Hoài Nguyễn
(VNTB) – Đúng là ‘điểm yếu’ của những nhà hoạt động xã hội dân sự độc lập ở Việt Nam nằm trong chuyện “khai thuế thu nhập cá nhân”
Hôm 2/6, gia đình, các tổ chức nhân quyền và Liên Hợp Quốc bày tỏ sự quan ngại về việc nhà hoạt động môi trường hàng đầu của Việt Nam Hoàng Thị Minh Hồng bị bắt với cáo buộc “Trốn thuế”, nói rằng vụ bắt bớ này có động cơ chính trị.
Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc tổ chức GreenID nhận giải thưởng môi trường Goldman năm 2018, bà sau đó bị đi tù vì bị cáo buộc “trốn thuế” đối với giải thưởng này; tức bà đã không thực hiện nghĩa vụ đóng thuế thu nhập cá nhân từ khoản thu nhập đột xuất này.
“Những người như là ông Hoàng Ngọc Giao, là một nhà phản biện mà Viện nghiên cứu của ông cũng là thành viên trong Liên hiệp hội (Vusta), cũng được hoạt động chính thức, hay như trường hợp với bà Ngụy Thị Khanh, cũng đứng đầu một Trung tâm hoạt động được đăng ký với Vusta, và những ý kiến đó cũng là những ý kiến phản biện, nhưng người ta cho rằng “không phù hợp” với những quy định nào đó, những định hướng chính sách của họ, nên họ thậm chí đầu tiên buộc tội là “trốn thuế”, sau đó mới đến buộc tội “lợi dụng quyền tự do dân chủ” để mà “chống lại đất nước”, những cái đó làm ảnh hưởng rất nhiều đến sự hình thành và phát triển của xã hội dân sự ở Việt Nam”.
Đoạn trích ở trên là ý kiến nhận xét của ông Trần Tiến Đức, cựu Giám đốc dự án Policy do USAID tài trợ chuyên về vận động chính sách và thúc đẩy tiếp cận trên cơ sở quyền và tăng quyền cho người có HIV tại Việt Nam.
Nhìn thuần giác độ pháp luật thuế, thì đúng là ‘điểm yếu’ của những nhà hoạt động xã hội dân sự độc lập ở Việt Nam nằm trong chuyện “khai thuế thu nhập cá nhân”.
Đơn cử, pháp luật Việt Nam không cho phép người dân gửi tin, bài cộng tác với báo chí nước ngoài với nội dung mà nhà chức trách tự cho là: Xuyên tạc, phỉ báng, phủ nhận chính quyền nhân dân; Bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân;
Gây chiến tranh tâm lý; Gây chia rẽ giữa các tầng lớp nhân dân, giữa Nhân dân với chính quyền nhân dân, với lực lượng vũ trang nhân dân, với tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội; Gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ, ly khai dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam; Gây chia rẽ người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người theo các tôn giáo khác nhau, chia rẽ các tín đồ tôn giáo với chính quyền nhân dân, với tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội; xúc phạm niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; Xuyên tạc lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc…
Để phân định các hành vi cáo buộc trên, trong rất nhiều trường hợp là không mấy dễ dàng nếu như tôn trọng sự độc lập về quyền tự do biểu hiện tư tưởng, chính kiến, niềm tin tôn giáo.
Thế nhưng với các điều luật hình sự 117, 331, gần như “đe dọa” tất cả những tiếng nói phản biện đi ngược lại với định hướng chính trị của người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam. Mà đã gọi là “phản biện độc lập” thì không thể là hành động ve vuốt, xu nịnh về một quyết sách, chính sách nào đó từ cấp lãnh đạo tối cao.
Vậy là các “nhà báo nhân dân” khi gửi cộng tác với báo chí nước ngoài, hoặc những trang mạng xã hội trung lập, thường không thể “kê thu nhập” từ các khoản nhuận bút thù lao. Và điều này dẫn đến cáo buộc hành vi trốn thuế thu nhập cá nhân.
Cuộc mặc cả ở đây rằng nếu vị “nhà báo nhân dân” đó muốn tiếp tục cộng tác, thì phải thay đổi cách viết, liều lượng phản biện; nếu không đồng ý thì rất có thể đối mặt nhẹ nhất là điều luật 331, và thường sẽ là 117 – một điều luật mà người bị cáo buộc khi khoác áo tù, họ sẽ không bao giờ được hưởng quyền ân xá, miễn giảm trong các sự kiện chính trị.
Chính các vấn đề pháp lý ở trên đã góp phần giải thích vì sao Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Đức Thắng rất mạnh miệng nói ở cuộc họp báo chiều 1/6: “Tại Việt Nam, các cá nhân, hội, tổ chức nhân dân, tổ chức phi chính phủ được bảo đảm hoạt động bình thường theo đúng quy định, đồng thời tuân thủ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hành động của mình. Như tại các quốc gia khác trên thế giới, những người vi phạm pháp luật sẽ phải xử lý theo đúng các quy định của pháp luật”.