Việt Nam Thời Báo

VNTB – Tô Lâm sẽ là tân Chủ tịch nước

Nguyễn Huỳnh

(VNTB) – Bộ trưởng Công an Tô Lâm, được Trung ương Đảng ‘giới thiệu’ bầu làm Chủ tịch nước

 

Bộ trưởng Công an Tô Lâm, được Trung ương Đảng ‘giới thiệu’ bầu làm Chủ tịch nước, và ông Trần Thanh Mẫn được ‘giới thiệu’ bầu làm Chủ tịch Quốc hội.

Theo thủ tục, kỳ họp Quốc hội ngày 20-5-2024 sắp tới đây sẽ tiến hành các bước hành chính cho phê chuẩn hai nhân sự chức danh này. Có ý kiến cho rằng việc ‘giới thiệu’ Tô Lâm vào chức vụ ‘hữu danh vô thực’ Chủ tịch nước đã nằm ngoài tiên liệu của vị bộ trưởng Công an này.

Nhà quan sát chính trị Trương Nhân Tuấn đặt vấn đề: “Nếu tiếp đón Putin là Tô Lâm. Có lẽ Việt Nam từ nay sẽ theo mô hình của Nga.

Mô hình của Nga, quyền lực quốc gia tập trung vào cá nhân Chủ tịch nước (Tổng thống). Chủ tịch nước (tổng thống) sẽ kiểm soát đất nước bằng lực lượng công an và mật vụ. Đầu tàu phát triển đất nước sẽ do một đội ngũ tỷ phú “oligarche – đầu sỏ chính trị” thân chính quyền phụ trách.

Theo tôi, cả hai mô hình Trung Quốc và Nga đều không phù hợp cho Việt Nam. Việt Nam không phải Trung Quốc, cũng không phải là Nga.

Từ 1975 đến 1990, Việt Nam theo mô hình tổ chức nhà nước kiểu Liên Xô.  Sau đó rập khuôn Trung Quốc.

Việt Nam đã mất gần 50 năm để có một bước tiến khiêm nhường về phát triển nhưng phải trả bằng một cái giá quá đắt: xã hội bất bình đẳng, môi trường ô nhiễm, tài nguyên cạn kiệt, vốn con người thấp so với trung bình thế giới đồng thời có một tập đoàn lãnh đạo tha hóa tuyệt đối.

Việt Nam thất bại vì mọi chiến lược phát triển của Việt Nam không nhắm về mục tiêu đất nước và con người. Lãnh đạo cộng sản Việt Nam không ai yêu nước và thương dân hết cả…”

Ý kiến đồng tình với ông Trương Nhân Tuấn nói rằng điểm chung của Putin và Tô Lâm đều cùng xuất thân là mật vụ (cùng là mật vụ còn có Phạm Minh Chính, Thủ tướng đương nhiệm).

Rất có khả năng Tô Lâm khi đã yên thế của Chủ tịch nước, ông sẽ tiến tới hợp nhất luôn chức vụ Tổng bí thư, một mô hình quản trị từng thí điểm ngay ở thời Nguyễn Phú Trọng.

Ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, hiện đang là Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, cho rằng, “Với tình hình cụ thể của nước ta hiện nay, việc áp dụng mô hình này ở cấp cao nhất là đúng và cần thiết. Tôi ủng hộ và hoan nghênh. Nó làm gọn bớt bộ máy của hệ thống chính trị còn nhiều rườm rà, thuận tiện cho sự kết hợp công việc của Đảng và Nhà nước trong đối nội và cả trong đối ngoại. Đến nay việc áp dụng mô hình này là việc đã chín muồi và thời điểm cũng thích hợp”.

Ông Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, viện dẫn: “Trong lịch sử chúng ta đã có Tổng bí thư là Chủ tịch nước rồi. Thời điểm năm 1945-1969, bác Hồ từng là Chủ tịch Đảng và Chủ tịch nước. Trên thế giới, tất cả các nhà nước đều do Đảng Chính trị cầm quyền và mô hình người đứng đầu Đảng cầm quyền đó cũng đồng thời đứng đầu nhà nước, là đứng đầu nội các tức là chính phủ”.

Theo ông Nguyễn Trọng Phúc, “cải cách bộ máy đã được xác định trong Nghị quyết Trung ương VI của khóa XII, chúng ta phải sắp xếp lại bộ máy theo hướng tinh gọn nhưng phải hiệu quả trong lãnh đạo, quản lý”.

Công việc của Chủ tịch nước và Tổng bí thư tập trung ở một người, thực tế, về đối nội và đối ngoại có thể thấy là hài hòa, thuận lợi. Trong bối cảnh phải tinh giản bộ máy, biên chế, xây dựng cơ quan nhà nước hiệu lực, hiệu quả, giao quyền mạnh mẽ… thì mô hình “nhất thể hóa”, là hướng tổ chức đáng chú ý.

Băn khoăn lớn nhất ở mô hình “nhất thể hóa” này là nếu không cẩn thận, người nắm “hai vai” sẽ nắm trọn quyền lực, dễ dẫn tới càng thêm độc tài, độc đoán, kiểm soát quyền lực sẽ rất khó. Và hướng giải quyết ở đây là nhi triển khai Điều 4 của Hiến pháp, buộc cần thiết phải có Luật về sự lãnh đạo của Đảng. Đảng lãnh đạo nhưng phải trong khuôn khổ pháp luật cụ thể, theo hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền.

Nếu lần này Tô Lâm giữ hai ghế quyền lực Chủ tịch nước và Tổng bí thư thì coi như tương tự cơ chế “tam vị nhất thể” của Trung Quốc, khi Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc kiêm nhiệm chức vụ Chủ tịch nước Trung Quốc, và Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc. Trong khi đó thì lâu nay ở Việt Nam, Tổng bí thư là đương nhiên kiêm nhiệm Bí thư Quân ủy trung ương.


Tin bài liên quan:

VNTB – Lập thêm 3 ban chỉ đạo tinh gọn để tinh gọn bộ máy

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Chuyến hành hương đến Trung Quốc của Tô Lâm

Do Van Tien

VNTB – Tô Lâm sẽ đảm nhiệm mọi nhiệm vụ của Nguyễn Phú Trọng

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo