Trần Dzạ Dzũng
(VNTB) – Giả dụ, căn cứ vào Điều 4.3, Hiến pháp 2013 để ai đó kiện ông tổng bí thư đảng nhiệm kỳ thứ 13 ở Việt Nam, thì liệu có đủ sức gây chú ý như nước Mỹ hiện tại?
“Điều 4.3: Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.
Trận chiến pháp lý mà ông Trump khởi xướng, với đối thủ của ông là liên minh có nguồn lực khổng lồ, cực kỳ hùng mạnh trải khắp thế giới. Tiền bạc của ông Trump chỉ giống như hạt cát trong sa mạc so với tiền của liên minh chống lại ông.
Ngoài những điều rất quan trọng là tiền và sự ủng hộ thì yếu tố quan trọng nhất mà quyết định thắng hay bại là bằng chứng. Không có đủ bằng chứng thuyết phục thì lý lẽ có thấu tình đạt lý đến thế nào cũng vẫn thua cuộc. Điều mấu chốt của cuộc chơi này là những con bài giấu trong tay áo của ông Trùm.
Trông người mà ngẫm đến ta, khi có người nói rằng sở dĩ ông cựu thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình về nhận mức ‘kỷ luật cảnh cáo’ mà tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ‘ưu ái’, đơn giản là vì ông Bình sinh năm 1961, đang được đồn đoán là ứng viên cho vị trí thủ tướng chính phủ với thấp thoáng đàng sau hậu trường là cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Về mặt quy phạm pháp luật, thì chuyện kỷ luật đảng chẳng liên quan chi đến lá phiếu cử tri dành cho chính khách nào đó. Cũng về mặt quy phạm pháp luật, thì ngay cả ông tổng bí thư đảng không có quyền bổ nhiệm – phân công bất kỳ một nhân sự nào trong bộ máy quản lý hành chính điều hành quốc gia.
Thế nhưng trên thực tế thì quyền lực của ông tổng bí thư Đảng là quyền lực tối cao của một ông trùm – nhắc lại, ‘một ông trùm’ chứ không phải là ‘một hoàng đế’. Bởi chỉ có là ông trùm, thì mới có quyền bá đạo, quyền bất chấp luật pháp cho hành xử. Chứ dẫu là ‘thiên tử’ chăng nữa, thì một khi hoàng đế là hôn quân, người ta vẫn có thể kêu gọi cho một án trảm – “Bao giờ dân nỗi can qua, con vua thất thế lại ra quét chùa”.
Cụ thể cho dễ hình dung: từ câu chuyện kiện cáo trong bầu cử tổng thống Mỹ, giả dụ ai đó có ý kiến rằng cần thiết đáo tụng đình về cáo buộc vì sao Điều 117 Bộ luật Hình sự của Việt Nam chỉ nói về Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, song hễ ai chống Đảng Cộng sản Việt Nam thì còn bị bỏ tù nhanh hơn?
Ở Việt Nam, những ai viết bài kêu gọi ủng hộ về quyền tự do chính trị, cổ súy đa nguyên – đa đảng, thay vì bị buộc tội ‘chống Đảng’, đàng này lại ‘hoán vị’ là ‘chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam’. Dễ hiểu, pháp luật hình sự của Việt Nam, mãi cho đến nay chẳng hiểu tại sao lại không thiết kế một điều luật về chế tài hành vi ‘chống Đảng’.
Như vậy, liệu ai đó bị khởi tố theo Điều 117 Bộ luật Hình sự, họ được quyền kiện ngược lại về sự suy diễn này đối với hành vi đúng nhất ở đây của họ, là chống sự độc tài toàn trị của đảng cộng sản Việt Nam. Ngoài ra, ở đây ngay cả việc cáo buộc ‘chống Nhà nước’ cũng không thuyết phục nếu căn cứ vào cái gọi là Tư tưởng Hồ Chí Minh. Bởi, “Nếu chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi chính phủ” (Hồ Chí Minh toàn tập, nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, tập 4, trang 283).
Bởi, nói đến dân chủ là phải nói đến tinh thần tôn trọng ý kiến khác biệt, tôn trọng phe đối lập, phải coi những gì đối lập với mình là sự tồn tại tự nhiên và cần thiết. Tự nhiên là vì không có một xã hội nào mà tất cả mọi người đều có cùng một ý kiến trên cùng một vấn đề. Cần thiết là vì đối lập giúp cho mỗi người ít nhất cũng giảm được khả năng sai lầm, ngộ nhận hay tự phụ.
Trận chiến pháp lý mà ông Trump khởi xướng cũng đến từ dân chủ.
Nếu mai này, ngay sau Đại hội XIII của Đảng, nhân danh dân chủ định hướng xã hội chủ nghĩa, có ai đó kiện ông Nguyễn Phú Trọng về chuyện trong suốt thời gian là người đứng đầu Đảng, ông đã để quá nhiều đảng viên sai phạm, tham nhũng,… khiến niềm tin của dân chúng vào Đảng sút giảm, do đó dẫu có rời chức vụ tổng bí thư đi nữa thì đó không thể tiếp tục là ‘kim bài miễn tử’, mà ông Nguyễn Phú Trọng cần có bản án thích đáng về việc làm suy yếu ‘lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội’, ghi tại Điều 4.1, Hiến pháp 2013.