Việt Nam Thời Báo

VNTB – Trảm tướng tất niên

Trầm Lam

(VNTB) – Ban chấp hành Trung ương Đảng đã hợp thức hoá tin đồn về hai Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam 

 

Ngày 30/12/2022 tại Hội nghị Trung ương phiên bất thường, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã hợp thức hoá tin đồn từ một văn bản được cho là rò rỉ về tin hai Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam sẽ bị cho về vườn làm người tử tế. Một lần nữa là xác thực, lời đồn về chính trường ở Việt Nam luôn là sự thật.

Việc cho thôi chức Uỷ viên Trung ương Đảng của cả hai ông và đưa ông Phạm Bình Binh ra khỏi bộ Chính trị đã khiến cho sự nghiệp chính trị của hai ông bị khép lại. Chỉ với virus Corona mà đã khiến cho hai ông Phó Thủ tướng phải thân bại danh liệt, không đường chống đỡ.

Ông Vũ Đức Đam, trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID trong năm 2021 đã có những chính sách sai lầm khiến cho hàng chục ngàn người tại Sài Gòn phải oan ức tử nạn, hàng triệu người lâm vào cảnh thiếu đói vì phong toả khốc liệt. Hàng chục vạn người phải kéo nhau bỏ về quê chỉ vì không còn trụ nổi ở những thành phố lớn.

Chỉ vì mối lợi từ những que xét nghiệm COVID cộng với chính sách zero COVID mà người người nhà nhà bị ép làm xét nghiệm liên tục. Tự nhận là sản xuất que xét nghiệm để tự kích động lòng tự hào dân tộc, nhưng lại che đậy cho những âm mưu mua đi bán lại kiếm lời.

Vụ Việt Á được đưa đưa ra làm án điểm, xử trảm hàng loạt quan chức của cả CDC từ bắc chí nam, kéo theo cả nhiều quan chức đảng cấp cao khác, trong đó có cựu Bộ Trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thành Long, Chủ tịch TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh,… Tuy nhiên người thực sự đứng sau để chống lưng cho Việt Á là ai cho đến nay vẫn chưa lộ diện. Chỉ biết, đến lúc này, ông Vũ Đức Đam phải đứng ra chịu trận.

Ông Phạm Bình Minh xuất thân thừ ngoại giao, trước giờ vẫn được cho là khôn khéo nhưng cuối cùng lại ngã ngựa vì lính dưới tay làm càn qua những chuyến bay giải cứu. Chưa bao giờ lại thấy Bộ Chính trị lại quyết liệt “xử đẹp” người của Bộ Ngoại giao đến như thế. Việc làm tại những sứ quán luôn là chỗ ưu tiên cho con cháu của các sếp, hay người có quan hệ tốt mới có thể chen chân vào được. Nói cách khác người thường, người thiếu tiền không thể tranh đua. Những u nhọt của các sứ quán đã tồn tại rất lâu – hống hách, hạch sạch, làm tiền người dân trắng trợn, thậm chí cả buôn lậu – mà người dân hàng bao năm nay kêu la cho đến nay vẫn chỉ được giải quyết bằng lời hứa.

Những chuyến bay giải cứu được cho là kiếm lời mỗi chuyến được vài tỷ đồng trong vài tháng Việt Nam chống dịch cực đoan. Hơn 2.000 chuyến bay được truyền thông nhà nước và báo chí lề đảng tung hô bằng những mĩ từ kêu vang đôm đốp cuối cùng lại là những chuyến bay với giá cắt cổ, ăn trên xương máu đồng bào.

Thứ trưởng Bộ ngoại giao, những người đứng đầu cục lãnh sự, ngay cả thư ký của Phạm Bình Minh cũng không thoát được. 2.000 chuyến bay giải cứu tai tiếng khiến cho người của 37 bộ ngành bị khởi tố. Tất cả các gọng kìm này có thể không khó mà đoán được là sẽ được hướng tới đâu.

Nếu không có bị đưa ra khỏi Bộ Chính trị, ông Phạm Bình Minh có khả năng lớn sẽ trở thành một Chủ tịch nước vững vàng trong đối ngoại, có thể thực hiện nhiệm vụ Chủ tịch nước tốt hơn những chủ tịch nước trước đây chỉ đóng vai trò trang trí. Nhưng giờ đây đã là đại bàng gãy cánh.

Ông Vũ Đức Đam từng nổi danh trong những ngày đầu chống dịch tại miền Bắc đã mất hết điểm trong con mắt của người miền Nam. Những ngày tháng cuối năm ông Đam cố vùng vẫy với những câu nói có vẻ như muốn tạo ra dấu ấn riêng nhưng làm cho người nghe lại thấy buồn cười.

Ông Phạm Bình Minh, ông Vũ Đức Đam đã phải trả giá cho những sai phạm của cấp dưới.

Còn cấp trên của ông Minh, ông Đam, mà cụ thể là ông Nguyễn Phú Trọng cùng Ban Chấp hành Trung ương Đảng  khi nào sẽ phải trả giá cho sai phạm của cấp dưới của mình? Hay là các ông ở trên đó rồi thì lại có kim bài miễn trảm?

 

 

[ads_color_box color_background=”#f7eded” color_text=”#444″]

Zing news

Ngày 30/12, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đã họp phiên bất thường để xem xét và cho ý kiến về công tác cán bộ.

Tại đây, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã biểu quyết, thống nhất để ông Phạm Bình Minh thôi giữ chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII; ông Vũ Đức Đam thôi giữ chức vụ Ủy viên Trung ương Đảng khoá XIII.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng cho ý kiến về 2 nhân sự để Bộ Chính trị quyết định giới thiệu Quốc hội khoá XV phê chuẩn chức danh Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021 – 2026 theo quy định.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định thi hành kỷ luật Khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Trần Đình Thành, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ, nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai.

Ông Phạm Bình Minh sinh năm 1959, quê ở Nam Định. Ông là “con nhà nòi” và theo đuổi nghiệp ngoại giao từ khi là sinh viên với lựa chọn vào Trường Đại học Ngoại giao tại Hà Nội vào năm 1976.

Ông từng trải qua nhiều vị trí và nắm giữ nhiều cương vị khác nhau tại Bộ Ngoại giao. Sau một thời gian làm trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, ông lần lượt trở thành Thứ trưởng, Thứ trưởng Thường trực rồi Bộ trưởng Ngoại giao (2011).

Đến 2013, ông giữ chức Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, ông được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu vào Bộ Chính trị.

Sau hơn một nhiệm kỳ, đến năm 2021, ông Minh không còn giữ vai trò kiêm nhiệm mà chỉ đảm nhận trọng trách Phó thủ tướng. Đến 9/2021, ông được phân công làm nhiệm vụ Phó thủ tướng Thường trực.

Trong thời gian giữ cương vị Phó thủ tướng thường trực, ông Minh được phân công theo dõi và chỉ đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Ủy ban Dân tộc, Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Chính sách xã hội.

Ông thay mặt Thủ tướng trực tiếp theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực như công tác xây dựng thể chế, cải cách tư pháp; ngoại giao và quan hệ đối ngoại; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; phòng, chống tội phạm; phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại; đặc xá….

Ông Vũ Đức Đam sinh năm 1963, quê ở Hải Dương. Ông bắt đầu từ nghiệp từ vị trí kỹ sư thuộc Tổng cục Bưu điện. Sau khoảng 6 năm công tác tại đây với nhiều vị trí khác nhau, ông Đam trở thành Phó vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế, Văn phòng Chính phủ vào năm 1994, sau đó giữ chức Vụ trưởng Vụ ASEAN.

Sau 7 năm làm thư ký rồi trợ lý cho cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông trở về địa phương làm Phó chủ tịch tỉnh Bắc Ninh rồi Chủ tịch, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh.

Đến năm 2011, ông quay trở về Văn phòng Chính phủ và nắm giữ cương vị Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, sau đó ông trở thành Phó thủ tướng hai năm sau đó.

Đến cuối năm 2019, ông kiêm thêm nhiệm vụ Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ Y tế, được giao điều hành công việc thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Y tế.

Từ 2020 đến nay, ông thôi kiêm thêm nhiệm vụ ở Bộ Y tế và chỉ đảm nhận trọng trách Phó thủ tướng.

Khi giữ cương vị Phó thủ tướng, ông Đam được giao theo dõi và chỉ đạo: Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Y tế; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Đại học Quốc gia Hà Nội; Đại học Quốc gia TP.HCM.

Ông được phân công thay mặt Thủ tướng trực tiếp theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực: Giáo dục, đào tạo và dạy nghề; khoa học và công nghệ; lao động, việc làm và các vấn đế xã hội; thông tin và truyền thông; văn hóa; du lịch; thể dục, thể thao; y tế, dân số, gia đình và trẻ em.

 

[/ads_color_box]


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Thanh trừng tham nhũng sẽ ảnh hưởng gì đến chính sách đối ngoại của Việt Nam?

Do Van Tien

VNTB – Chưa cho phép ‘dừng tự chủ’

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – “Điểm rơi phong độ” của ngoại giao Việt Nam?

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo