Nguyễn Nam
(VNTB) – “Chỉ khi nào Tòa án thực sự độc lập và nhân danh Công Lý để tuyên án, chúng ta mới hy vọng có một bản án công tâm và khách quan!”
Luật sư Phạm Văn Thọ (Đoàn Luật sư TP.HCM), chua chát nhận xét như trên. Luật sư Thọ từng là nhà báo chuyên nghiệp (hiểu theo luật định là có “Thẻ Nhà báo” do Bộ Văn hóa, Thông tin cấp – nay là Bộ Thông tin và Truyền thông), trong đó có thời gian ông làm việc tại báo Công an TP.HCM.
Thật ra câu nhận xét này nếu so luật định, thì điều đó không đúng, thậm chí có thể bị chụp mũ chính trị hóa. Đơn giản thôi, lý thuyết trên giảng đường trường luật ở Việt Nam đã giảng dạy rằng, tính độc lập khi xét xử của thẩm phán và Hội thẩm từ lâu đã là một nguyên tắc Hiến định – được ghi nhận trong các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992 và 2013, được cụ thể hóa trong các đạo luật quan trọng như Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.
Dĩ nhiên trên giảng đường đại học luật, các vị giáo sư cũng nói thêm rằng, đúng là các bản Hiến pháp của Việt Nam đều có quy định về sự độc lập của Tòa án, nhưng đi vào chi tiết, thì nguyên tắc này được quy định trong các Hiến pháp rất khác nhau: Hiến pháp năm 1946 quy định “Khi xét xử các thẩm phán chỉ tuân theo pháp luật, các cơ quan khác không được can thiệp”;
Hiến pháp năm 1959 viết: “Khi xét xử, Tòa án nhân dân có quyền độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”; Hiến pháp 1980 và Hiến pháp 1992 quy định: “Khi xét xử, thẩm phán và hội thẩm độc lập chỉ tuân theo pháp luật”. Hiến pháp năm 2013 có quy định tương tự: “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm” (Điều 103).
Ở nghĩa hẹp nhất của các thuật ngữ trong các quy định nói trên có thể được hiểu chính xác rằng, Tòa án chỉ có thể độc lập trong thời gian diễn ra việc xét xử, còn ngoài thời gian xét xử, mọi vấn đề liên quan đến Tòa án, thẩm phán, hội thẩm nhân dân không cần thiết phải độc lập. Do vậy, khó có thể làm cho Tòa án độc lập trên thực tế.
Như vậy nguyên tắc độc lập của Tòa án không chỉ giản đơn nằm ở trong thời gian xét xử, mà phần lớn phải ở ngoài thời gian xét xử. Muốn xét xử độc lập thì thiết chế phải độc lập, thẩm phán phải độc lập cả ngoài thời gian xét xử. Cho đến nay, dù chúng ta đã có sự phân công phân nhiệm rạch ròi giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp, nhưng trên thực tế vẫn chưa thể thay đổi những biểu hiện đã quá quen thuộc của nguyên tắc tập quyền xã hội chủ nghĩa.
“Tôi vẫn còn nhớ như in về lập luận của một luật sư đàn anh khi ông đứng lớp trong khóa đào tạo chức danh luật sư của Học viện Tư pháp, đại ý của ông thế này: Khuôn khổ pháp lý của Việt Nam đảm bảo cho sự độc lập của các hoạt động tư pháp, được thể hiện rõ trong Hiến pháp, luật và nghị quyết của Đảng:
Thứ nhất, theo Nghị quyết 49-NQ/TW năm 2005 của Bộ Chính trị, “phân định rõ thẩm quyền quản lý hành chính với trách nhiệm quyền hạn tư pháp trong hoạt động tố tụng tư pháp theo hướng tăng quyền và trách nhiệm cho điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán để họ chủ động trong thực thi nhiệm vụ, nâng cao tính độc lập và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hành vi và quyết định tố tụng của mình”.
Thứ hai, theo Hiến pháp 2013, “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm” ghi ở Điều 103, Khoản 3.
Thứ ba, theo Bộ luật Tố tụng Hình sự, “Khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” ghi tại Điều 16…
Rõ ràng vị luật sư đàn anh này đã xỏ lá học viên, vì nếu đã gọi là độc lập của các hoạt động tư pháp, thì tại sao lại viện dẫn nghị quyết Đảng vào đây, và nó còn được kể là hàng thứ nhất? Nên nhớ, đảng chính trị không phải là luật pháp” – một luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM, kể; và ông nói thêm rằng chính vì lẽ đó nên khi được nói lời cuối cùng trước khi tòa nghị án trong vụ Đồng Tâm, thường thấy lặp đi – lặp lại mẫu câu trong phần tường thuật của báo chí: “Các bị cáo nói lời sau cùng, có những lời cầu xin Đảng, Nhà nước khoan hồng và nương nhẹ…”.
Điều đó cho thấy, ngay tại phiên toà, nơi mà sẽ chỉ có luật pháp, sự thật và công lý được tôn trọng, nó vẫn hiển hiện rõ nét cái bóng quyền lực chi phối bao trùm của Đảng. Trong khi đó, con người, chỉ công bằng trước luật pháp, và chỉ luật pháp mà thôi.