Phương Nguyên
(VNTB) – Hôm 10-4-2024, theo kế hoạch thì Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Phó Thủ tướng Lê Minh Khái lại họp bàn về vấn đề quản lý thị trường vàng.
Chốt phiên giao dịch chiều 9-4, giá vàng SJC được Tập đoàn DOJI niêm yết ở ngưỡng 82,5 – 84,7 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Chênh lệch giá mua – bán vàng SJC tại DOJI niêm yết ở ngưỡng 2,2 triệu đồng/lượng. So với chốt phiên giao trước giá vàng SJC được DOJI điều chỉnh tăng 3 triệu đồng/lượng chiều mua vào, và tăng 2,6 triệu đồng/lượng chiều bán ra.
Ghi nhận trên thị trường cho thấy mức chênh lệch mua vào – bán ra vàng SJC đang bị một số đơn vị kinh doanh trong nước đẩy lên tới 2,2 triệu đồng/lượng. Điều này khiến nhà đầu tư đối diện nguy cơ thua lỗ khi mua vàng.
Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 74,3 – 75,7 triệu đồng/lượng chiều mua vào – bán ra. So với chốt phiên giao dịch hôm qua, giá vàng nhẫn được Vàng bạc đá quý Sài Gòn điều chỉnh tăng 1,4 triệu đồng/lượng cả hai chiều mua vào và bán ra. Giá vàng trong nước tăng được nhận định một phần do chịu tác động từ giá vàng thế giới. Chỉ trong vòng một tháng qua, giá vàng thế giới đã tăng đến hơn 168 USD/ounce. Tính đến 17g30 ngày 9-4, giá vàng thế giới niêm yết trên Kitco ở ngưỡng 2.356,9 USD/ounce.
Hiện giá vàng thế giới quy đổi theo tỷ giá niêm yết khoảng 71,4 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng nhẫn trơn tới 5,6 triệu đồng/lượng và thấp hơn vàng miếng SJC khoảng 13,3 triệu đồng/lượng. Biến động tăng nhanh hơn thế giới lại khiến khoảng cách chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế giãn rộng.
Một cuộc họp tầm Chính phủ về quản lý thị trường vàng sẽ diễn ra trong ngày 10-4-2024 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó thủ tướng Lê Minh Khái.
Danh sách khách mời rất rộng: Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang Bộ Công an, Bộ Công thương, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước; lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam; lãnh đạo Hiệp hội Kinh doanh vàng, cùng các cơ quan ban ngành.
Trước đó, từ cuối năm ngoái, ngày 27-12-2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện 1426/CĐ-TTg về các giải pháp quản lý thị trường vàng trong đó, yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, “tổng kết thực hiện Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng để kịp thời đề xuất cấp thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định, bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công cụ quản lý nhà nước đối với thị trường vàng, phát triển thị trường minh bạch, lành mạnh, hiệu quả và bền vững, hoàn thành trong tháng 01 năm 2024”.
Thế nhưng từ đó đến nay không rõ vì sao mà mọi chuyện vẫn dậm chân tại chỗ, và thị trường vàng ở Việt Nam tiếp tục tăng vọt ở giá cao.
“Tháng trước tôi đã mua vào, đến thời điểm xuất hiện tin đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng tôi định bán nhưng vẫn giữ. Đến nay giá vàng lên rất cao, tôi vẫn tiếp tục mua. Nếu vàng có dấu hiệu quay đầu tôi sẽ bán ra” – một khách hàng nhận định.
Đáng nói, giá vàng liên tục tăng cao khiến nhiều người bất ngờ. “Sắp tới, tôi có việc cần dùng đến vàng nên tham khảo giá từ hôm qua. Hôm nay đi mua đã là giá khác. Không ngờ giá vàng lại cao như vậy” – một khách hàng khác ý kiến.
Xem ra bất chấp kêu gọi của Chính phủ cũng như cảnh báo của giới phân tích cho rằng giá vàng có thể điều chỉnh do đang ở vùng quá mua và tăng quá nóng trong thời gian ngắn, kim loại quý vẫn tăng dựng đứng qua từng phiên, và Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục giữ thế độc quyền thị trường này.