Việt Nam Thời Báo

VNTB – Thực nghiệm hiện trường vụ án hình sự ở xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội

Hoài Nguyễn

(VNTB) – Hình ảnh mà nhóm luật sư bào chữa ở vụ án Đồng Tâm cung cấp, cho thấy nhiều khả năng nguyên do tử vong của 3 công an là từ một loại vũ khí hóa học chuyên dụng.

Một trong số nghi vấn đó có một loại vũ khí mang tên “Quả rít khói màu” do Công ty TNHH MTV Thanh Bình của Bộ Công an sản xuất.

Về mặt kỹ thuật, thì “quả rít khói màu” có đường kính(Ф) mm 56 ± 1; Chiều cao (mm) 187 ± 5; Khối lượng (g) 300 ± 10; Khối lượng khối thuốc màu (g) 20 ± 2;  Khối lượng khối tạo áp (g) 71 ± 2; Thời gian phát nổ (s) 3,5 ÷ 4,5; Bán kính tác dụng (m) 5; Bộ phận gây rít cụm 01; Liều rít: liều 01; Khối lượng liều rít (g) 39 ± 2; Cường độ rít (khoảng cách 1m) dB 123,8; Thời gian rít (giây) 12 – 14.

Thông thường đi cùng với “quả rít khói màu” là súng bắn quả nổ, quả cay khói nổ tổng hợp…

Hình chụp xác chết cháy đen trong vụ thảm án ở Đồng Tâm, nói là do xăng đốt, hiển nhiên không thuyết phục. Nhiên liệu như xăng, dầu không thể cháy trong môi trường thiếu dưỡng khí của giếng trời. Những người chết cháy có nhiều xác suất chết vì vũ khí như lựu đạn lân tinh, hay “trái sáng” mang theo trong người. Chỉ có các loại vũ khí hóa học như phosphore hay các loại hóa chất cháy không cần dưỡng khí, mới có thể cháy dữ dội với nhiệt độ cao và lâu dài, cháy thiêu cả xác người như đã thấy trong môi trường thiếu dưỡng khí (Oxygen) của giếng trời.

Ngờ vực trên cho thấy chết vì tai nạn, hay chết do vũ khí (hóa học) mang theo bùng cháy, cần được làm rõ, và nếu chưa có những thực nghiệm hiện trường độc lập thì việc quy tội “giết người” cho người dân Đồng Tâm là một sự áp đặt.

Cần thực nghiệm hiện trường không chỉ vụ tử vong ở ‘hố kỹ thuật’, mà còn là toàn bộ vụ việc.

Lý do: tại phiên xét xử hình sự sơ thẩm vụ án Đồng Tâm, có đoạn hỏi – đáp sau đây giữa luật sư Hà Huy Sơn với bị cáo Bùi Viết Hiểu, cho thấy dường như có sự mâu thuẫn về cáo buộc từ cơ quan tố tụng, và tang vật vụ án là những quả lựu đạn quân dụng:

H (hỏi): Sự việc xảy ra vào rạng sáng ngày 09/01/2020, ông đang ở đâu?

Đ (đáp): Tôi ở trong phòng ông Kình.

H: Ông có biết diễn biến sự việc không?

Đ: Không. Chỉ 3 hôm sau tôi mới biết là có công an chết.

H: Ông là người duy nhất ở cùng phòng với ông Kình, ông có muốn kể diễn biến sự việc đã diễn ra hay không?

Đ: Cáo trạng nêu không đúng. Ông Kình bị bắn được từ phía trước.

H: Ông Kình có cầm lựu đạn không?

Đ: Con cháu không bao giờ giao lựu đạn cho ông.

H: Vậy ông Kình cầm gì?

Đ: Ông Kình cầm gậy đinh ba, phải dựa vào tường.

H: Ông có thấy ông Kình cầm lựu đạn không.

Đ: Không.

H: Tại sao ông có vết thương.

Đ: Sau khi ông Kình bị chết và chó tha đi thì họ bắn vào chân tôi và bắn thẳng vào ngực tôi nhưng đạn sượt nên không vào tim mà xuống sườn nên không chết. Tôi bị thủng 3 lỗ hành tá tràng, hai lỗ đại tràng.

H: Ông có thể mô tả loại súng?

Đ: Tôi chỉ thấy nòng súng to như cổ tay.

H: Kinh nghiệm đi bộ đội ông nghĩ đó là loại súng gì?

Đ: Đây là không phải là súng bộ binh mà là loại súng chạm nổ, chạm đâu nổ đấy để gây sát thương.

Vậy sự thật là ông Kình có cầm lựu đạn trên tay không? Với một người từng tham gia kháng chiến, khả năng sử dụng thông thạo lựu đạn của ông Kình như thế nào? Nếu lời của bị cáo Bùi Viết Hiểu tại tòa: “Con cháu không bao giờ giao lựu đạn cho ông” – “Ông Kình cầm gậy đinh ba, phải dựa vào tường”, vậy thì có cần trả toàn bộ hồ sơ vụ án để điều tra lại, vì đây là tình tiết của lỗi cố ý gián tiếp “Tội làm chết người trong khi thi hành công vụ”, được quy định tại Điều 127 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, có hiệu lực từ ngày 01/01/2018.

Dấu hiệu pháp lý của tội làm chết người trong khi thi hành công vụ, tóm tắt như sau: Mặt khách quan, là hành vi làm chết người do dùng vũ lực ngoài những trường hợp pháp luật cho phép trong khi thi hành công vụ. Hành vi dùng vũ lực của chủ thể trong trường hợp này chứa đựng nguy cơ gây thiệt hại cho các lợi ích hợp pháp. Hậu quả chết người là hành vi bắt buộc của tội phạm.

Khách thể, là quan hệ nhân thân mà nội dung là quyền sống của con người. Đối tượng tác động của tội phạm là con người. Mặt chủ quan, lỗi của người phạm tội là lỗi có ý gián tiếp hoặc lỗi vô ý.

Lỗi cố ý gián tiếp, là trường hợp người phạm tội nhận thức được hành vi dùng vũ lực mà mình thực hiện chứa đựng nguy cơ gây thiệt hại về tính mạng đối với người khác, nhưng chấp nhận hậu quả đó với mong muốn thực hiện nhiệm vụ.

Lỗi vô ý, là trường hợp khi thực hiện hành vi dùng vũ lực, người phạm tội tin rằng, hành vi của mình không gây ra hậu quả chết người hoặc do cẩu thả đã không thấy trước khả năng gây ra hậu quả chết người mặc dù có thể thấy trước và phải thấy trước.

Động cơ của người phạm tội là nhằm thực hiện công vụ. Đây là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Chủ thế là người đang thi hành công vụ.

Củng cố cho lập luận pháp lý ở trên là việc Viện Kiểm sát đã đổi từ tội “giết người” qua “chống người thi hành công vụ” trong vụ Đồng Tâm, tại phiên xét xử hình sự sơ thẩm đang diễn ra.

Và trong trường hợp này, cần làm rõ về công vụ gì ở khu dân cư xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội lúc 3g sáng?

Một lưu ý khác, nếu toà án đã coi hành vi xâm phạm tính mạng người khác trong khi thi hành công vụ, nếu như người bị hại có hành vi tấn công người phạm tội, thì truy cứu người phạm tội về tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, và vẫn buộc cơ quan chủ quản của người phạm tội phải bồi thường cho người bị hại.

Nôm na, phía Công an Hà Nội rất có thể phải chịu một khoản bồi thường dân sự khi nhân viên công lực thuộc Công an Hà Nội, đã gây ra cái chết của công dân Lê Đình Kình.

Tin bài liên quan:

VNTB – Công đoàn độc lập vì sao là mối đe dọa cho thể chế chính trị Việt Nam?

Phan Thanh Hung

VNTB – Bộ trưởng Công an hối thúc cần ‘trảm’ nhanh hơn…

Bùi Ngọc Dân

Biên bản Phiên toà Hình sự Phúc thẩm Vụ án Đồng Tâm

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.