Việt Nam Thời Báo

VNTB – Tô lâm là ai? ( Bài cuối)

Quang Nguyên

 

(VNTB) – Tô Lâm nguy hiểm hơn so với các người tiền nhiệm ngay từ ngày làm thứ trưởng và xuyên suốt cho đến khi thôi chức Bộ trưởng Bộ Công An

 

Bài cuối: Một số hành động nguy hiểm của Bộ Trưởng Tô Lâm.

 

Nguyên Bộ Trưởng Công An Việt Nam Tô Lâm đã có những hành động nguy hiểm hơn so với các người tiền nhiệm ngay từ ngày làm thứ trưởng bộ Công An và xuyên suốt cho đến khi rời nhiệm sở. Chấm dứt loạt bài về Tô Lâm, chúng tôi thấy cần phải bổ sung chi tiết cho một số vụ việc quan trọng đã được viết đến qua 11 bài đăng trên Việt Nam Thời Báo. Những vụ việc vi phạm pháp luật Việt Nam và quốc tế, vi phạm nhân quyền của công an Việt Nam do Tô Lâm chỉ đạo đang khiến thế giới cân nhắc đưa ra các hình phạt đối với ông ta.

 

Công An Việt Nam tấn công hàng ngàn người Mông, bắt, giết nhiều người trong vụ bản Huổi Khon  

Ngày 12 tháng 8 năm 2010, Tướng Tô Lâm được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng bổ nhiệm làm Thứ Trưởng Bộ Công An. Chưa đầy mười tháng sau, Tô Lâm đích thân chỉ đạo một cuộc tấn công đẫm máu vào hàng nghìn người Mông. Đây là hành động công khai rõ rệt nhất về đàn áp người dân ngay bước khởi đầu thăng tiến của Tô Lâm. 

Trung tướng Tô Lâm, Thứ trưởng Bộ Công an thị sát thực địa vụ tụ tập trái phép tại bản Huổi Khon, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé năm 2011.

 

Truyền thông nhà nước ước tính có 7.000 người gồm nhiều phụ nữ, trẻ em và người già, từ nhiều nơi khác nhau thuộc  khu vực miền núi Tây Bắc tụ tập tại bản Huổi Khon, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Những người Mông tập trung để cầu nguyện Vàng Chú một cách hòa bình, xin chính phủ ngừng ép buộc họ từ bỏ đức tin vào Đấng Vàng Chú và chiếm đoạt đất đai của tổ tiên. Ngày 17 tháng 6 năm 2022, cổng thông tin chính thức của Bộ Công an đăng bài có tiêu đề “‘Chiến đấu’ tại điểm nóng Mường Nhé” ca ngợi vai trò của Tướng Tô Lâm trong việc chỉ đạo cuộc tấn công tàn bạo do lực lượng cảnh sát cơ động, lúc đó được gọi là “lực lượng cảnh sát vũ trang” chỉ huy(1). 

“Vào lúc 5 giờ sáng ngày 6 tháng 5 năm 2011, các lực lượng tập trung để nhận lệnh tiến vào bản Huoi Khon trong lòng núi cách đường xe chạy khoảng 10km, lối vào bản bằng đất. Đi được nửa đường, chúng tôi gặp doanh trại dã chiến của Cảnh sát cơ động. Vài phút sau, Trung tướng Tô Lâm, Thứ trưởng Bộ Công an, xuất hiện. Rất ngắn gọn, ông nhấn mạnh một lần nữa tầm quan trọng và cần phải thành công trong nhiệm vụ hôm nay và ra lệnh thực hiện kế hoạch [tấn công]” 

“’Chiến đấu’ tại điểm nóng Mường Nhé 

Theo lệnh Tướng Tô Lâm một trực thăng đã cho phun chất gây đỏ và ngứa da xuống dưới hàng ngàn người dân hầu hết già cả, phụ nữ và trẻ em. Sau đó quân đội và công an, do cảnh sát cơ động chỉ huy, đã đàn áp đẫm máu những người biểu tình. Lối vào “chiến địa” hoàn toàn bị phong tỏa. Vài hình ảnh trên báo của phóng viên Truyền hình CAND và Phòng Công tác chính trị Công an tỉnh Điện Biên  chỉ cho thấy cuộc gọi là tấn công đã diễn ra rất ‘hòa bình’.Phim tư liệu của 2 phóng viên chiến trường “Giải quyết điểm nóng tại Điện Biên” để trình chiếu báo cáo trong phiên họp Bộ Chính trị. Toàn bộ 6 băng DVCam gốc tư liệu đã được bảo quản theo chế độ “Mật”.

Các nhân chứng trong cuộc bị đàn áp chạy trốn sang Thái Lan trong những tháng tiếp theo, đã cho biết có nhiều gồm phụ nữ, người già và trẻ em bị thương, ít nhất 14 người bị công an giết. Một số hãng thông tấn quốc tế đưa tin có tới 63 người thiệt mạng. 130 người Mông tham gia cuộc cầu nguyện và xin lấy lại đất đã bị bắt.  Một số người trốn thoát bị truy đuổi và một người đã bị bắn chết trong khi lẩn trốn. Hàng trăm người Mông đã thoát chạy, vượt qua Lào vào Thái Lan xin tị nạn.

Theo trang americamagazine.org, hàng chục người theo đạo Thiên Chúa và đạo Vàng chú của cộng đồng người Mông ở Việt Nam gần biên giới Lào đã bị cảnh sát và quân đội Việt Nam giết chết. Hàng trăm người mất tích, theo các nguồn tin bên trong Việt Nam; nhiều người đã trốn vào bụi rậm để tránh trực thăng tấn công. Chính phủ Việt Nam đã tăng cường đàn áp người Thượng và người Mông theo đạo Thiên Chúa dẫn đến bùng phát bạo lực vào tuần đầu tiên của tháng 5 sau một cuộc biểu tình hiếm hoi với quy mô lớn đòi quyền sở hữu đất đai và tự do tôn giáo của người Mông.

Trung tâm Phân Tích Chính Sách Công của Washington và Dịch Vụ Tin Tức VietCatholic đưa tin có tới 63 người đã thiệt mạng trong ở tỉnh Điện Biên. Các nguồn tin cho biết có thêm nhiều đơn vị Quân đội đang tập trung ở khu vực này. Việt Nam không công bố bất kỳ thông tin nào về các vụ bắt giữ, thương tích hoặc tử vong của những người Mông tham gia biểu tình, và phóng viên nước ngoài không được phép vào khu vực này, do đó, việc xác nhận độc lập các sự kiện ở đó là rất khó khăn(2).

Sự kiện khởi đầu từ bản Nà Khua (Khoa), Xã Nậm Nhừ, Huyện Mường Nhé, Tỉnh Điện Biên. Cả làng, khoảng 100 hộ, đã theo đạo Tin Lành. Chính quyền tỉnh buộc họ phải từ bỏ đức tin, cáo buộc rằng đạo Tin Lành là một tôn giáo của người Mỹ: “Chúng mày nên đến Mỹ để cày đất của Mỹ và theo tôn giáo của Mỹ.” 

Ngày 28 tháng 1 năm 2011, chính quyền cho quân đội đến để san bằng tất cả nhà cửa và chiếm hết đất nông nghiệp của người dân. Tất cả các ngôi nhà đã hoàn toàn bị phá dỡ vào ngày 15 tháng 3. Dân làng chụp cảnh phá huỷ nhà cửa đã bị bắt. Khi dân làng hỏi họ sẽ đi phải đâu , chính quyền trả lời: “đi đâu cũng được nhưng không phải ở đây.”

Tất cả dân bản Na Khua đã cùng nhau cầu nguyện và cầu xin chính quyền tôn trọng quyền tự do tôn giáo của họ và chấm dứt cưỡng bức họ từ bỏ đức tin cũng như cưỡng chế trục xuất. Ngày 1 tháng 5 năm 2011, hàng ngàn người già, phụ nữ và trẻ em Mông từ khắp nơi đã tập trung tại một địa điểm gần Huoi Khon, Huyện Mường Nhé. Đây là một phong trào tự phát mà không do ai phát động.

Ngày 2 tháng 5, công an địa phương đến Na Khua. Ngày 3 tháng 5, hàng trăm bộ đội và cảnh sát cơ động có vũ trang bao vây những người biểu tình và cấm họ rời đi. 

Ngày 4 tháng 5, một chiếc trực thăng lượn trên những người biểu tình, phát lệnh của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu những người biểu tình giải tán. Ngay sau đó, một chiếc trực thăng thứ hai phun chất lỏng gây ngứa khó chịu, bỏng da, đau mắt  nhiều người biểu tình. Vào ngày 5 tháng 5, cảnh sát cơ động và quân đội bắt đầu xông vào đánh đập người biểu tình.

Ngày hôm sau, lực lượng vũ trang tấn công toàn diện, sử dụng súng, dùi cui và roi điện. Theo các nhân chứng, hàng chục người biểu tình đã bị giết. Nhiều người bị bắt. Những người trốn trong rừng bị săn lùng. Một số người đã đến được Thái Lan sau nhiều tháng đi bộ qua Lào. Công an đã bắn chết một người  tham gia cuộc biểu tình tên Sanh Nơ Vang đến từ  Đắk Lắk khi anh đang chạy trốn ngày 12 tháng 12 năm 2011.

Trước sự lên án của quốc tế về cuộc đàn áp tàn bạo, chính quyền Việt Nam đổ lỗi cuộc biểu tình ở Huyện Mường Nhé là do giáo phái “Vàng Chứ” thực hiện. Ban Tuyên giáo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đăng một bài viết vào ngày 9 tháng 5 năm 2011 lên án giáo phái Vàng Chứ “đã lợi dụng trình độ học vấn thấp và những khó khăn trong cuộc sống của người dân để ‘tô vẽ’ một cuộc sống tốt đẹp, một ảo tưởng không thể thu hút được đồng bào dân tộc.” 

Theo lời của chính quyền, vì cả tin, hàng ngàn người Mông đã đến Huổi Khon để chứng kiến ​​sự hiện ra của Đấng Cứu Thế chỉ để phát hiện ra rằng “[k]hông có ‘Vàng Chứ’ trên trái đất, chỉ có muỗi, đỉa, mưa trong rừng và nguy cơ tử vong vì đói, lạnh và bệnh tật khi tụ tập trong rừng để sống như động vật hoang dã…”.  Thực ra, “Vàng Chứ” là từ tiếng Mông dùng để chỉ Chúa của người theo đạo Thiên Chúa.

Sau đó, BCA VN đã thay đổi câu chuyện, không còn đổ lỗi cho “Vàng Chứ” là Đấng Cứu Thế đã hứa một Vương quốc trên Thiên đường mà là những phần tử xấu đã công bố sự hiện ra của “Vua Mông” để dẫn dắt người Mông đến một “Vương quốc Mông” riêng biệt.

Phóng viên Việt Nam Thời Báo đã cất công vào các vùng rừng rậm sâu trên đất Miến, Lào, Thái và ngay cả biên giới Trung Việt, nơi có những người Mông tỵ nạn sau những vụ đàn áp của công an Việt Nam như nói trên, để truy tìm dấu vết của việc thành lập Vương Quốc Mông như lời buộc tội của chính quyền Việt Nam, nhưng không hề thấy.

 

Bắt cóc người trên nước Đức

Bộ Trưởng Tô Lâm khi đó giữ vai trò chính trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Cộng Hòa Liên Bang Đức, bôi nhọ danh tiếng của Việt Nam trước công luận quốc tế. Việt Nam Thời Báo đã viết về diễn biến xấu hổ của vụ bắt cóc do bộ trưởng Tô Lâm. Sau đây là những diễn biến và thông tin gần đây bổ sung, liên quan đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.

Vào ngày 5 tháng 4 năm 2024, Cơ quan Tội phạm Quốc gia Slovakia (NAKA) được cho là đã buộc tội tám người Việt Nam liên quan đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Trong số đó có các nhân viên mật vụ Việt Nam cũng như Lê Hồng Quang, cựu cố vấn của Thủ tướng Slovakia Robert Fico. Cảnh sát Slovakia không thể tìm được Quang, người được cho là đã nhập quốc tịch Nigeria. 

Quang được cho là đã chủ trì một cuộc họp vào ngày 26 tháng 7 năm 2017 giữa Tướng Tô Lâm và Bộ trưởng Nội vụ Slovakia khi đó là Robert Kaliňák, ông này đã đột ngột bỏ dở kỳ nghỉ ở Áo để đến dự họp. Theo cáo buộc, tại cuộc họp kéo dài khoảng 40 phút, Kaliňák đã đồng ý cho Tướng Tô Lâm mượn một chiếc máy bay của chính phủ Slovakia để bay ra khỏi khu vực EU đến Moscow, Nga.  Theo cáo buộc, Trịnh Xuân Thanh nằm trong số những hành khách trên chuyến bay đó.  Kaliňák có thể biết về vụ bắt cóc và đã thông báo gian dối với Ba Lan rằng ông ta có mặt trên máy bay khi máy bay này đi vào không phận Ba Lan; Kaliňák phủ nhận mọi thông tin rằng Trịnh Xuân Thanh có mặt trong số những hành khách và đề nghị được kiểm tra bằng máy phát hiện nói dối. 

Theo cuộc điều tra chung của tờ báo Slovakia Dennik N và tờ báo Đức Frankfurter Allgemeine Zeitung, Tướng Đường Minh Hưng, người đích thân chỉ đạo vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin, đã có mặt tại cuộc họp nói trên cùng Thiếu tướng Lê Mạnh Cương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo, và 20 thành viên khác trong phái đoàn của Tướng Tô Lâm. Báo cáo điều tra này cho thấy, thứ Tư, ngày 26 tháng 7 năm 2017, Tướng Tô Lâm và phái đoàn của ông đã đến từ Praha, Cộng hòa Séc và chỉ ở lại Bratislava trong thời gian đưa Trịnh Xuân Thanh bằng đường bộ từ Berlin đến Bratislava, và đưa lên máy bay.

Vào lúc 1:07 chiều, máy bay của chính phủ Slovakia trở về từ Praha đến Bratislava với đoàn Việt Nam đã ở trên máy bay. Các sĩ quan cảnh sát thấy điều này rất đáng ngờ vì thông thường họ không cho các quốc gia nước ngoài mượn máy bay. Điều này sau đó đã được Bộ Nội Vụ xác nhận rằng việc cho mượn máy bay là do tình huống đặc biệt…

Cửa máy bay mở lúc 1:19. Đoàn CA VN đã có mặt trên máy bay cùng với Radovan Čulák, người đứng đầu bộ phận nghi lễ tại Bộ Nội vụ Slovakia (được truyền thông Đức xác định là nhân chứng chính của vụ việc). Vai trò của ông là bảo đảm mọi thứ diễn ra suôn sẻ. Một người khác trên máy bay là Lê Hồng Quang và cố vấn của Thủ tướng Slovakia khi đó là Robert Fico.

Lúc 1:20 chiều, đoàn xe khởi hành từ sân bay Bratislava. Sĩ quan phụ trách là Ján H. Chiếc limousine chở Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm do Igor M. lái, và chiếc limousine dự phòng do Lukáš H. Martin K. lái, chở các thành viên còn lại của đoàn; Čulák cũng có mặt ở đó.

Bộ trưởng Nội vụ Robert Kaliňák đợi trước khách sạn chính phủ và gọi điện thoại với vẻ căng thẳng, đôi khi gần như hét lên. Ông ấy nhắc đến từ “hộ chiếu”.

Ba chiếc xe tải thuê từ một công ty ở Prague và một chiếc SUV Lexus đã đỗ trong bãi đậu xe của khách sạn. Trịnh Xuân Thanh đang ở trong một trong những chiếc xe tải. Thanh bị đánh và bị thuốc. Không một cảnh sát nào biết Thanh có mặt. Sau đó, cảnh sát Berlin đã xác định được vị trí của những chiếc xe tải nhờ vào GPS tích hợp.

Khoảng 1:35, đoàn xe hộ tống bộ trưởng Tô Lâm đến nơi.

Một cuộc họp giữa hai đoàn bắt đầu tại khách sạn. Về phía Việt Nam, những người tham gia là Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm; Dương Minh Hùng; Lê Mạnh Cường; và Phạm Văn Hiếu. Phía Slovakia có đại diện là Robert Kaliňák, Radovan Čulák, Ivan Netík và Lê Hồng Quang. Ngoài ra, còn có 19 người “hạng B” không rõ danh tính có mặt tại cuộc họp mà không ngồi vào bàn họp. 

Trong khi đang họp, phía Việt Nam đến gặp chỉ huy đoàn xe hộ tống – Ján H. – và yêu cầu ông ta cho thêm một chiếc xe nữa. Lúc đầu, Ján H. từ chối yêu cầu của phía Việt Nam về việc đưa thêm một chiếc xe nước ngoài. Sau khi liên lạc với trụ sở của Cục Bảo vệ các Cơ quan Hiến pháp, đã cho phái đoàn Việt Nam mượn thêm một xe cảnh sát Slovakia nữa…

Tài xế của chiếc xe mới mượn là Michal C. Lúc này, cảnh sát mới nhìn thấy Thanh bị đánh đập. Čulák bảo họ đưa Thanh từ xe của Séc lên xe cảnh sát. Čulák nói với vệ sĩ rằng người Việt Nam uống say và ngã cầu thang vì vậy phải tránh mặt bộ trưởng công an Việt Nam.

Hai người đàn ông, có thể là mật vụ Việt Nam đỡ Thành lên xe để không bị ngã.

Đoàn xe xuất hiện tại Sân bay Milan Rastislav Štefánik đúng 2:29 chiều. Cảnh sát đang làm nhiệm vụ tại sân bay ngay lập tức nhận thấy có thêm một chiếc xe trong đoàn. Những xe này đi thẳng đến cửa máy bay mà không bị rà quét hoặc kiểm soát gì. 

Theo báo cáo, trong số 12 hộ chiếu được nộp cho hải quan Slovakia đối với hành khách bay đến Moscow, có một người không có thị thực Schengen theo yêu cầu. Tờ báo hàng ngày Dennik N đưa tin: “Bộ Nội Vụ giải thích rằng một trong những thành viên của phái đoàn bị mất hộ chiếu ngoại giao và được miễn trừ. Vì vậy phái đoàn đã đưa được Trịnh Xuân Thanh lên máy bay của chính phủ Slovakia sang Nga rồi về Việt Nam, và sau đó Trịnh Xuân Thanh đã bị kết án chung thân.” 

Nhiều chính trị gia Slovakia bày tỏ sự xấu hổ về vụ việc tai tiếng này: “Những hành động này đã gây tổn hại nghiêm trọng đến danh tiếng quốc tế của Cộng hòa Slovakia… Một quốc gia thành viên của EU đã tham gia vào vụ bắt cóc một công dân nước ngoài bị truy tố hình sự tại một quốc gia khác trong cộng đồng của chúng tôi.”

Sau khi Chính phủ Fico bị sụp đổ vào năm 2018, Slovakia đã triệu hồi đại sứ Slovakia Hà Nội. Năm 2019, Bộ Nội vụ Slovakia đã gửi hóa đơn chi phí chuyến bay cho chính phủ Việt Nam nhưng Hà Nội chưa chịu trả tiền. 

 

Vụ bắt cóc Nhà báo Dương Văn Thái trên đất Thái

Có lẽ được khuyến khích bởi việc không có hậu quả đáng kể nào cho các hoạt động bắt cóc người ở nước ngoài trước đây của mình, như vụ Trương Duy Nhất ở Thái Lan và Trịnh Xuân Thanh ở Đức, Tô Lâm đã ra lệnh cho công an bắt cóc 2 nhà bất đồng chính kiến ​​người Việt Nam giữa ban ngày trên đường phố Bangkok, Thái Lan, nhà bất đồng chính kiến ​​Đường Văn Thái và nhà hoạt động dân quyền Y Quynh Bdap. Trong phần này, chúng tôi bổ sung sự việc về ông Đường Văn Thái một nhà báo độc lập đã được nhận quy chế tị nạn của Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR). 

Nhóm công tác của LHQ về các vụ mất tích cưỡng bức hoặc không tự nguyện (WGED) đã chuyển một thông báo tới Chính phủ Thái Lan về việc ông Thái “bị an ninh Việt Nam bắt cóc vào ngày 13 tháng 4 năm 2023 khi đang lái xe máy ở vùng ngoại ô phía bắc Bangkok, trên đường Lamphu, huyện Thanyaburi, tỉnh Pathum Thani, Thái Lan.” Ông Thái đã được Cao uỷ LHQ về người tỵ nạn – UNHCR công nhận quy chế tị nạn và được phỏng vấn tái định cư bằng điện thoại với văn phòng UNHCR Bangkok chỉ vài giờ trước khi mất tích. 

Đường Văn Thái nổi tiếng nhờ các bình luận về chính trị trên YouTube và Facebook, với khoảng 119.000 người theo dõi. Theo Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ): “Trên kênh YouTube của mình, Thái gần đây đã chỉ trích chính sách công nghiệp của Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính và bộ trưởng Bộ Tài chính.”  Năm 2020, Thái đã viết bài “Kiểm duyệt vì lợi nhuận: Công nghệ bịt miệng những người bảo vệ nhân quyền Việt Nam,” cho ấn phẩm “‘Hãy để chúng tôi thở!’

Ba ngày sau khi ông Thái mất tích ở Bangkok, ngày 16 tháng 4, Công an Hà Tĩnh thông báo ông Thái đã bị bắt khi “ nhập cảnh trái pháp vào Việt Nam.” 

Những người chứng kiến ​​vụ bắt cóc giữa ban ngày của Công an Việt Nam thuật lại khác: 

“Trong phòng trông vẫn bình thường, giống như Thái vừa thức dậy vào buổi sáng và đi dạo một chút,” Cô Grace Bui, một người bạn của Thái nói. “Chúng tôi tìm thấy chiếc túi anh ấy thường mang khi ra ngoài. Ví của vẫn ở trong túi, trong ví vẫn còn thẻ Liên Hợp Quốc và thẻ ngân hàng. Chúng tôi cũng tìm thấy máy tính xách tay của Thái.” (3)

“Báo chí dẫn lời nhân chứng địa phương cho biết “Xe máy của Thái đã bị những người đi ô tô chặn lại khi đang đi từ một quán cà phê về nhà, họ bắt Thái lên một chiếc ô tô rồi lái đi mất.”

Quan chức chính phủ Thái Lan nói với Tổ chức Theo dõi Nhân quyền rằng chính phủ Thái Lan không liên quan gì đến vụ việc này và đang tích cực điều tra vụ bắt cóc vi phạm chủ quyền của Thái Lan.” 

Hai tuần sau vụ bắt cóc, Tổ chức Phóng viên Không Biên giới đã lên tiếng báo động về Thái:

“Chúng tôi muốn chính phủ Việt Nam trả lời một câu hỏi cực kỳ đơn giản: Đường Văn Thái ở đâu? Một mặt, rõ ràng Thái bị mật vụ Việt Nam bắt cóc ở Thái Lan. Mặt khác, việc Thái bị bắt vì nhập cảnh trái phép từ Lào cho thấy họ cố tình làm nhầm lẫn vụ việc … Vụ việc này là một ví dụ đáng buồn về mức độ khinh thường pháp quyền và tự do báo chí tồi tệ của chính phủ Việt Nam.” (4)

Ngày 20 tháng 7, Bộ Công an chính thức thông báo cho gia đình Thái rằng Thái đang bị giam giữ tại Trại giam B14 tại Hà Nội vì tội “tuyên truyền chống nhà nước” vi phạm Điều 117 của Bộ luật Hình sự, chứ không phải vì tội nhập cảnh trái phép như cáo buộc ban đầu. Tội nhập cảnh trái phép có lẽ là một cáo buộc bịa đặt để che giấu sự liên quan của BCA trong vụ bắt cóc Đường Văn Thái ở Thái Lan. Lý do thực sự đằng sau vụ bắt cóc là do “Thái điều hành một Facebook đăng tải ‘thông tin sai lệch’ về các lãnh đạo Việt Nam” theo phương tiện truyền thông nhà nước Việt Nam. Nhiều bài đăng của Thái đã vạch trần tình trạng tham nhũng cấp cao của quan chức chính phủ.

RSF kêu gọi các chính phủ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các cơ quan có trách nhiệm đằng sau vụ Đường Văn Thái bị bắt cóc: “Bắt cóc xuyên biên giới, trắng trợn coi thường bộ luật hình sự và truy tố dựa trên những lý do vô lý: vụ án Đường Văn Thái minh họa cho sự khinh miệt tự do báo chí của Việt Nam. Chúng tôi kêu gọi các đối tác kinh tế lớn của Hà Nội, cụ thể là Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu và Nhật Bản, áp dụng các biện pháp trừng phạt để trả tự do cho nhà báo này cùng 42 người bảo vệ quyền tự do báo chí khác hiện đang bị giam giữ tại Việt Nam.” 

Ngày 3 tháng 11, bà Dương Thị Lữ, mẹ của Thái, 75 tuổi, được Cục Điều tra của Bộ Công an mời đến văn phòng để đọc lá thư của con trai. Cảnh sát không cho phép bà chép hay mang thư về nhà. Bà đã không được gặp con yêu cầu vì “vụ án đang trong quá trình điều tra”. Thái không được gặp luật sư vì giai đoạn điều tra vẫn chưa kết thúc.

______________________

Tham khảo:

(1)https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/chien-dau-tai-diem-nong-muong-nhe-i657234/

(2)https://www.americamagazine.org/issue/777/signs/dozens-reported-killed-hmong-protest

(3) https://www.bangkokpost.com/thailand/general/2554356/vietnam-accused-of-abducting-blogger-from-thailand

(4) https://rsf.org/en/vietnam-fails-reveal-fate-blogger-abducted-thailand


 

 

Tin bài liên quan:

VNTB- Liệu Trump có là người đáng sợ?

Phan Thanh Hung

VNTB – Làm tổng bí thư có sướng không?

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Đạo Bà Ni của dân tộc Cham bỗng nhiên bị biến thành Islam

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.