VNTB – Thương sao màu áo tiếp sức!

VNTB – Thương sao màu áo tiếp sức!

Thanh Trúc

 

(VNTB) – Mỗi lần thấy những tình nguyện viên với màu áo tiếp sức mùa thi lại có một cảm giác nôn nao đến chi lạ.

 

Hôm nay là ngày thi cuối. Vậy là thêm một mùa thi nữa đi qua; thêm một thế hệ nữa trưởng thành, chuẩn bị bước sang một trang mới, một ngưỡng cửa mới. Ngồi cà phê đối diện một trường cấp ba, cũng là một cụm thi của Thành phố Hồ Chí Minh. Chợt nhớ…

Cái cuộn phim của hơn chục năm trước gần như ùa về.

Cái thời của tôi, cũng như bao thế hệ khác, thi đại học và thi tốt nghiệp trung học phổ thông là hai kỳ thi riêng biệt. Nếu trí nhớ của tôi không lầm lẫn, tháng 6 thi tốt nghiệp. Ai có kết quả đậu, cầm bằng tốt nghiệp tạm thời để tham gia vào kỳ thi đại học.

Thuở ấy, cánh cổng đại học là mơ ước của biết bao nhiêu đứa học sinh như chúng tôi. Mỗi đứa mỗi lựa chọn khối, mỗi đứa có mỗi hướng ôn tập riêng… nhưng tựu trung lại, đích đến cái cuối vẫn là bước chân lên giảng đường đại học.

Dĩ nhiên, để đạt được cái mơ ước đó, việc đầu tiên phải thi đậu trước đã. Mà muốn thi đậu thì cần có chỗ để nghỉ ngơi, chuẩn bị tinh thần cho mấy ngày “chinh chiến”.

Tôi nhớ, với một đứa học sinh đến từ tỉnh lẻ, cái cảm giác lần đầu tiên lên thành phố, nó lạ lẫm vô cùng. Những cạm bẫy trên thành phố cũng đã được các anh, chị đoàn viên thanh niên nơi tỉnh nhà cảnh báo.

Với một đứa lần đầu tiên “chân ướt chân ráo” đặt chân đến cái đất ồn ào, náo nhiệt này, không hồi hộp xen lẫn lo lắng mới là… ngộ.

“Không có sao đâu em. Em cần tụi chị hỗ trợ những gì?”. Đó là câu hỏi đến từ một thành viên của nhóm các màu áo xanh mang tên tiếp sức mùa thi tại hội đồng thi của tôi. Và rồi, cũng nhờ các anh, chị đó, tôi cũng có được một chỗ ở tử tế để ôn thi.

Hai năm sau, tôi trở thành một sinh viên ngay tại cái trường mà mình mong ước vào học. Cái ngày mà tôi khoác trên mình màu áo xanh quen thuộc của hai năm về trước, cảm giác như mọi thứ chỉ vừa mới diễn ra ngày hôm qua.

Làm sao quên được những ngày tháng cùng “đồng đội” lang thang tìm kiếm nhà trọ, liên hệ báo Giác Ngộ, chùa chiền, nhà thờ xin chỗ ở miễn phí cho các em? Làm sao quên được những bữa ăn vội bên lề đường? Làm sao quên được những chuyến xe chở cơm đi giao cho các cụm thi? Làm sao quên được những cuộc nói chuyện với các phụ huynh dẫn con từ tỉnh lẻ lên thành phố dự thi?

“Cô lên đây không có gì nhiều, cô chỉ có ổ bánh mì. Thôi thì cô nửa ổ, con nửa ổ. Chia nhau ăn chung cho vui”. Một câu nói mà tôi nhớ mãi cho đến tận mấy chục năm sau.

Rồi ngày thi cũng đến. Hồi hộp chờ đợi con thi, nhiều phụ huynh chấp nhận đứng chờ con trong suốt thời gian diễn ra môn thi. Những chiếc xe với đủ biển số được đội hình tiếp sức mùa thi sắp xếp ngay ngắn, gọn gàng trên vỉa hè. Các công ty gần đó cũng sẵn sàng “nhường” vỉa hè, gọi là giúp đỡ các em tiếp sức.

Một chiếc xe với biển số đỏ xuất hiện, đậu dưới lòng đường, chắn ngang hết lối lên xuống của các phụ huynh khác cũng như gây mất trật tự, an toàn giao thông. Dựa hơi vào cái mác bảng số đỏ, bất chấp lời nhắc nhở của sinh viên tiếp sức, bất chấp lời nhắc nhở của sinh viên mang sắc phục công an.

Đã là phụ huynh thì ai cũng như ai, dưới sự cương quyết của sinh viên cũng như các phụ huynh khác, cuối cùng chiếc xe biển số đỏ cũng chịu nhích đi chỗ khác. Đó là một trường hợp “mắt thấy tai nghe”. Liệu rằng, còn bao nhiêu những trường hợp khác, cậy mình sử dụng biển số đặc biệt để “muốn làm gì làm”?

Lại một mùa thi nữa đi qua. Thời gian trôi qua nhanh như một cái chớp mắt. Song, dù có khác biệt cỡ nào đi chăng nữa, mỗi lần thấy những tình nguyện viên với màu áo tiếp sức mùa thi lại có một cảm giác nôn nao đến chi lạ.

Tất cả những điều ấy tựa hồ như một quyển số của ký ức, của một thời thanh xuân…

 


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)