Loan Thảo
(VNTB) – Chư tôn đức lãnh đạo tổ chức Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, đã từng nhiều lần có ước nguyện tổ chức một hội thảo về giáo hội, nhưng do các yếu tố ‘nhạy cảm’ nên chưa thực hiện được.
Ngày 7-11-1981, tại chùa Quán Sứ, Hà Nội đã diễn ra sự kiện thống nhất các hệ phái, tổ chức Phật giáo trên phạm vi cả nước để thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Trong số 9 tổ chức, hệ phái tham gia Hội nghị thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm 1981, có Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam.
Khá bất ngờ, vào ngày 16-6, nhằm ngày 25 tháng Tư nhuận năm Canh Tý, hệ phái Phật giáo Cổ truyền Việt Nam đã tổ chức hội thảo khoa học “Lịch sử hình thành Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam và sự đóng góp cho đạo pháp và dân tộc” tại chùa Hội Khánh, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
Theo phát biểu đề dẫn, thì hội thảo được tổ chức nhằm tri ân công đức của các bậc tiền nhân, làm sáng tỏ các giá trị lịch sử cội nguồn hệ phái; xác định vai trò, vị trí của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam trong một thời kỳ lịch sử.
Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam gắn liền với nhiều ngôi tự viện nổi tiếng ở Nam bộ như: chùa Giác Hải, chùa Trường Thạnh, chùa Giác Lâm, chùa Long Thiền, chùa Giác Viên, chùa Long Thạnh, chùa Bửu Nghiêm, chùa Sắc tứ Long Huê, chùa Sùng Phước, chùa Phước Tường, chùa Hội Sơn, chùa Long Khánh…
Tham luận tại buổi hội thảo cho biết, vào năm 1922, hòa thượng Thích Từ Văn đảm nhiệm Chánh chủ kỳ Trường hương chùa Giác Lâm, đã cùng quý hòa thượng Thích Quảng Chơn, chùa Long Thạnh, Phó chủ kỳ; hòa thượng Thích Từ Phong chùa Giác Hải, Chứng minh; hòa thượng Thích Hoằng Nghĩa, chùa Giác Viên, Truyền giới sư, đã cùng chư tăng trong trường hương thành lập Hội Lục hòa Liên xã.
Với dấu mốc này, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam ra đời vào năm 1969 (Kỷ Dậu) là sự tiếp nối của Hội Lục hòa Liên xã, Hội Phật giáo Cứu quốc Nam Bộ (ra đời năm 1947) và Giáo hội Phật giáo Lục hòa Tăng (ra đời vào năm 1952) thông qua sự hiệp nhất Giáo hội Lục hòa Tăng và Lục hòa Phật tử.
Hòa thượng Thích Huệ Thông, chùa Hội Khánh, phó ban tổ chức hội thảo cho biết “Chư tôn đức lãnh đạo hệ phái trước đây đã từng nhiều lần có ước nguyện tổ chức hội thảo nhưng do các yếu tố khách quan nên không thực hiện được”.
Ban tổ chức hội thảo còn có: hòa thượng Thích Nhựt Ấn, đồng Trưởng ban Tổ chức, đệ tử của cố hòa thượng Thích Bửu Ý, nguyên Tổng Thư ký Giáo hội Phật giáo Lục hòa Tăng, Viện trưởng cuối cùng của Viện Hoằng đạo thuộc Phật giáo Cổ truyền; hòa thượng Thích Thiện Xuân, nguyên Chánh Văn phòng Viện Hoằng đạo, đồng phó ban Tổ chức; hòa thượng Thích Trí Thạnh, Thành viên Hội đồng chứng minh, nguyên Đặc ủy Tăng sự Phật giáo Cổ truyền, vị giáo phẩm của Phật giáo Cổ truyền khu vực miền Trung còn hiện tiền.
Trong một trao đổi bên lề cuộc hội thảo, một chức sắc tôn giáo hiện sống ở Thủ Dầu Một, có nhìn nhận rằng sự kiện ngày 7-11-1981 chỉ mang tính của thủ tục hành chính về tên gọi, trên thực tế nhiều hệ phái vẫn không đồng tình chuyện ‘gộp chung’ vào duy nhất một tổ chức.
Với khởi đầu của sự trở lại trên truyền thông về tên gọi Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, liệu sắp tới đây sẽ dấn thêm bước nữa, là với bề dày lịch sử được ghi nhận, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam sẽ rời tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam, để trở lại với nguyên thủy ban đầu vào năm Kỷ Dậu 1969; bởi nếu căn cứ vào Luật tín ngưỡng, tôn giáo hiện hành, thì việc ‘rời tổ chức’ đó là không vi phạm, và tư cách pháp nhân của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam sẽ được luật pháp Việt Nam công nhận.