Nguyễn Gia Việt
Xin hãy cố gắng tôn trọng văn hóa tối thiểu của Miền Nam. Đừng cố công thay đổi âm Miền Nam cho “chuẩn” nữa.
Cái mà người dân Miền Nam muốn là trả lại đường Gia Long, Võ Tánh, Hiền Vương, Phan Thanh Giản, Petrus Ký, Đoàn Thị Điểm, Yên Đỗ… ở Sài Gòn chứ không phải “sửa” tên đường kiểu tôn hay tông.
Một vấn đề cực kỳ dễ hiểu, đơn giản và không cần hội thảo gì dài dòng. Vấn đề không phải là “Lê Thánh Tôn” hay “Lê Thánh Tông”. Hà Tôn Quyền hay Hà Tông Quyền? Không phải là Lương Nhữ Học hay Lương Như Hộc.
Mà Lương Nhữ Học, cái chữ Hộc sẽ bị nghĩ là hộc máu. Chắc chắn 100% là dân Miền Nam sẽ nghĩ hộc là hộc máu.
Tại vì Tôn là cách Miền Nam viết, Tông là cách Miền Bắc XHCN viết, còn dấu nặng hay dấu ô chỉ là kỹ thuật. Nhân vật lịch sử đó vẫn là ông đó, bà đó, chẳng ai có thể mạo danh vị đó.
Người Miền Bắc bất tuân kị húy nhà Nguyễn thì cứ Phúc này Phúc nọ, Tông này Tông kia, Thì này Thì nọ, Nhậm này Nhậm kia. Nhưng dân Miền Nam, dân Sài Gòn kêu Phước và Tôn, Thời và Nhiệm thì làm gì được nhau?
Nghĩ cũng tức cười. Đề nghị đổi Lê Thánh Tôn thành Lê Thánh Tông, Hà Tôn Quyền thành Hà Tông Quyền. Nhưng cũng đề nghị đổi “Nguyễn Duy Dương” thành “Võ Duy Dương”. Thành Vũ Duy Dương mới có logic chuẩn Bắc chứ!
Người dân Miền Nam, dân Sài Gòn muốn là:
1/ Đó là phải trả lại tên đường mà sau 1975 đã xóa tên không thương tiếc.
– Trả lại tên đường Triệu Đà, vị Hoàng Đế lừng lẫy,tiên khởi của nhà Việt Nam. Sau 1975 đường Triệu Đà bị xóa,là khúc Ngô Quyền quận 10 ngày nay.
Nguyễn Trãi khẳng định rõ ràng, sát rạt:
自趙丁李陳之肇造我國
與漢唐宋元而各帝一方
“Tự Triệu, Đinh, Lý, Trần chi triệu tạo ngã quốc
Dữ Hán, Đường, Tống, Nguyên nhi các đế nhứt phương”
– Trả lại tên đường Võ Tánh.
Hoài Quốc Công Võ Tánh (1768 – 1801) là một nhân vật lịch sử lừng lẫy Nam Kỳ , là đệ nhứt công thần trung hưng nhà Nguyễn. Có công rất lớn trong việc giữ gìn Miền Nam chống lại sự tàn sát, tàn phá của quân Tây Sơn.
Ông nổi danh từ đất Ba Giồng, đất Thập Bát Phù Lưu Viên (18 Thôn Vườn Trầu).
Sau cùng đất Giồng Tre Gò Công là đại bản doanh của ông. Ngọn cờ “Khổng Tước Nguyên Võ” một thời tung bay, đạo quân này đã tập kích Tây Sơn nhiều trận khiến họ phải kinh khiếp. Võ Tánh là “Gia Định Tam Hùng.
“Những tưởng ra tay giúp nước nhà
Ai dè bình địa nổi phong ba.
Xót người vị quốc liều thân ngọc,
Khiến thiếp cô phòng ủ mặt hoa.
Gối mộng mơ màng duyên nợ cũ,
Đài mây xiêu lạc phách hồn xa.
Lửa trung đốt đỏ gương hào kiệt,
Nóng ruột thuyền quyên giọt lệ sa!“
Người đời sau ca ngợi tướng Võ Tánh là “Quận Trung tiết anh Hùng”. Đường Võ Tánh Sài Gòn từ ngã sáu Gia Long chạy dọc trổ dài xuống đi ngang nhà thờ Huyện Sĩ.
Sau 1975 đường Võ Tánh ở Nam Kỳ bị xóa sạch sẽ.Sài Gòn bị xóa. Ngày nay chỉ còn Mỹ Tho là còn đường Võ Tánh.
(Tôi xếp Võ Tánh trên đường Gia Long là vì nếu không có Võ Tánh xuất hiện thì chưa chắc có vua Gia Long trung hưng thành công sau này).
– Trả lại tên đường Gia Long (Lý Tự Trọng).
Đã gượng trả tên đường Lê Văn Duyệt cho Đức Tả Quân ở Bình Hòa thì phải trả tên đường Gia Long lại vì vua không sáng thì đố quan hiền, dám làm.
Nhơn vật có công với Miền Nam, từng chủ ý coi Sài Gòn là căn cứ, phên dậu của mình và góp công sức xây dựng nó là chúa Nguyễn Phước Ánh (Vua Gia Long sau này).
Sài Gòn có vị thế ngày hôm nay là công lao của chúa Nguyễn Phước Ánh.
Nguyễn Huệ chẳng có công gì với Sài Gòn.
Tây Sơn từng chiếm Gia Đinh hơn chục lần,nhưng vì lòng dân không theo nên năm lần bảy lượt họ vô rồi họ lại co giò chạy ra khỏi Sài Gòn, Tây Sơn chưa bao giờ giữ được Gia Định dù họ rất muốn.
Tháng 2 năm 1790 sau khi chiếm lại được Gia Định và nhắm có thể giữ vững trước quân Tây Sơn nên chúa Nguyễn Ánh đã chọn vùng Gia Định làm kinh đô “tạm” gọi là Gia Định kinh , bắt tay vào xây kinh thành, kinh tế và tổ chức thi cử chọn hiền tài.
Chúa Nguyễn Ánh đã tổ chức hai khoa thi năm Tân Hợi 1791 và Bính Thìn 1796 tại Gia Định lấy hiền tài.
Năm đầu tiên Tân Hợi 1791 đậu hạng ưu có Ngô Tòng Châu và Nguyễn Hoài Quỳnh đều là dân Gò Công.
Khoa thi Bính Thìn 1796 đậu thủ khoa là một người Gò Công nữa là ông Phạm Đăng Hưng , ông Hưng chính là con trai Phạm Đăng Long ở giồng Sơn Qui.
Sau khi thi đậu ông Phạm Đăng Hưng làm “Lễ sanh nội phủ” rồi từ từ lên cao.
Lễ Bộ Thương Thơ-Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng rạng danh là nhờ con gái là bà Từ Dũ là mẹ vua Tự Đức , họ Phạm Đăng vang danh là nhờ làm bên ngoại vua Tự Đức sau này.
Sài Gòn là thành đô từ năm 1790 là cái sự sắp đặt hợp lý của lịch sử Việt Nam , cũng là số Trời.
– Trả lại đường Trương Minh Giảng và Trương Minh Ký (Trần Quốc Thảo và Lê Văn Sỹ)
Quan bảo hộ Cao Miên, Trấn Tây Thành tướng quân Trương Minh Giảng (1792-1841) là một người Sài Gòn có công với đất này lớn lao vô cùng.
Tổng đốc Trương Minh Giảng là con trai của Lễ bộ Thượng thơ Trương Minh Thành, người huyện Bình Dương, trấn Gia Định.
Tướng Trương Minh Giảng – một người văn võ song toàn, là công thần bậc nhứt của nhà Nguyễn, quan bảo hộ Trấn Tây Thành , là tổng tài quốc sử giám.
“…Nhớ mưa buồn khắp Thị Nghè
Nắng Trương Minh Giảng lá hè Tự Do”
( Đêm nhớ trăng Sài Gòn-Du Tử Lê)
Trước 1975 đi đường Trương Minh Giảng qua bên kia, khi qua khỏi Cầu Mới, bên tay mặt, đâm ra một con đường tên Trương Tấn Bửu (Trần Huy Liệu sau 1975).
Trương Tấn Bửu là phó tổng trấn Gia Định thành.
Bên phía tay mặt là một xóm nhà lá khá sầm uất, có cả một cái chợ chồm hổm nơi đó, tục gọi là chợ Bà Y.
Qua cầu , tiếp Trương Minh Giảng là đường Trương Minh Ký bắt đầu tại chợ Vườn Xoài.
Thế Tải Trương Minh Ký (1855 – 1900) là một trong ba nhà học giả nổi tiếng đi tiên phong về chữ Quốc Ngữ của xứ Nam Kỳ.
Đọc cuốn “Sài Gòn Năm Xưa” của học giả Vương Hồng Sển, ta sẽ thấy ông Sển khâm phục ba ông học giả xuất sắc này là Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký và Huỳnh Tịnh Của.
Thế Tải Trương Minh Ký là cháu của tướng Trương Minh Giảng, là học trò của Trương Vĩnh Ký, ông là nhà báo, nhà giáo,nhà văn hóa lớn của Việt Nam, đóng góp trong việc truyền bá và phát triển văn học Quốc Ngữ Việt Nam.
Thế Tải Trương Minh Ký viết rất nhiều sách từ dịch từ Hán, Nôm , Pháp qua Quốc Ngữ và tự điển, văn học, sưu tầm , làm thơ và cả viết tuồng.
Trương Minh Ký dịch thơ ngụ ngôn Lafontaine ra Quốc Ngữ trước Nguyễn Văn Vĩnh 34 năm.
“Con ve mùa hạ ngân nga
Sang đông không có đồ mà dưỡng thân
Than van với kiến ở gần
Xin giùm ít hột đỡ thân cơ hàn
Đến mùa bổn lợi lại hoàn
Lòng đâu có dám tính đàng sai ngoa”
– Khôi phục và trả lại đường Duy Tân (Phạm Ngọc Thạch).
Đường Duy Tân nằm ở ngay Hồ Con Rùa, sau lưng nhà thờ Đức Bà. Sau 1975 bị cắt hộ khẩu thẳng.
“Trả lại em yêu, khung trời Đại Học
Con đường Duy Tân cây dài bóng mát
Buổi chiều khuôn viên mây trời xanh ngát
Vết chân trên đường vẫn chưa phai nhạt“
Duy Tân là con đường của sinh viên Sài Gòn.
– Trả lại đường Nguyễn Hoàng (Trần Phú) vị chúa Nguyễn đầu tiên có công khai phá và phát triển Miền Nam.
– Trả lại đường Hiền Vương (Võ Thị Sáu).
Đại lộ Hiền Vương là một đại lộ nằm ở quận 3.
Hiền Vương Nguyễn Phước Tần là vị chúa Nguyễn giỏi khi còn thế tử ông đã đánh tan một một đội hải quân Hòa Lan.
Quân Nguyễn thời chúa Hiền nhiều lần vượt sông Gianh tiến ra đất Ðàng Ngoài. Năm 1656, sau hai năm tấn công ra Bắc, quân Nguyễn đã chiếm được 7 huyện của Nghệ An.
Năm 1653 chúa sai một cai cơ mang 3000 quân đánh Chàm chiếm vùng đất từ Nha Trang tới sông Dinh Phan Rang bắt vua Po Romé đóng củi áp giải về Phú Xuân.
Tức là lấy đất Kauthara lập dinh Thái Khang chia làm hai phủ Thái Khang và Diên Ninh.
Năm 1679 tướng Dương Ngạn Địch trốn nhà Thanh,đem 3000 quân cùng 50 tàu chiến sang nước ta làm dân xứ Việt được chúa Nguyễn Phước Tần cho định cư tại thôn Mỹ Chánh (Mỹ Tho). Nhớ đó đã tạo nền tảng lập ra một thành phố Mỹ Tho sầm uất bậc nhứt lúc đó có mỹ tự là ” Mỹ Tho đại phố”.
Trần Thượng Xuyên thì về Bàng Lân Biên Hòa.
Hiền Vương là vị chúa có công với Miền Nam.
– Trả lại đường Phan Thanh Giản (Điện Biên Phủ)
Lương Khê Phan Thanh Giản ( 1796 – 1867) là một nhân vật lịch sử mà người Lục Tỉnh nào cũng thương mến vì đức độ và tấm lòng của ông với quê hương.
Sau khi Pháp lấy thành Vĩnh Long ông tuyệt thực 17 ngày. Trước đó ông ngoáy về Huế lạy mấy lạy, thảo một tờ sớ gửi vua Tự Đức, gửi lại ấn tín, áo mão trả về Huế ,một lời tạ từ cuối cùng.
Tướng De la Grandière rất kính ông nên sai đem đồ ăn thức uống, thuốc bổ lại thuyết phục ông ăn uống lại, ông biểu đem về.
Rủi , nhịn ăn không chết, ông bèn uống thuốc phiện với dấm thanh.Ngày 4-8-1867 ông qua đời.
Đại lộ Phan Thanh Giản cắt nhau với hai đường nhỏ mang tên hai con trai quan Phan là Phan Liêm, Phân Tôn ở gần đó.
Đại lộ Phan Thanh Giản từ cái cầu cùng tên trổ ra cầu Sài Gòn là xa lộ.
Sau 1975 Phan Thanh Giản bị xóa tên đường và kết án triền miên, Điện Biên Phủ lên thay thế.
– Trả lại đường Petrus Ký (Lê Hồng Phong)
Pétrus Trương Vĩnh Ký (1837-1898) là một nhà ngôn ngữ, nhà giáo dục, nhà nghiên cứu văn hóa, một học giả tiêu biểu của Miền Nam.
Học giả Trương Vĩnh Ký là ông tổ truyền bá chữ Quốc Ngữ, là thầy dạy chữ Quốc Ngữ đầu tiên, viết sách đầu tiên, được coi là “ông tổ nghề báo Việt Nam.”
Đại lộ Pétrus Ký là một con lộ rất lớn kéo dài từ đại lộ Trần Quốc Toản (3 T2) tới đại lộ Trần Hưng Đạo , tức là kéo dài tới làng Chợ Quán là nơi có nhà mồ của học giả Petrus Ký.
“Chánh ý bày hay mong đổi tục
Đại bằng giữ trọn ít ai thường”
Đọc cuốn “Sài Gòn Năm Xưa” của học giả Vương Hồng Sển, ta sẽ thấy ông Sển khâm phục ba ông học giả xuất sắc là Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký và Huỳnh Tịnh Của, Vương Hồng Sển viết:
“Ba ông minh triết bảo thân, gần bùn chẳng nhuốm mùi bùn, không ham “đục nước béo cò” như ai, chỉ say đạo lý và học hỏi, sống đất Tào mà lòng giữ Hớn, thác không tiếng nhơ, thấy đó mà mừng thầm nước nhà những cơn ba đào sóng gió còn hiếm người xứng danh học trò cửa Khổng.
Nghĩ cho tay dao tay súng làm nên sự nghiệp như những nhà kia, nhưng khi nhắm mắt, sự nghiệp hoen ố lụn bại, sao bằng một ngòi bút, một nghiên mực, sự nghiệp văn chương trường cửu của ba ông tiền bối này mới thật quý và thơm”.
– Trả lại tên đường Yên Đỗ cho Nguyễn Khuyến.
Công trạng của Nguyễn Khuyến không bằng Lý Chính Thắng sao mà xóa tên đường cụ Tam Nguyên Yên Đỗ?
Sài Gòn có đường Yên Đỗ kéo dài từ ngã sáu Dân Chủ tới Hai Bà Trưng.
Đường Yên Đỗ xưa là một đường xe ngựa làng. Xưa đường này có bến tắm ngựa nằm dựa vô kinh Nhiêu Lộc phía trước đình Xuân Hòa , kéo dài từ ngã tư Yên Đỗ – Trương Minh Giảng đến ngã tư Yên Đỗ – Công Lý.
Trên đường có một cư xá tên là “cư xá Yên Đỗ”.
Pháp đặt tên là Champagne,VNCH đặt là Yên Đỗ.
Tam nguyên Yên Đỗ là ông Nguyễn Khuyến.
Cụ Tam Nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến (1835-1909) là dân Bắc chánh cống nhưng làm quan nhà Nguyễn tới án sát, bố chánh không biết có “thù” gì mà sau 1975 bị xóa đường Yên Đỗ thay bằng Lý Chính Thắng.
Tam Nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến là một vị quan hiền lành, thanh liêm,sống một cuộc đời đầy tiếng thơm dù thời cuộc vô cùng lộn xộn.
Sanh thời Nguyễn Khuyến có vô số giai thoại vui
– Trả lại đường Đoàn Thị Điểm
VNCH đặt tên đường Trương Công Định từ Lê Lai đi qua giữa vườn Tao Đàn tới Hồng Thập Tự là hết.
Ra khỏi vườn Tao Đàn bên kia là đường Đoàn Thị Điểm chạy thẳng ra bờ kinh Nhiêu Lộc , mé Nguyễn Du có cái đường song song là Đặng Trần Côn.
Đoàn Thị Điểm là nữ văn sĩ thời Lê Trung Hưng, hiệu Hồng Hà nữ sĩ là người xứ Kinh Bắc.
Đoàn Thị Điểm là nữ văn sĩ đã dịch “Chinh phụ ngâm” của Đặng Trần Côn từ Hán ra chữ Việt cực kỳ hay, góp phần trau chuốt câu chữ của bài thơ dài này.
“Trống Tràng thành lung lay bóng nguyệt
Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây
Chín tầng gươm báu trao tay
Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh“
Ai mà dè, sau 1975 không biết bà nữ sĩ kiếp trước có thù oán gì hậu sanh không mà bị xóa tên đường.
Chánh quyền nhập cả hai đường Trương Công Định và Đoàn Thị Điểm chung một tên là đường Trương Định.
Bà Đoàn Thị Điểm bị xóa tên đường, kéo dài Trương Công Định qua thế.
Lựu đạn nữa là xóa chữ Công của Quản Định, từ Trương Công Định thành Trương Định
Còn rất nhiều nhân vật nữa phải trả lại tên đường cho họ.
2/Cần trả lại tên đường Đỗ Thành Nhơn, Nguyễn Huỳnh Đức, Trương Tấn Bửu, Ngô Tùng Châu, Võ Di Nguy , Hồ Văn Ngà, T ạ Thu Thâu ….
3/ Đặt tên đường ở Sài Gòn và các đô thị Miền Nam phải đặt tên làng cũ, địa danh Nam Kỳ xưa từ thời mở đất
-Tại sao lại xóa đường Đồn Đất?
Sài Gòn thời Pháp có nhà thương của quân y (bịnh viện) Grall mà dân Sài Gòn kêu là nhà thương Đồn Đất.Con đường dẫn vào bịnh viện là đường Đồn Đất.
Đồn Đất là địa danh của khu này,dân Sài Gòn vẫn gọi đây là khu Đồn Đất.
Năm 1985, đường Alexandre De Rhodes trước dinh Độc Lập vì những lý do “dốt sử” nên bị xóa tên và đổi tên thành đường Thái Văn Lung.
Rồi tới năm 1995 sau 10 năm “học tập” biết sự vụ nên chánh quyền thành phố trả lại tên cũ Alexandre De Rhodes.
Chưa hết,đem Thái Văn Lung nhét qua đường Đồn Đất. Vậy là xóa tên địa danh trăm năm Đồn Đất.Cực kỳ nhanh gọn và quyết đoán.
Trong một ngày một địa danh yêu thương của Sài Gòn có hàng trăm năm đã thành dĩ vãng.
4/ Có nên đổi Ký Hòa thành Chí Hòa không?
Người Pháp phiên âm sai rất nhiều địa danh Việt , thí dụ Đất Hộ thành Đa Kao , rồi Thủ Dầu Một thành Fuo Yen Mot, Chí Hòa thành Ky Hoa rồi tha hồ đọc thành Kỳ Hòa hay Ký Hòa.
Thành phố Chợ Lớn đặt đường Ký Hòa cho khúc hông ĐH y khoa.
Thiệt ra không cần sửa. Tại vì ai chả biết Ký Hòa là Chí Hòa.Nhưng muốn sửa thì cũng là chánh đáng.
Lật lịch sử ra mà xét thì cần đổi tên nhiều đường lắm.
Miệt Chợ Rẫy xưa có đường Rue de Tong-Kéou nay là Thuận Kiều. Tong-Kéou dịch sát ra là 东口 Đông Khẩu.
Tuy nhiên trong lịch sử Việt Nam thì Tong-Kéou được người Pháp mặc nhiên ghi cho tên làng Thuận Kiều.
Trong cuốn”Lịch sử cuộc viễn chinh Nam Kỳ, năm 1861” Leópold Pallu có chép về vùng Thuận Kiều mà ông này ghi phiên âm ra là Tong-Kéou.
(Trích)
”Giữa Tong-kéou và thành Ky Hoa là một vùng đồng ruộng minh mông, thỉnh thoảng mới thấy vài khu vườn trồng thuốc lá.”
Mà làng Thuận Kiều xưa nằm ở khúc đường Lê Văn Duyệt, tức CMT 8 ngày nay chớ đâu phải ở miệt Chợ Rẫy. Vậy xét lý lịch phải đem Thuận Kiều về CMT8.
5/ Điều cuối cùng muốn nói
Là hãy tôn trọng và ưu tiên đặt tên đường người lập làng, dựng làng, giữ đất, tên danh nhân Miền Nam ở Sài Gòn và các đô thị Miền Nam.
Tình trạng đi đâu , từ thành phố, thị xã, thị trấn ở Miền Nam, có khi các đô thị sát nhau, cách nhau hai ba chục cây số mà cứ đụng Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Chu Văn An, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai…hơi bị ngán và khó chịu.
Bộ hết người hay sao?
Chúa Minh Vương Nguyễn Phước Chu năm 1708 dùng Mạc Cửu làm tổng binh trấn Hà Tiên ,đặt phủ Bình Thuận năm Ðinh Sửu (1697) gồm các đất Phan Rang, Phan Rí trở về Tây, chia làm hai huyện An Phúc và Hoà Ða , đặt phủ Gia Ðịnh: chia đất Ðông Phố, lấy xứ Ðồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên (tức Biên Hoà), lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng Phiên Trấn, lập xã Minh Hương…
Chúa Nguyễn Phước Chu xứng đáng được đặt tên ở các thành phố Miền Nam. Các chúa Nguyễn đều xứng đáng.
Cũng như Hà Tiên có đường Mạc Cửu và con cháu họ Mạc. Mỹ Tho giữ đường Võ Tánh, Lê Văn Duyệt, Phan Hiển Đạo, Thủ Khoa Huân.
Trà Ôn giữ đường Thống Chế Điều Bát, Đốc Phủ Chỉ, Đốc Phủ Yên là những người trực tiếp góp công, góp của gầy dựng Trà Ôn.
Người Miền Nam kêu lĩnh thành lãnh. Nên Sài Gòn có cầu Ông Lãnh, đường Lãnh Binh Thăng. Trảng Bàng có đường Lãnh Binh Tòng, Cần Giuộc có Lãnh Binh Thái.
Hãy tri ơn và trân trọng Thủ Khoa Huân, Nguyễn Trung Trực và cả Tôn Thọ Tường.
“Muôn việc cho hay số bởi Trời
Chiếc thân hồ hởi biết đâu nơi
Mấy hồi tên đạn ra tay thử
Ngàn dặm non sông dạo gót chơi
Chén rượu tiền đình nào luận tiệc
Vần thơ cố quốc chẳng ra lời
Cương thường bởi biết mang nên nặng
Kẻ đứng làm trai chắc nợ đời.”
(Thủ Khoa Huân)
Hãy trân trọng những người đã bỏ mình bảo vệ đất Miền Nam này.
“Nước mắt anh hùng lau chẳng ráo, thương vì hai chữ thiên dân
Cây hương nghĩa sĩ thắp nên thơm, cám bởi một câu vương thổ“
Hãy trân trọng Petrus Ký, Trương Minh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Diệp Văn Cương, Trần Chánh Chiếu…
Hãy trân trọng Rạch Miễu, Rạch Kiến, Rạch Gốc, Rạch Vẹm, Rạch Chiếc, Rạch Hào … Thắng Nhứt, Thắng Nhì, Thắng Tam…Tân Sơn Nhứt, Tân Sơn Nhì….Quơn Long, Bình Phục Nhứt, Long Kiểng, Kiểng Phước, Hựu Thành, Vĩnh Nguơn, Vĩnh Tế….Thiềng Đức…những cái tên của ông bà tổ tiên lưu dân Miền Nam đặt ra.
“Cất tiếng kêu cô mỹ nữ
Đứng giữ tảng đá ,chuông đồng
Lòng cô muốn đi tu phải thối của cho chồng
Ông thôn nhận mộc
Ông cả đứng thị thiềng
Bao nhiêu tiền của phải thối liền cho anh”
Thương lắm những cái tên thân thương như Bình Quới, Quới Hiệp, Tân Quới!
“Chợ nào nhiều rau bằng chợ Thầy Phó
Chợ nào đánh võ bằng chợ Nhà Đài
Chợ Tân Quới mua bán nhiều khoai
Chợ Mỹ Tho đem cả ghe chài đến mua“
Hãy trân trọng những ông tổng, ông làng, ông cả, ông bá hộ, bà cả đã có công lập làng,xây đường cho dân Miền Nam đi.
Tại Gò Công có Bá Hộ Mưu (Trương Văn Mưu) của làng Thành Phố xưa -tiền thân của thị xã Gò Công nay.
Được biết trước 1975 con đường phía trước nhà ông Bá Hộ được đặt tên là đường Hộ Mưu do khi xưa đây là ruộng, ông bá hộ Mưu đã cho đắp thành đường , cũng gần đó có một cái ao nước ngọt tên là ao Ông Hộ.Rồi sau 1975 đường Hộ Mưu bị đổi tên thành đường Nguyễn Văn Côn.
Tại Tân An có cái cầu Tổng Huẩn trên đường về Tân Trụ mà sau 1975 bị ghi sai là cầu Tổng Uẩn.
Trong cuốn”Tân An xưa “của Đào Văn Hội có chép về cây cầu này:
“Cách cầu xe lửa độ vài cây số hướng về Sài Gòn, con đường làng nho nhỏ Lộ Tổng Huẩn đưa du khách đến cầu Tổng Huẩn bắc trên Rạch Bà Rịa do ông Cai Tổng Huẩn lúc sanh tiền đắp con đường và bắc cây cầu ấy”.
Như vậy ghi tên cầu “Tổng Uẩn” là sai, chính xác phải là cầu “Tổng Huẩn” vì do cai tổng Huẩn lập ra mà có tên. Rồi Lộ Tổng Huẩn nữa.
Những tiền hiền lập làng, làm cầu, đắp lộ có công thì con cháu phải tri ơn.
Có những người lạ hoắc lạ huơ, chẳng biết ở đâu xổ ra, họ có công gì mà phải lấy tên họ đăt cho đường xá.
Lịch sử Sài Gòn đã có từ 300 năm trước chứ đâu phải chỉ có từ năm gần trổ lại đây.Đó mới là chuyện đáng nói.
Kết luận:
Những đô thị của Miền Nam ta xưa đều có dính líu với những ông tướng,ông quan của phe chúa Nguyễn Ánh. Cái công khai ấp định làng, giữ gìn , trị an và phát triển thì có tên đường là đương nhiên.
Tây Sơn tàn sát Miền Nam, phá tan nát còn có tên đường Nguyễn Huệ, Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu, Ngô Thời Nhiệm.
Vậy mà những người bảo vệ, trị an, gìn giữ, phát triển Sài Gòn, Miền Nam như Gia Long, Đỗ Thành Nhơn, Võ Tánh, Châu Văn Tiếp, Trương Tấn Bửu, Lê Văn Duyệt, Võ Di Nguy …. sao lại bị xóa tên đường giữa Sài Gòn? Các chúa Nguyễn như Hiền Vương có công phát triển Miền Nam, định hình Miền Nam sao bị xóa tên đường?
Con đường hàng ngày thân quen đã hằn ghi vào tâm trí bao thế hệ người Sài Gòn,phù hợp với lòng người.
“Đường chẳng riêng hai chúng mình.
Nên khi vắng anh đường đã thay tên, còn chăng kỷ niệm.
Lạnh đầy theo tiếng bước ưu tư đi tìm“.
Người Miền Nam ghi nhớ và ý thức dữ lắm. Họ tìm cách tiếp cận sự thực lịch sử Miền Nam vì bản thân họ không muốn là tội đồ kiểu mả cha không khóc mà đi khóc đống gì đó.
Chúng ta là trí thức thì nhìn sử, đọc sử cũng đòi hỏi một mức độ văn minh nhứt định đối với những nhân vật lịch sử.
Những nhân vật lịch sử đều phải được đối xử ở mức độ lịch sự,có văn hóa,đó cũng là tôn trọng người khác và tôn trọng chính người viết.
Bình luận về nhân vật lịch sử phải thông đạt chánh trị nhân tình,công bằng, nhìn sự thực
Và luôn biết đặt con người vào trong hoàn cảnh cá nhân cụ thể cùng với những mối tương tác nhân quả trùng trùng duyên khởi của các sự kiện chi phối bên ngoài. Từ đó có được quan điểm phóng khoáng khoan dung, biết hòa giải với quá khứ trong tinh thần cởi mở để hướng đến hiện tại và tương lai. Chứ không nên chỉ chuyên moi móc quá khứ với các kiểu thái độ đảng phái nhỏ nhen,thách thức vùng miền,cực đoan, phiến diện, căm thù. Nó chỉ gây thêm mầm mống chia rẽ trong lòng dân tộc, và vì thế cũng không thể đạt được sự hòa giải đích thực trong hiện tại được.
Xin hãy cố gắng tôn trọng văn hóa tối thiểu của Miền Nam. Đừng cố công thay đổi âm Miền Nam cho “chuẩn” nữa.
Tại Long An khu di tích, đền thờ Nguyễn Trung Trực ghi rành vành là “vàm Nhựt Tảo”, còn đó đình thần Nhựt Tảo nhưng sách báo sau 1975 lại ghi là “vàm Nhật Tảo”
Thành đô Sài Gòn trước 1975 có đường Nhựt Tảo, chợ Nhựt Tảo.VNCH có một chiến hạm tên là Nhựt Tảo. Sau 1975 sửa thành đường Nhật Tảo, chợ Nhật Tảo.
Đánh trống, đánh chiêng học lại lịch sử Sài Gòn.
Hình: Đại Lộ Võ Tánh ở Phú Nhuận, Gia Định. Nay là đường Hoàng Văn Thụ.
1 comment
Đặt lại tên đường cho những tên tội độ dân tộc à? Mơ đi. Đúng là tư duy nô lệ cũa 3 sọc là đây!