Phương Nguyên
(VNTB) – Nhiều doanh nghiệp vẫn mơ hồ, áp lực khi họ còn đang phải chật vật xoay xở để sống sót trên thị trường vậy thì tiền bạc đâu để “chuyển đổi xanh”?
Về lý thuyết, “chuyển đổi xanh” (Green Transformation – GX) là thuật ngữ chỉ những nỗ lực nhằm đạt được một tương lai bền vững và thân thiện với môi trường. Khái niệm này bao gồm một tập hợp các chính sách, chiến lược và thực tiễn với mục tiêu đảm bảo tính bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường. Mục tiêu chính của chuyển đổi xanh bao gồm tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm lượng khí thải carbon, thúc đẩy sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tăng cường sự tham gia của xã hội.
“Chuyển đổi xanh” đòi hỏi các doanh nghiệp phải chuyển đổi cách thức kinh doanh hiện nay nhằm tạo ra tăng trưởng, đồng thời bảo vệ nguồn lực, chuyển đổi hiệu quả ở cấp độ quy trình, vận hành, sản phẩm, mô hình kinh doanh và văn hóa.
“Chuyển đổi xanh là mục tiêu thiên niên kỷ của toàn thế giới, để làm thế nào để giảm thiểu tác động đến môi trường”, GS.TS Nguyễn Văn Phước – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TPHCM, nói. Theo đó, cụ thể các hoạt động “chuyển đổi xanh” gồm: Chuyển dịch năng lượng, chuyển đổi công nghiệp xanh, nông nghiệp bền vững và kinh tế tuần hoàn.
Về chuyển dịch năng lượng, theo GS.TS Nguyễn Văn Phước, Việt Nam cần ba giai đoạn. Đầu tiên là tăng hiệu quả sử dụng năng lượng, thứ hai là sử dụng năng lượng tái tạo, thứ ba là năng lượng sinh học. Hiện nay, tỷ lệ sản lượng điện từ năng lượng tái tạo của Việt Nam qua các năm 2019-2023 có tăng nhưng không ổn định.
Về chuyển đổi công nghiệp xanh, theo quy hoạch, Việt Nam có khoảng 563 khu công nghiệp tại 61 tỉnh thành. Đến nay, 397 khu công nghiệp đã được thành lập, trong đó mới chỉ có khoảng 7 khu công nghiệp sinh thái. Tuy nhiên, 7 khu này hoạt động chưa thực sự hiệu quả, chưa thu hút đầu tư nước ngoài, tăng trưởng chậm…
Trong khi đó, việc chuyển đổi công nghiệp xanh có thể giúp ngành quy hoạch theo hướng đồng bộ, hiện đại, thu hút FDI; tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, giải quyết việc làm, phát triển đô thị; thúc đẩy liên kết ngành và liên kết vùng; mở rộng quan hệ ngoại giao…
Tiến trình phát triển chuyển đổi công nghiệp xanh gồm: Kiểm soát ô nhiễm, sản xuất sạch hơn, hiệu quả sinh thái, tư duy vòng đời, sản xuất khép kín và công nghiệp sinh thái.
Đối với nông nghiệp bền vững, Việt Nam đang có sự cải thiện rõ rệt nhưng vẫn còn nhiều rủi ro, thiếu bền vững do thị trường, tính ổn định về chất lượng sản phẩm, chưa kiểm soát được thuốc bảo vệ thực vật… GS.TS Nguyễn Văn Phước cũng nhận định, kinh tế tuần hoàn đã được nhiều doanh nghiệp triển khai. Các doanh nghiệp đã đưa ra nhiều chiến lược sản xuất, tận dụng từ nguồn năng lượng tự nhiên đến tái sử dụng chất thải.
Ghi nhận tại Hội thảo “Sản xuất bền vững hướng đến tăng trưởng xanh” vừa tổ chức tại TP.HCM, nhiều ý kiến cho rằng họ đang rất mệt mỏi vì “số chưa xong, xanh đã tới”. Doanh nghiệp cho biết đồng ý “chuyển đổi số, xanh là cấp bách nhưng kinh tế khó khăn, áp lực sống sót trên thị trường đè nặng. Muốn chuyển đổi xanh cần lộ trình, giải pháp cũng như chi phí không nhỏ”.
“Thường xuyên tham gia các chương trình về phát triển xanh, tuy nhiên vì hạn chế về thời lượng, hội thảo thường chỉ dừng lại ở bước nâng cao nhận thức, chưa đưa ra được các gói giải pháp cụ thể”, ông Phạm Trọng Quý Châu – trưởng Ban chuyển đổi số và năng lượng khu công nghiệp – khu chế xuất TP.HCM – nói.
Chuỗi tin tức liên quan cho thấy trong khi đó thì lượng khí thải carbon dioxide (CO2) từ các nhà máy nhiệt điện than của Việt Nam tăng cao chưa từng thấy trong tháng đầu tiên của năm 2024 khi các nhà sản xuất điện của Việt Nam điều chỉnh sản lượng để tránh xảy ra mất điện trở lại như năm ngoái, theo Reuters. Số liệu cho biết tổng lượng phát thải trong tháng 1/2024 cao hơn gần 70% so với tải lượng phát thải trong cùng tháng 1/2023, và cao hơn khoảng 30% so với mức trung bình của tháng 1 trong 5 năm qua.
Việt Nam đã tăng nhập khẩu than gần gấp đôi tính đến thời điểm này năm nay so với cùng kỳ năm 2023 để sản xuất điện khi chính phủ cố gắng trấn an các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài rằng nguồn cung cấp điện sẽ không bị gián đoạn vào năm 2024.