Hoàng Lan Mộc Châu
(VNTB) – “Tất cả các con vật đều bình đẳng, nhưng một số con vật bình đẳng hơn những con vật khác.”
Animal Farm, một trong những tác phẩm hay nhất của Orwell, châm biếm chống chủ nghĩa không tưởng, xuất bản năm 1945. Một truyện ngụ ngôn chính trị dựa trên các sự kiện của cuộc cách mạng Bolshevik ở Nga và sự phản bội. Cuốn sách liên quan đến một nhóm động vật trong trang trại lật đổ và đánh đuổi những người chủ bóc lột chúng và thiết lập một xã hội bình đẳng của riêng chúng. Cuối cùng, các nhà lãnh đạo thông minh và tham quyền lực, những con lợn, đã phá vỡ cuộc cách mạng, chúng lập nên chế độ độc tài thậm chí còn áp bức và nhẫn tâm hơn chế độ độc tài của chủ nhân cũ của chúng là con người (*)
Sau khi thành công trong cuộc cách mạng lật đổ con người, bọn súc vật chiếm trang trại và thành lập quốc gia Animal Farm, Trại Súc Vật. Chúng thiết lập một chế độ cho rằng dựa trên nền tảng độc lập, tự do, công bình và mong có hạnh phúc cho cả bọn.
Thủ lãnh cách mạng đọc tuyên ngôn độc lập sau khi cướp được chính quyền, trong đó có đoạn:
“…Hỡi các Đồng chí. Con người là sinh vật duy nhất tiêu thụ mà không sản xuất. chúng là bọn bóc lột. Không cho sữa, không đẻ trứng. Chúng quá yếu để kéo cày. Chúng không thể chạy đủ nhanh để bắt thỏ. Tuy nhiên, nó là chúa tể của tất cả các loài động vật. Chúng bắt bọn ta làm việc, trả cho ta mức lương tối thiểu để khỏi chết đói, và phần còn lại chúng giữ cho riêng mình. Hỡi những con bò mà tôi nhìn thấy trước mắt, các bạn đã cho bao nhiêu nghìn lít sữa trong năm ngoái? Và điều gì đã xảy ra với số sữa lẽ ra phải nuôi dưỡng những con bê khỏe mạnh? Mỗi giọt sữa đều có đã rơi vào cổ họng kẻ thù của chúng ta. Còn các bạn gà mái, các bạn đã đẻ bao nhiêu quả trứng trong năm vừa qua, và bao nhiêu trong số những quả trứng đó đã nở thành gà con? Những quả trứng còn lại đều đã được đem ra chợ bán để nhét đầy túi tiền cho Jones và người của hắn..”
Nhưng ngay đêm đọc truyện ngôn về bình đẳng đó, bọn súc vật trở vào trại và thấy rằng sữa, đáng lẽ phải được chia đều cho tất cả các con vật, đã bị lũ lãnh đạo lợn ăn cắp. Sữa được trộn vào thức ăn của lợn, những con lợn dối trá che dấu điều này với những con vật khác. Đây là trường hợp tham nhũng đầu tiên ngay sau đọc tuyên ngôn độc lập trong xã hội Trại Súc Vật, những con lợn được cho là đang lợi dụng vị trí đặc quyền của chúng, với tư cách là thủ lĩnh của cộng đồng động vật để ăn cắp.
Từ sau đó bọn lãnh đạo lợn kiểm soát nguồn cung cấp thức ăn của trang trại, chúng tích trữ táo và sữa cho giai cấp lãnh đạo. Bọ lãnh đạo cắt giảm phần ăn của các loài động vật khác, và buộc chúng phải lao động chăm chỉ hơn. Lao động là vinh quang!
Những con lợn biện minh cho hành động của chúng bằng cách tuyên bố rằng chúng cần sữa để duy trì sức khỏe và sức mạnh để có thể tiếp tục dẫn dắt đàn gia súc. Tuy nhiên, điều này rõ ràng là vi phạm các nguyên tắc của chủ nghĩa động vật, trong đó nêu rõ rằng tất cả loài vật đều bình đẳng và nên chia sẻ đồng đều lợi ích của trang trại.
Tham nhũng tạo tiền đề cho những xung đột giữa lợn và các loài vật khác. Chúng tự coi mình là giai cấp thống trị và dần dần sử dụng quyền lực của mình để làm giàu cho bản thân và kiểm soát loài khác. Chúng giành lấy ngày càng nhiều đặc quyền cho mình. Khi bọn lãnh đạo lợn bắt đầu thấy mình quan trọng và xứng đáng hơn những con vật khác chỉ vì chúng nắm giữ các vị trí quyền lực, chúng càng trở nên tha hóa, tồi tệ.
Bọn lãnh đạo lợn sử dụng bạo lực để duy trì quyền lực. Chúng tạo ra lực lượng cảnh sát bí mật, công an, cảnh sát, quân đội, dân phòng là những con chó hung ác để đe dọa và đàn áp bất kỳ sự chống đối nào. Chúng cũng ra lệnh xử tử bất kỳ con vật nào mà bị coi là mối đe dọa đối với quyền lực của chúng.
Tinh quái hơn, bọn lợn lãnh đạo sử dụng mạng lưới tuyên giáo, tuyên truyền để kiểm soát những suy nghĩ và hành động của các loài động vật khác. Chúng vận dụng các nguyên tắc của Chủ Nghĩa Động Vật để biện minh cho hành động của mình và sử dụng các khẩu hiệu như “Bốn chân tốt, hai chân xấu” để phân biệt các loài động vật khác theo giai cấp.
Những con lợn sử dụng tuyên truyền theo nhiều cách khác nhau, thay đổi các nguyên tắc của Animalism để phù hợp với lợi ích của chúng. Ví dụ, chúng thay đổi huấn lệnh của chúng “Mọi con vật đều bình đẳng” thành “Mọi con vật đều bình đẳng, nhưng một số con vật bình đẳng hơn những con vật khác”, điều này biện minh cho những đặc quyền và quyền lực ngày càng tăng của chúng.
Chúng dùng khẩu hiệu, những vần thơ con cóc, cũng như những câu vè để tẩy não, nhồi nhét các ý tưởng của chúng vào óc các con vật khác. Bằng cách lặp đi lặp lại những khẩu hiệu này, những con lợn có thể thao túng suy nghĩ và cảm xúc của động vật, tẩy não, kiểm soát những con vật khác và ngăn chúng đặt câu hỏi về thẩm quyền của lãnh đạo, hay quyền cá nhân, tập thể của quần chúng.
Chúng kiểm soát, tận dụng độc quyền phương tiện truyền thông, dùng tờ báo duy nhất của trang trại, tờ The Animal Farm Gazette, để tuyên truyền, biện minh cho hành động của mình và biến bất kỳ con vật nào chống lại chúng thành lực lượng thù địch, phản động, xét lại, chuyển hóa.
Những con lợn qua bọn tuyên giáo, tuyên truyền tạo ra sự sùng bái cá nhân xung quanh chúng. Chúng dựng nên thần tượng lãnh đạo, không lúc nào quên thêm vào các tính từ vĩ đại gắn liền với lãnh đạo. Chúng miêu tả lãnh đạo như vĩ nhân thế giới, cứu thế, giải phóng động vật, là những nhà lãnh đạo không thể sai lầm, bất khả tư nghì. Chúng sử dụng sự sùng bái cá nhân này để thao túng các loài động vật khác và ngăn cản quần chúng nghi vấn thẩm quyền của phe phái lãnh đạo.
Bọn lợn lãnh đạo làm bất cứ mọi điều trong đó có việc vận dụng luật và nguyên tắc của Chủ Nghĩa Súc Vật để phục vụ lợi ích của chúng. Chúng tạo ra luật, ra huấn lệnh nguyên tắc của Chủ Nghĩa, nhưng cũng có thể sửa luật, hay bóp méo huấn lệnh, luật cho phù hợp với quyền lợi của giai cấp.
Chủ Nghĩa Súc Vật là hệ tư tưởng mà những con vật trong trang trại sử dụng để biện minh cho cuộc nổi dậy của chúng, chống lại những kẻ áp bức con người. Bảy điều huấn lệnh của Chủ Nghĩa được viết trên tường chuồng và bao gồm các nguyên tắc như “Tất cả các loài động vật đều bình đẳng” và “Không con vật nào được giết con vật khác.”
Khi những con lợn có thêm quyền lực, chúng bắt đầu thay đổi các huấn lệnh cho phù hợp với nhu cầu của chúng. Ví dụ, chúng đã thay đổi điều “Không con vật nào được ngủ trên giường” thành “Không con vật nào được ngủ trên giường có khăn trải giường”, điều này cho phép lãnh đạo ngủ trên giường của ông chủ cũ. Tương tự như vậy, chúng đã thay đổi “Không con vật nào được uống rượu” thành “Không con vật nào được uống rượu quá mức”, điều này cho phép lãnh đạo được uống rượu “một cách điều độ”, theo ý chúng.
7 huấn lệnh của Chủ Nghĩa Súc Vật là:
1. Bất cứ giống gì đi bằng hai chân đều là kẻ thù.
2. Bất cứ thứ gì đi bằng bốn chân, hoặc có cánh đều là bạn.
3. Không con vật nào được mặc quần áo.
4. Không con vật nào được ngủ trên giường.
5. Không con vật nào được uống rượu.
6. Không con vật nào được giết con vật nào khác.
7. Tất cả các loài động vật đều bình đẳng.
Old Major, Bác Cả, chia sẻ niềm tin của mình rằng các loài động vật nên có quyền bình đẳng và chúng nên tự điều hành trang trại. Chúng không cần con người. Các huấn lệnh cũng đóng vai trò như các quy tắc của Trại Súc Vật, quy định những gì loài vật vật có thể và không thể làm. Loài vật không thể làm những gì vốn dĩ thuộc con người. Loài vật có thể sử dụng máy móc và các vật dụng khác cần thiết cho công việc, nhưng thứ gì không cần thiết hoặc xa xỉ, như quần áo, giường và rượu đều bị cấm.
Khi những con lợn trở thành bạo chúa, chúng bảo Squealer, trùm mật vụ, công an và tuyên giáo bí mật điều chỉnh các huấn lệnh trong đêm khi mọi người đã ngủ. Hầu hết bọn súc vật mù chữ, con nào đó biết đọc thì lại không để ý.
Bẩy huấn lệnh của Chủ Nghĩa Súc Vật được lũ lãnh đạo lợn viết lại nhiều lần mỗi khi chúng trở nên mạnh mẽ và tệ hại hơn. Các huấn lệnh được bọn tuyên giáo viết lại dưới sự soi rọi của lãnh đạo.
Chúng gộp huấn lệnh thứ nhất “Giống gì đi bằng hai chân đều là kẻ thù” và huấn lệnh số 2 “Bất cứ thứ gì đi bằng bốn chân, hoặc có cánh đều là bạn” thành một “Con vật nào đi bằng hai chân là kẻ thù. Con vật nào đi bằng bốn chân hoặc có cánh là bạn.”
Đây là một ví dụ rõ ràng về việc những con lợn viết lại các huấn lệnh cho phù hợp với sở thích của chúng. Bằng cách chơi chữ thêm “hoặc có cánh”, những con lợn tự tạo ra một ngoại lệ, vì chúng đã bắt đầu đi bằng hai chân. Đây là dấu hiệu ban đầu cho thấy ý thức về quyền lợi ngày càng tăng của lợn và sự sẵn sàng thay đổi các nguyên tắc của Chủ Nghĩa để biện minh cho hành động của chúng. Nó cũng cho thấy cách những con lợn sử dụng ngôn ngữ để điều khiển những con vật khác và duy trì quyền lực của chúng trong trang trại.
Huấn lệnh thứ ba “Không con vật nào được mặc quần áo.” viết lại thành “Không con vật nào được mặc quần áo trừ lợn.” Những con lợn biện minh cho sự thay đổi này, lập luận rằng chúng cần mặc quần áo để trông giống con người hơn, để dễ hòa nhập vào phần còn lại của thế giới. lôi cuốn con người và để phân biệt với các loài động vật khác. Bọn lợn cũng cho rằng việc mặc quần áo là dấu hiệu của khả năng lãnh đạo và địa vị của chúng với tư cách là những sinh vật siêu đẳng.
Điều huấn lệnh thứ tư “Không con vật nào được ngủ trên giường có khăn trải giường.” Những con lợn đã viết lại thành “Không con vật nào được ngủ trên giường có ga trải giường hoặc không có ga trải giường, có chăn hoặc không có chăn. Không con vật nào được ngủ trên giường, ngoại trừ lợn.” Những con lợn biện minh cho sự thay đổi này, lập luận rằng chúng cần ngủ trên giường để tinh thần và thể chất được nghỉ ngơi để có thể điều hành trang trại tốt hơn.
Huấn thị thứ năm “Không con vật nào được uống rượu.” Những con lợn đã viết lại “Không con vật nào được uống rượu quá mức”. Những con lợn sử dụng trí thông minh của mình để biện minh cho sự thay đổi này, lập luận rằng chúng cần uống rượu để duy trì sức khỏe và điều đó là cần thiết cho công việc của chúng. Chúng cũng tuyên bố rằng chúng có khả năng tự kiểm soát không uống rượu quá mức tốt hơn các con động vật khác.
Huấn lệnh thứ sáu “Không con vật nào được giết bất kỳ con vật nào khác.” Tuy nhiên, những con lợn đã viết lại thành “Không con vật nào được giết bất kỳ con vật nào khác mà không có lý do.” Những con lợn sử dụng trí thông minh, miệng lưỡi của tuyên giáo để biện minh cho sự thay đổi này, lập luận rằng đôi khi cần phải giết một con vật vì lợi ích lớn hơn của trang trại hoặc để tự vệ.
Huấn lệnh thứ bảy “Tất cả các loài động vật đều bình đẳng.” Bọn lợn lãnh đạo đã viết lại thành “Tất cả các con vật đều bình đẳng, nhưng một số con vật bình đẳng hơn những con vật khác.” Những con lợn biện minh cho sự thay đổi này, lập luận rằng chính chúng là những tinh hoa nhất trong đám súc vật và có năng lực nhất trong trang trại, Ngoài chúng không con vật nào xứng đáng được hưởng những đặc quyền và có tiếng nói lớn hơn trong việc quản lý trang trại.
Cuối cùng tất cả 6 huấn lệnh đều bị xóa, chỉ còn lại một huấn lệnh duy nhất.” Tất cả mọi con vật đều bình đẳng, nhưng có một số con vật bình đẳng hơn các con vật khác”
“ALL ANIMALS ARE EQUAL BUT SOME ANIMALS ARE MORE EQUAL THAN OTHERS.”
Sự thay đổi huấn lệnh cho thấy nổi bật rõ nhất về việc loài lợn vận dụng ngôn ngữ và các nguyên tắc của Chủ Nghĩa Súc Vật để phù hợp với lợi ích của chúng. Những con lợn biện minh cho những đặc quyền và quyền lực ngày càng tăng của chúng bằng cách tạo ra những ngoại lệ cho chúng và thay đổi các quy tắc khi chúng thấy phù hợp. Đây là một ví dụ rõ ràng về sự thối nát của bọn lãnh đạo lợn và sự sẵn sàng sử dụng trí thông minh, ưu thế kiểm soát của chúng với các phương tiện truyền thông, hỗ trợ bởi công an, cảnh sát, để duy trì quyền lực của chúng đối với các loài động vật khác. Nó cũng cho thấy cách ngôn ngữ có thể được sử dụng để thao túng và kiểm soát, cũng như cách những lý tưởng như bình đẳng có thể bị vặn vẹo và bóp méo để biện minh cho sự bất bình đẳng và bất công.
Nhưng trí thông minh xảo quyệt, ngôn ngữ đổi trắng thay đen tuyên giáo và bạo lực cách mạng cũng không thể duy trì được Chủ Nghĩa Súc Vật.
Bài 3: Biến tướng của Chủ Nghĩa Súc Vật.
_______________
Tham Khảo:
(*)https://www.britannica.com/topic/Animal-Farm