tỷ đồng.
Các bị can thuộc Bộ Y Tế và Bộ Khoa Học & Công Nghệ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ:
– Ông Nguyễn Minh Tuấn, nguyên Vụ Trưởng Vụ Trang Thiết Bị & Công Trình Y Tế.
– Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ Trưởng Vụ Kế Hoạch Tài Chánh.
– Ông Trịnh Thanh Hùng, Phó Vụ Trưởng Vụ Khoa Học & Công Nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật.
(Từ trái sang phải)
Các bị can dưới đây vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng:
– Ông Nguyễn Văn Định, Giám Đốc CDC tỉnh Nghệ An.
– Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Kế Toán Trưởng CDC tỉnh Nghệ An.
– Ông Nguyễn Thành Danh, Giám Đốc CDC tỉnh Bình Dương.
– Ông Trần Thanh Phong, Phó Phòng Tài Chánh Kế Toán CDC tỉnh Bình Dương.
– Bà Lê Thị Hồng Xuyên, nguyên phụ trách Phòng Thí Nghiệm CDC tỉnh Bình Dương.
– Ông Tiêu Quốc Cường, Kế Toán Trưởng, Phó Phòng Tài Chánh Sở Y Tế tỉnh Bình Dương.
– Ông Nguyễn Trường Giang, Giám Đốc Công Ty VNDAT.
– Bà Nguyễn Thị Thuý, nhân viên kinh doanh Công Ty VNDAT.
– Ông Lê Trung Nguyên, Giám Đốc Vùng của Công Ty Việt Á.
(tên bị can từ trên xuống dưới, và hình từ trái sang phải)
Sau khi mở rộng điều tra, Bộ Công An xác định: “Một số lãnh đạo, cán bộ CDC tỉnh Nghệ An và CDC tỉnh Bình Dương đã thông đồng với Phan Quốc Việt và các nhân viên thuộc Công Ty Việt Á, vi phạm các quy định của Luật Đấu thầu khi tổ chức đấu thầu mua vật tư phòng chống dịch Covid 19”.
Ngày 10 và 11/8/2022, Ông Trần Cẩm Tú -Chủ Nhiệm Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương- phát biểu trong kỳ họp thứ 18, rằng: “Ban Thường Vụ Tỉnh Ủy và Ban Cán Sự Đảng tỉnh Hải Dương đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, để Công Ty Việt Á độc quyền bán bộ thử xét nghiệm và tham gia thực hiện xét nghiệm trái quy định, một số cán bộ tham nhũng, bị khởi tố và bắt tạm giam:
– Ông: Phạm Xuân Thăng, Bí Thư Tỉnh Ủy, Chủ Tịch tỉnh. (bị đình chỉ sinh hoạt đảng)
– Ông Nguyễn Dương Thái, cựu Chủ Tịch tỉnh.
– ÔngLương Văn Cầu, cựu Phó Chủ Tịch tỉnh.
– Phạm Mạnh Cường, Giám Đốc Sở Y Tế.
– Ông Nguyễn Trọng Hưng, nguyên Giám Đốc Sở Tài Chánh. (tóm lược bản tin của Tuổi Trẻ online ngày 16/9/2022)
Ngày 17/08/2022, Bộ Công An tạm thống kê đến nay, trung ương và các tỉnh đã bắt tạm giam hơn 80 bị can trong vụ án Công Ty Việt Á, trong số đó có:
– Ông Nguyễn Thanh Long, Cựu Bộ Trưởng Bộ Y Tế.
– Ông Chu Ngọc Anh, cựu Bộ Trưởng Bộ Khoa Học & Công Nghệ.
– Ông Phạm Công Tạc, cựu Thứ Trưởng Bộ Khoa Học & Công Nghệ.
– Hằng loạt Giám Đốc CDC các địa phương, và cán bộ các cơ sở y tế tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Ngày 30/11/2022, cơ quan Cảnh Sát Điều Tra (C03) thuộc Bộ Công An đã ra quyết định khởi tố và bắt tạm giam:
– Ông Nguyễn Văn Trịnh -trợ lý của Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam- về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Kết quả điều tra đến nay, xác định Phan Quốc Việt đã “bắt tay” với các viên chức từ trung ương đến các địa phương để nâng giá bộ thử xét nghiệm lên khoảng 45%, số tiền Việt Á thu về trong vụ này là trên 500 tỳ đồng. Và theo lời khai của bị can Phan Quốc Việt -Tổng Giám Đốc Việt Á- số tiền đã chi “hoa hồng” cho các viên chức gần 800 tỷ đồng.
Ngày 1/12/2022, trong cuộc họp báo của chánh phủ liên quan đến vụ án Công Ty Việt Á, báo Tuổi Trẻ Online đề nghị Bộ Công An cho biết kết quả điều tra đến đâu. Trung Tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn của Bộ này trả lời: “Tính đến nay, trong số mà Công An đã bắt tạm giam có 2/3 là đảng viên, và một số bị can tự nguyện nộp lại cho cơ quan điều tra 1.700 tỷ đồng”.
Ngày 19/12/2022, Bộ Công An tổ chức họp báo, Đại Tá Vũ Như Hà -Phó Cục Trưởng C03- cho biết: “Sau gần một năm khởi tố vụ án, cơ quan điều tra các cấp đã khởi tố 102 người liên quan vụ Công Ty Việt Á nâng giá bộ thử xét nghiệm Covid 19, trong đó có 8 viên chức thuộc Bộ Y Tế + Bộ Khoa Học & Công Nghệ + hằng chục lãnh đạo, cán bộ CDC, sở y tế các tỉnh và thành phố”.
Điển hình những cái bắt tay tiền tỷ.
Với CDC Hải Dương. Ngày 01/10/2021, Công Ty Việt Á do Vũ Đình Hiệp -Phó Tổng Giám Đốc- và CDC Hải Dương do Giám Đốc Phạm Duy Tuyến, ký hợp đồng với tổng trị giá sau thuế là 17 tỷ 800 triệu đồng.
Ngày 5/11/2021, CDC Hải Dương đã thanh toán toàn bộ số tiền trên vào tài khoản của Công Ty Việt Á. Trong năm 2021, Việt Á còn ký với CDC Hải Dương 4 hợp đồng cung cấp trang thiết bị phòng, chống Covid 19 với tổng trị giá hơn 134 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra cũng thu thập được tin nhắn của các người liên quan, cho thấy Phan Quốc Việt chuyển khoản tiền chiết khấu cho “Phạm Duy Tuyến ,Giám Đốc CDC Hải Dương là 5 tỷ đồng“. Để tránh bị phát giác, khi chuyển tiền Phan Quốc Việt ghi nội dung là “nhờ thanh toán giúp tiền hàng”.
Công Ty Việt Á còn thông đồng cùng công ty cổ phần thiết bị vật tư y tế Thanh Hóa Themco, nâng giá bán bộ thử Covid 19 cho Sở Y Tế, CDC Thanh Hóa lên nhiều lần để hưởng lợi trái phép. Trinh sát phát giác Công Ty Việt Á chuyển tiền trả cho Themco chênh lệch tới gần 10 tỷ đồng, cũng với danh nghĩa “nhờ thanh toán tiền hàng”.
Trinh sát còn phát giác Công Ty Việt Á liên kết với công ty TNHH phát triển công nghệ ứng dụng Việt Nam (VN DAT) nâng giá bán các sản phẩm phòng, chống dịch Covid 19 cho CDC các tỉnh, thành phố trên toàn quốc, trong đó có CDC Bình Dương.
Chỉ trong năm 2021, thông qua 2 hợp đồng ký kết với CDC Bình Dương, Công Ty Việt Á hưởng lợi tổng số tiền phí xuất hóa đơn là 2 tỷ 300 triệu đồng. Công Ty VN DAT đã chiếm đoạt thông qua việc Công Ty Việt Á chuyển trả tiền ngoài với số tiền hơn 9 tỷ 300 triệu đồng.
Ngày 04/01/2023, Cảnh Sát Điều Tra (C03) thuộc Bộ Công An khởi tố và bắt tạm giam:
– Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, nguyên chuyên viên Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam.
– Bà Nguyễn Bạch Thùy Linh, Giám Đốc Công Ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Một, thành viên SNB Holdings.
– Trần Văn Tân, Phó Chủ Tịch tỉnh Quảng Nam,
Tội danh của hai bà được C03 cho biết: “Cũng như guyễn Thị Thanh Thủy, Nguyễn Bạch Thùy Linh cũng bị bắt với tội danh “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”, trong vụ án Việt Á. Là đại gia quyền lực ngàn tỷ, Giám Đốc Điều Hành của “hệ sinh thái” SNB, chắc chắn Linh không bao giờ là kẻ môi giới, làm thuê cho Việt Á của Phan Quốc Việt. Nhưng vì sao Linh bị bắt? Có lẽ độc giả đã có câu trả lời”.
Cho đến nay Bộ Công An không công bố cá nhân hay doanh nghiệp nào nắm giữ 80% cổ phần Công Ty Cổ Phần Công Nghệ Việt Á, nhưng mọi ngã đường đều dẫn về nhà những người thân, những người có họ hàng với Nguyễn Xuân Phúc, Chủ Tịch Nước Cộng Hòa XHCN Việt Nam.
Chuyện là, Nguyễn Thị Thanh Thủy là em họ ông Nguyễn Xuân Phúc, nên dễ dàng tiếp xúc với lãnh đạo các bộ, ban ngành cấp trung ương, tạo điều kiện cho Việt Á “làm mưa làm gió” trong mùa dịch Covid 19 để kiếm lợi cả ngàn tỷ đồng.
Đến chuyện Nguyễn Thị Xuân Trang và Nguyễn Bạch Thùy Linh từ chỗ bạn bè thân thiết, đã hợp tác làm ăn chung trong nhiều công ty, nhiều dự án. Nếu không là chị em “đồng mộng đồng sàng” với Nguyễn Thị Xuân Trang, thì Nguyễn Bạch Thùy Linh sẽ chẳng bao giờ ảnh hưởng đến các Bộ Trưởng, Ủy Viên Trung Ương, như: “Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long, Phạm Xuân Thăng, ..v..v..v… mở đường cho bộ thử Việt Á được cấp phép, được lưu hành, và được ngành y tế trên toàn quốc phải “đấu thầu với giá thầu cao ngất.
Từ đó mới lộ ra Nguyễn Thị Thanh Thủy + Nguyễn Bạch Thùy Linh + Nguyễn Thị Xuân Trang, đều có cổ phần trong Công Ty Việt Á.
Ngày 3/1/2023, Trung Trướng Tô Ân Xô -người phát ngôn Bộ Công An- cho biết: “Trong vụ án Công Ty Việt Á, Bộ Công An đã khởi tố 29 vụ và bắt tạm giam 104 bị can. Số tiền kê biên, phong tỏa, và các bị can nộp để khắc phục hậu quả là 1.670 tỷ đồng.
Ngày 4/2/2023, trong khi bàn giao chức vụ Chủ Tịch Nước, ông Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Vụ án Công Ty Việt Á, gia đình tôi gồm vợ và các con tôi không tham nhũng liên quan đến Việt Á, chưa bao giờ gặp Giám Đốc Việt Á. Điều này đã được Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương kết luận rõ ràng”.
Hiện chưa xác định nguyên nhân tại sao ông Phúc “bỗng dưng lại lên tiếng thanh minh cho vợ con của mình về vụ án Việt Á”. Có lẽ vì trong thời gian gần đây, trên Facebook và Youtube lan truyền các tin tức rằng, Bà Trần Thị Nguyệt Thu -vợ ông Nguyễn Xuân Phúc- là “trùm cuối của Công Ty Việt Á”, và chính vì vậy mà Bà Thu đã bị “cấm ra khỏi Việt Nam”.
Chỉ một ngày sau đó, phát biểu nêu trên của ông Nguyễn Xuân Phúc đăng trên các báo online là Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Tiền Phong, Dân Việt, và báo của chánh phủ, đều bị xóa hết. (trích bản tin đài VOA do Trà My diễn đọc)
Nhận định.
Vụ án Công Ty Bất Động Sản Alibaba không liên quan đến các viên chức chánh phủ, nhưng số người dân bị hại nhiều chưa từng thấy trong những phiên tòa thời đương đại. Đến vụ án Những Chuyến Bay Giải Cứu công dân Việt Nam bị kẹt lại ngoại quốc vì đại dịch Covid 19, liên quan đến rất nhiều viên chức cao cấp thuộc Văn phòng Chánh Phủ + Bộ Ngoại Giao và một số tòa Đại Sứ + Bộ Giao Thông & Vận Tải cũng chưa từng thấy. Và lần này, với vụ án Công Ty Cổ Phần Công Nghệ Việt Á về bộ thử Covid 19, liên quan đến rất nhiều viên chức chưa từng thấy, thậm chí là những viên chức cao cấp thuộc Bộ Y Tế + Sở Y Tế các tỉnh + thành phố, và Bộ Khoa Học & Công Nghệ.
Với những vụ án trên đây, cho thấy Bộ Công An -thanh kiếm bảo vệ đảng- rất trung thành với đảng trong cùng phe nhóm tham nhũng với Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng.
Đúng là ông Trọng đang đốt lò, mà trong lò là tham nhũng khác với phe nhóm tham nhũng của ông Trọng, vì hệ thống tổ chức của đảng cộng sản Việt Nam -cũng như các đảng cộng sản trên thế giới- là đảng lãnh đạo toàn bộ từ trung ương xuống đến mọi ngóc ngách trong xã hội, đều có cơ sở của đảng bên cạnh các tổ chức thuộc hành chánh, các bộ các ngành -nhất là ngành giáo dục- và lãnh đạo họ.
Trung ương có cơ quan Lập Pháp tức Quốc Hội + cơ quan Hành Pháp tức Chánh Phủ + cơ quan Tư Pháp tức các Tòa Án, ra vẻ như “tam quyền phân lập” giống chế độ dân chủ tự do, nhưng:
Bầu Quốc Hội, phải do đảng -lồng dưới tên gọi Mặt Trận Tổ Quốc- chọn người của đảng ứng cử trước, và người được chọn là những viên chức lãnh đạo trong hệ thống đảng và hệ thống nhà nước, và khi người dân đi bầu không cần chọn, hoặc chọn người mà đảng đã chọn sẳn. Vậy, Quốc Hội là của đảng.
Chánh Phủ, vừa là Ủy Viên trung ương đảng, vừa là Ủy Viên Bộ Chính Trị, vừa là thành viên Quốc Hội, cũng vừa là Chủ Tịch Nước, hay Thủ Tướng, hay Bộ Trưởng, Thứ Trưởng. Vậy, Chánh Phủ là của đảng.
Tòa Án, vừa là Ủy Viên trung ương đảng , vừa là thành viên Quốc Hội, cũng vừa là ngồi ghế Chủ Tịch Xử Án. Những vụ án quan trọng thì nhận bản án từ Bộ Chính Trị trước khi đến tòa án. Vậy, Tòa Án cũng là của đảng.
Xuống đến địa phương, cũng tương tự vậy thôi.
Tất cả đều là của đảng, và các đảng viên khi nắm quyền lãnh đạo các bộ ngành ở trung ương hay lãnh đạo các cơ quan ở địa phương, toàn quyền ăn cắp ăn cướp tài sản của dân, tài sản của quốc gia, tài sản do quốc tế viện trợ, thậm chí là còn ăn cướp một phần lãnh thổ có dạng hình cong chữ S của trái đất để toàn quyền chuyển nhượng mua bán, dưới tên gọi “phát triển đất nước” nhưng thật sự là vào tài sản riêng của họ. Vì vậy họ mới có những toà nhà kinh khủng ở trong nước, lại mua nhà mua xe cho con du học Hoa Kỳ, quốc gia mà họ mạt sát là “đế quốc tư bản đang giẫy chết”.
Texas, ngày 1 tháng 3 năm 2023