Murray Hiebert, Cogit Asia, ngày 07/4/2017
(Bản dịch của Vũ Quốc Ngữ)
(VNTB) – Cũng trong thời gian đó, Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dự kiến sẽ thăm Washington để gặp Ngoại trưởng Rex Tillerson. Ngay sau đó, Thủ tướng Phúc, người nhậm chức năm ngoái, dự kiến sẽ có chuyến thăm đầu tiên tới Washington…
Chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống của Donald Trump, người đã không vội vã trong việc bổ nhiệm nhiều quan chức ngoại giao quan trọng và đưa ra chính sách đối với Đông Nam Á, tạo ra một sự bất ổn ở Hà Nội. “Một số nước cho rằng có một khoảng trống quyền lực và họ cố gắng lôi kéo Việt Nam,” một quan chức cao cấp của Việt Nam nói gần đây, ngụ ý về những nỗ lực của Trung Quốc nhằm lôi kéo các nước láng giềng Đông Nam Á trong khi Washington đang bị phân tâm. “Chúng tôi đang cố gắng để tránh điều này, nhưng một số quốc gia có thể đi quá xa và khi đó quá muộn nếu Hoa Kỳ muốn liên kết.”
Việt Nam đã nhanh chóng chuyển đổi trong thập kỷ qua để tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ nhằm cân bằng với mối quan hệ gần gũi về kinh tế với Trung Quốc và đối phó với sự bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông. Không có quốc gia nào có thể có lợi ích nhiều hơn từ Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) so với Việt Nam, do đó, Hà Nội nhìn nhận việc Tổng thống Trump rút khỏi hiệp định thương mại này như là một đòn giáng vào kế hoạch liên kết kinh tế toàn cầu của nước này.
Nhưng các quan chức Việt Nam đã không bỏ phí thì giờ để tìm cách kết nối với tân Tổng thống Hoa Kỳ và quảng bá với chính phủ của ông về vai trò của Việt Nam như là một trong những đối tác tin cậy nhất của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á và trong việc đối phó với các tranh chấp ở Biển Đông. Chính quyền của Trump dường như đã phản ứng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có một cuộc điện thoại ngắn với Trump ngay sau khi ông được bầu và một trong những vấn đề mà tân Tổng thống hỏi là về mối quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc. Cuối tháng 2, Trump đã gửi một bức thư tới Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị ông quan tâm đến việc thúc đẩy hợp tác giữa hai nước.
Các quan chức Hà Nội vui mừng vì Phó Tổng thống Mike Pence sẽ dừng lại ở Indonesia vào cuối tháng 4 cùng với chuyến thăm Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc. Họ hy vọng Pence sẽ đưa ra một tuyên bố rõ ràng về tầm quan trọng của Đông Nam Á đối với chính quyền mới và kế hoạch của Hoa Kỳ để thu hút khu vực năng động này.
Cũng trong thời gian đó, Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dự kiến sẽ thăm Washington để gặp Ngoại trưởng Rex Tillerson. Ngay sau đó, Thủ tướng Phúc, người nhậm chức năm ngoái, dự kiến sẽ có chuyến thăm đầu tiên tới Washington. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Thượng tướng Nguyễn Chí Vinh đang có kế hoạch thăm Hoa Kỳ để tiến hành các cuộc đàm phán về an ninh với quan chức quốc phòng Hoa Kỳ trong một hoặc hai tháng tới.
Việt Nam đang chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh về hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 21 tại Đà Nẵng vào tháng 11 và một trong những ưu tiên hàng đầu của nó là thuyết phục Trump tham dự. Trump chưa không nói liệu ông có tham dự hội nghị thượng đỉnh hay không, nhưng việc này được cho là đang được xem xét một cách nghiêm túc bởi Nhà Trắng. Việt Nam tin rằng hội nghị thượng đỉnh có thể đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống mới ở Đông Nam Á và sẽ tạo cơ hội đầu tiên cho ông tham gia vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương về kinh tế.
Hà Nội tập trung nhiều vào quan hệ thương mại và đầu tư với Hoa Kỳ dưới chính quyền mới. Trong danh sách do Hội đồng Thương mại Quốc gia Hoa Kỳ chuẩn bị, Việt Nam xếp thứ sáu trong số 16 quốc gia gần đây bị nhắm là mục tiêu vì có thặng dư thương mại lớn với Hoa Kỳ. Một trong những sắc lệnh điều hành gần đây của Trump đã yêu cầu thực hiện một nghiên cứu 90 ngày theo từng quốc gia và theo từng sản phẩm về các lý do của sự thâm hụt thương mại này của Hoa Kỳ.
Ngay cả trước khi Trump ra lệnh, các quan chức Việt Nam nói với Bộ Thương mại Hoa Kỳ rằng họ muốn làm việc với Hoa Kỳ để đạt được thương mại cân bằng hơn và nhận ra tầm quan trọng của việc tạo nhiều việc làm hơn ở Hoa Kỳ. Trong một phản ứng rõ ràng đối với sự nhấn mạnh của Trump về các hiệp định song phương, các quan chức Hà Nội cũng nói với các quan chức Mỹ rằng họ sẽ để ngỏ việc nghiên cứu những lợi ích của một hiệp định thương mại song phương với Washington.
Việt Nam là một trong những nước đầu tiên của TPP nối liên lạc với Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ sau khi Tổng thống mới nhậm chức, khi các quan chức tổ chức cuộc họp ở Hà Nội vào cuối tháng 3 theo Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư. Các quan chức thảo luận về việc tăng cường quan hệ thương mại và giải quyết các vấn đề thương mại song phương trong các lĩnh vực như an toàn thực phẩm, sở hữu trí tuệ và thương mại số. Việt Nam cũng đã giới thiệu với phía Hoa Kỳ về kế hoạch thực hiện cải cách lao động, một ưu tiên hàng đầu của Hoa Kỳ trong các cuộc đàm phán TPP.
Kể từ khi Washington dỡ bỏ cấm vận kinh tế đối với Hà Nội cách đây 23 năm, Việt Nam đã nổi lên như là đối tác thương mại lớn thứ 16 của Hoa Kỳ với thương mại hàng hoá hai chiều đạt tới 52 tỷ đô la vào năm 2016. Việt Nam hiện nay là thị trường nông nghiệp lớn thứ 10 của Hoa Kỳ với xuất khẩu tổng cộng 2,7 tỷ đô la năm ngoái. Nhập khẩu của Việt Nam từ Hoa Kỳ vào năm ngoái đạt trên 10 tỷ đô la, tăng 43% so với năm trước đó.
Hà Nội và Washington cũng đã tăng cường hợp tác quốc phòng kể từ khi Trung Quốc đưa giàn khoan dầu vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào tháng 5 năm 2014. Chính quyền Obama đã bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam và tuyên bố sẽ dành 18 triệu đô la để giúp Việt Nam mua tàu tuần tra cho lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Năm 2015, bộ trưởng quốc phòng của hai nước đã ký một tuyên bố chung về quan hệ quốc phòng với 12 lĩnh vực hợp tác, bao gồm mở rộng thương mại quốc phòng.
Những tín hiệu đầu tiên về sự quan tâm của Việt Nam trong hợp tác quốc phòng với chính quyền mới có thể xảy ra khi Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vinh lên kế hoạch thăm Washington. Một số lĩnh vực mà Việt Nam có thể quan tâm bao gồm mua thiết bị của Hoa Kỳ như radar ven biển, máy bay giám sát và tàu tuần tra để tăng cường khả năng quản lý biển của đất nước.
Dưới sự quan sát chặt chẽ của Trung Quốc, Hà Nội có thể sẽ phải có những bước đi thận trọng và dần dần với Washington về hợp tác quân sự, các quan chức Việt Nam nói. Để giảm bớt lo lắng về mối quan hệ của Hoa Kỳ-Việt Nam, Hà Nội cũng hoan nghênh hợp tác quân sự với Nhật Bản và Ấn Độ để tăng cường và cân bằng sự hợp tác riêng biệt với Hoa Kỳ, đặc biệt là về cảnh báo trên biển.
Các quan chức của Việt Nam được cho là đang lặng lẽ thúc giục chính quyền Trump tiếp tục tự do hoạt động hàng hải ở Biển Đông, bao gồm trong phạm vi 12 hải lý của một số hòn đảo mà Trung Quốc đã bồi đắp trong những năm gần đây. Các quan chức Việt Nam, cũng như các đối tác của họ ở Manila, đang theo dõi chặt chẽ để xác định liệu Trung Quốc có xây dựng bất cứ công trình nào trên bãi biển Scarborough, nơi mà Bắc Kinh chiếm giữ từ Philippines vào năm 2012. Các quan chức ở Hà Nội phàn nàn rằng việc quấy rối và giam giữ ngư dân Việt Nam gần các khu vực tranh chấp ở Biển Đông do các cơ quan thực thi Trung Quốc tiếp tục là một thách thức.
Một lĩnh vực có thể thấy sự thay đổi ở mối quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ là về nhân quyền. Hai chính quyền Hoa Kỳ trước đây đã nhấn mạnh mối quan tâm về nhân quyền và tổ chức gần 20 cuộc đối thoại song phương trong những năm gần đây. Chính quyền của Trump cho đến nay chưa tỏ ra coi nhân quyền sẽ là một ưu tiên trong quan hệ ngoại giao. Để tăng cường quan hệ kinh tế, chính trị và an ninh giữa hai nước trong thời gian dài, điều quan trọng là Washington tiếp tục thảo luận cởi mở và thẳng thắn với các đối tác Hà Nội về một trong những vấn đề khó khăn nhất trong quan hệ song phương.
Ông Murray Hiebert là cố vấn cao cấp và là phó giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại CSIS.
* Tựa đề do VNTB đặt