Việt Nam Thời Báo

VNTB – Thủ tướng phủi trách nhiệm à?

công nhân

Nguyễn Huỳnh

(VNTB) – Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt ra hàng loạt câu hỏi vì sao tại hội nghị phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập sáng 20-8-2022

 

Vì sao lao động chất lượng cao được đào tạo ở nước ngoài không muốn về nước làm việc? Vì sao một số lao động làm nhà nước muốn làm tư nhân? Vì sao lao động xuất khẩu của nước ta lương thấp hơn lao động các nước trong khu vực?…

Những “vì sao” mà thiên hạ lên tiếng từ lâu rồi

Tại hội nghị phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập sáng 20-8-2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt ra hàng loạt câu hỏi, như: Vì sao một lực lượng lớn lao động chất lượng cao được đào tạo ở nước ngoài không muốn quay về nước làm việc? Vì sao thời gian gần đây có một số lao động thuộc khu vực nhà nước có xu hướng chuyển dịch ra khu vực tư nhân? Vì sao lực lượng lao động xuất khẩu của nước ta thu nhập bình quân thường thấp hơn các nước trong khu vực, cạnh tranh quốc tế còn thấp?…

Vì sao người dân một số địa phương phải xa gia đình, con nhỏ, bố mẹ già, thậm chí bỏ đất đai, ruộng vườn để đi làm thuê nơi khác? Vì sao đời sống của một bộ phận công nhân ở các khu công nghiệp, thành phố lớn còn khó khăn, nhất là về vấn đề nhà ở?

Vì sao vẫn còn những hiện tượng đình công ở một số khu công nghiệp? Vì sao chúng ta cần Chiến lược phát triển thị trường lao động khi thời điểm dân số vàng đi qua?…

Hàng loạt câu hỏi mang tính vấn đề ở trên nằm trong trách nhiệm công vụ của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh – Xã hội, và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn. Mà theo Luật Tổ chức chính phủ, tại Chương IV “Nhiệm vụ và quyền hạn của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ”.

Nếu truy xét tận gốc ngọn thì trách nhiệm cuối cùng cho giải quyết các câu hỏi mang tính vấn đề của Thủ tướng Phạm Minh Chính, đó là Ban Tổ chức Trung ương – nơi độc quyền trong cái gọi là “quy hoạch các chức danh thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (trừ trường hợp nhân sự là Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng) và các chức danh lãnh đạo, quản lý phải lấy ý kiến thẩm định của các ban, cơ quan đảng ở Trung ương theo quy định hiện hành của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử (không bao gồm chức danh ủy viên ban chấp hành, ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương)”.

Trước khi là Thủ tướng, ông Phạm Minh Chính là Thường trực Ban Tổ chức Trung ương. Và như vậy cho thấy kết quả của “quy hoạch các chức danh thuộc Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý”, cụ thể ở đây là bộ trưởng đã không đáp ứng nhu cầu quản trị trong thực tế.

Nhìn ra, nhưng không xử trí được?

Theo Bộ Lao động, Thương binh – Xã hội, đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực, ảnh hưởng mạnh đến thị trường lao động thời gian qua. Tính trong quý II/2022, cả nước vẫn còn hơn 8 triệu người từ 15 tuổi trở lên chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Trong đó có 0,4 triệu người bị mất việc, chiếm 5,3%; 0,5 triệu người không tìm được việc làm, chiếm 5,7%; 2,2 triệu người phải tạm nghỉ, tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh, chiếm 27,6%; 2,4 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, chiếm 29,5% và 6,5 triệu lao động bị giảm thu nhập, chiếm 81,7%.

Sự phát triển của các chuỗi giá trị toàn cầu thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng của thị trường lao động, di chuyển lao động giữa các nước, đòi hỏi người lao động không những phải có kỹ năng nghề cao mà phải có kỹ năng mềm, có năng lực làm việc trong môi trường quốc tế với những tiêu chuẩn, tiêu chí do thị trường lao động xác định.

Trong bối cảnh trên, Việt Nam phải tuân thủ các “luật chơi” chung, bao gồm các tiêu chuẩn về lao động, tiêu chuẩn về quản trị thị trường lao động hiện đại theo chuẩn mực quốc tế.

Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt ra những vấn đề mới; nhiều việc làm, kỹ năng cũ sẽ mất đi hoặc giảm mạnh, xuất hiện nhiều việc làm mới, kỹ năng mới; trí tuệ nhân tạo, robot, máy móc sẽ đóng vai trò ngày một lớn trong sản xuất và thay thế nhiều vị trí việc làm hiện tại.

So với các nước trong khu vực và thế giới, Việt Nam là nước có tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp (quý II/2022 mới chỉ đạt 26,2%). Trong giai đoạn từ 2015 đến 2020, có 66,7% công nhân lao động có trình độ trung học phổ thông; 80% công nhân lao động tại các doanh nghiệp được đào tạo nghề (chủ yếu là doanh nghiệp tự đào tạo), 43% công nhân lao động được đào tạo lại, bậc thợ từ 4-7 (có tay nghề cao) là 22,5%; 7,7% công nhân lao động học ngoại ngữ, 7,1% công nhân lao động học tin học.

Hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bình quân hằng năm đào tạo trên 2 triệu lượt người, trong đó gần 70% được tuyển dụng vào các doanh nghiệp, hợp tác xã, số còn lại tự tạo việc làm hoặc tham gia sản xuất nông nghiệp.

Từ những con số ở trên cho thấy Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh – Xã hội hiện tại đã không làm tốt phận sự của mình. Cần thiết “thay tướng” kịp thời, thay vì lại lên bục hội nghị đưa ra những thắc mắc không hề mới mẻ gì nữa, như hôm 20-8-2022 tại hội nghị phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập.


Tin bài liên quan:

VNTB – TP.HCM sẽ chích mũi 3 phòng Covid từ trung tuần tháng 12

Phan Thanh Hung

VNTB – Thủ tướng Việt Nam tưởng niệm anh hùng, liệt sĩ chống giặc Trung Quốc xâm lược

Phan Thanh Hung

VNTB – Dịch ở Sài Gòn vẫn chưa ‘đạt đỉnh’

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo