VNTB- Trăm điều gian nan để chọn bạn bè

Lữ Hành Gia


(VNTB) – Trong dư luận xã hội Việt Nam thì những lời bàn luận về “thoát Trung” và xuất hiện một cách rất sôi động từ chính thống đến phi chính thống (nhất là từ sau vụ giàn khoan HD-981). Mà muốn thoát Trung thì tất nhiên là phải tiến đến gần gũi hơn với các mối quan hệ khác mà tất nhiên trong đó là có Hoa Kỳ.

Lợi ích gắn liền với “bạn hay không bạn”

Những sự kiện liên quan đến chủ quyền của nước ta đã tạo nên khối dư luận trong xã hội, những ai quan tâm đến chủ đề đại quan trọng này thì không thể không cảm thấy đứng ngồi không yên với tình hình hiện nay, nhất là vấn đề biển Đông có thể nói là luôn khiến mọi người như phải ngồi trên cái lò sưởi.
Tựu chung lại thì người dân chúng ta vẫn tỏ ý chí và thái độ kiên quyết nhất đó là phẫn nộ với hành vi của nhà cầm quyền Trung Quốc âm mưu muốn chiếm đoạt biển đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam,chúng ta đã kiên nhẫn sử dụng các kênh quốc tế để giải quyết nhưng quả thật từ trước đến nay tình hình chưa bao giờ được ổn thỏa, biển Đông luôn dậy sóng, hết giàn khoan 981 cho đến những vụ “tàu lạ” xảy ra không ít với các tàu thuyền đánh cá của ta ,tuy gọi là “tàu lạ” nhưng hành vi thì vẫn rất quen thuộc đủ để biết những “tàu lạ” đó là từ phía nào ,rồi còn xây cất đảo nhân tạo trái phép ở Trường Sa …… và không chỉ với Việt Nam mà Trung Quốc còn có mối “ân oán” với các quốc gia khác trong khu vực về vấn đề chủ quyền biển đảo, thật không còn gì có thể tả được sự ngang ngược của người láng giềng phía Bắc, thực tế ngay từ năm 1956 Trung Quốc đã có sự xâm chiếm ở phía Đông quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, lúc đó dưới sự quản lý của chính quyền VNCH.
Tình thế này đặt ra cho Việt Nam hay các quốc gia có liên quan đến vấn đề chủ quyền biển đảo nan giải, tuy chúng ta vừa phải đối phó bằng cách quốc tế hóa vấn đề này bằng các phương án quốc tế, dựa trên luật phát quốc tế, Công ước về biển mà các quốc gia trong đó có Trung Quốc đã tham gia và ký kết nhưng thực chất cốt lõi trong quá trình đấu tranh với Trung Quốc về biển đảo vẫn phải nhấn mạnh, đặt trọng tâm hết sức đó chính là sự song phương, tức là dù là kết hợp sức mạnh quốc tế để tăng cường sức mạnh và cái trọng yếu nhất vẫn là nhằm để phục vụ cho việc song phương giữa chúng ta với Trung Quốc trong bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Việt Nam đã đi dần vào các chuỗi quan hệ lớn với các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là đối với Hoa Kỳ vào năm 1995 như một bước ngoặt lớn, bởi vì Hoa Kỳ vẫn đóng một vai trò rất quan trọng trong vấn đề quan hệ quốc tế của thế giới với tiềm lực kinh tế -chính tri-quân sự của họ vậy nên việc chúng ta bình thường hóa và thiết lập quan hệ hữu hảo với Hoa Kỳ thì về cơ bản là phá được cái phong ấn lớn nhất để có điều kiện được thông dự vào các mối quan hệ ngoại giao khác theo chiều rộng lẫn chiều sâu và những mối quan hệ đó tác động tích cực đến nước ta về nhiều mặt đặc biệt là tạo ra những động lực để chúng ta có cơ hội thay đổi phát triển, cải cách, đổi mới về nhiều mặt kinh tế xã hội,tức là về mặt đối nội và với tình hình hiện nay thì hơn bao giờ hết những mối quan hệ đó giúp cho chúng ta có thể tranh thủ được sức mạnh lớn từ ngoại lực để phục vụ cho việc đối phó với ông hàng xòm hung hăng từ phía Bắc và xin nhấn mạnh một lần nữa rằng dù sao đi nữa, dù muốn hay không thì không thể phủ nhận Hoa Kỳ vẫn sẽ có một vai trò trong việc này.
Thiết nghĩ rằng trong các quan hệ ngoại giao ngoài những cụm từ mà Việt Nam hay sử dụng đó là hòa bình hữu nghị hợp tác phát triển, tôn trọng bình đẳng lẫn nhau là mang tính nguyên tắc đối với ngoại giao nhưng ai cũng biết rằng cái cốt yếu đằng sau đó vẫn là nhằm vào chữ “lợi ích” của các quốc gia với nhau.
Về cái lợi ích giữa các quốc gia thì câu nói nổi tiếng của thủ tướng Anh Winston Churchil có lẽ không cần phải nhắc lại, những lợi ích mới quyết định đến việc trong từng giai đoạn trong quan hệ quốc tế thì ai là bạn, ai không là bạn và giờ đây cái quan trọng là chúng ta cần phải biết phân biệt là giờ đây ai là người đã xâm phạm nghiêm trọng đến lợi ích của ta và ai là về cơ bản là có khả năng bảo đảm lợi ích của ta và họ một cách nghiêm túc và vẫn dựa trên cơ sở nguyên tắc là bình đẳng hữu nghị hợp tác phát triển, đó là những ngôn ngữ mà ngành ngoại giao Việt Nam vẫn hay sử dụng và bây giờ hãy đối chiếu để xem rằng Trung Quốc đã làm gì với chúng ta mà vẫn dựa trên cơ sở lợi ích và kể cả là từ khía cạnh bình đẳng hữu nghị, hợp tác phát triển, tôn trọng lẫn nhau để xem Trung Quốc có khả năng đạt được những yêu cầu này không :
-Trung Quốc xâm phạm đến chủ quyền biển đảo của chúng ta thì coi như là đã xâm phạm đến lợi ích cốt lõi và sự thiêng liêng lãnh hải của ta, vậy là quan điểm về lợi ích đã ngả ngũ, lợi ích cốt lõi nhất của chúng ta rõ ràng đã bị phương hại.
-Xâm phạm một cách hung hăng, ngang nhiên, trắng trợn và còn kèm theo sử dụng vũ lực, các tàu ngư dân của chúng ta ở các tỉnh miền Trung nhiều lần bị “tàu lạ” gây hấn, vậy sao có thể coi đó là hành động của một quốc gia mà muốn cùng ta hòa bình hữu nghị lâu dài.
-Ra sức lấn chiếm như thế sao gọi là tôn trọng lẫn nhau, lại còn ngang nhiên xây cất đảo trái phép, âm mưu ngang ngược lấn chiếm biển đảo thế thì sao gọi là có thiện ý hợp tác cùng phát triển, chưa kể còn ngang nhiên đề ra cái gọi là đường lưỡi bò, vùng cấm bay trên biển Đông….
-Có thể nói rằng mức độ gây hấn của Trung Quốc vào lãnh hải của Việt Nam ngày càng có sự leo thang, chứng tỏ một thái độ muốn gặm nhấm dần dần chủ quyền của nước khác, theo lộ trình từ biển đảo vào đất liền lục địa. Thật là nguy hiểm !
Hơn nữa có thể nói rằng từ xưa đến nay, mối quan hệ giữa Việt Nam – Trung Quốc luôn trong tình trạng khi thì hòa hoãn khi thì binh đao mà thật ra hòa hoãn cũng là để chuẩn bị sẵn sàng cho binh đao, tức là luôn phải trong tình trạng cảnh giác, đề phòng cao độ tuy vẻ ngoài thì là có vẻ là hòa hoãn, giới ngoại giao của chúng ta cũng rất vất vả khi phải đối mặt với tham vọng (mà đỉnh điểm chính là tham vọng xâm lược) của Trung Quốc ngay từ thời phong kiến và cho đến ngày nay thì ta đang phải đối phó với một Trung Quốc bất chấp cả dư luận quốc tế, những tuyên bố về cái gọi là“trỗi dậy trong hòa bình” của Trung Quốc đó là những từ ngữ đầy mâu thuẫn với hành động của họ, che giấu ý đồ muốn làm hùng bá với các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam chúng ta.

Tinh thần đoàn kết đã đi vào dĩ vãng

Hơn nữa xin có khẳng định luôn rằng có lẽ chúng ta nên quên đi những quan điểm mà từng nghe nói rằng “bạn giữ cũng như ta giữ…..”mà trong một bài báo gần đây trên phương tiện thông tin phi chính thống có nêu, không rõ là câu này đến từ ai và cũng không rõ là câu này có còn dính líu gì đến lập trường của tinh thần đoàn kết quốc tế của giai cấp vô sản Marxist và sau này là cũng là khẩu hiệu của các quốc gia XHCN xưa kia hay không, xin không dám phỏng đoán bừa bãi nhưng nhân đây cũng xin nói thêm một chút đó là chẳng còn tồn tại quan hệ nào lớn lao về cái tinh thần đoàn kết quốc tế giai cấp đó nữa mà trên hiện nay thực tế bây giờ chỉ còn tồn tại chủ yếu là quan hệ giữa lợi ích của dân tộc này với dân tộc khác mà thôi mà chúng chiếm xu thế lớn và tất nhiên là con nhiều khía cạnh khác nữa chứ vấn đề giai cấp chẳng còn là vấn đề lớn trong quan hệ quốc tế ngày hôm nay như thời kỳ Xô viết xưa kia nữa, vì thế chẳng còn là bạn hay ta trong giai cấp nữa mà có khi có thể là bạn ma cũng có thể là thù trong nay mai vì lợi ích dân tộc, chẳng quốc gia nào mà có thể tuyên bố “giữ hộ” lãnh thổ của nước khác vì tình thân ái đoàn kết giai cấp vô sản với nhau.
Nói thêm nữa rằng trong lịch sử quan hệ quốc tế giữa các quốc gia XHCN nói riêng và thế giới nói chung thì chưa bao giờ cái tinh thần đoàn kết đứng trên quan điểm tương trợ giai cấp với nhau trở nên thành công cả, Quốc tế III Cộng sản gần như nhân danh là một tổ chức có tính quốc tế(trên thực tế là có ảnh hưởng rất lớn của Liên Xô tại đó) của các phong trào Marxist và áp đặt đường lối của họ vào các quốc gia khác mà không lưu tâm đến tình hình cụ thể của các quốc gia đó, chưa kể Liên Xô dưới thời Stalin cũng là quốc gia muốn thể hiện mình là anh cả uy quyền, là quốc gia đi đầu trong khối XHCN với sức mạnh quân sự, kinh tế và ý thức hệ, gây ra một số sự căng thẳng trong quan hệ của các quốc gia XHCN như với Nam Tư thời Tito nắm quyền và sau này dưới thời Tổng bí thư Khrushchev thì có bùng nổ lên căng thẳng Trung- Xô và giữa Việt Nam- Trung Quốc cũng đã từng có chiến tranh biên giới phía Bắc vào năm 1979……
Như vậy cũng đủ hiểu rằng trong nội bộ các quốc gia XHCN luôn luôn có mâu thuẫn, tuy chủ trương là bác ái, đoàn kết thế giới đại đồng, vô sản liên hiệp đấu tranh nhưng chưa bao giờ hoàn toàn làm được việc này mà trên thực tế là đã có những mâu thuẫn mà chúng khiến dẫn đến đụng độ vũ trang, thậm chí chiến tranh trong nội bộ khối XHCN, chắc ai cũng biết rằng vào năm 1972 thì Trung Quốc đã bắt tay với Mỹ, một quốc gia thuộc cực đối lập để nhằm có tương quan thực lực ngoại giao để đối phó với Liên Xô, sự kiện này làm tôn lên một điều rằng quan hệ quốc tế từ nay đã có thể vứt bỏ sự đoàn kết giai cấp quốc tế giai cấp vô sản từng được kêu gọi ra rả trong quá khứ xa xưa mà hướng đến tính thực dụng lợi ích dân tộc.
Ví như Việt Nam đã có những cuộc chiến tranh với Trung Quốc từ xưa cho đến ngày này, đó là những cuộc chiến mang tính chất lợi ích thuộc về dân tộc, Trung Quốc tấn công chúng ta bởi vì tham vọng mưu đồ bá quyền cho dân tộc Đại Hán của họ và chúng ta phải bảo vệ lãnh thổ của chúng ta đó là vì lợi ích của dân tộc Việt Nam trước sự ngang ngược, âm mưu đen tối của Trung Quốc.

Lời kết

Như đã nêu ở trên rằng chúng ta nên biết rằng ai là người đã xâm phạm lợi ích của ta và ai là người khả dĩ có thể cùng hợp tác bảo đảm lợi ích cho ta và họ. Vậy thì thiết nghĩ Hoa Kỳ là một cường quốc về cơ bản có thể bảo đảm được sự cân bằng với sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc mà như chúng ta đã thấy rằng đã làm cho các quốc gia trong khu vực không thể ngồi yên khi Trung Quốc có những hành động xâm phạm đến chủ quyền biển đảo, lãnh hải tại biển Đông, vậy nên việc hợp tác liên kết với một quốc gia như Hoa Kỳ, xích lại gần hơn với họ là một điều hết sức bình thường.
Việc chọn ra bạn bè để gần gũi trong mối quan hệ lợi ích cốt lõi là sự thể vô cùng quan trọng, thử hỏi nếu chẳng thể biết được ai là người đang có tiềm năng hợp tác với ta vì lợi ích cốt lõi và ai đang xâm phạm lợi ích cốt lõi của ta thì rốt cuộc chúng ta cũng chẳng thể có định hướng rõ ràng cho việc thiết lập quan hệ ngoại giao và nếu như thiết lập quan hệ ngoại giao mà chẳng  bao gồm những điều trên thì đó là sự mù quáng, nhất là trong việc bảo vệ chủ quyền thì cách hành xử của Trung Quốc đối với lợi ích cốt lõi của Việt Nam là đã thấy quá rõ âm mưu của họ và thật sự dù có như thế nào đi nữa thì Việt Nam và Trung Quốc vẫn gần nhau, ta luôn luôn phải kề sát ông hàng xóm to lớn này nhưng cũng vì thế mà đòi hỏi chúng ta càng phải lựa chọn một lập trường rõ ràng trong quan hệ quốc tế, thật sự là rất cần thiết đối với tình hình hiện nay để đối phó với sự trỗi dậy hung hăng của Trung Quốc
Cuối cùng là quan hệ với Hoa Kỳ phải chăng nên được xem là một sự lựa chọn phù hợp cho chúng ta, dù sao đi nữa cũng đều là nhằm bảo đảm lợi ích của Việt Nam nói riêng và các quốc gia khác nói chung về mọi mặt dưới sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc, bởi lẽ có thể thấy rằng không có một quốc gia nào bị đe dọa về chủ quyền mà không chọn cho mình một lập trường rõ ràng về ngoại giao, nhất là đối với cường quốc, ví như Nhật Bản từ lâu đã chọn Hoa Kỳ là một đồng minh của họ trong việc đối phó với Trung Quốc trên biển đảo và Phillipine sau những vụ đụng độ với Trung Quốc cũng đã tỏ rõ thái độ với Trung Quốc mặc dù trong quá khứ hai quốc gia này từng có quan hệ gần gũi và điều này cũng tức là Phillipine đã chọn cho mình lập trường rõ ràng trong quan hệ ngoại giao với các quốc gia khác và Hoa Kỳ đóng vai trò quan trọng trong việc này và tất nhiên những quốc gia này không phải vô cớ mà họ buộc phải chọn cho mình những sự hậu thuẫn về mặt ngoại giao mà chẳng qua đó là do tình hình bắt buộc họ phải làm thế, nhất là trong thời đại toàn cầu hóa thì các quốc gia có thể tự do lựa chọn những mối quan hệ mà chúng có thể bảo đảm lợi ích cho quốc gia của họ.
Trong dư luận xã hội Việt Nam thì những lời bàn luận về “thoát Trung” và xuất hiện một cách rất sôi động từ chính thống đến phi chính thống (nhất là từ sau vụ giàn khoan HD-981). Mà muốn thoát Trung thì tất nhiên là phải tiến đến gần gũi hơn với các mối quan hệ khác mà tất nhiên trong đó là có Hoa Kỳ. Thiết nghĩ rằng chúng ta có thể lựa chọn quan hệ ngoại giao thắt chặt hơn nữa với Hoa Kỳ và trong tình thế cấp bách hiện nay thì luôn luôn phải suy nghĩ và để ngỏ một khả năng để thiết lập một mối quan hệ đồng minh với Hoa Kỳ và điều này là tất cả chỉ vì lợi ích quốc gia dân tộc mà thôi, nếu có thể thì những hiệp định về bảo đảm an ninh tự do hàng hải, hợp tác song phương về quân sự hoặc thậm chí là thiết lập một liên minh trong tương lai có thể phải được tính đến trong quan hệ đối với Hoa Kỳ, tất cả đều trong khả năng phải thực hiện.
Vai trò của nội lực cũng nên là nhân tố tích cực. Hãy cố gắng thúc đẩy mọi sự việc diễn ra theo chiều hướng có lợi, đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, những người trí thức, các chuyên gia, nhân sĩ phải góp sức lực của mình cho những vấn đề quan trọng này, đặc biệt nhấn mạnh đến sự trao đổi bàn luận lẫn nhau về thông tin,tình hình diễn biến trước những sự kiện lớn trên thế giới và trong nước và ảnh hưởng của các tổ chức công dân, xã hội dân sự lên mặt nhận thức của xã hội về các vấn đề trọng đại của quốc gia là rất quan trọng, mặc dù gần đây họ đã bị gây khó khăn. Có thể thấy rằng những tác động của xã hội dân sự đối với những vấn đề quan trọng lúc này là chỉ có thể tranh thủ vào các sự kiện ngoại giao quan trọng để chuyển tải những nguyện vọng trong nước đến quốc tế, góp phần về mặt ngoại giao có lợi cho đất nước và sắp đến đây là sẽ có những chuyến đi của tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đi công du đến các quốc gia, hy vọng các tổ chức dân sự có thể góp phần sức lực của mình đối với sự kiện ngoại giao lớn lao này.


* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)