Việt Nam Thời Báo

VNTB – Trích hồi ký sắp xuất bản của Giáo sư Đoàn Viết Hoạt ( Kỳ 3)

Đoàn Viết Hoạt

 

Sau khi ở Mỹ về tôi tích cực nghiên cứu các tài liệu của Duy Dân do Thầy tôi đưa cho xem. Tôi thường tự tay đánh máy các tài liệu này làm nhiều bản truyền cho một số bạn thân cùng nghiên cứu. Nếu lúc đầu tôi bị hấp dẫn bởi các tài liệu về lịch sử và các bài văn thơ thì càng về sau tôi càng chú ý nhiều hơn tới các tài liệu về tư tưởng và về các quan điểm cách mạng và kiến thiết. Và càng hiểu biết tư tưởng của cụ Lý bao nhiêu tôi càng xem nhẹ tính chất tổ chức đảng phái hơn bấy nhiêu. Tôi không muốn bản thân mình bị trói buộc, lại càng không muốn bất cứ cái gì trói buộc tư tưởng của cụ Lý. Hình như có một điều nghịch lý là tư tưởng muốn được phổ biến và thực hiện cần phải có tổ chức, nhưng tổ chức lại thường đóng khung tư tưởng và làm nó mất đi tính sáng tạo nguyên thủy đầy sức hấp dẫn. Mác cũng đã thấy điều đó và ông thường xuyên cảnh giác về nguy cơ đó đối với ngay tư tưởng của ông. Nhưng như ta đã thấy chính sự thành công của đảng cộng sản, một kiểu mẫu khó vượt qua về mặt tổ chức cách mạng cướp chính quyền, đã đóng cõi tương lai của tư tưởng Mác và đẩy nó vào lịch sử. Và từ đó đã mở đường cho sự sụp đổ của cả hệ thống chính trị cộng sản quốc tế vào đúng lúc mà những người cộng sản quốc tế tưởng rằng xu thế lịch sử đã thuộc về họ. Tôi không muốn điều đó lại xẩy ra với học thuyết của Lý Ðông A, một thiên tài tư tưởng đáng hãnh diện của dân tộc Việt. 

Ngay từ những năm đầu tiên thực sự hoạt động tích cực dưới sự hướng dẫn tinh thần của Thầy tôi tôi đã vững tin rằng số phận đó sẽ không xẩy ra với tư tưởng của Lý Ðông A vì hai lý do. Một là đảng Ðại Việt Duy Dân không còn tồn tại như là một tổ chức cách mạng có cơ cấu và kỷ cương chặt chẽ. Chính Lý Đông A đã giải tán nó trước khi ông ẩn tích. Lúc mới hoạt động tôi cũng băn khoăn nhiều về thực tế này và vẫn cố gắng cùng nhiều đồng chí Duy Dân khác củng cố và phát triển tổ chức. Nhưng càng về sau tôi càng nhận ra được rằng chính sự thất bại của Duy Dân về mặt tổ chức đảng lại mở rộng cánh cửa vào tương lai cho tư tưởng của Lý Ðông A. Việc thành lập cũng như các hoạt động của đảng Đại Việt Duy Dân, so với các đảng cách mạng khác thì quá non trẻ, chỉ chưa quá 3 năm kể từ ngày thành lập đến khi giải tán Tổng Đảng Bộ. Cuối bản Tuyên Ngôn Thành Lập Tổng Đảng Bộ ghi “ngày 1 tháng 1 năm 1943 tại Hòa Bình”. Trong khi đó ông Như Phong Lê Văn Tiến cho tôi biết năm 1943, theo lệnh của Nguyễn Tường Tam, ông theo Hoàng Đạo Nguyễn Tường Long xuống Hải phòng để đón Lý Đông A từ Hoa Nam về, và để nhận bản Ký Trình (*), thủ bút của Nguyễn Tường Tam. Như vậy Tổng Đảng Bộ Đại Việt Duy Dân không thể được thành lập ngày 1 tháng 1 năm 1943 tại Hòa Bình. Nếu đúng là được thành lập ngày 1 tháng 1 năm 1943, thì nó phải được thành lập từ bên Hoa Nam. Và đây là điều cụ thân sinh tôi, Thái Nhân, Cán sự trưởng Cán sự bộ 002 cho tôi biết chính cụ Lý đã xác nhận như thế, nhưng khi Lý Đông A về lại Việt Nam, ông chính thức ra mắt Tổng Đảng Bộ tại Hòa Bình.

Lý Đông A đã chuẩn bị cho việc thành lập đảng Đại Việt Duy Dân rất kỹ. Ông soạn bộ tài liệu Tổ Đảng rất công phu. Có thể nói đây là một tài liệu ông viết kỹ nhất, dài nhất. Có đoạn ghi rõ ông viết năm 1943 tại Liễu Châu. Chắc ông kỳ vọng vào việc tổ chức một đảng cách mạng kiểu mẫu theo đúng quan niệm về cách mạng và về vai trò của một tổ chức vừa giành lại độc lập cho dân tộc vừa kiến thiết một nước Việt mới trong thời đại 2000. Nhưng tiếc thay Lý Đông A đã không có được thời gian cũng như một người phụ tá chuyên về tổ chức. Tôi nghe thầy tôi nói Lý Đông A cho biết ông có một người phụ tá rất giỏi về tổ chức đã bị chết trong thời gian ông hoạt động cùng với Trần Trung Lập tại Lạng Sơn. Hơn nữa, đảng Đại Việt Duy Dân ra đời quá trễ, Lý Đông A và các vị sáng lập ra đảng không có đủ thời gian để củng cố và phát triển đảng trước khi thời cuộc quốc tế cuốn đi diễn tiến toàn bộ tình hình đất nước. Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra đời trước đó cả 10 năm lại được LX hỗ trợ, vừa có đủ thời gian, vừa lợi dụng được thế dựa quốc tế để phát triển. Nhân vật Hồ Chí Minh lại có đủ các thủ đoạn chính trị phù hợp tình thế để kịp cướp thời cơ, độc chiếm ngọn cờ dân tộc, và thẳng tay tiêu diệt những nhân tài son trẻ của đất nước. Ba vị thiên tài lúc đó bị Hồ chí Minh và đảng Cộng sản tiêu diệt đều còn ở độ tuổi dưới 30: Huỳnh Phú Sổ miền Nam, Trương Tử Anh miền Trung và Lý Đông A miền Bắc. Riêng Lý Đông A khi ẩn tích mới có 26 tuổi. Nếu ba vị này không bị triệt tiêu thì đất nước chắc chắn đã đổi khác. Nhưng làm sao cưỡng lại được, vận nước đã xẩy ra như thế, với một nhân vật đa tài nhưng manh tâm như Hồ chí Minh. 

Hiện nay tư tưởng của Lý Ðông A đang ảnh hưởng tới suy nghĩ và ngay cả ngôn từ của nhiều người hoạt động chính trị và văn hóa Việt Nam ở hải ngoại và trong nước chính là nhờ tư tưởng đó đã thoát ra khỏi cái khung đảng phái và được công khai hóa dần. Hệ thống tư tưởng này đang và sẽ trở thành tài sản văn hóa chung của mọi người Việt chứ không riêng của một nhóm người nào hay một đoàn thể chính trị nào.

Một điểm khác nữa mà càng đi sâu nghiên cứu về tư tưởng của cụ Lý tôi càng nhận ra. Ðó là những nét lớn nhất, bao quát nhất mà cũng tinh túy nhất của toàn bộ hệ thống tư tưởng của ông đều đã được ông trình bầy đầy đủ. Ðồng thời vì chúng mới chỉ được trình bầy một cách rất xúc tích cô đọng nên vẫn mở rộng cánh cửa hầu như vô tận và đầy sáng tạo cho sự phát triển tư tưởng và hệ thống lý luận. Hơn thế nữa, các tài liệu của Lý Ðông A vừa mang được tính cô đọng súc tích như lối trình bầy của kinh điển Phật học, Dịch học cổ Ðông phương, lại vừa có tính phân tích chi li, nhưng chưa khai triển, như lối trình bầy của triết học và khoa học Tây phương, với cách dàn bài rất chi tiết như A,B,C, rồi A1,A2,A3, rồi lại phân tích xuống tầng nhỏ hơn, A1a, A1b, A1c, v.v… Có thể nói đa số các tài liệu của Lý Ðông A đã được trình bầy theo dạng thức dàn bài chi tiết như thế. Nó cung cấp cho người đọc một cái nhìn thống hợp,  cô đọng vừa bao trùm, lại vừa chi tiết, nhiều khi đến chi ly một cách đáng ngạc nhiên. Nhưng ngay những chi tiết phân tích này cũng chỉ là những nét gợi ý, vừa đòi hỏi người đọc phải nghiên cứu rộng thêm vào nhiều ngành học thuật khác mới hiểu được, lại vừa mở ra cho người nghiên cứu cơ hội sáng tạo và đóng góp làm giàu thêm hệ thống tư tưởng nguyên gốc (*). Có thể vì hoàn cảnh khó khăn và nhu cầu cấp bách của công cuộc cách mạng lúc đó mà người sáng lập học thuyết đã không thể khai triển cụ thể hơn nữa được. Nhưng theo tôi đó lại là điều hay vì nếu không ngày nay hậu sinh chúng ta sẽ chẳng còn gì để phải tìm hiểu và phát triển tư tưởng của Lý Ðông A nữa. Tất nhiên những suy nghĩ này phải mãi về sau tôi mới dần dần nhận ra được.

Ngay khi mới di cư vào Nam thầy tôi đã cùng một số cán bộ Duy Dân thuộc nhiều hệ phái khác nhau tìm cách thống nhất tổ chức. Lúc đầu một cơ cấu chung đã được hình thành mang tên Trung Tâm Cơ Cán có một tờ báo chung là Vạn Thắng. Khi đi vào hoạt động nảy sinh nhiều bất đồng. Theo thầy tôi bất đồng chính là có nên tham gia hoạt động chính trị nổi trong tình hình lúc đó không. Thầy tôi không đồng ý với mọi hình thức hoạt động công khai vào lúc đó vì Thầy tôi cho rằng hoạt động như thế vi phạm nguyên tắc bí mật của thời kỳ “tĩnh viên” đã được Thư Ký Trưởng Lý Ðông A đề ra. Hơn nữa chính trường Việt Nam trên bề nổi lúc đó bị tác động bởi người Mỹ quá mạnh, các lực lượng chính trị không chủ động được. Vì thế Thầy tôi quyết định rút về hoạt động riêng trong cán sự bộ của ông tức CSB/002. Ông cho tổ chức lại cơ sở ở nhiều nơi, ở miền Trung, Cao nguyên và cả miền Tây, đồng thời lập các ban chuyên môn trong đó tôi tham gia hai ban là báo chí và huấn luyện. Hai ban này được đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thầy tôi, trong cơ cấu Trung Ương Học Xã của Cán Sự Bộ 002 gọi tắt là 002/TƯHX. Mọi tài liệu bài viết do chính Thầy tôi biên soạn hay được Thầy tôi duyệt qua đều ghi 002/TƯHX hay ghi bí danh người biên soạn nhưng đều có ghi kèm theo ký danh 002/TƯHX. Cơ quan TƯHX 002 cũng trực tiếp ấn hành nội san Nghĩa Gốc in roneo lúc đầu do thầy tôi trực tiếp trông nom về nội dung. Tờ báo in hai câu sau đây ngay nơi trang đầu:                            

              Nghĩa Gốc là vũ khí tinh thần

              Lấy Nghĩa Gốc gây nên Sức Gốc.

Thầy tôi có một đồng chí làm thầu xây cất nên tương đối có tiền, ông này mua một máy in roneo để in tài liệu và nội san Nghĩa Gốc. Bộ Một phát hành được 7 số thì tôi sang Mỹ du học. Ðầu năm 1968 lúc đang học ở Mỹ tôi nhận được số 8 do ông Ðặng Trần Minh nhờ ông Thích Thuyền Ấn chuyển cho khi ông này sang Mỹ du học. Ðể tránh sự chú ý, tờ bìa có in hình lá cờ của Duy Dân được xé bỏ. Sau đó tôi không nhận được nội san này nữa. Khi trở về nước vào năm 1971 tôi được biết Thầy tôi đã tạm ngưng phát hành nội san này vì cho rằng những người phụ trách đã không giữ được bí mật. 

Nhưng rồi dân tộc chúng tôi sẽ có những gì mà họ chưa có, và họ cũng sẽ có. Tôi cám ơn họ, cám ơn nước Mỹ và môi trường đại học Mỹ đã giúp tôi có cơ hội hiểu rõ thêm được điều này, điều mà tôi đã phần nào nhận ra được qua học thuyết Duy Dân của Lý Đông A.

Vào năm cuối cùng ở Mỹ tôi nhận ra được những điều đó. Tư tưởng tôi dần dần ổn định. Tôi hiểu được con đường dân tộc tôi đã phải trải qua và sẽ còn phải trải qua để rửa sạch tâm thân, rũ sạch bụi bặm trước khi tiến vào thời đại phục hưng. Ðể tiêu hóa được những chất liệu văn hóa đã đến từ muôn phía, nhất là từ Âu-Mỹ, rất nhiều khi là miễn cưỡng, với thương đau, chết chóc và cả tủi nhục, như trong cả thế kỷ qua. Dân tộc Việt phải vượt thoát những đau thương tủi nhục này để từ đó vươn mình lên bước vào thời đại mới. Nhân loại và thời đại đã sẵn sàng cung cấp cho dân tộc Việt những điều kiện để tiến lên. Chỉ còn chính dân tộc Việt của tôi vẫn chưa sẵn sàng Những chất liệu văn hóa đến từ cuộc viễn chinh nam tiến, với Chàm, Chân Lạp và với Tây phương –vừa thống nhất vì đều là của loài người, lại vừa mâu thuẫn, tương tranh, vì nhân loại chưa thật sự là một– cần được tiêu hóa để thống nhất trong vườn hoa Việt và vườn hoa văn hóa chung của loài người. Ðể từ đó Việt tộc vươn mình lên bước vào thời đại mới, thời đại Đại Việt 2000, cùng sống cùng tiến với các dân tộc khác trong một thế giới thật sự đại đồng, nhưng đại đồng với những tiểu dị, như một vườn hoa với muôn hoa muôn sắc. Như chính Lý Tiên Sinh đã đưa ra, “tập đại thành đông tây kim cổ”, để vươn lên mà phục hưng trong thời đại toàn cầu 2000.

Càng hiểu biết thêm những tiến bộ của nhân loại, của thế giới, tôi càng thấy tin tưởng hơn vào khả năng của con người. Và càng hiểu rằng dân tộc tôi sẽ chỉ vươn dậy được nếu nhanh chóng hoà nhập vào dòng tiến hóa chung của nhân loại. Nhưng hòa chứ không để bị hóa để rồi sẽ bị diệt vong, dù có thể vẫn còn người Việt, nước Việt. Và tôi càng hiểu rõ hơn tại sao ngay từ đầu thập niên 1940, trong bối cảnh hậu đệ nhị thế chiến, Lý Ðông A đã đưa ra viễn ảnh “Thời Ðại 2000”, đã đề nghị một Liên Bang Ðại Nam Hải, đã dự phóng một đại gia đình Thái Bình Dương, và một thế giới đại đồng, qua tiểu đại đồng quốc gia và trung đại đồng khu vực, hoàn toàn khác với Marx muốn tiêu diệt các dân tộc để xây dựng thế giới đại đồng ảo ảnh. Lòng tôi tràn đầy niềm tin và hy vọng vào tương lai tươi sáng của dân tộc Việt và của loài người, dù tôi cũng thấy rõ trước mặt còn đầy bất ổn và khó khăn. Một niềm tin và một sức mạnh mới dâng lên rào rạt trong tâm hồn còn tươi trẻ của tôi lúc đó.


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Trích hồi ký sắp xuất bản của Giáo sư Đoàn Viết Hoạt ( Kỳ 4)

Do Van Tien

VNTB – Tôi Không Bao Giờ Xin Đặc Xá!

Trương Thế Tử

VNTB – Tình hình Việt Nam hiện nay*

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo