Việt Nam Thời Báo

VNTB – Tôi ủng hộ toàn dân được xài xì-mắc-phôn

Út Sài Gòn

 

(VNTB) – Báo chí vừa đưa tin đến năm 2025 này, nhờ ơn ngài bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, toàn dân Việt Nam sẽ có điện thoại xì-mắc-phôn để xài.

 

Năm 2025, dự kiến đó cũng là thời hạn cuối cùng cho ‘tắt sóng 2G’, có nghĩa là các điện thoại ‘cục gạch’ sẽ vào viện bảo tàng để thế hệ mai sau vào đó mà biết cha ông đã từng a lô ra sao.

“Nếu Khổng Tử dùng Twitter, ông ta sẽ nói gì?” – thử nghĩ coi đó có phải là thú vị khi có xì-mắc-phôn không chứ. Câu hỏi này được mang ra bàn luận ở Hội thảo Đào tạo Thực hành PEN2020 ở Đại học Fulbright Việt Nam.

Các nhà mô phạm ở Fulbright Việt Nam nói rằng những trang mạng xã hội nếu được sử dụng một cách hợp lý, hoàn toàn có thể trở thành công cụ giảng dạy vô cùng tiện lợi và hữu ích.

Mặc dù Facebook hay Twitter không được thiết kế dành riêng cho mục đích giáo dục, việc mang lớp học lên những không gian này không chỉ khiến bài giảng trở nên gần gũi với học sinh, mà còn khuyến khích các em tham gia vào bài một cách chủ động, tích cực hơn.

Công nghệ không chỉ đơn thuần là công cụ truyền tải thông tin, việc lựa chọn phương tiện truyền thông cũng là một phần của thông điệp được truyền tải. Như vậy, việc giáo viên lựa chọn mạng xã hội cho thấy họ sẵn sàng cởi mở lắng nghe học sinh, giúp thu hẹp khoảng cách giữa thầy – trò và khuyến khích cho các em trình bày suy nghĩ một cách tự do, chân thật. Có những học sinh bình thường rất rụt rè trên lớp, nhưng khi học trên mạng xã hội lại trở nên hoạt ngôn, năng nổ.

Và để có thể diễn ra cảnh tươi đẹp trong lớp học như mô tả ở trên, dĩ nhiên người ta chí ít cũng cần đến chiếc xì-mắc-phôn với sóng wifi đủ mạnh để chạy mượt mà các ứng dụng.

Một viễn cảnh thử tưởng tượng khác: vào Chủ nhật nắng ráo đẹp trời nào đó, có nhóm người Sài Gòn bỗng dưng hứng chí rủ nhau làm một cuộc biểu tình xuống đường rầm rộ để – ví dụ như chào mừng thành công rực rỡ Đại hội Đảng lần thứ XIII chẳng hạn, nếu xì-mắc-phôn được ‘phủ sóng’, chắc chắn việc kết nối của những người trẻ đang ‘rảnh rỗi sinh nông nỗi’ ở sáng Chủ nhật ấy, sẽ nhanh chóng tạo làn sóng không kém những cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam hồi mấy năm về trước.

Cái khác là giờ nhờ sóng 5G vừa được phủ sóng ‘thí điểm’ ở trung tâm Sài Gòn nên những người trẻ ‘livestream’ cho cả thế giới biết luôn. Tưởng tưởng, chắc sẽ hoành tráng và cuốn hút chẳng mấy kém hồi giới trẻ Hong Kong biểu tình.

Các nhóm xã hội dân sự cũng sẽ có lợi về truyền thông hơn khi ai cũng có xì-mắc-phôn. Người ta chỉ cần ‘quẹt – quẹt’ là biết đủ mọi tin tức thượng vàng – hạ cám, nghe ngóng đa chiều các đồn đoán về ông nọ – bà kia. Mà kể cũng lạ, dân xứ Việt mình cứ cái gì càng đóng dấu “mật”, “tối mật” là người ta càng tò mò và khi thỏa mãn nó cũng sướng kiểu như… ‘tuần trăng mật’ vậy đó – dĩ nhiên đôi khi cũng dễ ‘dập mật’ về tội tuyên truyền ‘phản động’.

Nhà chức trách càng đủ điều lợi: tha hồ thu thuế qua chuyện đưa ra chính sách giúp những nhà mạng Việt Nam hốt bạc từ việc xài xì-mắc-phôn hổng lẽ lại từ chối dịch vụ ‘internet không dây – wifi’.

Nhà chức trách chỉ cần ‘bỏ nhỏ’ với các nhà sản xuất ra xì-mắc-phôn nên gắn thêm con chip gì đó chức năng như kiểu ‘con ngựa thành Troy’, để vừa giúp ích ngành ‘khảo sát thị trường’ qua tìm hiểu coi người dùng xì-mắc-phôn thường lựa chọn các ứng dụng nào…, mà còn vừa ‘quản lý’ chặt chẽ mọi động tĩnh gọi là ‘nhạy cảm chính trị’ cho lo ngại ‘diễn biến hòa bình’.

Với quá chừng ích nước lợi nhà ở trên, Út Sài Gòn tôi ủng hộ hết mình việc ‘phủ sóng’ xì-mắc-phôn toàn dân Việt Nam!


Tin bài liên quan:

VNTB – Xuống đi cho người dân nhờ

Do Van Tien

VNTB – Khi nồng độ cồn càng lúc càng… bá đạo?

Do Van Tien

VNTB – “Thường dân” tích cực bị kiểm tra, ai kiểm tra cán bộ?

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo