Thiên Điểu (VNTB) Trạm thu phí B.O.T Cai Lậy (Tiền Giang) đang trở thành tâm điểm truyền thông trên mọi kênh thông tin Việt Nam. Chuyện bất hợp lý, dấu hiệu lợi ích nhóm và những thủ đoạn moi tiền bẩn thỉu của bộ máy quyền-tiền mang tên tham nhũng, B.O.T.. đã và đang phơi bày sự nhớp nhúa một cách rõ hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, mọi phản biện, mọi suy đoán và mọi đánh giá vẫn chưa nhận ra bản chất thật và nguyên nhân lớn nhất phía sau dự án “ngồi xổm” trên luật được Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo thực hiện này. Câu hỏi lớn trả lời cho vụ vấn đề: Ai sẽ phải chịu trách nhiệm chính và giải pháp xử lý cuối cùng sẽ như thế nào?.. vẫn còn phải chờ thêm thời gian.
Các sai phạm bị phanh phui đang dần chỉ ra mọi vấn đề liên quan phê duyệt dự án B.O.T Cai Lây chỉ là một trong hai kịch bản: Hoặc do Tỉnh Tiền Giang hoặc do Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm chính. Những phát ngôn của các quan chức từ Bộ GTVT và UBND Tỉnh Tiền Giang cho thấy quả bóng trách nhiệm đang được hai bên tìm mọi cách đá qua phía bên kia. Nó không khác mấy vụ Formosa Hà Tĩnh đình đám đến giờ vẫn chưa kết thúc khi UBND Tỉnh Hà Tĩnh và các quan chức trong Chính phủ của ông Nguyễn Tấn Dũng trước đây tìm mọi cách đẩy trách nhiệm cho nhau.
Điều đương nhiên theo nguyên tắc phê duyệt dự án: UBND Tỉnh Tiền Giang không phê duyệt thuận chủ trương thì hồ sơ dự án không thể trình lên Bộ Giao thông vận tải. Ít nhất là phần chủ trương dự án đường tránh không bao gồm đoạn đường nâng cấp Quốc lộ 1 nơi đặt trạm thu phí hiện nay. Liên quan đường quốc lộ thì Bộ GTVT chắc chắn phải có sự phê chuẩn của cấp Chính phủ, điều này đồng nghĩa: Chỉ cần xác định bên nào hạ bút ký phê chuẩn và hô biến gói thầu nâng cấp đoạn quốc lộ 1 này đặt thành hợp phần dự án đường tránh để đặt trạm thu phí sẽ là bên phải chịu trách nhiệm chính. Điều tra, xác minh vấn đề này hoàn toàn không hề khó khăn, bất cứ cấp điều tra, thanh tra nào cũng có thể tìm ra. Sự im lặng của các quan chức chóp bu trong vụ việc B.O.T Cai Lậy mấy ngày qua cũng phản ánh một thái độ có thể nói là khác thường, trái với những vụ việc gây ồn ào dư luận khác. Nhưng chắc chắn kịch bản cuối cùng sẽ không khác là sẽ có một chỉ đạo từ cấp cao nhất để kết thúc.
Điểm lại các thông tin chính thức đã được công bố thì Trạm thu phí B.O.T Cai Lậy đã cùng lúc vi phạm hai luật là Luật quản lý giao thông đường bộ và Luật đấu thầu. Về phía luật quản lý giao thông đường bộ thì không được đặt trạm thu phí trên đường quốc lộ và chi phí đầu tư, nâng cấp đường quốc lộ là trích từ ngân sách – nguồn thu là từ các khoản phí giao thông mà toàn dân đều phải đóng góp. Về phía luật đấu thầu thì việc chỉ định thầu gói thầu nâng cấp đoạn đường quốc lộ để đặt trạm thu phí này đã không qua đấu thấu mà là chỉ định thầu. Như vậy, không khó để suy đoán bước đầu là UBND Tỉnh Tiền Giang phê duyệt dự án đường tránh theo phương thức B.O.T chứ không thể phê duyệt gói thầu nâng cấp đoạn đường quốc lộ 1 vì thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ giao thông vận tải là hợp lý. Về gói thầu nâng cấp đoạn đường trên Quốc lộ 1, tuy Bộ GTVT quyết định nhưng không thể thiếu việc thông qua UBND Tỉnh Tiền Giang vì nó được thực hiện trên địa bàn do Tiền Giang quản lý. Vấn đề còn lại chính là: Cấp nào quyết định chính trong việc đưa hai gói thầu thành một? Cấp nào phê duyệt vị trí đặt trạm B.O.T Cai Lậy ?
Nếu xét rộng hơn sang luật thu chi ngân sách. UBND Tỉnh Tiền Giang chỉ cần xác nhận đề xuất duyệt chi ngân sách cho gói thầu nâng cấp Quốc lộ 1 do Bộ GTVT lập với lý do cần phải nâng cấp, sửa chữa.. Kinh phí thực hiện sẽ được trung ương duyệt từ nguồn thu ngân sách đầu tư cơ bản của chính Tiền Giang, chỉ trường hợp thiếu mới bù từ trung ương về, khoản bù này chính là “bội chi” và Tiền Giang sẽ thu bù và quyết toán trong ngân sách các năm sau. Quốc lộ 1 là tuyến giao thông trọng yếu, không khó khăn lắm khi đề xuất duyệt chi như các tuyến khác ít quan trọng hơn. Từ đó suy ra UBND Tỉnh Tiền Giang không nhiều lý do để nhúng quá sâu vào gói thầu nâng cấp Quốc lộ 1. Phần gói thầu đường tránh, nếu không sử dụng ngân sách được vì lý do nào đó thì có thể làm B.O.T.
Về phía Bộ GTVT, việc phê duyệt gói thầu nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn trước đầu dự án đường tránh nhưng lại chỉ định thầu cho chính nhà thầu dự án B.O.T đường tránh Cai Lậy đã chỉ ra ngay cơ sở chắc chắn có vấn đề móc nối. Gói thầu không được lập riêng và phê duyệt trên cơ sở nguồn kinh phí từ ngân sách mà đưa vào thành hợp phần dự án B.O.T cho thấy Bộ GTVT đã có chủ ý rõ ràng cho hướng thu phí từ trạm B.O.T – tâm điểm vụ việc hiện tại.
Đến đây, hoàn toàn có thể khẳng định một trong hai tình huống: Hoặc là UBND Tỉnh Tiền Giang cùng nhà thầu thông đồng với Bộ GTVT để cả hai gói thầu (nâng cấp QL 1 và đường tránh Thị xã Cai Lậy) được mặc nhiên vào tay nhà thầu là Công ty đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang (Liên doanh Công ty Cổ phần phát triển đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu và Công ty Cổ phần đầu tư thương mại và xây dựng giao thông 1).
Điểm qua thông tin từ VOV: “Năm 2009, Bộ Giao thông Vận tải lập dự án đầu tư tuyến tránh Quốc lộ 1 qua thị trấn Cai Lậy (nay là thị xã Cai Lậy, Tiền Giang) và được Chính phủ đồng ý.
Đến tháng 9/2013, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể (hiện là Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng) ký quyết định công bố dự án tuyến tránh Quốc lộ 1 qua thị trấn Cai Lậy theo hình thức BOT dài 12 km, tổng kinh phí 1.700 tỷ đồng.
Ba tháng sau, theo tờ trình của Tổng cục Đường Bộ, ông Thể ký tiếp quyết định phê duyệt dự án tuyến tránh và thay đổi tên “Dự án đầu tư xây dựng tuyến tránh Quốc lộ 1 đoạn qua thị trấn Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang” thành “Dự án đầu tư xây dựng công trình Quốc lộ 1 qua đoạn tránh thị trấn Cai Lậy và tăng cường mặt đường theo hình thức hợp đồng BOT”.
Sau khi làm việc với tỉnh Tiền Giang, Bộ đã báo cáo và được Chính phủ cho chỉ định thầu. Liên doanh nhà đầu tư dự án là Công ty Cổ phần phát triển đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu và Công ty Cổ phần đầu tư thương mại và xây dựng giao thông 1.
Trong đó, phần tuyến tránh được đầu tư mới dài 12 km, xây mới 7 cầu, tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Phần bảo trì, tăng cường Quốc lộ 1 đoạn qua Cai Lậy dài 26,5 km với vốn đầu tư trên 300 tỷ đồng, trong đó nâng cấp 14 cầu.
Năm 2014, dự án được khởi công, theo thiết kế trạm thu phí đặt trên quốc lộ, cách vị trí hiện nay 600 m về hướng Vĩnh Long. Tuy nhiên năm 2015, khi dự án sắp hoàn thành, Công ty TNHH Đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang (liên doanh đầu tư, quản lý và khai thác dự án) xin điều chỉnh vị trí trạm, với lý giải do chỗ cũ dân đông, đất thổ cư nhiều và chưa thống nhất khiếu nại đền bù. Sở Giao thông Vận tải Tiền Giang và UBND huyện Cai Lậy đã đồng ý…”.
Như vậy, về pháp lý: Dự án B.O.T Cai Lậy có thể “ngồi xổm” trên luật được là do quyết định phê duyệt dự án, đề xuất chỉ định thầu (do Thứ trưởng BGTVT Nguyễn Văn Thể ký) “đã được Chính phủ đồng ý”. Còn vị trí đặt trạm nằm sai với vị trí trong dự án là do “UBND huyện Cai Lậy đã đồng ý…”.
Theo tin từ báo Một Thế Giới thì “Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang – Phạm Anh Tuấn, nói rằng quan điểm thông suốt của các lãnh đạo tỉnh này là không ai nói đã từng đề nghị Bộ GTVT làm đường tránh Cai Lậy bằng vốn ngân sách.
“Tôi khẳng định việc đề nghị làm đường tránh Cai Lậy bằng vốn Nhà nước không phải là quan điểm của UBND tỉnh. Việc này nếu nói không khéo sẽ gây ra chuyện không hay”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Giải thích rõ thêm, theo ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Tiền Giang, địa phương này không chỉ có duy nhất 1 dự án đầu tư theo hình thức Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao (BOT) mà có đến 2 dự án. Đó là đường tránh Cai Lậy kết hợp tăng cường mặt đường quốc lộ 1 và cầu Mỹ Lợi trên quốc lộ 50, nối Tiền Giang với Long An.
Thực ra ban đầu đây là 2 dự án xin vốn đầu tư từ ngân sách! Nhưng theo ông Bon, đầu năm 2011, Chính phủ có Nghị quyết 11 về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội nên địa phương đã cắt giảm đầu tư công 2 dự án trên.
Do ngã tư Cai Lậy cũng thường xuyên bị ùn tắc giao thông vào dịp lễ Tết, nên tỉnh Tiền Giang đã đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu tìm vốn để thực hiện 2 dự án này để giao thông về các tỉnh miền Tây được thông suốt.
“Đã cắt giảm đầu tư công thì Tiền Giang không đề nghị Trung ương làm 2 dự án trên bằng ngân sách Nhà nước vì vốn rất lớn. Bộ GTVT sau đó xin chủ chương của Chính phủ và thực hiện 2 dự án trên bằng hình thức BOT. Cầu Mỹ Lợi đã hoàn thành năm 2015, đang thu phí”.
Qua bản tin từ hai báo nói trên. Nếu chính xác hoàn toàn thì đã đủ để kết luận rất rõ là cả UBND Tỉnh Tiền Giang và Bộ GTVT đều đồng thuận cho việc phê chuẩn dự án thu phí B.O.T trên quốc lộ 1! Lý do xuất phát từ việc Chính phủ không duyệt ngân sách cho đường tránh thị xã Cai Lậy.
Dùng tiền lẻ qua trạm – Bài học lớn cho hoạt động xã hội dân sự
Kết luận và quyết định cuối cùng đối với trạm thu phí Cai Lậy ra sao sẽ có nhiều kịch bản. Nhưng xu hướng thông tin vụ việc cho thấy diễn biết rất giống với chiến thuật trong vụ án PVC mà khởi đầu là chiếc xe biển xanh của Trịnh Xuân Thanh. Trạm B.O.T Cai Lậy đang mở ra con đường pháp lý để tấn công vào Bộ GTVT và không loại trừ cả một số lãnh đạo tiền nhiệm ở Tiền Giang. Có vẻ như, nếu đây là một phần trong chiến dịch của Tổng bí thư Trọng thì rất có thể vụ B.O.T Cai Lậy cùng với vụ Trịnh Xuân Thanh đã đủ cơ sở cho một án quyết ngoạn mục chưa có tiền lệ là một vài nhân vật tầm cỡ ở cấp Chính phủ, thậm chí là ủy viên BCT sẽ chính thức qui án.
Hành động sử dụng tiền lẻ để phản đối trạm thu phí Cai Lậy là một minh chứng hoàn hảo cho hình thức đấu tranh, hoạt động xã hội dân sự hiệu quả bằng cách vận dụng luật để chống lại bất công, sai phạm từ chính trong bộ máy của chế độ. Có thể phía sau đó sẽ vẫn có những thủ đoạn bẩn nhằm trấn áp người dân từ phe nhóm lợi ích liên quan còn sót lại hoặc từ thế lực ngầm. Nhưng chắc chắn trên bề mặt pháp lý, chính quyền sẽ phải ứng xử “nhẹ nhàng” hơn rất nhiều so với vụ Formosa.
Nguồn tham khảo: