Việt Nam Thời Báo

VNTB – Tính Pháp lý trong việc ông Phạm Minh Hoàng bị “tước quốc tịch” Việt Nam?

Trúc Giang (VNTB) Cuối giờ chiều ngày 2/6/2017, cựu giáo sư trường Đại học Bách khoa TP.HCM, ông Phạm Minh Hoàng, hội viên Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, cho biết: “Ngày 1/6/2017 vừa qua, Tổng Lãnh Sự Pháp tại Sài Gòn đã mời tôi lên để thông báo một tin “rất xấu”: nhà nước Việt Nam ngày 17/5 đã ký quyết định hủy bỏ quốc tịch Việt Nam của tôi, và điều này đưa đến việc trục xuất tôi về Pháp (tôi có song tịch Pháp Việt)”.
Như vậy, nói theo Luật Quốc tịch, ông Phạm Minh Hoàng đã bị “tước quốc tịch”. Tuy nhiên lý do để “tước quốc tịch” thì ngay cả ông Phạm Minh Hoàng cũng không biết tại sao.
Ông Phạm Minh Hoàng là ai?
Ông Phạm Minh Hoàng tự sự: “Tháng 11/1973, tôi cất bước sang Paris du học. Khi máy bay đang lượn trên bầu trời Sàigòn, tôi nhìn qua cửa sổ và tự nhủ sẽ trở về để xây dựng quê hương đang điêu tàn vì chiến tranh. Hai năm sau, mọi suy tính của tôi sụp đổ và tôi bắt buộc phải bước vào một cuộc đời mới, nơi một phương trời mới với những suy nghĩ mới, tuy nhiên trong lòng tôi vẫn canh cánh hướng về quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn của mình.
Sau một thời gian sinh sống và làm việc, tư tưởng trở về Việt Nam lại nhen nhúm trở lại và tôi đã cắp sách đến trường để trang bị cho mình những kiến thức ích lợi cho công việc ở Việt Nam. Trở về nước năm 2000, tôi trầy trật mới tìm được một công việc thích hợp trong Đại học Bách Khoa SG với đồng lương ít ỏi. Trong suốt 10 năm giảng dạy, tôi vẫn tự nhủ mình không phải là một người thầy giỏi, tôi chỉ được mỗi cái chăm chỉ và tận tâm.
Tôi tự hài lòng với bản thân vì đã đem hết sinh lực và tâm trí của mình để truyền đạt kiến thức đến cho giới trẻ. Khi tôi bị bắt vào năm 2010 vì đã lên tiếng về tình hình đất nước, tôi đang dạy cùng lúc 5 môn toán khác nhau và đó là lúc khả năng và óc sáng tạo của tôi đang ở mức sung mãn vượt bực.
Nhờ sự can thiệp của chính phủ Pháp và sự lên tiếng của các tổ chức nhân quyền cũng như sự đấu tranh của nhiều người trong, ngoài nước, án của tôi tương đối nhẹ, chỉ 17 tháng tù giam và 3 năm quản chế…”.
Phạm Minh Hoàng tốt nghiệp học vị thạc sĩ ngành Cơ học ứng dụng tại Pháp. Ông viết blog dưới bút hiệu Phan Kiến Quốc kêu gọi chính quyền thực thi dân chủ và phản đối việc giao cho nhà thầu Trung Quốc khai thác mỏ Bauxite ở Tây Nguyên. Ông bị Cơ quan An Ninh TP.HCM bắt giam để điều tra ngày 13/8/2010. Ngày 10/8/2011, Tòa án Nhân dân TP.HCM đã đưa ông ra xét xử sơ thẩm về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo khoản 2 Điều 79 Bộ luật Hình sự, và đã tuyên phạt ông 3 năm tù giam. Nhiều tổ chức quốc tế đã phản đối vụ xét xử này và kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do cho ông, như Ủy ban bảo vệ các nhà báo, tổ chức Front Line Defenders, tổ chức Phóng viên không biên giới, cùng các chính phủ Hoa Kỳ, Pháp, Liên minh châu Âu.
Ông đã kháng án. Ngày 29/11/2011 Tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao tại TP.HCM đã tuyên bố chấp nhận kháng cáo của ông, giảm án cho ông từ 3 năm tù xuống còn 17 tháng tù về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
Ngày 13/1’2012, ông đã được trả tự do, sau 17 tháng ở tù. Ngoài việc buộc phải chịu thời gian 3 năm quản chế, ông Phạm Minh Hoàng không bị tước quốc tịch Việt Nam.
Vì sao lại tước quốc tịch Việt Nam của một trí thức Việt?
Không dễ trả lời vì nếu căn cứ theo Luật Quốc tịch, cũng như trình tự liên quan về việc ‘tước quốc tịch’, thì hiện tại ông Phạm Minh Hoàng không có bất kỳ vi phạm pháp luật nào của Nhà nước CHXHCN Việt Nam.
Câu hỏi đặt ra: Khi nào một công dân Việt Nam bị tước quốc tịch Việt Nam? Nói theo ngôn ngữ pháp lý thì căn cứ để tước quốc tịch Việt Nam được quy định tại Điều 31 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014), theo đó: “1. Công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài có thể bị tước quốc tịch Việt Nam, nếu có hành vi gây phương hại nghiêm trọng đến nền độc lập dân tộc, đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hoặc đến uy tín của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 2. Người đã nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 19 của Luật này dù cư trú ở trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam cũng có thể bị tước quốc tịch Việt Nam, nếu có hành vi quy định tại khoản 1 Điều này”.
Về mặt thủ tục hành chính, thì hồ sơ kiến nghị tước quốc tịch Việt Nam (căn cứ Nghị định số 78/2009/NĐ-CP và Nghị định số 97/2014/NĐ-CP), như sau: “1. Trong trường hợp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài kiến nghị tước quốc tịch Việt Nam đối với người có hành vi quy định tại khoản 1 Điều 31 Luật Quốc tịch Việt Nam thì hồ sơ gồm có: a) Văn bản kiến nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về việc tước quốc tịch Việt Nam; b) Các tài liệu xác minh, kết luận của các cơ quan có thẩm quyền về hành vi vi phạm của người bị đề nghị tước quốc tịch Việt Nam; c) Đơn, thư tố cáo người bị đề nghị tước quốc tịch Việt Nam (nếu có).
2. Trong trường hợp Tòa án đã xét xử bị cáo có hành vi quy định khoản 1 Điều 31 Luật Quốc tịch Việt Nam kiến nghị tước quốc tịch Việt Nam đối với người đó thì hồ sơ gồm có: a) Văn bản kiến nghị của Tòa án về việc tước quốc tịch Việt Nam. b) Bản án đã có hiệu lực pháp luật và các tài liệu có liên quan”.
Trình tự, thủ tục tước quốc tịch Việt Nam, như sau: Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày phát hiện hoặc nhận được đơn, thư tố cáo về hành vi quy định tại khoản 1 Điều 31 của Luật quốc tịch Việt Nam, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm xác minh, nếu có đầy đủ căn cứ thì lập hồ sơ kiến nghị Chủ tịch nước tước quốc tịch Việt Nam của người có hành vi đó. Tòa án đã xét xử đối với bị cáo có hành vi quy định tại khoản 1 Điều 31 của Luật quốc tịch Việt Nam lập hồ sơ kiến nghị Chủ tịch nước tước quốc tịch Việt Nam của người có hành vi đó.
Hồ sơ kiến nghị tước quốc tịch Việt Nam được gửi đến Bộ Tư pháp. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ kiến nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hoặc của Tòa án, Bộ Tư pháp có trách nhiệm chủ trì phối hợp với Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành khác có liên quan thẩm tra hồ sơ kiến nghị tước quốc tịch Việt Nam và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước xem xét, quyết định.
Kịch bản dàn dựng từ Bộ Công an?
Như vậy, trong trường hợp của cựu giáo sư Phạm Minh Hoàng, cái cớ duy nhất để đưa đến bút phê của ông Trần Đại Quang, là phía công an dựng lên một bộ hồ sơ tố giác nào đó đối với ông Phạm Minh Hoàng. Điều này cũng tương tự như công an tỉnh Nghệ An đang dàn dựng kịch bản vu khống linh mục Nguyễn Đình Thục và linh mục Trần Đức Nam.
Cũng không gì bất ngờ trong những kịch bản vừa kể, vì ông chủ tịch nước từng là Bộ trưởng Công an. Ngay cả Đối thoại Shangri-La khai mạc tối 2/6/2017 tại Singapore, trong lúc các nước Mỹ, Australia, Canada, Pháp, Nhật Bản, Indonesia, Malaysia, Philippines và New Zealand đều cử Bộ trưởng Quốc phòng tham gia, thì Việt Nam lại có ông trưởng đoàn là Thượng tướng Bùi Văn Nam, thứ trưởng Bộ Công an.
Mượn một câu nói của một người đấu tranh đã bị trục xuất, ông Phạm Minh Hoàng chua xót nói rằng: “Người ta có thể đưa tôi ra khỏi Việt Nam, nhưng không ai có thể đưa Việt Nam ra khỏi tôi”.

Tin bài liên quan:

Dự án công ty chồng phó bí thư tỉnh ủy Đồng Nai ‘bán’ hai lần

Phan Thanh Hung

VNTB – Truyện cười thứ Bảy: bức tường biên giới

Phan Thanh Hung

VNTB- Việt Nam ‘đầu hàng’ Trung Quốc: Cá Rồng Đỏ và hơn thế nữa

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo