Nguyễn Huỳnh
(VNTB) – Có vẻ chuyến công du Hà Nội của phái đoàn Tập Cận Bình đã thất bại trong chuyện Bắc Kinh muốn dành quyền xây dựng dự án đường sắt ở Việt Nam.
Đề nghị Nhật Bản cấp ODA cho đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ra trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio ngày 16-12 tại Tokyo (Nhật Bản).
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Nhật Bản tiếp tục cung cấp các khoản vay ODA thế hệ mới cho các dự án chiến lược về phát triển hạ tầng giao thông; trong đó có dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, đường sắt đô thị, công nghiệp phụ trợ, cụm công nghiệp mới, ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, y tế… tại Việt Nam.
Trong khuôn khổ gặp gỡ, hai nhà lãnh đạo đã cùng chứng kiến lễ trao các văn kiện hợp tác ODA giữa hai nước gồm: Công hàm trao đổi khoản vay lần tư Dự án xây dựng đường sắt đô thị TP.HCM, đoạn Bến Thành – Suối Tiên; Công hàm trao đổi dự án học bổng phát triển nguồn nhân lực (JDS); Công hàm trao đổi dự án cung cấp trang thiết bị cho bệnh viện K với tổng trị giá đạt khoảng 42,3 tỷ yên (gần 300 triệu USD).
Nhật Bản hiện là nhà tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, với tổng giá trị vay tính đến hết năm tài khóa 2020 là 2.812,8 tỷ yên (27,5 tỷ USD). Vốn ODA tập trung vào các lĩnh vực trọng điểm như giao thông, năng lượng, cơ sở hạ tầng đô thị. Năm 2023, lần đầu tổng giá trị vốn vay ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam vượt 100 tỷ yên (khoảng 674 triệu USD) kể từ năm tài khóa 2017.
Việt Nam đặt mục tiêu khởi công đường sắt tốc độ cao Bắc Nam năm 2030 và hoàn thành, đưa vào khai thác toàn tuyến năm 2045. Bộ Giao thông Vận tải đang xin ý kiến về ba kịch bản đường sắt Bắc Nam, trong đó có hai kịch bản tàu tốc độ 350 km/h chở khách riêng và dự phòng chở hàng.
Kịch bản 1 là đầu tư xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam đường đôi, khổ ray 1.435 mm, dài 1.545 km, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 17 tấn mỗi trục, chỉ khai thác tàu khách. Tuyến đường sắt Bắc Nam hiện hữu được nâng cấp để chuyên chở hàng, chở khách du lịch và khách chặng ngắn. Tổng vốn đầu tư khoảng 67,32 tỷ USD.
Kịch bản 2 xây dựng mới tuyến đường sắt Bắc Nam đường đôi, khổ ray 1.435 mm, tải trọng 22,5 tấn mỗi trục, khai thác chung cả tàu chở khách và chở hàng, tốc độ thiết kế 200-250 km/h, chạy tàu hàng tối đa 120 km/h. Tuyến đường sắt Bắc Nam hiện hữu được hiện đại hóa để chuyên chở hàng, chở khách du lịch và khách chặng ngắn. Tổng vốn đầu tư khoảng 72,02 tỷ USD.
Kịch bản 3 là đầu tư tuyến đường sắt Bắc Nam đường đôi, khổ ray 1.435 mm, tải trọng 22,5 tấn mỗi trục, tốc độ thiết kế 350 km/h, khai thác tàu chở khách và dự phòng cho chở hàng khi có nhu cầu. Tổng vốn đầu tư dự án 68,98 tỷ USD. Nếu đầu tư hạ tầng, thiết bị, phương tiện để khai thác tàu hàng chạy Bắc Nam thì vốn đầu tư dự án khoảng 71,69 tỷ USD.
Ở chuyến công du Hà Nội hôm 12-12 của phái đoàn của Chủ tịch, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình, đại sứ Trung Quốc Hùng Ba đã đưa ra tuyên bố của “sự đã rồi”, rằng: “Việt Nam có vị trí địa lý độc đáo, là cầu nối quan trọng kết nối Trung Quốc với các nước ASEAN, là quốc gia quan trọng trong Sáng kiến Vành đai và Con đường giữa Trung Quốc với các nước ASEAN.
Các quốc gia trong khu vực đang triển khai kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt xuyên Á, gồm ba nhánh phía đông, phía tây và trung tâm. Nhánh phía đông của tuyến đường sắt xuyên Á, dự kiến đi qua Việt Nam, sẽ có nhu cầu lớn nhất và điều kiện thuận lợi nhất để xây dựng. Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước chúng ta đều rất coi trọng thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này.
Trung Quốc và Việt Nam đang đẩy nhanh thực hiện dự án đường sắt Hà Khẩu, Vân Nam – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng và chúng ta đã bước vào giai đoạn xây dựng báo cáo tiền khả thi. Phía Trung Quốc sẵn sàng đáp ứng mong muốn của phía Việt Nam, thông qua nguồn vốn vay ưu đãi giúp Việt Nam xây dựng quy hoạch nâng cấp và cải tạo tuyến đường sắt từ Quảng Tây qua Đồng Đăng đến Hà Nội, cũng như quy hoạch tuyến đường sắt từ Móng Cái, Quảng Ninh đến Hải Phòng…”.
Tuy nhiên, theo giới quan sát chính trị thì Việt Nam và Trung Quốc hiện đang là các bên tranh chấp trên Biển Đông, vì vậy Việt Nam rất thận trọng để tránh rơi vào tình huống Việt Nam vay nợ quá nhiều từ phía Trung Quốc. Việt Nam có thể rơi vào tình thế mang ơn Trung Quốc và không thể có sự độc lập trong việc chống lại các sức ép của Trung Quốc trên Biển Đông.
1 comment
nên cho VĐĐam kết nối nắm bắt sự thật ra định hướng tốt chuyễn đổi ổn định VN tươi sáng HB