Nguyễn Nam
(VNTB) – Quyết định trả tự do cho các tiếp viên đầy mạo hiểm càng củng cố thêm về hoài nghi có chống lưng phía sau cho họ.
Tấm gương Nguyễn Xuân Phúc
Trong bài phát biểu từ nhiệm, ông Nguyễn Xuân Phúc có ý nói rằng vợ con của ông không hề lợi dụng lúc ông còn tại chức để trục lợi…
Ông Nguyễn Xuân Phúc được Quốc hội làm thủ tục miễn nhiệm chức Chủ tịch nước hôm 18/1 để ‘chịu trách nhiệm chính trị’ trước ‘Đảng và nhân dân’. Tại buổi lễ bàn giao, ông Phúc nói ông đã “nỗ lực lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, quyền hạn”.
“Tuy nhiên trên cương vị Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 – 2021, tôi chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi có một số cán bộ vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả nghiêm trọng”, ông Phúc nói thêm.
Đáng chú ý, vị nguyên Chủ tịch nước nói thêm một ý về vụ Việt Á: “Gia đình tôi, vợ, các con tôi không tư lợi, tham nhũng liên quan đến Việt Á, chưa bao giờ gặp giám đốc Việt Á, điều này đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận rõ ràng”.
Thời gian qua, mạng xã hội Việt Nam dấy lên nhiều ngờ vực về liên đới của bà Trần Thị Nguyệt Thu, vợ ông Nguyễn Xuân Phúc, trong đại án Việt Á. Câu nói trên của ông dường như muốn trả lời những đồn đoán đó.
Đây là lần đầu tiên một trong tứ trụ ở Việt Nam lên tiếng về việc bãi nhiệm chức vụ của mình, điều không được công bố rõ ràng khi cho thôi việc đối với các quan chức cấp cao ở đất nước độc đảng.
Đáng tiếc ở đây là ông Nguyễn Xuân Phúc lên tiếng trong tình huống tạm gọi là ‘ngã ngựa’, nên sức thuyết phục có kém đi so với việc nếu ông đăng đàn khẳng định điều này ngay lúc xảy ra vụ án Việt Á với hàng loạt bê bối nhân sự cấp cao sau đó mà ai cũng nghĩ rằng ‘trùm cuối’ là ‘đệ nhất phu nhân’ Trần Thị Nguyệt Thu.
Bạch hóa là cách xử trí tốt nhất trước đồn đoán
Bài học nói trên, thiết nghĩ nên rút ngay ở câu chuyện thời sự về lùm xùm trong vụ 4 nữ tiếp viên hàng không Vietnam Airlines ‘xách dùm’ hàng hóa có chứa chất cấm. Theo đó, ngay lúc cả bốn tiếp viên này còn được câu lưu, dư luận đã đồn rùm có một cô họ Võ là cháu ruột của tân Chủ tịch nước.
Rồi đến khi cả bốn cô được trả tự do, tiếp tục có một thuyết âm mưu được tung ra đầy hư ảo, đó là tiếp viên trưởng trong vụ việc này có mối quan hệ quyền lực liên quan đến quý bà Lê Thị Bích Trân, phu nhân của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Như vậy khi hai trong số bốn tiếp viên đều được cho là gia đình ‘trâm anh thế phiệt về chính trị’, thì việc tạm giam và khởi tố bốn cô tiếp viên này trong vụ việc bắt quả tang vận chuyển hàng cấm, sẽ khả năng đưa đến nhiều tình tiết về lời khai có thể bất lợi cho con đường chính trị của các quan chức liên quan.
Thật vậy, trong giải thích lúc trả tự do, theo thông cáo báo chí của Phòng Tham mưu Công an TP.HCM, thì: “Căn cứ kết quả điều tra, ngày 21/3/2023, các cơ quan chức năng đã họp, đánh giá toàn diện tài liệu, chứng cứ thu thập được và đối chiếu các quy định của pháp luật, bước đầu xác định:khi 04 tiếp viên hàng không nêu trên đang lưu trú tại Pháp thì có 01 đối tượng người Việt Nam nhờ chuyển hàng tiêu dùng là 327 tuýp kem đánh răng và 17 chai nước súc miệng về Việt Nam qua sân bay Tân Sơn Nhất, để gửi cho người nhà.
Các tiếp viên này không biết bên trong 327 tuýp kem đánh răng nhận vận chuyển, có 157 tuýp bị đối tượng trà trộn, cất giấu ma tuý; do vậy, chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự.
Trong ngày 22/3/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã ra quyết định trả tự do cho 04 tiếp viên hàng không nêu trên”.
Các thắc mắc mà báo chí nhà nước và cả cộng đồng mạng cũng chưa thấy đề cập, đó là chi tiết cả bốn cô tiếp viên của Vietnam Airlines đều chung lời khai được báo chí tường thuật như sau: Họ khóc và khai rằng, tại Pháp, có một người (chưa xác định danh tính) nhờ “xách tay một số hàng hóa về nước”, và trả công hơn 10 triệu đồng. Do quá mệt mỏi vì vừa trải qua chuyến bay dài, các tiếp viên chỉ xem qua loa vài tuýp kem và không thấy có gì bất thường.
Tại sân bay ở Pháp, hành lý của những tiếp viên này không bị phát hiện bất thường, đến khi về tới sân bay Tân Sơn Nhất mới bị lực lượng chức năng sân bay phát hiện.
Câu hỏi thứ nhất cần làm rõ: trên thực tế có xảy ra việc các tiếp viên không biết người nhờ vận chuyển là ai, mà vẫn nhận?
Câu hỏi thứ hai: tiếp viên nào đứng ra nhận vận chuyển số hàng này từ một người được cho là chưa xác định danh tính tại Pháp?
Câu hỏi thứ ba: số tiền công được khai là hơn 10 triệu đồng này, là số tiền có thật hay không, và số bạc đó được trả như thế nào, và ai là người nhận số tiền này để rồi chia lại phần cho các đồng sự?
Câu hỏi thứ tư: phía hải quan của Pháp trả lời như thế nào về việc đã không phát hiện ra bất thường của lô hàng có chứa chất cấm lên đến trên 11 ký lô này?
Liên quan những thắc mắc trên, phía nhà chức trách hiện trả lời khá cẩn trọng, rằng, “Cơ quan điều tra cũng đã triệu tập, làm việc với người môi giới đưa số hàng từ Pháp về TP.HCM. Người này ở Việt Nam và nhận mối từ bên Pháp trước khi liên hệ với một nữ tiếp viên để vận chuyển”….
Thay lời kết
Một khi chưa rõ tối thiểu bốn điều ở trên, thì việc ‘thả gà ra đuổi’ trong trường hợp chất cấm là ma túy, quả là một quyết định đầy mạo hiểm. Chính điều này càng củng cố thêm về hoài nghi có chống lưng phía sau cho các tiếp viên.
Do vậy minh bạch nhất ở đây, và cũng là vấn đề giải trình trước bàn dân thiên hạ, thiết nghĩ Văn phòng Chủ tịch nước cùng Văn phòng của Thủ tướng chính phủ nhanh chóng phát hành thông cáo báo chí về thực hư của đồn đoán, tránh lặp lại sự trễ nải như cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.
Sẽ là hạ sách nếu như nhà chức trách đưa điều luật hình sự 331 vào để giải quyết các đồn đoán trong dư luận, bởi khi ấy người ta vì sợ tù tội nên không dám công khai thắc mắc. Và chuyện ‘cháy ngầm âm ỉ’ sẽ càng khiến người ta thêm mất lòng tin vào các tuyên bố trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam.
1 comment
– Qui định của ngành Hàng không là người của ngành và khuyến dụ hành khách KHÔNG ĐƯỢC XÁCH ĐỒ CHO NGƯỜI KHÁC .
– Pháp luật cũng không có điều khoản suy luận VÔ TỘI trong việc xách dùm hàng hóa !
– Hải quan đã công bố đây ấy là chuyên án đã theo dõi trước chớ không phải vô tình!