VNTB – Tranh chấp “bảo hiểm nhân thọ”: Những dzích dzắc văn bản (Bài1)

VNTB – Tranh chấp “bảo hiểm nhân thọ”: Những dzích dzắc văn bản (Bài1)

Hoài Nguyễn

 

Kỳ 1: Những dzích dzắc văn bản

 

(VNTB) – Số liệu ước tính của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho thấy chiếm tỷ trọng lớn của toàn ngành nên các vụ tranh chấp thuộc lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ vẫn khá căng thẳng, vì rất nhiều lý do như điều khoản không rõ ràng trong thiết kế câu từ pháp lý…

 

Để giúp quý bạn đọc trang Việt Nam Thời Báo có thêm góc nhìn về vấn đề tranh chấp hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, xin được trích giới thiệu một bản án liên quan.

Theo bản án sơ thẩm thì nội dung vụ án như sau:

Trong đơn khởi kiện đề ngày 12/6/2019 và trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn – ông Lâm Nghĩa H trình bày:

Nguyên đơn và bị đơn – Công ty TNHH Prudential có ký Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ số 00182519; bị đơn cấp cho nguyên đơn Thư xác nhận hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và Giấy chứng nhận bảo hiểm nhân thọ của hợp đồng số 00182519 ngày 18 tháng 6 năm 2008.  

Số tiền phí bảo hiểm nguyên đơn đóng mỗi tháng gồm: 260.900 đồng phí bảo hiểm Phú – Tích lũy An khang; 152.900 đồng phí bảo hiểm nhân thọ có kỳ hạn; 30.000 đồng phí bảo hiểm chết và tàn tật do tai nạn. Nguyên đơn đã đóng 48 tháng x 443.800đồng/tháng = 21.302.400 đồng, trong đó, tiền phí bảo hiểm Phú – Tích lũy An khang là 12.523.200 đồng, tiền bảo hiểm phi nhân thọ là 8.779.200 đồng.

Nguyên đơn và bị đơn có ký Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ số 00196105; bị đơn cấp cho nguyên đơn Thư xác nhận hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và Giấy chứng nhận bảo hiểm nhân thọ của hợp đồng số 00196105 ngày 18 tháng 6 năm 2008.

Số tiền phí bảo hiểm nguyên đơn đóng mỗi tháng gồm: 130.400 đồng phí bảo hiểm Phú – Tích lũy An khang; 76.500 đồng phí bảo hiểm nhân thọ có kỳ hạn; 15.000 đồng phí bảo hiểm chết và tàn tật do tai nạn.

Nguyên đơn đã đóng 49 tháng x 221.900 đồng/tháng = 10.873.100 đồng, trong đó, tiền phí bảo hiểm Phú – Tích Lũy An Khang là 6.389.600 đồng, tiền bảo hiểm phi nhân thọ là 4.483.500 đồng.

Nguyên đơn xác nhận hai hợp đồng bảo hiểm đã được khôi phục hiệu lực (tái tục) bằng cách dời ngày bắt đầu có hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm nên giấy chứng nhận bảo hiểm nhân thọ được phát hành trước đây không còn giá trị.

Khi nguyên đơn yêu cầu bị đơn thanh toán số tiền bảo hiểm nhân thọ Phú – Tích lũy An khang có giá trị hoàn lại sau hai năm đóng phí thì bị đơn chỉ đồng ý trả 607.600 đồng cho Hợp đồng số 00182519 và 302.300 đồng cho Hợp đồng số 00196105.

Nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải có người có thẩm quyền ký xác nhận là chỉ đồng ý trả số tiền trên cho nguyên đơn. Bị đơn từ chối mà nói trả chỉ có vậy, nếu đồng ý thì ký vào và bị đơn sẽ trả số tiền trên. Vì thế nguyên đơn mới kiện ra tòa đòi quyền lợi của mình.

Tại Tòa, đại diện bị đơn là ông Lương Xuân D khẳng định không thể cung cấp ai là người có trách nhiệm xác nhận văn bản này.

Nguyên đơn xác nhận có ký hủy hai hợp đồng bảo hiểm nhân thọ này ngày 07 tháng 3 năm 2019 nhưng nguyên đơn không đồng ý với số tiền bị đơn đề nghị thanh toán là 607.600 đồng và 302.300 đồng mà bị đơn ghi trong hai văn bản này nên nguyên đơn không nhận số tiền và khiếu nại.

Hợp đồng bảo hiểm Phú – Tích lũy An khang là hợp đồng có giá trị giải ước khi đóng đủ 02 năm, còn hai hợp đồng phi nhân thọ là bảo hiểm nhân thọ có kỳ hạn và bảo hiểm chết và tàn tật do tai nạn không có giá trị hoàn lại hay giải ước và bị mất số tiền đã đóng khi không có sự kiện bảo hiểm xảy ra.

Do nguyên đơn có khó khăn nên không đóng tiếp và để dành khoảng 16.000.000 đồng giá trị giải ước để khi cần có thể sử dụng. Nay khi nguyên đơn cần thì bị đơn viện dẫn điều khoản tự động đóng phí trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và cho rằng đã tự động đóng cho phi nhân thọ nên không đồng ý trả tiền.

Nguyên đơn không đồng ý vì hợp đồng nào ra hợp đồng đó, không thể lấy điều khoản hợp đồng này áp vào hợp đồng phi nhân thọ vốn không có điều khoản tự động đóng phí.

Do đó, nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn trả lại 18.912.800 đồng giá trị hoàn lại (cách gọi cũ là giá trị giải ước) của phần nguyên đơn đóng bảo hiểm Phú – Tích lũy An khang của Giấy chứng nhận bảo hiểm nhân thọ của các Hợp đồng số 00182519 và số 00196105 ngày 18 tháng 6 năm 2008.

Do bị đơn không cung cấp được giá trị hoàn lại là bao nhiêu phần trăm và trong hợp đồng cũng không quy định cụ thể nên nguyên đơn xác định giá trị hoàn lại bằng 100% x tổng số tiền nguyên đơn đã đóng bảo hiểm Phú – Tích lũy An khang.

(Kỳ 2: Khi dao cầm đằng lưỡi)


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)