VNTB – Thực tế Kinh tế Việt Nam xếp hạng 35 thế giới

VNTB – Thực tế Kinh tế Việt Nam xếp hạng 35 thế giới

Châu Nam Việt

 

(VNTB) – Xếp hạng nền kinh tế của một quốc gia không chỉ dựa vào GDP không thôi.

 

Trong một hội nghị tổng kết giao ước thi đua năm 2023 và ký kết giao ước thi đua năm 2024 mới đây, quyền chủ tịch nước – bà Võ Thị Ánh Xuân đã thông báo rằng Việt Nam xếp thứ 35 trong top 40 quốc gia có nền kinh tế hàng đầu thế giới với GDP là 435 tỉ USD.

Mặc dù thông tin này được chia sẻ một cách tích cực, tuy nhiên nếu chỉ nhìn vào con số top 40, thông tin này không thể hiện đầy đủ bức tranh về tình hình kinh tế của đất nước.


Thực tế lớn –  nhưng không phải là phát triển.

Nếu xét về tiềm năng quốc gia trên bảng xếp hạng, Việt Nam không chỉ có vị trí địa lý đắc địa mà còn có diện tích đứng thứ 16 trên thế giới, cũng như dân số thuộc top 15. Với thực tế đó, vị trí xếp hạng thứ 40 nếu tính toán một cách trung thực và sòng phẳng với các yếu tố tổng hợp đó có thể là một ví trí “chấp nhận được”, hoặc có khả năng tự hào.

Thực tế, việc xếp hạng nền kinh tế của một quốc gia không chỉ dựa vào GDP toàn cầu mà còn phải xem xét đến thu nhập bình quân đầu người, chỉ số phát triển con người và nhiều yếu tố khác. Dù theo thống kê GDP, Việt Nam được xem xét là một trong những quốc gia có tổng sản phẩm quốc nội thuộc loại “lớn”, với con số 435 tỉ usd, nhưng khi xét về GDP theo đầu người, thì chỉ đứng thứ 120 trên thế giới với 4.355USD/người.

Chính con số GDP trên đầu người mới phản ánh độ giàu nghèo của một quốc gia. Singapore đứng trên Việt Nam 2 hạng, Tổng GDP 497.35 tỷ đô la nhưng GDP tính trên đầu người cao hơn Việt Nam gần gấp 20 lần ( 82.169 USD/người)

Con số này cho thấy mức sống trung bình của người dân Việt Nam vẫn còn rất thấp so với nhiều quốc gia khác. Con số GDP theo đầu người mới phản ánh chính xác mức sống của người dân trong quốc gia đó và trên thực tế, mức sống thấp hơn nhiều so với báo cáo.

Dữ liệu mới nhất cho thấy có đến 1 triệu 580 ngàn hộ được xếp vào diện nghèo và cận nghèo, chiếm tỷ lệ  5,71%. Những vùng có người nghèo và cận nghèo nhiều nhất là vùng trung du miền núi phía bắc và vùng tây nguyên. Những người dân thuộc các hộ được xếp vào loại nghèo chỉ có thu nhập mỗi tháng từ 1,5 triệu tới 2 triệu đồng/ người. 

Nếu so sánh với thực tế con số GDP trên đầu người vào khoảng 100 triệu/người/năm của báo cáo, thì đó là một con số mơ ước với rất nhiều trong tầng đáy của xã hội. Những người trong các hộ nghèo nêu trên phải mất gần 10 năm mới có được con số thu nhập mơ ước này.

Để thu nhập bằng Singapore, một gia đình công nhân Việt Nam đi làm công nhân nhà may gia công may mặc với thu nhập 12 triệu/tháng kể cả tăng ca phải làm việc cật lực trong gần 20 năm, còn người nghèo phải mất 200 năm mới theo kịp người Singapore. Người Việt nói chung vẫn phải làm nhiều mà kiếm không được bao nhiêu.

 

Lãnh đạo báo cáo “đu dây”

Lãnh đạo Việt Nam dường như có thói quen sử dụng những báo cáo được tính toán không chính xác, hay những thông tin mập mờ theo kiểu “một nửa ổ bánh mì” như sử dụng con số GDP để báo cáo xếp hạng mà cố tình làm lơ đi thực tế thấp kém của thu nhập bình quân đầu người, chỉ số phát triển con người và điều kiện sống của người dân.

Có thể hiểu rằng việc báo cáo nửa vời, lập lờ như vậy là để lừa dối, dẫn dắt người dân và những người ít tìm hiểu thông tin để lấp liếm về sự kém cỏi trong điều hành đất nước. Thế nhưng cũng có thể hiểu rằng họ lại có thể dùng chính những con số đó ở một khía cạnh khác để đi xin viện trợ, vay tiền…, nhằm mục đích có tiền tiêu xài vào những dự án giúp vinh thân phì gia.

 


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)