Hoài Nguyễn
(VNTB) – Ông Vũ Anh Đức – chánh văn phòng Đảng đoàn, trưởng ban tổ chức Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam – khẳng định dù nhận được hay chưa nhận được đơn này, tổng liên đoàn cũng sẽ không xem xét.
Theo báo Tuổi Trẻ Online, số phát hành tối ngày 29-8, thì, ông Lê Vinh Danh – hiện đang bị tạm đình chỉ các chức vụ bí thư Đảng ủy, hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng – vừa có báo cáo kiểm điểm, giải trình về trách nhiệm đảng ủy viên và bí thư Đảng ủy theo kết luận của Ủy ban kiểm tra Thành ủy TP.HCM gửi các cơ quan Đảng cấp trên.
Đồng thời, ông cho biết cũng đã gửi đơn khiếu nại tới Thủ tướng Chính phủ, Đoàn chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam về quyết định tạm đình chỉ công tác hiệu trưởng, vì cho rằng quyết định này thiếu cơ sở pháp lý, không đúng thẩm quyền, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông.
Bài báo có phần kết đầy bất ngờ:
“Ông Vũ Anh Đức – chánh văn phòng Đảng đoàn, trưởng ban tổ chức tổng liên đoàn – khẳng định dù nhận được hay chưa nhận được đơn này, tổng liên đoàn cũng sẽ không xem xét. Bởi theo nghị định 59 của Chính phủ, người có chức vụ, quyền hạn bị tạm đình chỉ công tác thì không được quyền khiếu nại.
Ông Lê Vinh Danh đang là viên chức, đang bị tạm đình chỉ thì phải thực hiện nghiêm nghị định này. Hiện việc tạm đình chỉ do tổng liên đoàn căn cứ những dấu hiệu vi phạm của ông Lê Vinh Danh.
Sau này khi cơ quan có thẩm quyền có kết luận về những dấu hiệu vi phạm của ông Danh thì lúc đó tổng liên đoàn sẽ xem xét tiếp”. (*)
Dùng từ “bất ngờ” ở đây xem ra có phần nhẹ nhàng, vì phát biểu được trích dẫn ở trên nếu xét theo luật, đó là một cách nói “bá đạo”, bởi nghị định mà ông chánh văn phòng Đảng đoàn, trưởng ban tổ chức tổng liên đoàn, không thể áp dụng để điều chỉnh pháp lý trong vụ việc ông Lê Vinh Danh. Và nếu có “vận dụng” nghị định này, thì cũng không hề có điều nào gọi là “không được quyền khiếu nại”.
Nghị định số 59/2019/NĐ-CP, có tên “quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng”.
Cụ thể hơn, nghị định này quy định chi tiết các điều, khoản sau đây của Luật Phòng, chống tham nhũng: a) Khoản 1 Điều 15 về trách nhiệm giải trình; b) Điều 17 về tiêu chí đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng; c) Điều 22 về tặng quà và nhận quà tặng; d) Điều 23 về kiểm soát xung đột lợi ích; đ) Khoản 4 Điều 25 về vị trí công tác phải chuyển đổi và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương;
e) Khoản 4 Điều 71 về trình tự, thủ tục, thời hạn tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác; việc hưởng lương, phụ cấp, quyền, lợi ích hợp phập khác và việc bồi thường, khôi phục lại quyền, lợi ích hợp pháp của người có chức vụ, quyền hạn sau khi cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền kết luận người đó không có hành vi tham nhũng;
g) Điều 80 về áp dụng các biện pháp phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước; h) Điều 81 về thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước; i) Điều 94 về xử lý hành vi vi phạm khác về phòng, chống tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Nghị định số 59/2019/NĐ-CP, “Điều 4. Điều kiện tiếp nhận yêu cầu giải trình”, quy định như sau:
“1. Cá nhân yêu cầu giải trình có năng lực hành vi dân sự đầy đủ hoặc có người đại diện theo quy định của pháp luật; cơ quan, tổ chức, đơn vị yêu cầu giải trình có người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.
2. Quyết định, hành vi của cơ quan, tổ chức, đơn vị được yêu cầu giải trình tác động trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có yêu cầu giải trình.
Điều 5. Những trường hợp được từ chối yêu cầu giải trình
1. Không đủ điều kiện tiếp nhận yêu cầu giải trình được quy định tại Điều 4 của Nghị định này.
2. Nội dung yêu cầu giải trình thuộc trường hợp quy định tại Điều 6 của Nghị định này, nội dung đã được giải trình hoặc đã được cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền thụ lý giải quyết, trừ trường hợp người yêu cầu có lý do chính đáng.
3. Người yêu cầu giải trình đang trong tình trạng không làm chủ được hành vi do dùng chất kích thích hoặc có hành vi gây rối trật tự, đe dọa, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người tiếp nhận yêu cầu giải trình.
4. Người được ủy quyền, người đại diện không có giấy tờ hợp pháp theo quy định của pháp luật”.
Như vậy, giả dụ trong trường hợp ông Lê Vinh Danh bị tạm đình chỉ các chức vụ bí thư Đảng ủy, hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng, với lý do liên quan đến các cáo buộc được quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng, thì việc ông Lê Vinh Danh – theo tường thuật của báo Tuổi Trẻ, như sau:
“Trong văn bản dài 21 trang giải trình chi tiết nội dung về kết luận khuyết điểm, vi phạm của Đảng ủy Trường Đại học Tôn Đức Thắng và cá nhân bí thư Đảng ủy, ông Lê Vinh Danh khẳng định: “Tôi tuyệt đối không tư lợi riêng, không tham ô, không tham nhũng”.
Với nội dung kết luận Đảng ủy thiếu sự lãnh đạo, nên đã “để trường xảy ra các khuyết điểm, vi phạm về công tác cán bộ, công tác quản lý tài chính, tài sản, thực hiện dự án đầu tư, chấp hành không đầy đủ các kết luận kiểm tra, kiểm toán…”, ông Danh cho biết đến nay chưa có quyết định nào về mặt chính quyền khẳng định trường có khuyết điểm, vi phạm trên, dù cơ quan kiểm toán và cơ quan chủ quản đã kiểm tra trường rất nhiều lần.
Về việc “chưa quyết toán các công trình đã xây dựng xong tại cơ sở Tân Phong, mà chỉ kiểm toán độc lập từng hạng mục công trình”, ông Danh cho hay trường đều thực hiện các kết luận kiểm tra của tổng liên đoàn và có kế hoạch thực hiện những nội dung trường tiếp thu.
Đối với những nội dung trường chưa thống nhất về cách đánh giá, kết luận bởi trường có cơ sở pháp lý riêng, trường đã có hai văn bản phản hồi nhưng tổng liên đoàn không chấp nhận. Vì vậy, sau đó cơ quan này đã chuyển hồ sơ cho Ủy ban kiểm tra Thành ủy tham khảo, tiến hành đợt kiểm tra này.
“Việc quyết toán từng công trình rất khó, vì các ngôi nhà đều gắn kết sử dụng với nhau, nên chúng tôi nhận thức rằng phải chờ xong toàn bộ dự án rồi sẽ quyết toán cho đúng. Mà toàn dự án thì đến nay chưa hoàn tất nên chưa quyết toán từng ngôi nhà. Tôi nhận lỗi về việc này và sẽ cho khắc phục ngay”, ông Danh nêu”. (Dừng trích).
Như vậy, việc giải trình ở đây của ông Lê Vinh Danh là phù hợp quy định tại Điều 4 và Điều 5 của Nghị định số 59/2019/NĐ-CP.
Nếu ông Vũ Anh Đức – chánh văn phòng Đảng đoàn, trưởng ban tổ chức tổng liên đoàn – khẳng định “theo nghị định 59 của Chính phủ, người có chức vụ, quyền hạn bị tạm đình chỉ công tác thì không được quyền khiếu nại”, thì ở đây là một công nhiên vi phạm pháp luật, xâm phạm thô bạo quyền dân chủ của công dân, đưa đến cái nhìn ngộ nhận là trong thể chế chính trị độc đảng toàn trị, thì một số “bề trên” quản lý tự cho mình cái quyền “tao là luật” (!?).
_________________
Chú thích: