Việt Nam Thời Báo

VNTB – Trầm cảm khi học trực tuyến vì giãn cách kéo dài

Mai Lan

 

(VNTB) – Học trực tuyến kéo dài trong nhiều ngày còn khiến mắt trẻ bị khô, thị lực suy giảm do phải tiếp xúc thường xuyên với màn hình điện thoại, máy tính, cơ thể nhức mỏi…

 

Đáng ngại hơn, do dịch Covid-19 kéo dài, trẻ ở nhà quá lâu, thời gian này lại học trực tuyến chứ không được đến trường gặp thầy cô, bè bạn, không có sự giao tiếp với bên ngoài, không còn các hoạt động thể chất, tinh thần như trước. Điều đó dẫn đến trẻ mắc phải một số vấn đề về tâm lý khi hằng ngày tiếp xúc với màn hình điện thoại, máy tính quá nhiều.

Khó khăn kết nối xã hội

Ở góc độ tâm lý, tiến sĩ Lê Minh Công, chuyên ngành tâm lý học lâm sàng, giảng viên Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng trẻ em, nhất là lứa tuổi tiểu học, cần phải vận động và học tập thông qua các hoạt động trên lớp để có thể tiếp nhận kiến thức và kỹ năng một cách tốt nhất. Đồng thời, nhờ các hoạt động đó trẻ mới hình thành thái độ, cảm xúc, phát triển nhân cách.

“Chính vì thế, khi học trực tuyến dài ngày có thể dẫn tới nhiều khó khăn của trẻ như thay đổi thói quen sống và sau này khó thích ứng trở lại. Trẻ có thể gia tăng những cảm xúc tiêu cực do phải tiếp xúc với màn hình máy tính quá lâu, gia tăng sự khó khăn trong kết nối xã hội với thầy cô, bạn bè”, tiến sĩ Lê Minh Công cảnh báo.

Ghi nhận ở chương trình trực tuyến “Ứng phó với căng thẳng tâm lý trong bối cảnh giãn cách xã hội và tình trạng học trực tuyến kéo dài” do Hội sinh viên Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM tổ chức, thì chúng ta đang đối diện với một giai đoạn chưa từng có trong lịch sử.

Vì vậy, ở giai đoạn này, sinh viên hay bất cứ ai cũng gặp căng thẳng tâm lý vì những lý do: Thứ nhất, dịch bệnh kéo dài khiến sinh viên bị mất kết nối xã hội; nghiêm trọng hơn, nhiều bạn gặp sang chấn cường độ mạnh khi bị nhiễm Covid-19 hay gia đình có người mất.

Thứ hai, một số sinh viên có những vấn đề tâm lý tồn tại trước đó nhưng không có chiến lược giải quyết, dẫn đến tình trạng tổn thương cũ “chưa đi”, tổn thương mới “đã đến”.

Những điều đó đã gia tăng khủng hoảng trong các mối quan hệ, đặc biệt mối quan hệ gia đình và tình yêu. Đồng thời, nó gây ra hàng loạt vấn đề như trầm cảm lo âu, stress, rối loạn sức khỏe tâm thần, đánh giá thấp bản thân, tăng cảm giác cô đơn… hay gây mất ngủ và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Ngoài ra, căng thẳng tâm lý khiến con người có nhiều hành vi tiêu cực như nghiện mạng xã hội, nghiện game, lười vận động…

‘Vắc xin tinh thần’ cho người ‘trong vùng dịch’

Dưới giác độ y khoa, trầm cảm là rối loạn tâm lý gây ra tâm trạng buồn rầu, chán nản, mệt mỏi, uể oải, mất hứng thú kéo dài. Nếu tình trạng này lặp đi lặp lại trong một thời gian dài sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho người mắc như: suy giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ, các rối loạn tâm thần khác khiến người bệnh tìm cách tự tử.

Trầm cảm ở lứa tuổi học đường có thể đến từ các nguyên nhân như bị trầm cảm do áp lực từ cuộc sống, gia đình, xã hội khi dịch bệnh gây thương vong cho nhiều người thân, bè bạn, đưa đến đời sống kinh tế gia đình dần đi vào kiệt quệ khiến không ít trẻ em tuổi học đường không thể có đầy đủ thiết bị để theo học trực tuyến.

Lưu ý, đây còn là giai đoạn tâm sinh lý thay đổi gây trầm cảm. Ở lứa tuổi học đường là các em sẽ bước vào thời kỳ dậy thì, tâm sinh lý ở khoảng thời gian này đang thay đổi nên các em chưa có đủ khả năng nhận thức toàn diện về một vấn đề gặp phải. Các em dễ bị ảnh hưởng từ chính những suy nghĩ tiêu cực, ảnh hưởng đến cảm xúc và hành vi cá nhân. Trong trường hợp này nếu không được định hướng đúng thì những suy nghĩ và hành vi tiêu cực sẽ ám ảnh các em gây nên những hành động đáng tiếc.

Về nguyên nhân sinh học, đó là các chất dẫn truyền thần kinh đảm nhiệm chức năng dẫn truyền tín hiệu tới những thành phần khác của não bộ và cơ thể. Khi các chất dẫn truyền này bị biến đổi hoặc hư hại thì chức năng cảm thụ của hệ thần kinh cũng bị thay đổi dẫn đến bệnh trầm cảm.

Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 đối với người bệnh cũng như đối với cộng đồng là gây tâm lý lo lắng, sợ hãi rằng mình có thể bị mắc bệnh, khi mắc bệnh nặng có nguy cơ tử vong, nhất là ở những người cao tuổi, người có bệnh mạn tính… Những trẻ em đi cách ly, không được gần cha mẹ; những người trong gia đình mắc bệnh; sự kỳ thị của mọi người đối với những gia đình có người mắc; hay trường hợp những người bị mất mát người thân vì dịch bệnh … Đó là những chấn thương tâm lý rất nghiêm trọng.

Đối diện với những vết xước tinh thần

Ngoài ra còn có lo ngại là với việc bị ám ảnh những đau thương đang diễn ra xung quanh chòm xóm nơi các em đang ở, nó sẽ là nguyên nhân khiến về sau các em có thể bị trầm cảm. Những việc đau thương như bị ám ảnh dịch bệnh đe dọa, người thân qua đời vì dịch bệnh nhưng không thể có những tang lễ như tục lệ,… gây thay đổi trong não bộ, khiến các em ở lứa tuổi học đường dễ bị trầm cảm.

Các trường hợp sang chấn tâm lý do mất người thân trong dịch Covid-19 cần đến vài tuần lễ hoặc hằng tháng để có thể nguôi ngoai. Những người này – bao gồm cả trẻ em tuổi học đường, nếu không được trị liệu tâm lý sẽ dẫn đến trầm cảm. Trầm cảm nặng dễ dẫn đến nguy cơ tự tử.

Không phải đến lúc bị mắc kẹt trong đại dịch chúng ta mới nảy sinh những vấn đề về tâm lý. Nó vẫn luôn hiện diện ở đó, nhưng chúng ta có những tương tác vật lý với xã hội như đi làm, đi chơi, mua sắm, gặp gỡ mọi người để ‘ngó lơ’ nó đi.

Nhưng bây giờ, khi phải ở nhà, dịch bệnh tạo ra một điều kiện lý tưởng để các vấn đề tâm lý phát sinh ra ngoài. Với những người không có khả năng ở một mình, việc phải ở nhà quá lâu khiến họ bị căng thẳng, dằn vặt bản thân và dẫn đến khủng hoảng.

Người lớn khi gặp phải những vết xước tinh thần như vậy sẽ dễ khiến các đứa trẻ trong gia đình bị trầm cảm khi ngày nào cũng buộc phải đối mặt với bức xạ điện từ của màn hình máy tính, hay chiếc điện thoại cho công việc gọi là ‘học online’.

Và không ít tuổi trẻ học đường thêm stress khi học trực tuyến, bởi bên cạnh tìm động lực học tập, còn là loay hoay của nỗi lo tài chính, của cách thức nào giúp phụ huynh không phải lo lắng thái quá…


Tin bài liên quan:

VNTB – Kém hơn dân, nên từ chức

Phan Thanh Hung

VNTB – Cựu đại sứ Phạm Sanh Châu sẽ rời chính trường để làm doanh nhân

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Cần xem xét trách nhiệm của Bí thư Đảng ủy Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hải Phòng

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.